Chủ trương, chính sách của Trung ương và Nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ngành du lịch tỉnh bình định từ năm 1991 đến năm 2016 (Trang 35 - 41)

7. Bố cục của Luận văn

1.2.1. Chủ trương, chính sách của Trung ương và Nhà nước

Trong suốt gần 60 năm hình thành và phát triển, ngành du lịch luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, ở mỗi thời kỳ đều xác định vị trí của du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phù hợp với yêu cầu cách mạng.

Trong giai đoạn 1991 - 2006 du lịch có bước phát triển mạnh mẽ với vị thế của một ngành kinh tế. Cùng với chính sách mở cửa và hội nhập của đất nước, nhận thức về du lịch đã có những thay đổi căn bản. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991) Đảng xác định: “Du lịch là ngành kinh tế quan trọng có thể phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế quốc dân. Cần khai thác sự hấp dẫn của thiên nhiên, di sản văn hóa phong phú và các lợi thế khác của đất nước, mở rộng hợp tác với nước ngoài để phát triển mạnh du lịch” [35, tr.350]. Ngày 22/6/1993, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/CP về đổi mới quản lý và phát triển du lịch. Đây là Nghị quyết quan trọng, tạo nên sự đột phá trong quá trình xây dựng và phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quan điểm của Đảng đối với phát triển du lịch được cụ thể hóa trong giai đoạn phát triển mới, theo đó du lịch được khẳng định là ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nghị quyết nêu rõ quá trình đổi mới quản lý và

phát triển ngành du lịch theo định hướng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội do Đảng và Nhà nước đề ra cần nhất quán những quan điểm sau: Là một ngành kinh tế mang tính chất tổng hợp, việc phát triển ngành du lịch phải lấy hiệu quả kinh tế xã hội làm mục tiêu chính. Đồng thời, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá, bản sắc dân tộc và nhân phẩm của con người Việt Nam; tính đa ngành của hoạt động du lịch dòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành, các cấp dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Nhà nước; thực hiện cơ cấu kinh tế có nhiều thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch nhưng Nhà nước làm là chính nhằm khai thác triệt để mọi khả năng về tiền vốn, kỹ thuật, trí thức và lao động ở trong và ngoài nước để phát triển du lịch; đẩy mạnh phát triển du lịch quốc tế, coi đó là một hướng chiến lược, đồng thời chú trọng phát triển du lịch nội địa, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân về tham quan, du lịch trong và ngoài nước, góp phần nâng cao dân trí, phục hồi sức khoẻ, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta.

Về phương hướng phát triển du lịch: Không ngừng nâng cao chất lượng và đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, tạo sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch quốc tế để làm cho ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh, sớm đuổi kịp ngành du lịch của các nước phát triển ở trong vùng và trên thế giới, đưa du lịch nước ta trở thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác trong nước, tạo công ăn, việc làm cho xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân về tham quan du lịch.

Về mục tiêu phát triển du lịch: Tập trung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trong cả nước, hình thành các trung tâm du lịch với những sản phẩm đặc sắc hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để xây dựng mới và cải tạo nâng cấp những cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có nhằm phấn đấu

đến năm 1995, có thể đón tiếp và phục vụ được trên 1 triệu lượt khách quốc tế và đến năm 2000, đón được khoảng 3 triệu lượt khách quốc tế; tăng doanh thu ngoại tệ tối thiểu gấp 10 lần so với năm 1992.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996) của Đảng có bước nâng cao về nhận thức phát triển kinh tế du lịch với mục tiêu từng bước đưa nước ta trở thành trung tâm du lịch, thương mại - dịch vụ có tầm cỡ trong khu vực”. Đại hội cũng nhấn mạnh phải:

“Triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng du lịch to lớn của đất nước theo hướng du lịch văn hóa, sinh thái môi trường. Xây dựng các chương trình và các điểm du lịch hấp dẫn về văn hóa, di tích lịch sử và khu danh lam thắng cảnh. Huy động các nguồn lực tham gia kinh doanh du lịch, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng ở những khu vực du lịch tập trung, các trung tâm lớn. Nâng cao trình độ văn hóa và chất lượng phục vụ phù hợp với các loại khách du lịch khác nhau. Đẩy mạnh việc huy động vốn trong nước đầu tư vào khách sạn. Cổ phần hóa một số khách sạn hiện có để huy động các nguồn vốn vào đầu tư cải tạo, nâng cấp. Liên doanh với nước ngoài xây dựng các khu du lịch và các khách sạn lớn, chất lượng cao, đòi hỏi nhiều vốn. Chuyển các nhà nghỉ, khách sạn sang kinh doanh khách sạn và du lịch” [38, tr.568-569].

Bước vào thế kỷ XXI, cách mạng nước ta vừa đứng trước cơ hội, vừa phải đối mặt với nguy cơ, thách thức không thể xem thường. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001) của Đảng xác định rõ hơn tầm quan trọng của ngành kinh tế du lịch: “Nâng cao chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động du lịch. Liên kết chặt chẽ các ngành liên quan đến hoạt động du lịch để đầu tư phát triển một số khu du lịch tổng hợp và trọng điểm, đưa ngành du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển và đa dạng hóa các loại hình và các điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, thể thao

hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và đẩy mạnh hợp tác liên kết với các nước trong hoạt động du lịch” [38, tr.805]. Đến năm 2005, Luật Du lịch ra đời đã nêu rõ quan điểm của Đảng ta là phát triển du lịch bền vững, theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường; phát triển có trọng tâm, trọng điểm theo hướng du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch sinh thái; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của tài nguyên du lịch.

