Các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư sản việt nam trong phong trào dân tộc dân chủ 30 năm đầu thế kỷ XX (Trang 65 - 71)

7. Kết cấu của luận văn

2.3.3. Các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng

2.3.3.1. Xuất bản báo chí

Báo chí sớm trở thành công cụ phục vụ đắc lực cho việc tuyên truyền chính sách thống trị của thực dân Pháp. Sự ra đời của báo chí tại Việt Nam là nhằm để thực dân Pháp “phô trương sự hào nhoáng của nền văn minh Âu -

60

Tây, hòng tấn công làm suy sụp tinh thần những người còn hoài vọng vương triều nhà Nguyễn” [92, tr.12]. Trong hai thập niên đầu thế kỷ XX, báo chí chữ Pháp và chữ Quốc ngữ ra đời ở Việt Nam. Những năm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất là thời kỳ nở rộ của báo chí Việt Nam. Báo chí Quốc ngữ ngày càng được sử dụng rộng rãi, tạo ra một lực lượng người viết báo và độc giả đông đảo. Theo thống kê danh mục các ấn phẩm nộp lưu chiểu của chính quyền thực dân, số lượng báo chí Quốc ngữ tăng từ 19 tờ năm 1922 lên 47 tờ vào năm 1929 [18, tr. 90], tiêu biểu là sự ra đời của các tờ báo như Thực nghiệp dân báo (1920), Hữu Thanh tạp chí (1921), Khai hóa nhật báo (1921), Hà thành ngọ báo (1927), Tiếng dân (1927)...

Trước năm 1918, tư sản Việt Nam chỉ thông qua những tờ báo như Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Đăng cổ tùng báo..., với những cây bút như Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt, Lương Khắc Ninh (Lương Dũ Thúc), Nguyễn Văn Vĩnh... để cổ động, kêu gọi người dân và giới mình thực hiện công cuộc chấn hưng thực nghiệp do giới sĩ phu cấp tiến phát động. Tư sản Việt Nam chỉ là lực lượng tham gia góp tiếng nói trên báo chí, còn bản thân họ chưa đủ sức để tự đứng ra lập các tờ báo với tư cách là cơ quan ngôn luận của giai cấp của mình.

Sau năm 1918, tư sản Việt Nam tăng nhanh về số lượng và trưởng thành hơn về ý thức giai cấp, họ tổ chức cuộc vận động chấn hưng thực nghiệp nhằm phát triển nền kinh tế dân tộc, tổ chức đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế trước sự độc quyền của tư bản ngoại quốc, đòi quyền lợi về chính trị. Đồng thời, để tuyên truyền hệ tư tưởng của giai cấp mình ở trong nước, tư sản Việt Nam đứng ra xuất bản một số tờ báo, tiếp tục coi trọng vai trò của báo chí và sử dụng báo chí như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho các cuộc đấu tranh của giai cấp mình.

Trước tiên phải kể đến tờ Thực nghiệp dân báo (1920 - 1933). Tờ báo này ra đời là sự hợp sức của ba nhà tư sản Việt Nam lớn thời đó là Nguyễn Hữu Thu, Bùi Huy Tín và Bùi Đình Tá. Thực nghiệp dân báo ra số đầu tiên

61

vào ngày 12/2/1920. Tòa soạn đặt ở 43 Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bùi Huy Tín là chủ nhiệm kiêm quản lý, sau này là Mai Du Lân. Chủ bút là Trần Văn Quang, sau là Bùi Đình Tá. Tên gọi là Thực nghiệp dân báo nên ngay trên măng-sét của tờ báo ghi rõ: cơ quan hữu ích về đường phổ thông, về việc truyền bá học thuật, tư tưởng và âm tín, về việc nghiên cứu, việc tổ chức mọi việc của vạn gia thực nghiệp. Do đó, nội dung chính của tờ Thực nghiệp dân báo là hô hào thực nghiệp, chấn hưng kinh tế. Điều này thể hiện trong bài “Mấy lời thỏ thẻ cùng bạn tri âm” trên Thực nghiệp dân báo ngày 13/2/1920: “Chủ nghĩa của bản báo là thế nào? Bản báo muốn đem sức mọn giúp quốc dân về đường nông thương kỹ xảo, mong sao cho cái thế giới thực nghiệp của nước nhà được nhờ có thầy hay bạn tốt là nước Đại Pháp dạy bảo giúp dựng cho mà ngày thêm rạng vẻ gấm hoa sáng lạn” [52].

