Tư sản ViệtNam tham gia phong trào Duy Tân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư sản việt nam trong phong trào dân tộc dân chủ 30 năm đầu thế kỷ XX (Trang 37 - 45)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.2. Tư sản ViệtNam tham gia phong trào Duy Tân

Trong thập niên đầu thế kỷ XX, giới sĩ phu cấp tiến ở Việt Nam chủ trương thực hiện cuộc vận động Duy Tân trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Để thực hiện chủ trương trên, Phan Châu Trinh phát động ở các tỉnh Trung Kỳ phong trào Duy Tân, một số khác ở Bắc Kỳ triển khai cuộc vận động Duy Tân dưới hình thức một trường học với tên gọi Đông Kinh nghĩa thục, trong khi ở Nam Kỳ lại diễn ra với tên gọi phong trào Minh Tân. Những phong trào này dù tên gọi và diễn ra dưới những hình thức khác nhau, nhưng đều hướng vào việc kêu gọi người Việt thay đổi tư duy kinh tế, xây dựng lối sống mới, phát triển giáo dục và sau đó bùng lên mạnh mẽ thành một phong trào yêu nước khi có sự kết nối với phong trào Đông Du, góp phần vào sự phát triển chung của phong trào yêu nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Các nhà duy tân tập trung vào vận động chấn hưng thực nghiệp, xóa bỏ quan niệm “trọng nông ức thương”, “trọng vương khinh bá”, bởi “công nghệ rất quan trọng đối với quốc gia. Ta không hơn người thì người sẽ bỏ rơi ta. Tiền của phung phí ra ngoài nước không còn gì tệ hơn thế nữa.... Như thế mà

32

không có người chịu trổ tài, đua khéo hơn người, thì có lẽ nào” [77]. Cùng với đó, giới sĩ phu duy tân kêu gọi góp vốn, góp công, góp trí khôn, góp kinh nghiệm nhằm tạo dựng hội buôn có tổ chức, có quy mô lớn để cạnh tranh với người nước ngoài. Đồng thời, lấy kinh tế làm gốc để thực hiện các mục tiêu phát triển khác.

Hưởng ứng lời kêu gọi của giới sĩ phu cấp tiến, tư sản Việt Nam tích cực tham gia góp vốn và thành lập các cơ sở sản xuất kinh doanh dưới tên gọi

“hợp thương”, “quốc thương”. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều hợp thương ra đời trên khắp cả nước, nhằm cổ động cho hình thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa. Tất cả đều hướng theo tinh thần của Bài ca khuyên hợp thương

do Trần Quý Cáp viết:

“Bỏ bạc tiền ra đó (để) buôn chung Người có của, kẻ có công…” [98, tr.151].

Tư sản ở Bắc Kỳ hưởng ứng lời kêu gọi của tầng lớp sĩ phu cấp tiến trong việc lập các cơ sở kinh doanh. Do cơ sở kinh tế của tư sản ở Bắc Kỳ không bằng ở Nam Kỳ nên hình thức lập các hợp thương của tư sản Việt Nam ở Bắc Kỳ chủ yếu bằng hình thức hùn vốn với nhau. Một số cơ sở kinh doanh của tư sản Việt Nam ở Bắc Kỳ lần lượt ra đời, tiêu biểu như Công ty Đồng Lợi Tế (Hà Nội), Công ty Đông Thành Xương (Hà Nội), Công ty Quảng Hưng Long (Hà Nội), Công ty Hồng Tân Hưng (Hà Nội), Công ty Quảng Hợp Ích, hiệu buôn Phúc Lợi Tế (Phúc Yên), hiệu buôn Hưng Lợi Tế (Hưng Yên), hiệu buôn Sơn Thọ (Việt Trì)... Trong đó, Công ty Quảng Hưng Long là minh chứng rõ nét cho việc hùn vốn cùng kinh doanh. Công ty này được thành lập vào ngày 19/8/1907, có trụ sở tại số 79 phố Hàng Bồ (Hà Nội) với sự hùn vốn góp cổ phần của những nhà tư sản ở Bắc Kỳ như Sơn Xuân Hoan, Trần Duy Trinh, Hoàng Kim Bảng. Công ty thành lập nhằm mục đích: “tham gia vào tất cả các hoạt động thương mại và công nghiệp, đặc biệt là đồ kim khí, kim loại đồ đồng, sơn, xây dựng, sản xuất xà phòng”[44, tr.67]. Công ty được quản lý bởi ông Sơn Xuân Hoan, ông có quyền mở rộng các hoạt động