Giai đoạn 1991 - 2006 là khoảng thời gian Du lịch Việt Nam đã khẳng định được vai trò của một ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mở ra thời kỳ phát triển “bùng nổ” du lịch ở Việt Nam với mức tăng trưởng bình quân năm cao trên hai con số. Sự phát triển du lịch Việt Nam ở thời kỳ này đã được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) ghi nhận và xếp Việt Nam vào danh sách một trong 7 quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Nếu lấy năm 1990 là dấu mốc lần đầu tiên phát động Năm Du lịch Việt Nam với 250.000 lượt khách quốc tế thì đến năm 2006, Việt Nam đã đón được 3,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng trên 14,4 lần trong 16 năm. Khách du lịch nội địa cũng tăng mạnh liên tục trong suốt giai đoạn vừa qua, từ 1,0 triệu lượt năm 1990 đến 2006 đạt con số 17,5 triệu lượt. Sự tăng trưởng không ngừng về khách du lịch đã thúc đẩy mở rộng quy mô hoạt động của Du lịch Việt Nam trên mọi lĩnh vực.

Những kết quả đạt được của ngành trong giai đoạn phát triển này về tổ chức quản lý, về xây dựng chiến lược, quy hoạch và chính sách, về phát triển đội ngũ, về mở rộng thị trường và hội nhập có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng cho Du lịch Việt Nam tự tin phát triển trong những giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 2006 - 2016, thời kỳ đẩy mạnh phát triển du lịch đáp ứng yêu cầu hội nhập. Nhận định rõ tình hình thế giới có những tác động rất lớn đến

phát triển kinh tế du lịch của cả nước. Đại hội đại biểu lần thứ X của Đảng (4- 2006) đã xác định: “Ưu tiên phát triển và hiện đại hoá các dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, thương mại, du lịch, đồng thời: Xây dựng một số trung tâm du lịch lớn trong nước, gắn kết có hiệu quả với các trung tâm du lịch lớn của các nước trong khu vực” [39, tr.202]. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 nhấn mạnh phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử, đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước và phát triển nhanh du lịch quốc tế, sớm đạt trình độ phát triển du lịch của khu vực. Xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất, hình thành các khu du lịch trọng điểm, đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các nước. Để đảm bảo sự phát triển của du lịch, một số chính sách chủ yếu được xác định bao gồm:

1) Nhà nước có cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực, tăng đầu tư phát triển du lịch để bảo đảm du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

2) Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch và môi trường du lịch; Tuyên truyền, quảng bá du lịch; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; Nghiên cứu, đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch mới... và phát triển du lịch tại nơi có tiềm năng du lịch ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhằm sử dụng lao động, hàng hoá và dịch vụ tại chỗ, góp phần nâng cao dân trí, xoá đói, giảm nghèo.

3) Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác quy hoạch; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị du lịch, khu du lịch, điểm du lịch; hỗ trợ công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch và môi trường du lịch, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đào tạo, phát

triển nguồn nhân lực du lịch.

4) Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch; công dân Việt Nam, người nước ngoài ở Việt Nam đi du lịch trong nước và nước ngoài; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch.

5) Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, các tầng lớp dân cư tham gia hoạt động du lịch, mở rộng giao lưu hợp tác giữa du lịch Việt Nam với du lịch khu vực và quốc tế.

6) Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện hình thành quỹ hỗ trợ phát triển du lịch từ nguồn đóng góp của các chủ thể hưởng lợi từ hoạt động du lịch, nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Giai đoạn 2006 - 2016 phát triển trong bối cảnh du lịch khu vực và thế giới chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tác động của xung đột chính trị ở một số khu vực và quốc gia, trong đó có vấn đề xung đột ở biển Đông. Du lịch Việt Nam vẫn tiếp tục chủ động thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về du lịch với việc xây dựng Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ phát triển mới đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục triển khai Chương trình hành động quốc gia về du lịch, Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, tham mưu với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chính phủ ban hành các chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh phát triển du lịch trong giai đoạn mới mà tiêu biểu là việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 về “Một số giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới”. Đây là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đề ra 5 nhóm giải pháp toàn diện có tính đột phá để du lịch Việt Nam huy động và kết nối các nguồn lực, vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp theo đó, trong các phiên họp thường kì tháng 4, tháng 5/2015, Chính phủ đã quyết định những giải pháp có ý nghĩa

hết sức quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết 92 như: miễn visa cho một số thị trường trọng điểm của Việt Nam, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là những vấn nạn đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm...

Năm 2016 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “có chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng và tính chuyên nghiệp cao. Tạo mọi thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, đi lại và đảm bảo an toàn, an nhinh. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam. Khai thác hiệu quả bền vững các di sản văn hóa, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và giữ gìn vệ sinh môi trường. Phát triển các khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô và chất lượng cao” [42, tr.288].

Nhìn chung từ năm 1991 cùng với sự đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế của đất nước, du lịch mới thực sự được coi là một ngành kinh tế cần được đầu tư phát triển. Quá trình thực hiện đổi mới quản lý, phát triển du lịch đã có những bước tiến lớn, chính vì vậy mà hoạt động du lịch giai đoạn này đã đạt được những thành tựu quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

1.2.2. Chủ trương của tỉnh Bình Định về phát triển ngành du lịch (1991 - 2016)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ngành du lịch tỉnh bình định từ năm 1991 đến năm 2016 (Trang 35 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)