Mặc dù là một tờ báo cổ vũ thực nghiệp, phát triển nền kinh tế dân tộc, song Thực nghiệp dân báo không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ kinh tế mà còn mở rộng ra nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, mang hơi thở của đời sống xã hội với nhiều chuyên mục như: thông tin thị trường hàng hóa, tin tức từ nước Pháp, tin tức về Trung Hoa, Nhật Bản và các nước khác trên thế giới, văn học nghệ thuật, chuyên mục phụ nữ... Đặc biệt là những vấn đề thời sự về kinh tế, chính trị, văn hóa của Việt Nam và các nước trên thế giới được đăng tải trên trang nhất với những lời bình luận sâu sắc, thể hiện quan điểm đa chiều, thái độ của tờ báo. Thậm chí, nó còn trở thành ngọn cờ tiên phong trong phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu và lễ truy điệu Phan Châu Trinh diễn ra trong những năm 20 của thế kỷ XX.

Tờ Khai hóa nhật báo (1921 - 1928) do nhà tư sản Bạch Thái Bưởi sáng lập, ra số đầu tiên vào ngày 15/7/1921. Chủ bút ban đầu là Hoàng Tích Chu rồi đến Đỗ Thận. Đây là tờ báo thể hiện tiếng nói đại diện cho tư sản đang lên ở Bắc Kỳ. Ngay trong số ra đầu tiên, Bạch Thái Bưởi nêu rõ mục đích của báo: “Một là sự đồng bào ta tự khai hóa cho nhau, dạy bảo lẫn nhau, dung hợp cái văn hóa cũ với văn minh mới, gắng vào sự truyền bá và sự tiến hóa

62

của quốc văn cũng là mở mang các con đường thực nghiệp. Hai là giãi bày cùng chính phủ bảo hộ những sự yêu cầu thiết thực chính đáng của quốc dân. Ba là diễn giải những ý kiến, những sự lợi ích của các công cuộc chính phủ đang trù tính” [43, tr.73]. Với nội dung chính là bàn về chấn hưng thực nghiệp, chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa, bản báo từng đề nghị cho Đông Dương được “tự do mậu dịch”, các nhà tư sản Việt Nam được tự do buôn bán với người nước ngoài, phản đối không cho người Hoa nhập cảng vào Việt Nam... Đồng thời, tờ báo này còn đề cập đến các vấn đề ở xã hội Việt Nam như cải lương hương thôn, tổ chức lại hội đồng hương xã, đưa tin thời sự ở trong nước và thế giới, đăng tải tiểu thuyết...

Tờ Hữu Thanh tạp chí (1921 - 1927) là cơ quan ngôn luận của Hội Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp. Tờ báo ra số đầu tiên vào ngày 1/8/1921 tại Hà Nội. Chủ nhiệm tờ báo là Nguyễn Duy Hợi, sau là Trần Quang Huy rồi đến Nghiêm Vịnh. Chủ bút là Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu)... Nội dung của tờ báo chủ yếu tập trung vào việc tuyên truyền tinh thần hữu ái, những tư tưởng, quan điểm để bảo vệ quyền lợi cho chính giai cấp tư sản. Trên số 39, ra ngày 1/3/1923 đã thể hiện rõ quan điểm của tờ báo: “... tập báo cổ động luôn luôn có cái việc liên lạc, việc buôn bán, việc di dân. Các tấm lòng ái quốc của chúng ta là phải làm thế nào cho tới nơi, chớ nói hoài mà không làm gì thì cũng vô ích” [79]. Tờ báo còn dành một dung lượng trang nhất định cho văn học, khoa học, đăng nhiều bài về luân lí đạo đức và phản ánh những hoạt động của Hội Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp.

