Tư sản ViệtNam tham gia phong trào Đông Du

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư sản việt nam trong phong trào dân tộc dân chủ 30 năm đầu thế kỷ XX (Trang 34 - 37)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.1. Tư sản ViệtNam tham gia phong trào Đông Du

Đầu năm 1904, Phan Bội Châu, Cường Để và hơn 20 đồng chí họp tại nhà riêng của Nguyễn Hàm cùng nhau thành lập một tổ chức bí mật có tên là Duy Tân hội. Mục đích chính của Hội là đánh Pháp, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Khi thành lập, Hội đề ra ba nhiệm vụ trước mắt “phát triển thế lực hội về người cũng như về tài chính; xúc tiến việc chuẩn bị bạo động và các công việc sau đó và chuẩn bị xuất dương cầu viện, xác định phương châm và thủ đoạn xuất dương” [48, tr.140].

Thực hiện nhiệm vụ Duy Tân hội giao cho, Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ lên đường sang Nhật Bản với mục đích cầu viện về quân sự. Tuy nhiên, khi sang tới Nhật Bản, ý đồ cầu viện về quân sự không thành, Phan Bội Châu chuyển sang cầu học, tiến hành cuộc vận động Đông Du. Phong trào Đông Du diễn ra sôi nổi, đưa thanh niên yêu nước của Việt Nam sang học tập ở Tokyo, nơi được coi là “trung tâm văn hóa - chính trị” của Đông Á lúc bấy giờ, nhằm đào tạo nhân tài cứu nước, làm cho đất nước tiếnkịp trình độ với các nước văn minh trên thế giới, đó là mục đích tối hậu của phong trào Đông Du.

Mặc dù đây không phải là phong trào do tư sản Việt Nam khởi xướng, trong lực lượng cứu nước mà Phan Bội Châu gọi là “mười giới đồng tâm”

không có mặt của họ, nhưng trong thực tế vẫn có sự tham gia của tư sản Việt Nam. Bởi thành phần tham gia phong trào này có rất nhiều hạng người trong xã hội, chia làm hai thế hệ già và trẻ. Thế hệ già là bộ phận người đồng sáng lập, còn thế hệ trẻ là những người tham gia tích cực vào phong trào, trong đó những thành phần xã hội khác nhau như địa chủ, nho sĩ, chức sắc, tôn giáo và cả thương nhân [47].Trong quá trình vận động diễn ra phong trào, mặc dù tư sản

29

Việt Nam không trực tiếp sang Nhật, nhưng vẫn hưởng ứng sôi nổi phong trào Đông Du thông qua nhiều hình thức khác nhau như gửi con em mình sang Nhật Bản du học, quảng bá hình ảnh của phong trào ở trong nước thông qua các sách báo, tổ chức vận động, ủng hộ tiền bạc cho Duy Tân hội...

Từ năm 1906, phong trào Đông Du phát triển mạnh, thu hút 200 lưu học sinh Việt Nam học tập ở Nhật Bản. Vấn đề kinh phí để duy trì học tập cho số lượng người lớn, trong bối cảnh số lượng học bổng mà Nhật Bản tài trợ rất ítchính là nỗi lo thường trực của Phan Bội Châu: “Trong lòng tôi có hai việc lo: lo làm sao cho toàn thể học sinh được bền chặt; lo làm sao cho tài chính hậu viện được tiếp tục” “sở dĩ phải lo tài chính vì tài chính tại ngoài chưa có nhất định cơ sở, chỉ nhờ sức tiếp tế trong nước nhưng sức trong nước cũng rất hèn mọn” [39, tr.116-117]. Vì thế, bên cạnh những áng văn cổ động tinh thần yêu nước, Phan Bội Châu viết nhiều tác phẩm kêu gọi các tầng lớp nhân dân ủng hộ kinh phí và tuyển thanh niên du học ở Nhật Bản. Những lời văn thống thiết, đầy tính khích lệ của Phan Bội Châu được đông đảo các tầng lớp nhân dân khắp nơi trong cả nước hưởng ứng mạnh mẽ, các nhân sĩ trí thức, nhà điền chủ và cả doanh nhân đều hướng về phong trào, ủng hộ kinh phí cho hoạt động Đông Du.

Năm 1905, Nguyễn Thành vận động nhân dân ở Trung Kỳ đóng góp được 3.000 đồng, trong đó có Lâm Bình, một tư sản thương nghiệp, chuyên buôn bán hàng lâm thổ sản hỗ trợ 200 đồng. Một thương nhân khác là Trần Đông Phong góp 15 nén bạc, trích từ vốn làm ăn của gia đình mình để ủng hộ quỹ du học. Từ đó, số lượng người đóng góp ngày càng đông, số tiền thu được lên đến 40.000 đồng tương đương với 200 lượng vàng [39, tr.180].

