Lao động, nghề nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thị xã quy nhơn từ năm 1898 đến năm 1975 (Trang 67 - 71)

ĐỜI SỐNG VĂN HÓA Ở THỊ XÃ QUY NHƠN TỪ NĂM 1898 ĐẾN NĂM

3.1.1. Lao động, nghề nghiệp

3.1.1.1. Nghề hấp cá

Nhắc đến Quy Nhơn, thì chúng ta không thể không nhắc đến nghề hấp cá, đây là một trong những nghề nghiệp chủ đạo của cư dân biển Quy Nhơn. Nghề này ra đời từ cách đây hơn nửa thế kỷ tại chợ cá nằm ven bến Hàm Tử, làng hấp cá Quy Nhơn cũng là một trong những làng nghề truyền thống mang đậm dấu ấn của người miền Trung và được nhiều người biết đến. Trải qua hơn nửa thế kỷ, làng nghề hấp cá ở Quy Nhơn đã được ươm mầm và cha truyền con nối từ bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau.

Các thuyền chở cá tươi từ biển về sẽ được các lò hấp thu mua, thường là các loại như: cá mực, cá nục, cá cơm, cá sọc dưa, cá ngừ… Sau khi mua về, những nhân công ở đây làm sạch cá qua các công đoạn như: đánh vảy, mổ ruột, cắt lát và xếp ngăn nắp vào các rổ tre để chờ cho vào lò hấp. Cá đã qua sơ chế sẽ được đưa lần lượt vào lò hấp với nước đang sôi trên bếp. Nước hấp được pha theo công thức riêng để đảm bảo vị đậm đà của cá biển. Thời gian hấp cá của mỗi loại cũng được căn hợp lý để cá chín tới, đảm bảo thịt dai và giữ nguyên vị ngon. Người thợ hấp cá nhấc bổng sọt cá tầm 10 kg lên cao hơn 1,2 m để cho vào nồi nước sôi, rồi lắc sọt cá sao cho ngập đều nước, đợi đến khi chín vớt ra mang đến đến nơi tập trung. Các công đoạn này được người thợ thao tác liên tục cả ngày. Các lò hấp rực lửa từ khoảng 5 giờ sáng. Vào những ngày nóng bức, nhiệt độ của không gian quanh bếp lên tới 50-60 độ C.

Ngọn lửa hắt ra nhiệt lượng bỏng rát chân tay, mặt khiến những người không quen cảm thấy khó thở, tức ngực.

Sau một ngày làm việc, người ta thường vệ sinh sạch sẽ không gian chế biến. Ngày mới vào nghề người thợ nào cũng phải mất khá nhiều thời gian để làm quen với mùi đặc trưng của lò hấp và không gian chế biến cá.Trước đây mỗi lò thường làm từ một đến hai tạ cá mỗi ngày nhưng giờ sản lượng giảm còn một nửa. Hiện các lò chỉ làm từ sáng đến trưa là hết việc, một số ít lò còn làm tiếp đến chiều. Người dân vùng này luôn bám trụ,có lòng yêu nghề,muốn đưa sản phẩm của quê hương được quảng bá ở nhiều nơi và làng nghề của mình tiếp tục phát triển để có cuộc sống khấm khá hơn.

3.1.1.2. Làm rượu Bàu Đá

Rượu Bàu Ðá là một sản phẩm truyền thống của Bình Ðịnh đã nổi tiếng từ rất lâu. Quê hương của rượu là xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn (nay là thị xã An Nhơn). Những người dân nghèo ngụ ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn để tìm kế sinh nhai sống qua ngày nên đã nấu rượu và sử dụng nguồn nước ngầm rỉ ra từ Bàu Đá. Những mẻ rượu được nấu từ nguồn nước này lại có một mùi hương rất đặc biệt, thơm ngon. Điều kỳ lạ thay, hàng ngày uống điều độ với chỉ một, hai cốc nhỏ sẽ cho cảm giác thoải mái, dễ chịu, trị được chứng đau lưng, nhức mỏi, quá trình tiêu hóa tốt hơn, cơ thể khỏe mạnh, cường tráng hơn. Và từ đó, rượu Bàu Đá đã được sử dụng như một sản vật, không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày.

Từ An Nhơn, nghề làm rượu Bàu Đá phát triển lan rộng ra toàn tỉnh,

nhất là Quy Nhơn. Muốn có rượu ngon, người nấu phải tuân thủ các yêu cầu

nghiêm ngặt về nguồn nước, gạo, men, dụng cụ nấu cộng với kinh nghiệm gia truyền.Để có một lít rượu Bàu Đá ngon, công đoạn nấu rất công phu: rượu được nấu bằng gạo lứt, nấu một mẻ 5 kg gạo (lấy được 3,5 - 4 lít rượu) phải mất 6 giờ. Dụng cụ dùng để nấu đều làm bằng sành, thủy tinh và tre nên có

hương vị đặc trưng. Khi chưng cất không được vội vàng, phải dùng lửa liu riu mới vắt cạn được tinh chất gạo. Người nấu rượu lâu năm không cần nếm cũng có thể thẩm định được chất lượng của rượu bằng cách lắng nghe tiếng rơi của giọt rượu trong vại sành lúc chưng cất và hương rượu thoáng qua. Rượu có

nồng độ rất cao, hơn 50 độ.Về đồ nghề làm rượu, người ta sử dụng củ tre có

hình cong, ruột đục rỗng để làm ống dẫn rượu từ lò ra chum, chum đất hứng rượu phải được bịt kín để tránh rượu bay hơi. Trong thời gian nấu, thông thường người ta chỉ để lửa liu riu, tuy nhiên, vẫn phải thường xuyên lắng nghe giọt rượu nhỏ nhanh hay chậm để thêm hay bớt lửa. Chính vì cách nấu cẩn thận này mà rượu Bàu Đá có hương vị rất tinh khiết và đậm đà.