Tờ Hà Thành ngọ báo (1927 - 1936) do hai cha con nhà tư sản Bùi Xuân Học lập ra và làm chủ nhiệm, ra số đầu tiên vào ngày 1/6/1927, được phát hành vào buổi trưa hàng ngày. Tòa soạn của Hà Thành ngọ báo đặt tại số 24 đường Gia Long, Hà Nội. Từ số 1200 ngày 15/8/1931 đổi tên thành Ngọ báo. Từ khi Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn hợp tác với tờ báo, đã sử dụng lối văn mới, giàu lượng thông tin thay vì lối văn biền ngẫu, đầy chữ Nho, điển tích như trước. Đây là tờ báo tiêu biểu cho cách làm báo của tầng lớp trí thức Tây học. Nội

63

dung tờ báo phản ánh nhiều vấn đề chính trị, xã hội và có thái độ chính trị mang khuynh hướng tự do tư sản, đúng như tôn chỉ của báo là: “Ngọ báo ra đời vào khoảng quá trưa, xin hết sức vì các anh em công nông thương mà hô hào cỗ vũ, lắng nghe hồi chuông điểm ngọ chắc cũng tỉnh táo mà lo tới tiền đồ... Cảm tình mong muốn cùng các bạn đề huề trên vũ đài ngôn luận để cùng nhau gõ mõ khua chuông, phụng thành cái thiên chức tối cao tối đại” [37].

Tháng 8/1927, ở Trung Kỳ xuất hiện tờ báo Tiếng dân. Tờ báo này do Huỳnh Thúc Kháng, lúc đó là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ đứng ra thành lập. Báo có khổ 58x42, mỗi tuần ra hai số, vào thứ tư và thứ bảy. Mặc dù tờ báo này chưa phải là cơ quan ngôn luận riêng biệt của tư sản Việt Nam ở Trung Kỳ, với phương châm “phô bày tâm lý chân chính của quốc dân trên mặt báo, đối với quốc dân xin làm vị thuốc đắng, đối với chính phủ xin làm người bạn ngay” [88, tr.19] thể hiện nguyện vọng của tư sản Việt Nam với tư cách là một bộ phận dân chúng ở Trung Kỳ.

Để tuyên truyền cho tư tưởng cải lương chủ nghĩa, đồng thời đấu tranh đòi một số quyền tự do dân chủ trong khuôn khổ chế độ thuộc địa, tư sản Việt Nam ở Nam Kỳ cho xuất bản hai tờ báo là Diễn đàn Đông Dương (La Tribune indochinoise) và tờ Tiếng vang Annam (L’Écho annamite). Tờ La Tribune indochinoise ra đời năm 1926, do Nguyễn Kim Đính làm chủ bút và quản lý, được xem như là tiếp nối tờ Tribune Indigène của Bùi Quang Chiêu, vốn bị buộc phải đình bản năm 1925. Còn tờ L’Écho annamite xuất bản năm 1920, do Nguyễn Phan Long làm chủ bút. Đến năm 1924, phát triển thành nhật báo, thu hút được khá đông người đăng quảng cáo và đặt mua dài hạn. Do các tờ báo này đứng trên lập trường quốc gia cải lương nên nội dung chính của là tuyên truyền cho chủ nghĩa “Pháp - Việt đề huề” và tư tưởng trực trị. Minh chứng rõ nhất là trên tờ L’Écho annamitesố ra tháng 8/1920 đăng bài “Má ơi đến cứu chúng con” với chủ trương dựa vào Pháp để chống lại tư sản Hoa kiều.