Bên cạnh đó, Duy Tân hội hướng sự vận động ủng hộ vào Nam Kỳ:“muốn mưu toan việc lớn tất phải tốn nhiều tiền, xứ Nam Kỳ là kho tiền, vựa thóc, là nơi sáng nghiệp của triều Nguyễn, khi Gia Long phục quốc tài lực đều lấy ở xứ này, bấy giờ nếu lập được dòng dõi Gia Long thì việc hiệu triệu dân Nam Kỳ rất dễ” [59, tr.54]. Thông qua chuyến “Nam du”, Phan Bội

30

Châu gặp gỡ nhiều điền chủ, nghiệp chủ có tinh thần chống Pháp như Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn An Khương, Trần Chánh Chiếu... Nhờ đó, ông tranh thủ được sự ủng hộ của các thân hào, sĩ phu và cả giới tư sản Việt Nam ở Nam Kỳ. Đây là nguồn tài trợ lớn cho phong trào Đông Du sau này. Năm 1907, Nguyễn Thần Hiến đứng ra thành lập “Khuyến du học hội” nhằm vận động học sinh sang học tại Nhật Bản. Ông tự nguyện ủng hộ một phần lớn gia tài vào quỹ du học của Duy Tân hội, với số tiền lên đến 20.000 đồng, tương đương hàng trăm lạng vàng [59, tr.8]. Ở Đồng Tháp, tổ chức nhiều cuộc quyên góp trong nhân dân, chủ yếu là các gia đình khá giả, đại điền chủ, trong đó có nghiệp chủ Nguyễn Thị Phước ủng hộ 2.000 đồng. Ở Sa Đéc, cơ sở kinh doanh dưới danh nghĩa hiệu buôn Tân Thành vừa kinh doanh vừa nhận tiền ủng hộ cho phong trào Đông Du. Cùng với đó, Đặng Thúc Liêng (Sa Đéc), Cả Trận (Mỹ Tho), Nguyễn Quang Diêu (Cao Lãnh),... cũng góp tiền ủng hộ cho phong trào Đông Du.

Ngoài việc ủng hộ tài chính, tư sản Việt Nam còn tích cực ủng hộ phong trào Đông Du bằng việc gửi con em mình đi du học theo lời kêu gọi của Phan Bội Châu. Đến năm 1908 có khoảng 200 thanh niên ưu tú của Việt Nam sang Nhật Bản du học, trong đó Nam Kỳ đóng góp hơn 100 người, Trung Kỳ đóng góp khoảng 50 người, ở Bắc Kỳ khoảng 40 người. Trong số 200 du học sinh sang Nhật Bản có nhiều “con cháu của các sĩ phu yêu nước, các nhà công thương có xu hướng chống Pháp” [28, tr.116]. Ví như trường hợp của Lê Vĩnh Huy - một thương nhân chuyên buôn bán quế, hồ tiêu, chè ở Quảng Nam đã gửi người em trai là Lê Ngọc Liên và hai người con trai là Lê Triêm, Lê Duyện cùng xuất dương du học, đồng thời ông cũng bỏ ra nhiều tiền bạc để ủng hộ quỹ du học của Phan Bội Châu [39, tr.146].

Để đảm bảo nguồn quỹ lâu dài cho hoạt động du học, những người trong Duy Tân hội nhận thức không thể dựa mãi vào sự ủng hộ, bởi như lời của Phan Bội Châu “sức trong nước cũng rất hèn mọn”. Do vậy, họ kêu gọi lập các hội buôn vừa để cổ động phát triển công - thương nghiệp nước nhà, vừa

31

tạo nguồn thu để hỗ trợ kinh phí cho phong trào Đông Du:“Thân mình làm ra của cải thì phải lấy của cải mà mở thêm thân, đó mới là việc làm đủ cả trí lẫn nhân, lấy tiền của mình đã tích trữ để hô hào quốc dân, hoặc mở thương điếm hoặc lập ngân hàng, liên hiệp nhiều người góp vốn làm công hội” [39, tr.163].

Trước lời kêu gọi đó, nhiều sĩ phu, điền chủ, nhà buôn mở cửa hiệu, lập hội buôn vừa phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa vừa làm kế thu thập tiền bạc. Cụ thể, Đỗ Chân Thiết lập ra hiệu kim hoàn ở phố Hàng Bạc (Hà Nội), Đặng Nguyên Cẩn cùng với Ngô Đức Kế vận động thành lập Triêu Dương thương quán (Vinh), Trần Chánh Chiếu thành lập Nam Trung khách sạn (Sài Gòn), Minh Tân khách sạn (Mỹ Tho), Nguyễn An Khương thành lập Chiêu Nam Lầu (Sài Gòn), Công ty nhà in (Sài Gòn), Công ty Vĩnh Hiệp của nhóm “Thất Hiền” (Bến Tre) và một số cơ sở mua bán, xay xát lúa gạo, hàng tiêu dùng…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư sản việt nam trong phong trào dân tộc dân chủ 30 năm đầu thế kỷ XX (Trang 34 - 37)