Sự xuất hiện và hoạt động của các đảng phái chính trị

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư sản việt nam trong phong trào dân tộc dân chủ 30 năm đầu thế kỷ XX (Trang 71 - 77)

7. Kết cấu của luận văn

2.3.4. Sự xuất hiện và hoạt động của các đảng phái chính trị

2.3.4.1. Đảng Lập hiến và hoạt động của nó trong phong trào dân tộc dân chủ

Nhằm hoạch định đường lối lãnh đạo và dẫn đạo cuộc đấu tranh, tư sản Việt Nam thành lập đảng phái chính trị của giai cấp mình.

Đảng Lập hiến ra đời ở Nam Kỳ trong bối cảnh phong trào dân tộc dân chủ diễn ra sôi động trên nhiều phương diện, nhất là đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, chính trị và triển khai sâu rộng cuộc vận động chấn hưng thực nghiệp. Đảng này ra đời khoảng những năm 1923 - 1924. Thành phần của Đảng Lập hiến khá đa dạng, gồm các nhà công thương nghiệp, đại địa chủ, hưu quan…, và kể cả công chức lớp trên như kỹ sư, bác sĩ. Những người cầm đầu Đảng chủ yếu xuất thân từ tư sản, đại địa chủ và công chức cao cấp, tiêu biểu như Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Trương Văn Bền, Phan Văn Trường… Gọi là đảng, nhưng thực ra nó không có hệ thống tổ chức, không có điều lệ và cán bộ, không có cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng rõ ràng. Người ta chỉ thấy nó ở trên báo chí, trên danh sách tranh cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, Hội đồng thành phố, Phòng Thương mại, Canh nông.

Chủ trương của Đảng Lập hiến là đòi thực hiện một số cải cách dân chủ về chính trị như ban hành tự do, dân chủ, tăng số đại biểu người Việt ngang bằng với người Pháp trong các cơ quan dân cử, cơ quan thương mại, canh

66

nông… Phương pháp đấu tranh ôn hòa, thỏa hiệp với chính quyền thực dân, chủ trương giành độc lập dân tộc thông qua việc duy tân. Địa bàn hoạt động của đảng này là các cuộc tuyển cử, báo chí, nghị trường để đòi quyền lợi cho chính giai cấp của mình. Như vậy, từ thành phần tham gia, chủ trương, phương pháp đấu tranh của Đảng này nói lên khá rõ lập trường chính trị của tư sản Việt Nam ở Nam Kỳ và cả nước, đó là chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa Pháp - Việt đề huề. Bản thân Bùi Quang Chiêu6, lãnh tụ của Đảng Lập hiến từng tuyên bố: “Lập hiến? Vâng chúng tôi là Lập hiến, bởi vì chúng tôi tán thành cho Đông Dương có một hiến pháp như ông toàn quyền A. Xa-rô đã nói hay na ná như thế” [2]. Do vậy, cuộc đấu tranh của họ chỉ diễn ra trong khuôn khổ pháp luật của thực dân Pháp.

Ngay sau khi ra đời, Đảng này có những hoạt động với việc thể hiện thái độ của mình với một số sự kiện và đấu tranh đòi một số quyền lợi về kinh tế, chính trị cho giai cấp mình; đòi quyền lợi giáo dục cho người dân Nam Kỳ...

Cụ thể hơn, trong thời gian đầu mới thành lập, Đảng Lập hiến đã công kích sự độc quyền của ngân hàng Đông Dương, hãng rượu Fontaine hay việc tư sản Pháp định độc quyền hải cảng Sài Gòn. Điển hình nhất là cuộc đấu tranh trong Hội đồng Quản hạt Nam Kỳchống lại quyết định cho phép công ty tư bản Pháp độc quyền cảng Sài Gòn trong 20 năm. Tháng 5/1923, khi Hội đồng Quản hạt đưa việc này ra thảo luận, các dân biểu thuộc phe luật sư Mô- nanh (Monin) và các đại biểu thuộc Đảng Lập hiến là Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Lê Quang Liêm, Trương Văn Bền, Nguyễn Tấn Dược, Nguyễn Văn Thinh, Trần Văn Đôn, Lưu Văn Lang đều bỏ phiếu phản đối. Cuộc đấu tranh lan rộng ra ngoài, Đảng Lập hiến không những dựa vào người dân, đặc biệt là thanh niên Sài Gòn, mà còn liên minh với tập đoàn tư bản Hoa kiều ở Chợ Lớn để đấu tranh…

