Hệ thống kết cấu hạ tầng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ngành du lịch tỉnh bình định từ năm 1991 đến năm 2016 (Trang 30 - 35)

7. Bố cục của Luận văn

1.1.3. Hệ thống kết cấu hạ tầng

1.1.3.1. Hệ thống giao thông

Bình Định là một trong số ít địa phương trên cả nước có đầy đủ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không và đường biển. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống giao thông đã được mở rộng, nâng cấp nhiều. Đây là tiền đề thuận lợi cho phát triển du lịch của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

- Hệ thống đường bộ

Tổng chiều dài mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh là 9.437 km. Trong đó: quốc lộ có 5 tuyến với tổng chiều dài 308,5 km; đường tỉnh có 12 tuyến với tổng chiều dài 455,3 km, (trong đó đã trừ tuyến ĐT.635 được chuyển thành quốc lộ 19B và ĐT. 638 được chuyển thành quốc lộ 19C); đường huyện có 45 tuyến với tổng chiều dài 490,1 km; đường giao thông nông thôn (đường xã, liên xã, trục chính xã, đường trục thôn xóm, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng) với tổng chiều dài 7.363 km; đường đô thị với tổng chiều dài 613,4 km; đường chuyên dùng với tổng chiều dài 207 km.

Mật độ mạng lưới đường (không tính đến đường ngõ xóm và đường nội đồng) tại Bình Định là 0,87 km/km2, cao hơn mức bình quân của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung là 0,59 km/km2 [60, tr.52].

Hệ thống quốc lộ và đường bộ đối ngoại: Hệ thống quốc lộ giữ vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển du lịch tỉnh Bình Định, đặc biệt các tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 19. Quốc lộ 1 là một phần của tuyến du lịch xuyên Việt bằng đường bộ, vì vậy có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển du lịch

tỉnh Bình Định theo trục Bắc – Nam để kết nối với các địa phương khác trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Quốc lộ 19 là đoạn đầu của hành lang du lịch Đông - Tây của tỉnh Bình Định nối với các tỉnh Tây Nguyên và các nước ASEAN theo đường bộ. Cả hai tuyến quốc lộ trên đều đang được mở rộng, nâng cấp, vì vậy trong giai đoạn phát triển mới sẽ là cơ sở hình thành các trục không gian du lịch, các tuyến du lịch chính của tỉnh.

Hệ thống đường tỉnh: Tỉnh Bình Định có 12 tuyến đường tỉnh đang được khai thác sử dụng với tổng chiều dài là 455,3 km. Tỷ lệ chiều dài có mặt đường nhựa và bê tông xi măng rất cao, mặt đường bê tông nhựa chiếm 58,77%, mặt đường bê tông xi măng chiếm 40,84%, tỷ lệ đường đất còn lại không đáng kể, chỉ có 0,39% (đoạn dài 1,8 km trên tuyến ĐT.637).

Đường huyện, đường xã: Toàn tỉnh hiện nay có 45 tuyến đường huyện với tổng chiều dài là 490,1 km chiếm 5,21% tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn tỉnh. Quy mô đường huyện chủ yếu là 1 làn xe, một số ít đường có 2 làn xe. Cầu trên các tuyến đường huyện chủ yếu có tải trọng thiết kế là H13, một số có tải trọng H18 và cao hơn, đa số cầu đã cũ, cần bảo trì thường xuyên hoặc sửa chữa, một số cần được xây dựng mới. Tỷ lệ đường huyện được cứng hoá rất cao, trong đó đường bê tông nhựa chiếm 90,83%, đường bê tông xi măng chiếm 3,47%, đường đất chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Đường đô thị: Toàn tỉnh có 613,4 km đường đô thị, tập trung chủ yếu tại thành phố Quy Nhơn và thị xã An Nhơn. Trong đó 88% đã được nhựa hóa và bê tông hóa, vẫn còn một số đường đất ở thị xã An Nhơn và các thị trấn. Quy mô đường đô thị chủ yếu là đường 2 và 3 làn xe, một số tuyến trục chính có 4 làn xe, mặt bê tông nhựa và bê tông xi măng…