33

theo mục đích của công ty, tôn trọng luật pháp về tài chính và tài sản. Hội đồng giám sát Công ty gồm 4 cổ đông, chủ sở hữu với 5 cổ phiếu thời hạn 2 năm và có thể tiếp tục 2 năm sau, một thành viên phải có ít nhất là 3 cổ phần, 3 thành viên của Hội đồng khác có quyền biểu quyết. Chủ tịch Hội đồng giám sát là ông Trần Duy Trinh, các thành viên trong Hội đồng là các ông Lê Văn Phúc, Phùng Huy Bích, Trần Duy Trinh, Nguyễn Công Thao. Mỗi tháng Hội đồng họp ít nhất 4 lần và có thể do Chủ tịch hội đồng triệu tập bất thường. Hội đồng chung gồm các cổ đông chủ sở hữu có ít nhất mỗi người 2 cổ phiếu. Các thành viên khác như quản lý hay Hội đồng giám sát có thể được triệu tập để họp bàn vì lợi ích của Công ty. Việc phân chia lợi nhuận (sau khi trích 5% để lập quỹ dự trữ) thì được thực hiện theo tỉ lệ cho các cổ đông là 77%; cho quản lý 2,5%; cho kế toán công ty là 15%; cho Hội đồng giám sát là 8%.

Ở Trung Kỳ, các hợp thương cũng nhanh chóng xuất hiện nhờ vào sự góp vốn của nhiều người, trong đó có tư sản. Tiêu biểu cho hình thức góp vốn để lập các hợp thương để kinh doanh là sự ra đời của Liên Thành thương quán (Phan Thiết). Ngoài ra, còn hàng loạt các hợp thương khác cũng xuất hiện ở Trung Kỳ như Hợp thương Diên Phong (Quảng Nam), Thương cuộc Hội An (Quảng Nam), Quảng Nam hiệp thương công ty (Quảng Nam), Công ty Phượng Lâu (Thanh Hóa) và các hiệu buôn Thuận Nghĩa (Nghệ An), Tiên Long (Hà Tĩnh), Mộng Hanh (Vinh),...

Liên Thành thương quán thành lập năm 1906, với các sáng lập viên là Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh, Trần Lệ Chất, Nguyễn Hiệt Chi, Ngô Văn Nhượng. Bên cạnh đó là sự góp vốn của nhiều thành phần xã hội khác nhau. Chỉ một năm sau khi thành lập, vốn của Liên Thành thương quán lên 90.000 đồng, đây là số vốn khá lớn so với các công ty người Việt cùng thời lúc bấy giờ. Hoạt động của Liên Thành thương quán không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thương mại mà còn để lại dấu ấn tích cực, tạo nguồn tài chính cho hoạt động duy tân, là địa điểm hợp pháp cho các nhân sĩ lui tới.

Lúc mới thành lập, Liên Thành thương quán lựa chọn sản xuất và kinh doanh nước mắm, là ngành kinh doanh nhỏ và chưa nằm trong tay tư bản

