Trang phục, ẩm thực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thị xã quy nhơn từ năm 1898 đến năm 1975 (Trang 71 - 77)

ĐỜI SỐNG VĂN HÓA Ở THỊ XÃ QUY NHƠN TỪ NĂM 1898 ĐẾN NĂM

3.1.2. Trang phục, ẩm thực

3.1.2.1. Trang phục

Thuở xưa, người Bình Định nói chung và Quy Nhơn nói riêng thường có quan niệm “ăn lấy chắc, mặc lấy bền”, nên trong cách ăn mặc thường ngày cũng khá đơn giản, chỉ dùng vải ta, vải thao đũi may áo cho phù hợp với cuộc sống sinh hoạt và lao động trên đồng ruộng. Người Bình Định và Quy Nhơn xưa thường mặc áo bà ba, cổ giữa, cổ kiềng, có hai túi ở vạt trước phía dưới và một túi nhỏ ở ngực trái.Trước đó còn có áo vạt hò, nút gài bên phải nhưng chỉ dài bằng áo bà ba.

Lúc ra đồng cày cấy, đàn ông chỉ mặc áo bà ba và quần đùi cho tiện, chứ không mặc quần dài.Áo người đàn ông thường rách ở vai và lưng vì phải khuân vác nhiều.Người ta vá phần ấy bằng một miếng vải to, có khi không trùng màu, gọi là vá quàng. May vá là công việc của phụ nữ, nhiều người có thể nhận ra mũi kim đường chỉ của riêng mình. Vì thế mới có câu:

Áo rách vai chồng ai không biết Áo vá quàng đó thiệt chồng tôi

Người đàn bà đi làm cũng mặc áo dài; áo cụt chỉ mặc trong nhà.Quần thì dùng quần lưng vặn, với hai ngoai giắt trước bụng, trông lỏng lẻo nhưng chắc chắn vô cùng.Đàn bà con gái đều mặc yếm thay cho áo lót như ngày nay nhưng không mấy người mặc yếm vải. Nếu không mặc được yếm lụa, yếm hàng, mà phải dùng vải thì cũng lựa thứ vải thật mịn thật tốt mà may. Yếm thường được may hai lớp, bên trong có túi để đựng tiền. Cổ yếm thì may rất công phu, vì thường để ló ra nơi cổ áo không gài nút. Mặc yếm, tiếng là để che ngực cho ấm nhưng sự thật là để giữ cho ngực thêm đẹp.

Đàn ông thì mặc quần buộc dây lưng ống rộng. Dây lưng thường bằng đũi, bằng thao hoặc sang hơn thì bằng lụa, kiều cầu dài 3-4 thước quấn quanh bụng. Người bình thường dùng lưng rút hoặc lưng vận, lưng rút buộc chắc chắn hơn; còn lưng vận là lưng không may gập xuống, không có dây buộc mà là một phần dây vải lớn bản, khi mặc thắt thành nút trước rốn để giữ. Loại lưng này dễ sút nếu bị giật mạnh. Quần đàn ông thường màu trắng, còn áo thì lại nhuộm màu nâu, đen… Đàn bà dùng áo dài đen, quần đen. Quần trắng chỉ mặc trong đám tang hoặc lúc có hội hè đình đám. Đàn ông những lúc đi hội hè, đình đám thì mặc áo dài. Áo dài thường may vải tám, vải ú màu đen, nút trắng hoặc đen, cổ có bâu đứng, gài nút bên phải. Áo dài mặc với quần trắng, đi guốc gỗ, đầu đội khăn đóng, tay che dù. Nếu đi guốc thì dùng guốc quai dọc, đẽo bằng gốc tre khô, bằng gỗ lồng mứt hoặc bằng vông.Guốc quai ngang mãi thời Pháp thuộc mới có song cũng ít thông dụng ở các thôn quê.

