Thủ công nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thị xã quy nhơn từ năm 1898 đến năm 1975 (Trang 60 - 61)

8 Hiện nay là khu vực Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Bình Định thuộc đường Lê Thánh Tôn.

2.3.3. Thủ công nghiệp

Hỗ trợ cho những hoạt động nông - ngư nghiệp là các ngành thủ công truyền thống. Cũng như các miền quê khác, ở Quy Nhơn có rất nhiều nghề thủ công khác nhau như: chế biến cá, mắm, dệt vải, rèn, gò.

Vào thời gian nửa đầu thế kỉ XX, do bị ảnh hưởng bởi công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, các ngành nghề thủ công ở Quy Nhơn cũng có sự thay đổi trước sự vơ vét nguyên vật liệu của chính quyền thực dân, nghề dệt là một ví dụ điển hình. Với sự xuất hiện của nhà máy dệt Phú Phong, dần dần nghề dệt của địa phương bị mai một và thợ dệt ở Quy Nhơn đều bị phụ thuộc vào nguyên liệu sợi của nhà máy. Do vậy nghề dệt cổ truyền ở đây vào thời kì đầu thế kỉ XX không có điều kiện phát triển. Một số nghề thủ công khác như đóng thuyền, đan lưới,…của ngư dân Quy Nhơn vẫn tồn tại phổ biến, nhưng đều gặp phải những khó khăn, trở ngại.

Nghề đóng thuyền, đan lưới là hai nghề cổ truyền của cư dân biển Quy Nhơn, hầu như gia đình nào cũng có thể làm được nghề này. Họ đóng thuyền để đi biển hoặc buôn bán, nó không chỉ phục vụ cho nhu cầu đóng thuyền của cư dân địa phương mà còn cung cấp cho nhu cầu đóng thuyền của các địa phương khác. Nghề này đòi hỏi sự chính xác với các công đoạn: mua tre về rồi tập trung chẻ tre, đan mê ghe rồi sau đó đưa qua cho thợ các xưởng đóng tàu tiến hành lận be ghe, tiếp đó người ta dùng phân trâu trát lên mê ghe vài lớp, rồi dùng cùi dừa nhúng dầu rái đánh mạnh lên ghe để chống nước rĩ vào ghe. Nghề đóng thuyền ở đây tuy phổ biến, song với tính chất thủ công của mình, cho nên không thể đóng các loại thuyền lớn để đi khơi xa làm nghề,

hoặc đi buôn bán xa dài ngày. Ngoài ra các nghệ nhân đóng thuyền ở đây còn có bí quyết để chọn gỗ, khoét mọng, ghép ván để đóng ghe, bầu bằng gỗ, có sức chứa lớn, độ bền cao, có khả năng đi lại được nhiều ngày trên biển.

Công việc đan lưới là công việc tại gia, hầu như nhà nào, xóm nào cũng làm nghề này để tự trang bị cho việc đánh bắt của gia đình mình. Thông thường, người đàn ông đi biển còn người đàn bà ở nhà đan lưới, hoặc khi gặp mùa mưa bão không thể đi biển thì cả nhà tranh thủ đan lưới cho mùa vụ sang năm, hoặc cung ứng cho thị trường nếu có nhu cầu. Ngoài ra các làng ở Quy Nhơn bấy giờ còn làm một số công việc để chế biến những vật phẩm làm ra, dùng cho gia đình và có thể sản xuất để bán tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Nhìn chung, các nghề thủ công mang tính chất nhỏ hẹp, chỉ giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trong gia đình và giải quyết công việc trước mắt chứ không mang hình thức tổ chức giúp nhau trong sản xuất. Các nhà kinh doanh nước ngoài và cả Hoa kiều cũng rất ít chú trọng để phát triển. Không những thế, chính sách thuế khóa, sự độc quyền của thực dân Pháp, sự cạnh tranh của các công nghệ nhập cảng đã khiến cho các ngành nghề thủ công ở đây mang tính tự phát và thường xuyên khó khăn trong sản xuất. Tuy vậy nó vẫn tồn tại vì các chế phẩm của công nghệ mới quá tầm đối với người địa phương, buộc họ phải “tự túc tự cấp” phục vụ cuộc sống.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thị xã quy nhơn từ năm 1898 đến năm 1975 (Trang 60 - 61)