34

nước ngoài. Ngoài ra, công ty còn kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn, buôn bán thuốc bắc, vải vóc... Trong quá trình hoạt động, với thương hiệu nổi tiếng “Công ty Liên Thành” gây nên sự chú ý của chính quyền thực dân và tư sản mại bản. Vì vậy, chính quyền thực dân tiến hành khám xét cơ sở của Liên Thành thương quán. Tuy nhiên, với tài điều hành khôn khéo của Hồ Tá Bang và Trần Lệ Chất, công ty đã vượt qua được sự khám xét của chính quyền thực dân. Công ty Liên Thành phát triển từ một hội buôn thành một nhà sản xuất. Sản phẩm của họ làm ra được đóng chai, có nhãn hiệu là một con voi đỏ, ghi chú rõ ràng nơi sản xuất một cách hết sức quy củ. Công ty Liên Thành đánh dấu sự xuất hiện lối kinh doanh tư bản chủ nghĩa, đồng thời đánh dấu bước phát triển của nền kinh tế dân tộc theo hình ảnh của nền kinh tế tư bản phương Tây.

Ở Nam Kỳ, phong trào Minh Tân do Trần Chánh Chiếu phát động bùng phát mạnh mẽ làm cho giới tư sản Nam Kỳ bị lôi cuốn và tham gia tích cực. Theo đó, sự tham gia của tư sản Việt Nam thể hiện rõ nét nhất ở việc họ tự đứng ra thành lập các công ty, kinh doanh với nhiều lĩnh vực khác nhau như dịch vụ khách sạn, thành lập hiệu buôn, nhà in, hưởng ứng cuộc vận động phát triển nền kinh tế theo mô hình tư bản chủ nghĩa để cạnh tranh với thương nhân Hoa kiều và Ấn kiều. Vì vậy, nhiều công ty của tư sản Việt Nam lần lượt ra đời như Công ty Nam Kỳ Minh Tân công nghệ xã, Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho, Nam Trung khách sạn ở Sài Gòn, khách sạn Chiêu Nam Lầu ở Sài Gòn... Ngoài ra, còn rất nhiều hiệu buôn nhỏ khác do các thành viên khác trong Hội thành lập, như Tân Hóa thương hội ở Chợ Gạo (Tiền Giang), Hội tương trợ giáo viên ở Gò Công (Tiền Giang), Minh Tân thương cuộc ở Tầm Vu (Tân An, Long An), hiệu buôn Nam Hòa ở Bến Tre, Công ty Nam Chấn Thành ở Chợ Lớn, hiệu buôn Nam Hòa Lợi ở chợ Mỏ Cày (Bến Tre), hiệu buôn Nam Đồng Hưng ở chợ Rạch Giá... Điển hình là trường hợp Công ty Nam Kỳ Minh Tân công nghệ xã do bản thân tư sản Việt Nam ở Nam Kỳ tự đứng ra thành lập.

35

Công ty Nam Kỳ Minh Tân công nghệ do Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Thành Út, thành lập (01/06/1908). Đây là một công ty cổ phần, đa số người đóng góp là giới điền chủ và công chức, được thành lập công khai với điều lệ gần giống như các công ty của Pháp lúc đó. Vốn điều lệ của công ty là 1.000 đồng, mỗi phần hùn không dưới 10 đồng tức là 25 quan tiền Pháp, gồm 17 thành viên là điền chủ, nghiệp chủ, hương chức ở các tỉnh Trà Vinh, Mỹ Tho, Gò Công, Chợ Lớn, Sài Gòn, Rạch Giá do Trần Chánh Chiếu làm quản lí. Công ty nêu rõ kế hoạch hoạt động là lập lò chỉ (máy kéo sợi bông vải), lò dệt, lò xà bông, thuộc da và làm đồ pha lê… Đồng thời trong điều lệ nêu rõ là công ty sẽ dạy học sinh làm những nghề trên. Trong khoản I điều lệ nói về mục đích thành lập Nam Kỳ Minh Tân công nghệ có viết: “Khoản thứ nhất, công ty này lập ra là có ý dạy con trẻ trong xứ cho biết nghề nghiệp làm ăn dệt vải, dệt hàng lụa, làm thủy tinh, làm thuộc da, đóng giày” [Dẫn theo 25, tr.107]. Tháng 7/1908, công ty cho người ra Bắc để học cách thức làm hộp quẹt diêm và mướn thầy thợ. Bên cạnh đó, tháng 9/1908, công ty của Trần Chánh Chiếu còn tham gia vào sản xuất chế biến xà phòng với nhãn hiệu xà bông Con Vịt. Bán giá tùy theo hạng “hạng nhứt một cục 200 grammes 4 chiêm, hạng nhì một cục 3 chiêm và hạng ba một cục 2 chiêm” [65, tr.21]. Cuối tháng 10, Trần Chánh Chiếu bị bắt nên công ty ngưng hoạt động và giải tán.

