Phong trào dân tộc dân chủ từ năm 1919 đến năm 1930

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư sản việt nam trong phong trào dân tộc dân chủ 30 năm đầu thế kỷ XX (Trang 29 - 34)

7. Kết cấu của luận văn

1.2.3. Phong trào dân tộc dân chủ từ năm 1919 đến năm 1930

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều thay đổi, sản sinh điều kiện lịch sử mới tác động thuận chiều, tạo sự chuyển biến trong phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam.Bắt đầu từ năm 1919, thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai. Với cường độ, quy mô khai thác lớn hơn trước, cuộc khai thác thuộc địa lần này của thực dân Pháp làm cho nền kinh tế - xã hội Việt Nam biến đổi sâu sắc, mâu thuẫn dân tộc và giai cấp tăng. Giai cấp tư sản và tiểu tư sản ra đời, bước lên vũ đài chính trị, họ phát động một cao trào đấu tranh chống thực dân mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú, sôi nổi từ Bắc chí Nam.

Tư tưởng dân chủ tư sản, đặc biệt là tư tưởng “Tam dân” của Tôn Trung Sơn truyền bá vào Việt Nam ảnh hưởng tới phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nước ta, nhất là đối với giai cấp tư sản và tiểu tư sản. Tiếp đó, năm 1917 Cách mạng tháng Mười Nga thành công dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Xô Viết, ảnh hưởng sâu sắc tới cục diện và tiến trình lịch sử thế giới,

24

mở ra thời kỳ mới trong lịch sử đấu tranh giải phóng của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh. Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc tiếp cận “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp, tìm thấy con đường cứu nước giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc khởi động quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, tạo nên bước ngoặt cho phong trào dân tộc dân chủ.

Hoạt động cứu nước của người Việt Nam ở nước ngoài diễn ra sôi nổi. Với tấm lòng yêu nước chân thành và tình cảm luôn hướng về tổ quốc, phần đông đồng bào Việt kiều đã hăng hái tham gia phong trào cách mạng, tìm cách đưa đón cán bộ, vận chuyển tài liệu sách báo cách mạng về nước để tuyên truyền, giác ngộ các tầng lớp nhân dân. Trong đó, hai trung tâm lớn có sự hoạt động sôi nổi của người Việt Nam là Trung Quốc và Pháp.

Với sự trưởng thành của mình, giai cấp tư sản bước lên vũ đài chính trị, tiến hành một số hoạt động đấu tranh mang tính giai cấp rõ rệt. Nhất là tiến hành cạnh tranh kinh tế, chống tư bản nước ngoài với các cuộc đấu tranh tẩy chay tư sản Hoa kiều, chống độc quyền cảng Sài Gòn và các hoạt động văn hóa, báo chí. Các cuộc đấu tranh này hòa chung vào phong trào dân tộc dân chủ, tạo nên sự phát triển của phong trào đấu tranh chống Pháp những năm 1919 - 1930.

Dưới tác động của trào lưu tư tưởng mới thông qua các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và đông đảo Việt kiều yêu nước ở Pháp và Trung Quốc cùng với sự phát triển của phong trào tư sản trong nước, phong trào dân tộc dân chủ trong thị dân, học sinh, sinh viên và trí thức phát triển sôi nổi bắt đầu từ năm 1923 và phát triển lên đến đỉnh cao vào những năm 1925 - 1926.Mở đầu cho phong trào đòi tự do dân chủ là các hoạt động tuyên truyền cách mạng của một số tờ báo tiến bộ như tờ Chuông rạn của Nguyễn An Ninh, tờ An Nam trẻ của Nguyễn An Ninh và Phan Văn Trường được in bằng tiếng Pháp. Hai tờ báo An Nam trẻ và Người nhà quê đã trực tiếp đả kích chế độ

25

thực dân phong kiến, vạch trần chủ nghĩa cải lương phản bội lợi ích dân tộc của tầng lớp đại địa chủ và tư sản thượng lưu. Một số tờ báo của những người Pháp tiến bộ như tờ Đông Dương, tờ Tiếng nói tự do cũng lên tiếng tố cáo mạnh mẽ những hành vi tàn bạo của giới thực dân đương thời.

Phong trào yêu nước bắt đầu từ Nam Kỳ, lan nhanh ra Bắc Kỳ và phát triển thành phong trào có tính chất toàn quốc, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Xuất hiện các tổ chức chính trị của thanh niên trí thức, sinh viên, học sinh như Hội Phục Việt, Đảng Thanh niên. Được sự tuyên truyền, tổ chức của các tổ chức này, phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân càng bùng lên mạnh mẽ, trong đó nổi bật là phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu, lễ tang Phan Châu Trinh, đón tiếp Bùi Quang Chiêu, phong trào đấu tranh đòi thả Nguyễn An Ninh.

Phong trào công nhân có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Trong những năm 1919 - 1925, hình thức đấu tranh như phá máy móc, đánh lại cai lý, chủ thầu, phá giao kèo, bỏ trốn tập thể tiếp tục diễn ra, riêng năm 1925 diễn ra 1.081 vụ. Bên cạnh đó, hình thức đấu tranh ở mức độ cao, đặc biệt là bãi công được áp dụng phổ biến trong những năm 1919 - 1925. Từ năm 1920 đến năm 1925 đã có 25 cuộc bãi công của công nhân2 [48, tr.262].

Giai đoạn 1925 - 1929, phong trào công nhân nổ ra liên tục, có sự lãnh đạo, chỉ huy và phối hợp đấu tranh, không chỉ giới hạn trong phạm vi xí nghiệp, địa phương mà có sự liên kết nhiều xí nghiệp, ngành, địa phương, kết quả lớn nhất là sự ra đời của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ. Các cuộc đấu tranh của công nhân nổ ra ngay tại các trung tâm kinh tế - chính trị của chính quyền thực dân, tính chất tự phát trong đấu tranh giảm đi, những cuộc đấu tranh có ý thức tự giác với hình thức bãi công được sử dụng phổ biến.

