Giáo dục, y tế, thể thao, báo chí và xuất bản ở thị xãQuy Nhơn (1898 1975)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thị xã quy nhơn từ năm 1898 đến năm 1975 (Trang 84 - 96)

ĐỜI SỐNG VĂN HÓA Ở THỊ XÃ QUY NHƠN TỪ NĂM 1898 ĐẾN NĂM

3.3. Giáo dục, y tế, thể thao, báo chí và xuất bản ở thị xãQuy Nhơn (1898 1975)

(1898 - 1975)

3.3.1. Giai đoạn 1898 - 1945

Ở Trung Kì, thời phong kiến trước kia có 3 trường thi Hương là Huế, Vinh và Bình Định. Đến khi đặt ách đô hộ, thực dân Pháp mở tại các nơi này ba trường công lập đầu tiên gọi là trường Collège, với ý đồ là muốn nắm lấy ngành giáo dục để đào tạo ra lớp người phục vụ cho chế độ cai trị của chúng.

Trước năm 1920, ở Quy Nhơn có trường Pháp - Việt tọa lạc tại khu vực trường Ấu Triệu (nay là Trường Tiểu học Lê Lợi). Niên khóa 1921 - 1922 mở thêm lớp Đệ nhất niên, bắt đầu có hệ cao đẳng tiểu học. Niên học 1924 - 1925, trường dời lên khu vực mới ở phía Tây đường Odend’ Hall (Lê Hồng Phong)10, lấy tên mới là trường Collège Quy Nhơn (tiền thân của trường Quốc học Quy Nhơn sau này) trải rộng từ phía Bắc đường Nguyễn Công Trứ - khu vực Lê Hồng Phong - Công viên Quang Trung và phía Nam đường Lý Thường Kiệt ngày nay (lúc đó gọi là khu vực ngã ba Công Quán - Collège - Ga Quy Nhơn). Trường này có tất cả 10 lớp cho 10 cấp học, nội dung các môn học dạy toàn tiếng Pháp (trừ môn Hán văn và Quốc văn).

Trường Collège Quy Nhơn hằng năm thu nhận sĩ tử của 9 tỉnh Trung Kì, từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên. Số học sinh dự thi có đến hơn nghìn người, nhưng chỉ có một số ít trúng tuyển (trong đó có 5 học sinh người dân tộc). Toàn trường có khoảng gần 400 học sinh, mỗi lớp không quá 40 người, càng lên lớp cao, số học sinh càng giảm. Cuối lớp đệ tứ niên, số học sinh của trường tốt nghiệp bằng Thành chung có khoảng từ 25 đến 30 người.

Các giáo viên của trường có cả người Pháp lẫn người Việt.Học sinh của trường chủ yếu là người các tỉnh từ Đà Nẵng vào đến Phan Thiết và khu vực Tây Nguyên, có cả người Kinh và một số ít là dân tộc thiểu số với khoảng 400 học sinh. Trong khuôn viên trường được xây dựng khá đầy đủ với sân vận động, xưởng trường, bệnh xá, ký túc xá, phòng thí nghiệm, thư viện…

Các trường tư thục ở Quy Nhơn gồm có trường Cẩm Bàn (trung học và tiểu học), trường này tọa lạc ở khu vực đối diện trường Collège Quy Nhơn trên đường Odend’ Hall. Trường Tiểu học Đào Duy Từ ở đường Jules Ferry 11. Hai trường tư thục trên chỉ hoạt động một thời gian ngắn (vào các năm 1935, 1936, 1937).Sau này chỉ còn một trường trung học tư thục có tên là Nam Anh, tọa lạc tại trường Cẩm Bàn cũ.

Thành lập trường Collège Quy Nhơn, thực dân Pháp có ý đồ tạo ra một lớp quan lại phục vụ cho sự đô hộ, thống trị nước ta. Tuy nhiên thầy trò của trường đã biết phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc để đảm bảo nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Sau 9 năm ngày thành lập, đến năm 1930, trường Collège Quy Nhơn có Chi bộ Đảng Cộng sản và hai tổ sinh hội đỏ, có các nhóm đọc sách báo trong học sinh. Giữa năm 1931, Chi bộ Đảng Cộng sản của trường có 7 đảng viên do Lê Văn Bảo làm Bí thư. Trong quá trình học tập và sau này hoạt động trong các năm kháng chiến chống Pháp đã xuất hiện nhiều nhân vật tên tuổi xuất phát từ trường Collège Quy Nhơn như Lê Văn Thiêm, Nguyễn Cang, Châu Diệu Ái (khoa học - kĩ thuật); Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quách Tấn (thơ văn); Võ Xán, Võ Đông Giang, Nguyễn Chánh (hoạt động cách mạng). [16]