Ở thôn quê, để khỏi đạp gai khi đi củi, người dân thường dùng dép bằng da trâu phơi khô. Người sang thường dùng dép da lụa, nhất là đàn bà. Dép da thường kết quai dọc, mũi cong. Về sau có thêm thứ dép bướm bằng cườm xanh cườm đỏ.Các nhà đại phú và các nhà làm quan mới sắm nổi giày và mới được phép mang giày. Giày thường là giày dừa, may bằng nỉ hay nhung, trơn hay thêu kim tuyến hoặc kết cườm. Thời Pháp thuộc có thêm thứ

giày da, tục gọi là giày hạ hoặc giày cá lóc. Thứ giày này “dễ mang” hơn giày dừa, song không phải ai cũng mang được. Phải là người có địa vị kha khá trong làng, trong tổng mới được mang. Ấy là nói những người trưởng giả, còn dân cày thì không có tiền sắm, lúc cần phải đi mượn áo dài, khăn đóng, còn guốc dép thì không quen đi nên vẫn cứ đi chân không cho chắc. Với lại đường làng thuở xưa toàn đất mấp mô, trơn trượt, người ta thường kẹp nách đôi dép chạy lúp xúp cho nhanh. Khi đến nơi mới rửa chân, xỏ dép vào cho đẹp, cho cung kính, trang trọng. Các chức sắc và địa chủ khá giả thường mặc áo dài ba tít, áo lương, áo lãnh… người có học thức mặc áo cặp, bên trong là áo dài trắng, bên ngoài áo dài lương, lãnh, may bằng vải thưa, đi giày hạ.

Theo nhà thơ Quách Tấn, người Bình Định nói chung, Quy Nhơn nói riêng đều rất quí trọng đầu tóc. Họ coi đầu tóc là nơi thờ cha mẹ, nên một khi đã để tóc rồi, bất kỳ trai hay gái, trẻ hay già, không ai dám tự tiện cạo hay hớt bớt. Năm Mậu Thân (1908), trong khi phát động phong trào “khất sưu”, các nhà lãnh đạo hô hào bên nam hãy cắt bỏ “cục ngu trên đầu”, nghĩa là hớt tóc ngắn, bỏ tục bới tóc. Chỉ có một số hưởng ứng.Sau khi dập tắt được phong trào, thực dân Pháp thấy người nào tóc ngắn là bắt.Khi còn để tóc, đàn ông cũng như đàn bà đều xức dầu dừa cho láng tóc. Những người sang, có tiền thường dùng dầu dừa có mùi thơm, hoặc dầu ngoại hóa như Song Muội, Cô Ba…. Vì thế ca dao Bình Định mới có câu:

Mài dừa đạp cám cho nhanh Lấy dầu mà chải tóc anh tóc nàng

Mài dừa dưới ánh trăng vàng Lấy dầu mà chải tóc nàng tóc anh

Dù đã có khăn đóng, khăn xéo, khăn đầu rìu để che nắng, nhưng người Bình Định và Quy Nhơn, dù đàn ông hay đàn bà, đi đâu cũng không quên đội nón, bất kể trời nắng hay mưa, râm hay mát. Nón Gò Găng có hai

loại: loại nón ngựa chụp bạc, chụp đồi mồi dành cho kẻ cao sang quyền quí; loại nón lá thường dành cho hạng bậc trung trở xuống. Cách ăn mặc của người Bình Định và Quy Nhơn xưa khá giản dị. Có lẽ do điều kiện kinh tế và sự hội nhập hàng hóa chưa nhiều. Càng về sau, người Bình Định và Quy Nhơn có cách phục sức thay đổi nhiều hơn.Các loại áo cụt, vạt hò, áo dài, quần lãnh, rồi guốc mộc, khăn đóng… càng ngày càng mất dần, chỉ xuất hiện lúc kỵ, lễ cúng. Đàn ông đi đâu xa thì mặc áo sơ mi, quần âu; quanh quẩn trong làng thì mặc pyjama thay cho bộ bà ba xưa.