2Điển hình nhất là cuộc bãi công của công nhân Ba Son (Sài Gòn). Cuộc bãi công này đánh dấu bước chuyển biến quan trọng của phong trào công nhân Việt Nam từ chỗ đấu tranh lẻ tẻ, tự phát đến chỗ tiếp cận trình độ có tổ chức, biết kết hợp đấu tranh kinh tế với đấu tranh chính trị; từ chỗ thể hiện tinh thần đoàn kết giai cấp giữa những người công nhân trong cùng một xí nghiệp, một ngành nghề, một thành phố và nhiều thành phố trong nước đến tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản.

26

Điểm nổi bật thời kỳ này là sự xuất hiện các đảng phái chính trị và vai trò của nó trong phong trào dân tộc dân chủ. Trên cơ sở tổ chức Cộng sản đoàn, tháng 6/1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập ở Quảng Châu (Trung Quốc). Hội cho xuất bản tờ báo Thanh niên (6/1925) làm cơ quan ngôn luận; mở các lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách để đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng. Hội cũng xuất bản tác phẩm Đường Kách Mệnh (1927) vạch ra phương hướng cơ bản về chiến lược và sách lược của cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam; tổ chức phong trào “vô sản hóa” đưa hội viên vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền cùng sống và lao động với công nhân để tự rèn luyện và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, chuẩn bị điều kiện cần thiết cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trên cơ sở hạt nhân là Nam Đồng thư xã, một nhà xuất bản tiến bộ ở Hà Nội, Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu thành lập Việt Nam Quốc dân đảng (25/12/1927) với mục tiêu là đánh đuổi thực dân Pháp, xóa bỏ ngôi vua, thiết lập dân quyền. Đây là tổ chức chính trị của tư sản lớp dưới, công chức, sinh viên, học sinh, người làm nghề tự do, nông dân, thân hào, địa chủ, binh lính người Việt trong quân đội Pháp. Hoạt động tiêu biểu nhất của tổ chức chính trị này là phát động cuộc khởi nghĩa Yên Bái (2/1930).

Cùng thời gian này, Tân Việt Cách mạng đảng được thành lập (1928) trên cơ sở các tổ chức tiền thân là Hội Phục Việt, Hội Hưng Nam, Việt Nam Cách mạng đảng... Đảng tập hợp những trí thức và thanh niên tiểu tư sản yêu nước hoạt động chủ yếu ở Trung Kỳ. Chủ trương lãnh đạo quần chúng ở trong nước và liên lạc với các dân tộc bị áp bức trên thế giới để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, thiết lập xã hội bình đẳng, bác ái. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, do ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nên tổ chức đảng bị phân hóa. Một số đảng viên đã tham gia vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một số còn lại tích cực chuẩn bị để tiến tới thành lập một chính đảng cách mạng theo học thuyết Mác - Lênin.

27

Sự phát triển của phong trào yêu nước và nhất là phong trào công nhân dẫn đến yêu cầu phải có một đảng phái chính trị đủ năng lực tổ chức và lãnh đạo phong trào yêu nước - cách mạng tiếp tục tiến lên. Sự tan rã của các tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng đảng dẫn đến sự xuất hiện của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (khoảng tháng 8/1929) và Đông Dương Cộng sản liên đoàn (9/1929). Dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, ba tổ chức trên hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào khoảng đầu năm 1930. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và sự thất bại của khởi nghĩa Yên Bái đánh dấu chấm dứt quá trình diễn tiến của phong trào dân tộc dân chủ Việt Nam 30 năm đầu thế kỷ XX theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Đến đây, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng sâu sắc về giai cấp lãnh đạo và đường lối cứu nước ở Việt Nam kéo dài từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX; đồng thời chứng tỏ sự chiến thắng của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với các trào lưu tư tưởng phi vô sản.

Tiểu kết chương 1

Chính sách thống trị của thực dân Pháp phá vỡ cơ cấu kinh tế cổ truyền tồn tại lâu đời ở Việt Nam, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa phát triển, xuất hiện lớp người lao động làm thuê, tạo cơ sở kinh tế - xã hội cho sự ra đời của tư sản Việt Nam. Từ khi ra đời cho đến năm 1930, tư sản Việt Nam không ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, dần hình thành ý thức giai cấp. Từ một bộ phận nhỏ bé trong cơ cấu xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, đến năm 1930, địa vị kinh tế của tư sản Việt Nam được nâng lên rõ rệt, tư sản Việt Nam trở thành một giai cấp có vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam.

Trong ba thập niên đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam, phong trào dân tộc dân chủ diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo các thành phần trong xã hội tham gia. Trước năm 1919, phong trào yêu nước chống Pháp diễn ra theo khuynh hướng dân chủ tư sản do giới sĩ phu cấp tiến phát động. Nhưng từ sau năm 1919, phong trào dân tộc dân chủ diễn ra song song hai khuynh hướng dân chủ tư sản và vô sản.

28

Chương 2. HOẠT ĐỘNG CỦA TƯ SẢN VIỆT NAM TRONG PHONG TRÀO DÂN TỘC DÂN CHỦ 30 NĂM ĐẦU THẾ KỶ XX

2.1. Hoạt động của tư sản Việt Nam trong phong trào dân tộc dân chủ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1914

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư sản việt nam trong phong trào dân tộc dân chủ 30 năm đầu thế kỷ XX (Trang 29 - 34)