Quy Nhơn là một cảng biển trung tâm, là cái rốn chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Bình Định nên sớm tiếp thu những luồng gió mới từ bốn phương tụ lại. Nhiều sách báo tiến bộ qua các thủy thủ được chuyển về và nhanh

chóng được nhiều viên chức, trí thức và học sinh yêu nước Quy Nhơn lưu hành phổ biến rộng rãi, qua đó nuôi dưỡng tinh thần tự tôn dân tộc và lòng yêu nước của số đông quần chúng ở Quy Nhơn. Trong những năm 1936 - 1939, theo chủ trương của Tỉnh ủy Bình Định, tại Quy Nhơn lần lượt xuất hiện các hội Ái hữu với nhiều hoạt động văn hóa xã hội như thành lập các đội bóng đá, hội bơi lội, hội đọc sách báo để tập hợp và giáo dục một số thiếu nhi, học sinh là con em của công nhân, tổ chức thường xuyên các trận bóng đá giao hữu. Tổ chức các trận bóng đá giao hữu tại sân vận động chính nằm ở đường Odend’ Hall (Lê Hồng Phong) thu hút rất nhiều người đến xem. Những hoạt động này có tác dụng tuyên truyền, giáo dục, tập hợp các lực lượng lao động chống lại các hoạt động văn hóa thể thao không lành mạnh, trụy lạc hóa tuổi trẻ của thực dân Pháp.Các tiệm sách báo Mỹ Liên, Hồ Văn Bá, Tương Lai nằm ở đường Gia Long (Trần Hưng Đạo) được vận động làm đại lý phát hành báo chí công khai của Đảng, của Mặt trận Dân chủ thời kì 1936 - 1939, như tờ Dân chúng, Tin tức mới, Lao động, Le Peuple, Le Travail, Notre Voix… Ngoài ra có các sách tiến bộ và cách mạng như các sách

Lênin, Tư bản, Đời cách mạng của Phan Bội Châu đều được phát hành và xuất bản. Nhiều học sinh, viên chức, thường lui tới các hiệu sách này để đọc và trao đổi, thảo luận. [6; tr.295]

Về y tế, năm 1906, bệnh viện Quy Nhơn được thành lập, nhưng không phải người Việt xây dựng, bệnh viện này chỉ có khoảng 100 giường bệnh, tuy nhiên nó lại có khu dành riêng cho người Pháp. Năm 1929, người Pháp đã thành lập bệnh viện Quy Hoà, điều trị cho 150 bệnh nhân cùi. [35; tr.74]

3.3.2. Giai đoạn 1945 - 1954

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, công tác văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả đáng kể. Về giáo dục, Quy Nhơn cùng với toàn tỉnh Bình Định từng bước đẩy lùi nạn giặc dốt, phong trào bình dân học vụ trên địa bàn Quy

Nhơn và toàn tỉnh Bình Định được đẩy mạnh. Đi đôi với phong trào bình dân học vụ, ngành giáo dục chú trọng hồi phục và phát triển giáo dục phổ thông, tạo điều kiện tốt nhất để con em các tầng lớp nhân dân đều được đi học. Sau 3 năm nỗ lực vượt bậc, đến quý I năm 1949 Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định đã thanh toán xong nạn mù chữ. Các bậc tiểu học, trung học phổ thông trong năm 1949 - 1950 không những số trường, lớp, học sinh tăng lên mà còn thêm một số trường mới như Trường Sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học và một số lớp tư nghiệp cho giáo viên tiểu học, các trường tư thục, bán công. Ngành giáo dục có sự phát triển mới kể cả lượng và chất.

Với nền tảng giáo dục xây dựng được, những năm sau đó ngành giáo dục đã thiết lập về cơ bản hệ thống giáo dục ở Quy Nhơn. Song song với việc mở trường, lớp, ngành giáo dục tiến hành cải cách giáo dục tạo ra chất lượng dạy và học ngày một tốt hơn, gắn những hoạt động của nhà trường với công tác xã hội. Việc kiện toàn các chi bộ cũng như công đoàn được coi trọng nhằm tăng cường chất lượng, đảm bảo việc dạy và học. [16]

Về y tế, việc vệ sinh phòng bệnh và sức khỏe của nhân dân được chú ý, một số trung tâm y tế, bệnh viện nhỏ từng bước được xây dựng, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, nhiều loại thuốc men cũng được các nhân viên y tế vận chuyển cho cán bộ, bộ đội nhằm mục đích phục vụ kháng chiến. Hoạt động văn nghệ - thể thao cũng được đẩy mạnh, các hoạt động này được mở rộng, thu hút nhiều người thuộc các tầng lớp đến tham dự, đặc biệt là việc tổ chức các hội thi hát tuồng, chèo, hay tổ chức các trận bóng đá giao hữu.

