Tác động đến kinh tế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ngành du lịch tỉnh bình định từ năm 1991 đến năm 2016 (Trang 94 - 96)

7. Bố cục của Luận văn

3.2.1. Tác động đến kinh tế

Ngành du lịch có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của các nước đang phát triển. Tổ chức Du lịch Thế giới Liên hợp quốc nhận định rằng: “Tại nhiều quốc gia đang phát triển, du lịch là nguồn thu nhập chính, ngành xuất khẩu hàng đầu, tạo ra nhiều công ăn việc làm và cơ hội cho sự phát triển” (WTO-HL 2008). Trong những năm qua, ngành du lịch Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp của ngành Du lịch vào cơ cấu GDP ngày càng cao. Riêng đối với tỉnh Bình Định, trong giai đoạn 1991 - 2016 ngành du lịch đã có những tác động đến nền kinh tế của tỉnh:

Thứ nhất: Du lịch tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Từ năm 1990 kinh tế Bình Định nằm trong quỹ đạo chung của sự phát triển kinh tế cả nước, bắt đầu có thay đổi đáng kể là kết quả tất yếu của công cuộc đổi mới. Tỷ lệ tăng trưởng khá: giai đoạn 1990- 2000 đạt 7,65%, giai đoạn 2000-2010 đạt 10,01% và giai đoạn 2010-2016 đạt 6,13%. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2016 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt tăng trưởng 7,53% so với cùng kỳ, vượt 0,03% so với kế hoạch (kế hoạch tăng trưởng GRDP năm 2016 là 7,5%). Trong đó khu vực dịch vụ ước đạt 19.486,9 tỷ đồng, tăng 8,52% so với cùng kỳ. Khu vực dịch vụ tiếp tục có đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2015 như bán buôn và bán lẻ tăng 8,7%, dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 6,91%, giao thông vận tải tăng 6,22%...

Có được những thành tựu quan trọng trên là do nhiều nguyên nhân, song chắc chắn có sự đóng góp không nhỏ của ngành du lịch tỉnh Bình Định. Cùng với tiến trình phát triển của du lịch cả nước, ngành Du lịch Bình Định đã có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Các chỉ tiêu phát triển về lượng khách, thu nhập, lao động ngành…tăng với tốc độ khá cao đã góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, mở ra thị trường tiêu thụ hàng hóa rộng lớn. Giá trị GDP từ du lịch tăng dần, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Thứ hai: Thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong 25 năm, tuy tốc độ còn chậm nhưng cơ cấu kinh tế tỉnh Bình Định đang chuyển dịch theo hướng: tăng dần tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng của khu vực nông nghiệp trong khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng của tất cả các khu vực và các ngành kinh tế. Đây là chuyển dịch tích cực, đúng hướng và phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Bình Định trong nhiều năm qua. Năm 2016, tổng sản phẩm trong tỉnh theo giá hiện hành ước đạt 60.097,9 tỷ đồng. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 15.564,8 tỷ đồng, chiếm 25,9%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 17.031,4 tỷ đồng, chiếm 28,3%; khu vực dịch vụ ước đạt 24.512,1 tỷ đồng, chiếm 40,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 2.989,6 tỷ đồng, chiếm 5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ. Nếu năm 1990, tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp chiếm 60%, công nghiệp - xây dựng chiếm 6,6% và dịch vụ 33,4% thì đến năm 2016, tỷ lệ tăng tương ứng là 25,9% - 28,3% - 40,8%. Trong đó khu vực dịch vụ đang ngày càng phát triển đa dạng, tăng cả về quy mô, chất lượng, nhất là ngành du lịch, hoạt động du lịch và vận chuyển tăng trưởng khá đã góp phần tăng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế.

Thứ ba: Du lịch phát triển sẽ thu hút vốn đầu tư, khoa học - kỹ thuật công nghệ hiện đại để phát triển kinh tế.

Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Sự đầu tư xuất phát từ du lịch sẽ kéo theo sự bùng nổ đầu tư của các ngành sản xuất vật chất dịch vụ khác (xây dựng, giao thông vận tải, tiểu thủ công nghiệp, thông tin liên lạc, khoa học - kỹ thuật…). Thu hút đầu tư đã và đang là giải pháp then chốt để tỉnh Bình Định đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong những năm qua, nguồn vốn đầu tư vào Bình định có sự tăng trưởng tương đối khả quan với vai trò đóng góp quan trọng của ngành du lịch. Năm 2016 toàn tỉnh đã thu hút được 40 dự án (chấp thuận chủ trương đầu tư) với số vốn đăng ký đầu tư là 9.709,004 tỷ đồng (tăng 857,004 tỷ đồng so với năm 2015). Trong đó lĩnh vực Dịch vụ - Du lịch vẫn là nhóm ngành tạo dấu ấn trong năm qua với 20 dự án được triển khai đầu tư trên toàn tỉnh Bình Định.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ngành du lịch tỉnh bình định từ năm 1991 đến năm 2016 (Trang 94 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)