Trước xu thế nền văn hóa dân tộc đối diện và giao thoa với văn minh phương Tây, giới sĩ phu cấp tiến thể hiện mong muốn học hỏi và tiếp thu có chọn lọc giá trị văn minh phương Tây, nhằm tìm con đường giải phóng dân tộc và hiện đại hóa đất nước. Vì thế, cải cách văn hóa - tư tưởng là một nội dung quan trọng của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX. Theo đó, họ kêu gọi các thành phần trong xã hội tham gia xây dựng nền văn hóa mới, mở trường dạy học mới để dạy chữ Quốc ngữ, tổ chức các buổi diễn thuyết, phổ biến sách báo tiến bộ để vận động học cái mới, đả kích tư tưởng, phong tục cổ hủ, đề cao dân chủ dân quyền.

Hưởng ứng các hoạt động trên, tư sản Việt Nam trước hết sử dụng báo chí như một công cụ để cổ động cho công cuộc duy tân, kêu gọi thực nghiệp,

36

đề cao và truyền bá chữ Quốc ngữ, tố cáo những thói hư tật xấu, những phong tục cổ hủ lạc hậu và đề xuất việc xây dựng nếp sống mới.

Năm 1907, tờ Đăng cổ tùng báo ra đời ở Bắc Kỳ. Tờ báo ra hàng tuần với các khẩu hiệu “Đồng tâm công tế, hợp lực tương trợ, chí duy nhất, nghiệp duy càn”. Điểm đặc biệt là nội dung tờ báo kêu gọi mở mang đoàn kết, bỏ lối học khoa cử, lễ tục phong kiến, mở mang công thương theo con đường tư bản chủ nghĩa. Tờ báo cho đăng một số bài viết để cổ động duy tân như: “Cáo lậu hủ văn”, “Người An Nam nên biết chữ An Nam”, “Bài ca khuyên người đi tu”, “Lập công ty buôn bán An Nam”… Tờ báo cho rằng bao nhiêu cái khổ sở, nhục nhã ở nước Nam cũng vì cái dốt mà ra. Trong bài “Cáo hủ lậu văn”

viết:“Tai hại thay hủ thư! Đục nát bét các bố! Đau đớn thay hủ nho! Làm các bố lầm lẫn! Tầm mắt không trông khỏi làng, đã chê cười Khang - Lương! Bước chân không ra khỏi ngõ, đã coi hẹp vũ trụ! Ấy thế mà còn đem văn rởm rất độc, mượn học quèn làm vua, tò mò chuyện yêu quái; hơi thom thóp như khí chiều sắp tắt! Hồn lẩn quất biết gọi đâu ra!” [48, tr.162].

Cũng trên tờ báo này, Nguyễn Văn Vĩnh từng khẳng định nước ta sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ [35]. Do đó, ông dùng báo chí Quốc ngữ để truyền bá những tư tưởng mới của văn minh phương Tây trong dân chúng. Tại Hội quán Trí Tri ngày 4/8/1907, Nguyễn Văn Vĩnh kêu gọi: “… Nước Nam ta muốn chóng bước lên đường tiến hóa thì phải mau thu thái những tư tưởng mới. Muốn cho những tư tưởng mới trong văn hóa Âu Tây truyền bá khắp trong dân gian, thì cần phải phiên dịch những sách chữ nước ngoài ra Việt Nam” [35].