Về báo chí, nhằm đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, phổ biến 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, tờ báo Tranh đấu của Việt Minh cứu quốc ra

đời do Phạm Minh Hiền trực tiếp phụ trách. Sau đó, Việt Minh Nguyễn Huệ cho ra tờ báo Tin tức (thay cho tờ báo Tranh đấu), sau chuyển thành báo Tia sáng, có 4 trang, được phát hành, xuất bản đến các phường, xã của Quy Nhơn,

nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết cho toàn thể nhân dân. Khi tiếng súng kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Ủy ban Kháng chiến - Hành chính được thành lập, công tác tuyên truyền cổ động toàn dân hăng hái thi đua kháng chiến, kiến quốc theo Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt lên

hàng đầu. Ty Thông tin Bình Địnhđược Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến - Hành chính giao nhiệm vụ chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để xuất bản và phát hành một số tờ báo ra định kỳ và liên tục, nhằmđẩy mạnh tuyên truyền cổ động toàn dân hăng hái thi đua sản xuất tự cung, tự cấp, phục vụ kháng chiến và chiến đấu bảo vệ quê hương. Tờ báo Tin tức do đồng chí Nguyễn

Thành làm phụ trách, ra số đầu tiên vào khoảng cuối tháng 1/1947. Tiếp đó tờ báo Tin tức hằng ngày được xuất bản vào tháng 9/1947, tờ Tin mới cũng của

Ty Thông tin ra số đầu tiên vào ngày 21/11/1950 (đến ngày 4/11/1952 thì hòa nhập vào tờ Tin tức Bình Định). Tháng 10/1951, Ty Tuyên truyền - Văn nghệ lại xuất bản tờ báo cũng có tên Tin tức, gồm 2 trang. Ngoài ra để cổ vũ cho

phong trào Thi đua Ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, Tập san Thi

đua Ái quốc ra đời vào ngày 10/12/1948, nhưng Tập san này chỉ ra được một

số. Ngày 23/4/1949, tờ Dân chúng của cơ quan tuyên truyền ra số đầu tiên.

Sau khi quân và dân ta giành thắng lợi trong trận Điện Biên Phủ (7/5/1954) và Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, tờ báo Hòa bình được xuất bản thay cho các tờ Tin tức trước đây, ra số

đầu tiên vào ngày 20/7/1954. [18]

3.3.3. Giai đoạn 1954 - 1975

Cũng như các giai đoạn trước, hệ thống giáo dục ở Quy Nhơn dưới thời Mỹ và chính quyền Sài Gòn gồm có hai loại trường: trường công lập và trường tư thục (dân lập). Ngoài ra, còn có các trường của tôn giáo như trường Chủng viện Quy Nhơn, Vi Nhân của Thiên Chúa giáo; trường Bồ Đề, Vương Thảo, Giác Trân của Phật giáo…Hệ thống giáo dục thời kì này đặt dưới sự

quản lý của Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa. Bình Định nói chung và Quy Nhơn nói riêng là nơi đông dân, trù phú, là nơi có hải cảng quan trọng ở Trung nguyên Trung phần, vì vậy trong một mức độ nhất định, chính quyền Sài Gòn có chú ý đến phát triển giáo dục ở đây nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cũng như đào tạo ra một đội ngũ viên chức phục vụ cho chế độ Sài Gòn.

Các trường công lập ở Quy Nhơn gồm có: Trường trung học Cường Để, Trường Sư phạm Quy Nhơn, Trường Trung học kĩ thuật Quy Nhơn, Trường Nữ trung học Quy Nhơn. Hai trường có số lượng học sinh đông nhất là Trường Trung học Cường Để và Trường Nữ trung học, mỗi trường có đến 3.000 học sinh. Các trường tư thục có đến 10 trường, trong đó có trường thu hút trên 1.000 học sinh như Trường Quy Nhơn, Quy Đức, Nghĩa Thục, Vương Thảo, Giác Trân…Sau đây là một số trường tiêu biểu:

- Trường Trung học Cường Để là trường học lớn nhất ở Quy Nhơn. Đây là ngôi trường được mở lại từ năm 1955 trên nền trường Collège Quy Nhơn trước kia nhưng đã bị lấn chiếm và thu hẹp đến hơn một nửa và mang tên là “Trường Trung học Cường Để Quy Nhơn”. Trường có 30 phòng học, một giảng đường với số lượng thường xuyên trên 3.000 học sinh.Năm 1958, trường chuyển sang cơ sở mới và được xây dựng tại đường Trần Phú hiện nay, mở thêm cấp III và dạy từ lớp 9 trở lên.

