Từ khi thành lập (năm 1898) cho đến năm 1975, thị xã Quy Nhơn diễn ra sự biến đổi về chính trị - xã hội hết sức sâu sắc. Sự hình thành và phát triển của thị xã Quy Nhơn gắn liền với quá trình cai trị của người Pháp và sau năm 1954 là người Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Quá trình thống trị của người Pháp cũng như người Mỹ ở Quy Nhơn làm cho tình hình chính trị - xã hội có những biến đổi to lớntheo thời gian.
Từ 1898 đến 1945, với ưu thế là những kẻ thống trị ở Việt Nam nói chung và Quy Nhơn nói riêng, Pháp đã thiết lập một bộ máy hành chính rộng lớn từ trung ương đến địa phương, và như một quy luật tất yếu thì kẻ nắm giữ các chức vụ cao cấp trong bộ máy hành chính này không ai khác chính là người Pháp, chính quyền bù nhìn Nam triều và những người Việt cam tâm làm tay sai cho chúng. Giai đoạn 1945 - 1954, nhân dân giành quyền làm chủ nên bộ máy chính quyền thuộc về những người cách mạng, kháng chiến. Bước sang giai đoạn 1954 - 1975, Quy Nhơn chịu sự cai trị của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Với ưu thế là kẻ thống trị ở miền Nam nói chung và Quy Nhơn nói riêng, chính quyền Sài Gòn với sự tiếp tay của Mỹ đã xây dựng một bộ máy hành chính rộng lớn từ trung ương đến địa phương. Không khác gì người Pháp trước kia, kẻ nắm giữ các chức vụ cao cấp trong bộ máy hành chính này không ai khác chính là những người Việt bị lối sống Mỹ làm cho “mờ mắt”, trở thành những kẻ cam tâm làm tay sai bán nước, phản bội cách mạng, và tất nhiên cũng có một bộ phận là người Mỹ.
Cơ cấu dân cư, giai cấp xã hội ở Quy Nhơn cũng dần dần biến đổi theo thời gian, nhưng tựu chung lại đó là một bên là các giai cấp, tầng lớp thuộc thành phần thống trị trở thành tay sai cho thực dân, đế quốc, họ cam tâm áp bức, bóc lột nhân dân để duy trì quyền lợi của chúng. Một bên là các giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động như công nhân, nông dân, trí thức… bị tước đoạt
tư liệu sản xuất, chịu sự áp bức, bóc lột nặng nề của bọn thực dân, đế quốc không có chút quyền lợi gì về chính trị, cuộc sống rất bấp bênh, nên sớm có tinh thần đấu tranh chống áp bức, bóc lột, quyết tâm giành lại độc lập, tự do cho đất nước.
Sự biến đổi về chính trị - xã hội như vậy tất yếu tạo ra các mâu thuẫn trong lòng xã hội Quy Nhơn, mà ở đây chính là mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Quy Nhơn với chính quyền thực dân, đế quốc và tay sai, làm bùng nổ các phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Quy Nhơn chống ách thống trị của kẻ thù, những cuộc đấu tranh liên tiếp của nhân dân Quy Nhơn góp phần cùng với các cuộc đấu tranh của nhân dân cả nước làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám (1945), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) và cuối cùng là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) mà tiêu biểu là đại thắng mùa Xuân (1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chương 2