- Hệ thống đường sắt

Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy dọc tỉnh với chiều dài là 158,4 km bao gồm tuyến chính Bắc - Nam và 1 nhánh nối vào thành phố Quy Nhơn, có 12

ga nằm trên địa phận tỉnh Bình Định. Tuyến chính Bắc - Nam dài 148 km từ đèo Bình Đê (ranh giới với tỉnh Quảng Ngãi) đến Mục Thịnh (ranh giới với tỉnh Phú Yên). Nhánh nối vào Quy Nhơn bắt đầu từ ga Diêu Trì đến ga Quy Nhơn tại thành phố Quy Nhơn có chiều dài 10,4 km [47, tr. 53]. Đường sắt cũng là cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng đối với phát triển du lịch tỉnh Bình Định trong chương trình du lịch xuyên Việt.

- Đường hàng không

Cảng Hàng không Phù Cát thuộc huyện Phù Cát, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 30 km về phía Tây Bắc. Sân bay đạt cấp 4C theo phân cấp của ICAO. Công suất 300.000 hành khách/năm, nhà ga hành khách có diện tích 3.000 m2, đáp ứng khả năng khai thác loại tàu bay A321 và tương đương.

Cảng hàng không Phù Cát có vị trí quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định. Trong hệ thống các sân bay nội địa miền Trung, Phù Cát là sân bay khai thác máy bay lớn. Đây là lợi thế so sánh của giao thông hàng không Bình Định với một số tỉnh trong khu vực.

- Hệ thống đường thủy nội địa

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 01 tuyến đường thủy nội địa là tuyến Đống Đa – Nhơn Châu còn khai thác phục vụ hành khách đi lại với tần suất 01 chuyến đi về/ ngày. Tuyến do Cục đường thuỷ nội địa, Bộ Giao thông vận tải quản lý với chiều dài 30 km. Ngoài ra, hoạt động vận tải thủy nội địa vẫn có ở một số khu vực mặt hồ, không có tuyến công bố với tần suất không cố định phục vụ nhu cầu du lịch, dân sinh như tại Hầm Hô, hồ Núi Một.

- Hệ thống đường biển

Bình Định có 134 km bờ biển với nhiều đảo, vũng, vịnh và các cửa biển rất thuận lợi xây dựng cảng biển. Các bến cảng biển chính đều tập trung ở thành phố Quy Nhơn và khu vực tiếp giáp đầm Thị Nại. Cụm cảng biển Quy Nhơn có tầm quan trọng chiến lược về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng

của tỉnh Bình Định, khu vực miền Trung và khu vực Tây Nguyên.

Cụm cảng biển Quy Nhơn hiện tại có 1 khu bến hoạt động là khu bến Quy Nhơn – Thị Nại, bao gồm 05 bến tổng hợp và 02 bến chuyên dùng đang khai thác, 05 bến cảng tổng hợp là: cảng Quy Nhơn, Thị Nại, Tân cảng Quy Nhơn, Tân cảng Miền Trung và bến địa phương Đống Đa (hiện không khai thác). Hai bến chuyên dùng là bến xăng dầu Quy Nhơn và bến xăng dầu An Phú.

Luồng hàng hải Quy Nhơn sau khi được đầu tư nâng cấp có thông số kỹ thuật cơ bản: tổng chiều dài tuyến luồng là 6,3 km; chiều rộng 110 m; cao độ đáy đạt -11,0m; vũng quay trở tàu rộng 300 m. Việc đưa luồng hàng hải Quy Nhơn vào sử dụng sẽ tạo điều kiện cho các tàu có trọng tải 50.000 DWT giảm tải ra vào luồng Quy Nhơn an toàn, giúp giải quyết nhanh chóng lượng hàng hóa thông qua các cảng.