- Trường Sư phạm Quy Nhơn là nơi đào tạo giáo viên tiểu học, được thành lập theo Quyết định số 701-GD-PC ngày 10/5/1962 của Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa. Trường Sư phạm Quy Nhơn được giao nhiệm vụ tuyển sinh và đào tạo các giáo viên dạy tiểu học cho tất cả các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên lúc này. Trường có một khu nội trú riêng gồm hai dãy Building với ba tầng lầu được xây dựng năm 1967, một dãy dành cho nam sinh, một dãy dành cho nữ sinh.Trường có số lượng giáo sinh là trên 1.000, 14 giáo viên chính thức và các nhân viên phục vụ. Thời gian học tập

của các giáo sinh Trường Sư phạm Quy Nhơn là hai năm theo một chương trình. Năm thứ nhất, học các môn như luân lý chức nghiệp, giáo dục cộng đồng, sư phạm lý thuyết, sư phạm chuyên biệt, tâm lý giáo dục, quốc văn, sinh ngữ, toán học ứng dụng, âm nhạc, hội họa, thủ công, canh nông, hoạt động thanh niên…; năm thứ hai học các môn như giao tế xã hội, kinh tế chính trị, sư phạm thực hành, quản trị và thanh tra hội đồng, các vấn đề giáo dục, sinh ngữ, giáo dục phụ nữ, thể dục thể thao…

- Trường Trung học kĩ thuật Quy Nhơn được thành lập theo Quyết định số 954-GD-PC ngày 9/6/1962 của Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa. Mục đích của trường là đào tạo những người thợ lành nghề, kĩ sư, chuyên viên kĩ thuật trung cấp và chuẩn bị cho các thí sinh thi tú tài kĩ thuật. Trường được xây dựng năm 1962, gồm một dãy nhà hai tầng. Trường có các phòng thí nghiệm, phòng thực tập, thực hành, thư viện, các phương tiện dạy nghề… Nội dung học tập của trường chủ yếu xoay quanh các vấn đề về khoa học - kĩ thuật, thực hành xử lí các trang thiết bị, sử dụng máy móc. Trường đào tạo hai ngành chính là ngành kỹ thuật toán và ngành kỹ thuật chuyên nghiệp.

- Trường Nữ trung học Quy Nhơn (nguyên trước kia là trường Trung học Tư thục Tân Bình) nằm trên đường Nguyễn Huệ, mặt nhìn ra biển, được thành lập vào tháng 12/1964. Đây là một ngôi trường rộng, có 18 phòng học với 2.500 nữ sinh.Niên khóa khai giảng đầu tiên 1964 - 1965 chỉ có lớp đệ nhất cấp, sau đó mở rộng ra nhiều lớp khác cao hơn.Đây được xem là trường nữ trung học duy nhất ở Quy Nhơn, giống như trường Đồng Khánh Huế.

- Trường Trung học Bồ Đề được thành lập vào năm 1957. Đây là một trường tư thục Phật giáo nằm bên cạnh chùa Long Khánh, trụ sở Tỉnh hội Phật giáo Bình Định. Năm 1968, Giáo hội Phật giáo Quy Nhơn mở rộng trường học này từ 6 lên 34 phòng học, thu hút khoảng 2.620 học sinh. Nội dung học tập ở trường này ngoài các môn học khoa học cơ bản còn có kiến

thức về giáo lý của nhà Phật, hay là những vấn đề nhằm hướng con người tới cái thiện, cái tốt đẹp, tránh cái xấu xa, độc ác.

- Trường Trung học Vi Nhân là một trường trung học của Thiên Chúa giáo. Ngôi trường nằm trên địa phận Chủng viện Quy Nhơn, được thành lập vào năm 1963. Cơ sở của trường được mở rộng và xây dựng lại vào năm 1972 gồm hai dãy lầu 3 tầng với khuôn viên rộng 4 ha.Trường có 1.700 học sinh được chia thành 22 lớp (từ lớp 6 đến lớp 11). Nội dung học tập ở trường này ngoài các môn khoa học còn có các giáo lý của đạo Thiên Chúa hay một số vấn đề khác có liên quan đến đạo Thiên Chúa. Hiệu trưởng trường trung học Vi Nhân là Linh mục Huỳnh Kim Lăng.

Ngoài ra ở Quy Nhơn cũng có một số trường tư thục khác đáng chú ý, chẳng hạn như các trường tư thục Trưng Vương, Tăng Bạt Hổ, Nghĩa Thục tự lực Quy Nhơn…

Nhìn chung, ở Quy Nhơn, trong những năm dưới chế độ Mỹ và chính quyền Sài Gòn có nhiều loại hình trường học, thu hút một lượng học sinh khá đông đảo, nội dung giáo dục của các trường rất đa dạng, phong phú, nhưng trên thực tế nội dung giáo dục ấy chịu ảnh hưởng nặng của nền giáo dục kiểu Mỹ, mang tính chất xuyên tạc, nói xấu cách mạng, nói xấu miền Bắc xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thị xã quy nhơn từ năm 1898 đến năm 1975 (Trang 84 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)