ĐỜI SỐNG VĂN HÓA Ở THỊ XÃ QUY NHƠN TỪ NĂM 1898 ĐẾN NĂM
3.2.2. Tín ngưỡng, tôn giáo
Ở Bình Định nói chung và Quy Nhơn nói riêng, đa số nhân dân theo đạo thờ cúng tổ tiên. Hằng năm có lễ hội, giỗ ông bà tổ tiên để tưởng nhớ công đức, “uống nước nhớ nguồn”. Ngày rằm, mùng một hàng tháng có thắp
hương, khấn bái, cầu nguyện ông cha phù hộ gia đình, con cháu sống yên ổn, mạnh khỏe, làm ăn phát đạt.
Tín ngưỡng phồn thực mang một tính phổ quát rộng lớn trong chính kho tàng tín ngưỡng độc đáo của văn hóa dân gian Việt Nam, và Quy Nhơn - Bình Định cũng không phải là ngoại lệ. Với những người dân trồng lúa nước, các biểu tượng âm - dương, đất - trời, non - nước là những điều kiện để tạo nên được sự sinh sôi nảy nở của muôn vật, tất cả cùng hòa lẫnvới sinh khí tự nhiên cùng phát triển hơn. Hầu hết mọi thời đại, con người luôn có ước nguyện được hiểu thêm cũng như nắm bắt những vấn đề về thế giới quanh mình. Thực tiễn nó như cách để hình thành nên một hệ thống tín ngưỡng phong phú, trong đó có tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thể hiện niềm tin của con người luôn cầu mong có thể phát triển giống nòi cũng như cầu xin được sản xuất phồn thịnh hay mong ước mùa màng bội thu. Tín ngưỡng phồn thực với nhiều nghi thức thờ cúng trong dân gian ngày càng phát triển. Tín ngưỡng này mang tính biểu tượng được biểu hiện trong các lễ hội vào mùa xuân, mùa của sự sinh sôi, nảy nở.
Ở Quy Nhơn có hai tôn giáo có ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt chính trị của nhân dân, đó là Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Đồng thời cũng còn một vài tôn giáo khác có ảnh hưởng đến người dân như đạo Tin Lành, Cao Đài Tây Ninh, Cao Đài Cầu Kho… [6; tr.373]
- Phật giáo được xem như là một tôn giáo lớn ở Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định. Người truyền bá đạo Phật tới Bình Định đầu tiên là Hoà thượng Nguyên Thiều (người Quảng Đông, Trung Quốc).Ông đến vào năm 1665 thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Tín đồ Phật giáo tại Quy Nhơn hiện có khoảng trên 100.000 người, phần lớn đều quy y Pháp tu tại gia [35; tr.40]. Chùa Long Khánh là ngôi chùa Phật giáo lớn nhất ở Quy Nhơn và nó đã tồn tại cho đến ngày nay.
- Thiên Chúa giáo cũng là một tôn giáo lớn không kém gì Phật giáo. Giáo dân tại thị xã Quy Nhơn được chia làm nhiều khu vực tùy theo nơi cư ngụ, mỗi khu vực tùy theo rộng hẹp có một hay nhiều Linh mục phụ trách. Nơi thờ Phượng Chúa lớn nhất của giáo dân Quy Nhơn là nhà thờ Chánh Tòa (nhà thờ nhọn) nằm trên đường Gia Long (Trần Hưng Đạo) và đầu đường Lê Thánh Tôn tiền diện nhìn ra biển, nóc nhà thờ cao trên 23 mét. [35; tr.48]
3.2.3. Lễ hội
Nói đến Quy Nhơn không thể không nhắc đến các lễ hội, nó tôn vinh những nét đẹp văn hóa sâu sắc được truyền từ đời này sang đời khác, tiêu biểu là các lễ hội cầu ngư, lễ hội thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo…
Lễ hội cầu ngư tế thần Nam Hải được tổ chức trọng thể với mong muốn bày tỏ sự tín ngưỡng dân gian bày tỏ sự biết ơn với cá Ông (cá voi – thần Nam Hải) để cầu quốc thái dân an, mùa màng bội thu và mưa thuận gió hòa…Theo lễ hội này thì người dân nơi đây sẽ tham gia các nghi lễ bao gồm Nghinh thần Nam Hải nhập điện, lễ tế thần Nam Hải, lễ tế cầu quốc thái dân an, lễ ra quân đánh bắt hải sản. Phần hội được tổ chức với các hoạt động thể dục thể thao như: kéo co, bơi thúng đôi nam, lắc thúng, ngoáy thúng. Ngoài ra còn tổ chức 4 đêm hát tuồng và 1 đêm ca nhạc tại Lăng Ông Nam Hải và bãi biển để phục vụ nhân dân địa phương và du khách.
Trong tâm thức người Việt Nam, Trần Hưng Ðạo là vị anh hùng đã hiển thánh. Hằng năm cứ đến 20/8 âm lịch, nhân dân Quy Nhơn lại làm giỗ người anh hùng để tỏ lòng kính ngưỡng tiền nhân.Lễ tưởng niệm ngày húy kỵ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo hằng năm được tổ chức tại Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã được duy trì từ năm 1968. Đây cũng là hoạt động tưởng niệm mang tính chất lễ hội long trọng nhất trong năm ở Đền. Ngoài chánh kỵ 20/8, Đền còn 4 dịp lễ lớn, đó là ngày 10 tháng Chạp - kỷ niệm ngày sinh Cha (còn gọi là ngày đản sanh). Trong tháng Giêng, mồng Hai là ngày
khai ấn, ngày Rằm Đền tổ chức cầu an và 25 là ngày lễ đại hội đồng các chư tướng. Tại mỗi dịp, Đền đều đón đông đảo nhân dân, đạo hữu thập phương và trong tỉnh về tỏ lòng tôn kính.