Giày dép thì đủ loại với nhiều chất liệu, mẫu mã tiện lợi, phù hợp cho mọi đối tượng. Còn phụ nữ thì mặc áo dài, tay rarlan, áo dài xẻ nách, áo cổ bâu, cổ đứng… với nhiều màu khá nền nã. Quần thì có quần dây thun đen hoặc trắng mặc với áo dài trong dịp lễ, tết. Còn ngày thường thì ai cũng vận sơ mi, quần âu hai ống, mang giày như các vùng khác trong tỉnh, trong nước. Càng về sau, cách ăn mặc càng thống nhất chung, khó phân biệt kẻ thị người quê như xưa nữa.

3.1.2.2. Ẩm thực

Văn hóa ẩm thực là nét văn hóa tự nhiên hình thành trong cuộc sống nhất là đối với con người Việt Nam, ẩm thực không chỉ nét văn hóa về vật chất mà con là văn hóa về tinh thần và qua ẩm thực người ta có thể hiểu được nét văn hóa thể hiện phẩm giá con người, trình độ văn hóa, phép tắc, phong tục trong cách ăn uống. Văn hóa ẩm thực người Việt được biết đến với những nét đặc trưng như tính hòa đồng, tính đa dạng, đậm đà hương vị. Đặc biệt là ăn thành mâm, sử dụng đũa và không thể thiếu cơm là tập quán chung của cả dân tộc. Người miền Trung lại ưa dung những món ăn thường có vị cay đặc trưng. Ẩm thực miền Trung thương nổi tiếng với mắm tôm chua, các loại mắm ruốc. Ẩm thực cung đình Huế không chỉ cay, rất nhiều màu sắc mà còn chú trọng vào số lượng các món ăn, cách bày trí món.Trong đời sống ẩm thực

của người Quy Nhơn có nhiều món ăn dân dã nhưng lại làm vừa lòng không ít người phương xa khi đặt chân đến miền đất này. Ngoài các loại bánh có nguồn gốc xuất xứ và đang thịnh ở miền đất võ như: bánh ít lá gai, bánh hỏi, bánh tráng dừa..., phải kể đến đặc sản bánh xèo.

Văn hoá ẩm thực Bình Định - Quy Nhơn với nhiều sản vật ẩm thực nổi tiếng đã trở thành một nét văn hoá đặc sắc không thể không nhắc đến.Xứ biển Quy Nhơn có nhiều món ăn ngon, và nếu không nhắc đến bún chả cá Quy Nhơn là một thiếu sót khi nói về ẩm thực nơi này. Bún chả cá không phải là món ăn xa lạ với người Việt, nhất là với những người dân biển dọc miền đất nước. Món ăn quen thuộc này đã trở thành đặc sản Quy Nhơn, một món ăn mà ai cũng phải cố tìm để thưởng thức mỗi khi đến thành phố biển này.Với người dân biển nơi đây, môt tô bún chả cá Quy Nhơn cũng đủ làm nên niềm tự hào của ẩm thực Bình Định nói chung, ẩm thực Quy Nhơn nói riêng.

Người dân Quy Nhơn - Bình Định dù giàu hay nghèo thì phần lớn đều chọn ngồi ăn dưới đất. Những bữa cơm thường dọn ở nhà bếp, có khách thì dọn ở nhà trên. Trong bữa ăn luôn luôn có bát nước lạnh để tráng miệng, đó là do ông bà chúng ta xưa ai cũng ăn trầu, nên cần súc miệng trước khi ăn. Khi có khách, khi có đám, tiệc, ngoài một vài ly rượu bọt hoặc rượu thuốc, còn có bánh tráng nướng để khai vị. Chén, bát, đĩa, tô… thường là đồ sành mua ở Gia Định hoặc Bát Tràng. Đồ sứ Trung Hoa chỉ có nhà giàu lớn mới có.Đũa phần nhiều bằng tre, gỗ mun rất hiếm, vì Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định ít mun. Những nhà sắm đũa mun thường đem bịt bạc, bịt một mỏm trên đầu lớn cho đẹp mắt. Có nhiều nơi, trừ khi có khách dọn cơm nơi nhà trên, cơm để luôn trong nồi chớ không bới ra tộ hoặc ra rá. Nhà đông người ai phụ trách việc dọn cơm nhiều khi phải bới cơm không ngớt. Nồi nấu cơm thì phải là nồi đồng hoặc nồi đất. Nồi đất nấu hay bị khê, nhưng nếu nấu khéo thì cơm ngon hơn nồi đồng. Một điểm nữa đáng kể là kể “ăn trên ngồi trước”, không bao