Cảng Quy Nhơn được quy hoạch là cảng tổng hợp quốc gia (loại I) trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Phục vụ các tỉnh phía Bắc của Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và vùng kinh tế biên giới ba nước Đông Dương.

Giao thông đường biển là thế mạnh của tỉnh để khai thác các tuyến du lịch đường biển đến các địa phương khác trên cả nước, đến các đảo ven bờ của Việt Nam và các nước trong khối ASEAN.

1.1.3.2. Hệ thống cung cấp điện

Bình Định đã xây dựng và thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010 có xét đến tới 2015 với mục tiêu 100% số xã có điện, trong đó 97% số xã được cấp điện lưới quốc gia, 98% số thôn có điện. Những năm qua, Bình Định đã tranh thủ nguồn vốn WB (Ngân hàng thế giới) đầu tư trung áp, hạ áp. Đến nay, 100% xã có điện lưới (trừ xã đảo Nhơn Châu) và có trên 99% số hộ dùng điện, thực hiện việc chuyển đổi mô hình, cấp phép hoạt động điện lực, vận hành lưới điện hạ thế an toàn, áp dụng

nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng điện, giảm tổn thất điện năng, đảm bảo giá bán điện đến hộ dân nông thôn.

Từ năm 2010, điện năng thương phẩm đạt 1.312 triệu KWh tăng 18,9% so với năm 2006, bình quân điện năng tiêu thụ 820 KWh/người, gấp đôi năm 2006 (năm 2006 là 415 KWh/người).

1.1.3.3. Hệ thống cấp nước

Nhà máy nước Quy Nhơn được đầu tư nâng cấp có tổng công suất 45.000 m3/ngày đêm (sẽ tiếp tục tăng lên 48.000 m3/ngày đêm), hiện nay đã cấp nước cho hơn 90% dân số và các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Quy Nhơn và một phần khu kinh tế Nhơn Hội. Công suất cấp nước cho khu công nghiệp Phú Tài: 8.500 m3/ngày đêm. Đang xây dựng công trình cấp nước cho khu kinh tế Nhơn Hội: 12.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 1). Tỉnh đang hoàn thiện dự án cấp nước cho 9 thị trấn trong tỉnh với công suất 21.300 m3/ngày đêm.

1.1.3.4. Hệ thống bưu chính, viễn thông

Mạng lưới bưu chính viễn thông với đủ các loại hình dịch vụ có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu trao đổi thông tin, liên lạc. Đến nay, đã có khoảng 90% tổng số xã có điểm bưu điện - văn hoá; tỷ lệ thuê bao điện thoại đạt 55 đến 60 thuê bao/100 dân; mật độ thuê bao Internet đạt 6 đến 8 thuê bao/100 dân, trong đó số thuê bao Internet băng rộng chiếm khoảng 80%, tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 25% đến 30% dân số.

1.1.3.5. Hệ thống đô thị, điểm dân cư tập trung

Hiện nay, toàn tỉnh có 01 thành phố đô thị loại 1 (Quy Nhơn), 01 thị xã thuộc tỉnh (An Nhơn) và 09 thị trấn huyện lỵ. Đây là những khu vực có cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật tương đối phát triển thuận lợi cho các hoạt động du lịch, trong đó thành phố Quy Nhơn là trung tâm hoạt động du lịch toàn tỉnh.

Khu vực bãi biển Quy Nhơn (từ Mũi Tấn đến Ghềnh Ráng) đã được chỉnh trang với không gian xanh, sạch, đẹp, an toàn cho du khách. Trong đó, việc hoàn thành việc di chuyển tàu đánh cá và các hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản; xây dựng tuyến tượng nghệ thuật ven biển dọc theo tuyến đường Xuân Diệu, An Dương Vương... từng bước đáp ứng được nhu cầu phục vụ nhân dân và khách du lịch.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ngành du lịch tỉnh bình định từ năm 1991 đến năm 2016 (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)