Dù nghề làm rượu đã phát triển ở Quy Nhơn trong một khoảng thời gian dài, nhưng phần lớn các sản phẩm ở đây đều được làm dựa trên nguyên liệu cũng như công thức nấu rượu của làng Bàu Đá, thị xã An Nhơn. Cái hồn của rượu Bàu Đá được tạo nên từ chính nguồn nước ngầm của làng nghề. Chính vì vậy, muốn có những lít rượu Bàu Đá ngon nhất, người dân Quy Nhơn và các nơi khác đã tìm đến những hộ dân nấu ngay tại chính làng nghề truyền thống Bàu Đá.

Rượu Bàu Đá thường được dùng trong những ngày giỗ chạp, lễ nghi, hội hè, đình đám, nhất là những ngày Tết cổ truyền. Con cháu nội ngoại về mừng tuổi ông, bà có chén rượu Bàu Đá đặt lên bàn thờ thắp nén hương thành kính ta thấy ấm cúng thiêng liêng…

3.1.1.3. Nghề nuôi yến

Bán đảo Phương Mai được xem là xứ sở của loài chim yến. Trong đó, xã Nhơn Lý (Quy Nhơn) có nhiều hang Yến nhất. Cũng tại nơi đây, những hang Yến đầu tiên của Bình Định được phát hiện, mở ra một nghề mới: nghề khai thác tổ Yến.Khi các hang Yến được khai thác, trên bán đảo Phương Mai có khoảng 30 hang. Hang Yến thời đó được chia theo sở. Sở lớn có 18 hang,

sở nhỏ có 8 hang. Tổ Yến thu hoạch được chia làm ba loại: mao yến, bạch yến và huyết yến; trong đó, quý hiếm và có giá trị nhất là huyết yến.

Yến sào là một phẩm vật quý giá. Chính vì vậy, công tác bảo vệ các hang Yến luôn được coi trọng. Những người gác Yến được chia theo đội, mỗi đội từ 4 đến 6 người. Làm nghề gác Yến, vất vả nhất là khi trời tối. Người gác phải pha đèn liên tục; thỉnh thoảng xuống gần miệng hang để canh. Nghề gác tổ Yến đã vất vả, nhưng xét ra, chẳng thấm vào đâu so với nghề khai thác tổ Yến. Thời xưa hay nay, người khai thác là những người gan dạ, nhanh nhẹn và khéo léo, vì đây là nghề nguy hiểm. Khi chưa được đào tạo bài bản, nghề này có những bí quyết trao truyền mang tính cha truyền con nối. Ngoài ra, trước khi lên đường khai thác, người ta phải cúng sơn thần thổ địa để cầu an.

Về sau, những người làm nghề khai thác Yến được huấn luyện kỹ thuật rất kỹ.Công nhân khai thác có 6 bậc; phương tiện và cách khai thác không có gì thay đổi, vẫn làm những giàn giáo bằng tre và mây cao hàng chục mét bám vào vách đá; khai thác trèo lên giàn giáo và gỡ từng tổ Yến.

3.1.1.4. Nghề hớt tóc

Trong số những nghề mới, đặc biệt là những nghề du nhập từ phương Tây, hớt tóc nam là nghề có mặt khá sớm ở Quy Nhơn. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Quy Nhơn chưa sầm uất như bây giờ. Phố xá chỉ nhộn nhịp ở những khu vực mà nay là những đường phố như: Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng và Lý Thường Kiệt bây giờ. Tiệm hớt tóc lớn đều tọa lạc dọc những trục đường này.

Thợ hớt tóc ở Quy Nhơn trước đây chủ yếu dạo khắp các đường phố, ngõ hẻm để tìm khách. Các loại dao cạo, kéo cắt, tỉa, tông đơ… khi ấy đều là đồ thủ công, phải mài thường xuyên nên người thợ nào cũng thạo việc mài. Vì thế, những khi vắng khách, thợ hớt tóc cũng sẵn sàng kiêm thêm việc mài dao

kéo cho những ai có nhu cầu. Cho đến những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, Quy Nhơn vẫn còn một vài thợ hớt tóc dạo - kiêm nghề mài dao kéo.

Nghề hớt tóc không có gì là bí truyền; bất cứ ai cũng có thể học và làm. Giỏi nghề hay không phụ thuộc vào tình yêu nghề nghiệp. Nếu may mắn có thêm năng khiếu sẽ tạo được những mái tóc đẹp, vừa ý khách hàng, tốn ít thời gian hơn thợ bình thường. Các tiệm cắt tóc nam giống như một kiểu câu lạc bộ thư giãn, ở đó trong khi đợi đến phiên người ta có thể chơi cờ, đọc báo, chuyện phím với nhau. Tiệm cắt tóc vì thế đôi khi là nơi lưu giữ ký ức của một khu dân phố, một cụm dân cư. Khi đã có khách quen, hoạt động ổn định, hiếm khi chủ tiệm cắt tóc di chuyển nơi khác.Trường hợp phải tìm chỗ làm mới họ cố tìm một chỗ gần quanh đâu đó để đỡ mất công gầy lại khách. [8]

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thị xã quy nhơn từ năm 1898 đến năm 1975 (Trang 67 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)