2.3.3.2. Truyền bá tư tưởng dân chủ tư sản

Ngay từ đầu thế kỉ XX, trên cơ sở những biến đổi về kinh tế - xã hội, cộng với ảnh hưởng cuộc vận động duy tân từ bên ngoài dội vào, tư tưởng

64

dân chủ tư sản bắt đầu xuất hiện trên vũ đài chính trị Việt Nam. Tư tưởng dân chủ mới này gắn liền với sự ra đời và xác lập của chủ nghĩa tư bản và nhà nước tư sản. Đây chính là sức hấp dẫn của nền văn minh phương Tây, mà

“những người được hun đúc theo những nền văn hoá Á Đông cổ xưa cũng cảm thấy rằng ngọn gió từ phương Tây sang sẽ mang đến cho họ nguồn sinh lực mới” [85, tr.165]. Dầu vậy, tư tưởng dân chủ tư sản được tiếp thu ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh người Pháp mới tiến hành cuộc khai thác lần thứ nhất chưa lâu, những yếu tố tư bản chủ nghĩa trong nền kinh tế và xã hội Việt Nam còn đang ở trạng thái phôi thai, nên mức độ tiếp thu còn hạn chế, chưa đủ cơ sở về kinh tế và xã hội làm bệ đỡ cho nó để có thể biến thành yếu tố nội sinh, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), trong xã hội Việt Nam, bên cạnh những giai cấp cũ đã xuất hiện thêm các giai cấp mới, trong đó có giai cấp tư sản Việt Nam. Tư sản Việt Nam lấy tư tưởng dân chủ tư sản làm “kim chỉ nam” cho hành động của giai cấp mình. Do đó, bằng nhiều con đường khác nhau, mà chủ yếu là thông qua báo chí và các tổ chức chính trị của mình, tư sản Việt Nam góp phần vào việc truyền bá tư tưởng chủ tư sản vào xã hội Việt Nam.

Hoạt động của Đảng Lập hiến gắn với cơ quan ngôn luận của nó là tờ báo La Tribune Indochinoise (trước đó là tờ báo La Tribune Indigène) thể hiện rõ việc truyền bá tư tưởng dân chủ tư sản ở Việt Nam. Trong một bài viết đăng trên tờ Tribune Indochinoisecho rằng: “một luồng gió cải cách thổi qua khắp mặt trái đất, không nước nào không... Từ trước chưa hề nghe người ta viết nhiều, nói nhiều đến những danh từ thần bí: tự do, nhân quyền, như bây giờ, chưa hề lúc nào tư tưởng con người chứa đựng những lời lẽ bác ái và nhân đạo như bây giờ” [33, tr.513]. Trong khi đó, Việt Nam quốc dân đảng lấy chủ nghĩa “Tam dân” của Tôn Trung Sơn làm chủ nghĩa chính thức, thực hiện chủ trương đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập cho nước nhà bằng bạo động cách mạng. Vì vậy, những năm 1925 - 1929, không có chủ nghĩa chính trị nào được bàn luận, phiên dịch, phổ biến nhiều bằng chủ nghĩa Tam dân của Tôn

65

Trung Sơn. Tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm của Tôn Trung Sơn về chủ nghĩa Tam dân và Ngũ quyền Hiến pháp.

Cùng với việc tuyên truyền tư tưởng xây dựng chế độ chính trị, thiết chế nhà nước, nhiều vấn đề dân sinh, dân chủ khác cũng được truyền bá vào trong nước. Những quan điểm này có tác dụng to lớn trong việc thức tỉnh người dân nâng cao ý thức dân quyền, dân sinh, chống lại chính sách thống trị thiếu dân chủ của chính quyền thực dân phong kiến. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi tư tưởng phong kiến thể hiện sự lỗi thời của nó, Việt Nam đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng về tư tưởng, đường lối cứu nước khi chưa có sự du nhập của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư sản việt nam trong phong trào dân tộc dân chủ 30 năm đầu thế kỷ XX (Trang 65 - 71)