Việc sử dụng báo chí Quốc ngữ để kêu gọi duy tân được xem là hình thức phổ biến và độc đáo của tư sản Việt Nam. Hai tờ báo chữ Quốc ngữ nổi tiếng cổ động cho phong trào Minh Tân ở Nam Kỳ và cũng là diễn đàn để tư sản Việt Nam hưởng ứng, kêu gọi phát triển công cuộc kinh doanh là Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn. Để kêu gọi thành lập công ty buôn bán lúa, trên báo Lục tỉnh tân văn số ra ngày 30/1/1908 đăng bài viết nêu rõ:

37

Nghề buôn lúa Nam Kỳ mình ai ai cũng biết nghề thứ nhất chẳng cần phải nói giông dài, mà lâu nay người mình không làm đặng...; còn bên phương Tây nhiều cái công ty hùn cho tới ngàn người, vốn cũng đặng trăm muôn đồng, họ làm coi như chơi, bởi có chọn một người nào thông thạo tôn làm thầy đặng bày biểu các việc, còn muốn vốn cho nhiều nữa phải thế chưn cái sổ biên chung số bạc mình hùn đặng bao nhiêu cho hãng [61, tr.198].

Hay để kêu gọi việc thành lập Duy tân công ty, Trần Chánh Chiếu viết bài đăng trên tờ Nông cổ mín đàm với nhan đề “Duy tân công ty”. Bài viết mở đầu như sau: “Sự đổi dân thì thánh nhơn ngài đã dạy khi ngài còn sanh tiền: Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân… Ấy vậy mà từ ngày vua Sĩ vương đến hóa dân thành thục nước Nam Việt, những nhà Nho gia coi lại thì hay tàng ẩn và hay nói điều hủ lậu chẳng có mảy múng nào tác tân dân” [61, tr.79]. Trong phần kết luận, tác giả bài viết nêu:“Tôi muốn mở cuộc tác tân dân, lập 20.000 phần hùn, mỗi hùn 5 đồng mà thôi, chẳng phải là nhiều. Có lẽ nào trong mỗi một hạt mà không được 1.000 phần hùn sao? Được cùng không được, đều được trong tay chư ông…” [61, tr.82].

Cùng với việc dùng báo chí cổ động xây dựng, phát triển nền kinh tế, văn hóa dân tộc, tư sản Việt Nam còn tham gia mở và ủng hộ tiền bạc cho các trường học mới, nhằm đào tạo lớp người có kiến thức khoa học, nắm bắt được xu thế thời đại, tiên phong trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Ở Trung Kỳ, trường Dục Thanh được thành lập năm 1907 ở làng Thành Đức3. Kinh phí hoạt động của trường chủ yếu dựa vào sự tài trợ của một số nhà tư sản ở địa phương và sự tài trợ của Liên Thành Thương quán. Điển hình như trường hợp nhà tư sản Huỳnh Văn Đẩu đã đóng góp 10 mẫu đất tốt để sản xuất, lấy kinh phí cho trường hoạt động. Nhờ vậy, học sinh không cần đóng học phí, giáo viên có tiền trợ cấp. Trường có khoảng bốn lớp học, số học sinh

3

Nay là số 39 phố Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Cấu trúc chính của trường gồm hai nhà lớn bằng gỗ dùng làm phòng học, một ngôi nhà lầu nhỏ dùng để tiếp khách, luận đàm thơ văn của các thầy trò.

38

lúc đông nhất khoảng 100 người. Trường chủ yếu dạy chữ Quốc ngữ, Hán văn, Pháp văn và các môn tự nhiên khác. Đây là một ngôi trường quy củ, với nội quy nghiêm khắc, yêu cầu cả học sinh và giáo viên thực hiện nghiêm túc.

Ở Bắc Kỳ, nổi tiếng nhất là Đông Kinh nghĩa thục. Trường được thành lập từ tháng 3/1907, và tồn tại đến tháng 12/1907, dưới hình thức là một trường tư thục hợp pháp. Đứng đầu trường với chức vụ Thục Trưởng do Lương Văn Can

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư sản việt nam trong phong trào dân tộc dân chủ 30 năm đầu thế kỷ XX (Trang 37 - 45)