giờ “ăn hết đĩa”, tức là trong đĩa đựng đồ ăn, nhất là đồ ăn ngon, cũng chừa một vài miếng. Có nghĩa là "không quên người dọn, người ăn sau".

3.1.3. Đi lại

Người Bình Định nói chung và Quy Nhơn nói riêng có dáng đi nhanh (chạy lúp xúp) chứ ít khi đi khoan thai chậm rãi, vì hồi ấy toàn đi bộ, nhà cách xa nhà nên phải như vậy. Ngay cả khi mang vác nặng như gánh hàng xén, gánh lúa… cũng đi chân không, chạy lúp xúp, trẻ con theo không kịp.Đường đi thì thời nào cũng có, đều phục vụ cho việc đi lại của người dân, nhưng chất lượng đường trước kia phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế tự nhiên, chủ yếu là đắp đất, và một số ít được lát gạch và đá.

Đường quốc lộ, đường liên tỉnh, liên huyện và liên xã, cuối cùng là đường làng, hầu hết các con đường này đều chỉ là đường đất, trong đó các tuyến đê chạy theo hai bên bờ sông cũng rất quan trọng cho người ta đi về từng vùng miền. Đường liên xã, huyện, tỉnh hình thành tự nhiên theo các địa lý hành chính và cũng được củng cố thường xuyên. Thời Pháp thuộc tất cả những con đường này đều đắp bằng đất, người ta thường đào hai bên đường, hoặc một bên đường, đắp một con đường cao lên, chỗ đất bị đào xuống nhân thể làm thành những con mương dẫn nước. Do là đường đất, vào mùa mưa rất trơn và nhiều bùn lầy, mùa nắng đám bùn đó biến thành bụi, ở những xứ đất đỏ đôi khi cây cối ven đường bị nhuốm màu, nhất là vào thời có những phương tiện giao thông cơ giới.

Để làm cho vững chắc con đường, người ta có thể rải ít đá dăm và sỏi, rồi dầm vào mặt đường, tuy nhiên đó thường là yêu cầu của chiến tranh, chứ bình nhật người ta không mấy quan tâm đến độ bền của đường đất. Nhưng đê điều - tuyến giao thông và chống lũ lụt quan trọng, thường được quan tâm kỹ. Có cả người phụ trách riêng, luôn huy động dân công đắp đê bằng công quỹ từ chính quyền và đóng góp của địa phương.

Do nhiều cư dân Quy Nhơn sống bằng nghề đi biển, thuyền là phương tiện chuyên chở chính, nhất là những hàng nặng.Xe ngựa thì hầu như không chở được vật liệu nặng và không được dùng phổ biến.Xe trâu được cư dân Quy Nhơn (chủ yếu là nông dân) sử dụng nhiều hơn.Xe một bánh đặc bằng một khoang gỗ tròn cũng là một phương tiện vận chuyển cá nhân, còn lại người dân Quy Nhơn đem đôi vai ra gánh vác một cách thường xuyên và hàng ngày.

Thương nghiệp hầu như không được chú trọng cả trong thời Pháp thuộc lẫn thời Mỹ - ngụy, một mặt do sản xuất hàng hóa hầu hết mang tính chất tự cung tự cấp, mặt khác do giao thông và phương tiện giao thông dù đã có sự cải tiến nhưng vẫn rất hạn chế của thương nhân ở Quy Nhơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thị xã quy nhơn từ năm 1898 đến năm 1975 (Trang 71 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)