6

Bùi Quang Chiêu (15/10/1873-1945) quê ở Mỏ Cày, Bến Tre. Xuất thân trong gia đình vốn có truyền thống Nho học nhưng ông được được gia đình gửi sang Algérie rồi sang Pháp học ở trường École Coloniale từ năm 1894. Ba năm sau ông là người Việt đầu tiên đỗ bằng kỹ sư canh nông (ingénieur agronome) của Pháp.Tháng 10 năm 1926, ông cùng 9 đảng viên Đảng Lập Hiến trúng

67

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, những công kích của họ chỉ giới hạn trong hoạt động của Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ và chống đối trực tiếp một số tư sản Pháp, cốt củng cố vị trí về kinh tế và chính trị của Đảng Lập hiến và rộng hơn là giới tư sản bản xứ mà thôi. Đặc biệt, cuối năm 1925, đích thân Bùi Quang Chiêu - một lãnh tụ của Đảng Lập hiến, sang tận nước Pháp để vận động chính giới Pháp, diễn thuyết và lên tiếng trên báo chí chính quốc đòi Chính phủ Pháp thi hành quyền tự do dân chủ ở Đông Dương.

Thông qua hoạt động của Đảng Lập hiến, kết hợp với lên tiếng đấu tranh trên báo chí, tư sản Việt Nam ít nhiều đã giành được một số quyền lợi về kinh tế và chính trị như được tham gia vào các cơ quan dân cử, cơ quan kinh tế và gia nhập làng Tây để hưởng một số quyền lợi chính trị khác… Tuy còn những hạn chế nhất định, nhưng đặt trong bối cảnh lịch sử lúc đó, những hoạt động của Đảng Lập hiến có vai trò và ý nghĩa nhất định đối với phong trào dân tộc dân chủ.

2.3.4.2. Việt Nam Quốc dân đảng và hoạt động của nó trong phong trào dân tộc dân chủ

Từ cơ sở hạt nhân đầu tiên là Nam đồng thư xã - một nhà xuất bản tiến bộ, ngày 25/12/1927, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính... thành lập Việt Nam Quốc dân đảng. Mục đích của Đảng là tập hợp hết thảy mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam không phân biệt giai cấp, tôn giáo, làm cuộc cách mạng dân tộc, dùng vũ lực lấy lại quyền độc lập cho quốc gia Việt Nam.

Về tư tưởng chính trị, do cơ sở xã hội non yếu, bị chi phối bởi các điều kiện giai cấp và xã hội, trong hơn hai năm tồn tại, Việt Nam Quốc dân đảng không đề ra được một cương lĩnh chính trị nhất quán, rõ ràng và cũng không hề có một văn kiện chính thức nào để giải thích cương lĩnh hay chương trình hành động của mình. Tuy nhiên, có thể thấy hạt nhân xuyên suốt trong ba bản chương trình hành động và điều lệ của Việt Nam Quốc dân đảng là chủ nghĩa dân tộc cách mạng và tư tưởng bạo động khởi nghĩa. Trong đó, chủ nghĩa dân tộc cách mạng là tư tưởng chính trị cốt lõi của đảng này. Về thành phần xã

68

hội, lực lượng tham gia Đảng gồm hầu hết là thanh niên trí thức, học sinh, sinh viên, những người làm nghề tự do, một số tư sản ở thành thị, những kì hào, địa chủ, phú nông ở nông thôn và binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp. Những người sáng lập và lãnh tụ tối cao của Việt Nam Quốc dân đảng đều là nhà giáo hay là sinh viên. Về cơ cấu tổ chức, Việt Nam Quốc dân đảng có 4 cấp: Tổng bộ, Kì bộ, Tỉnh bộ và Chi bộ.

Dù đây không phải là đảng phái chính trị của riêng tư sản Việt Nam và tư sản Việt Nam không giữ vai trò lãnh đạo, nhưng từ quan điểm chính trị và thành phần xã hội của Việt Nam Quốc dân đảng chứng tỏ tổ chức này là một đảng cách mạng đại diện cho quyền lợi, tư tưởng của giai cấp tư sản và tầng lớp tiểu tư sản lớp trên ở Việt Nam. Mặc dù tư tưởng chính trị cốt lõi là chủ nghĩa dân tộc, song đường hướng cách mạng của Việt Nam Quốc dân đảng vẫn thuộc phạm trù của một cuộc cách mạng tư sản kiểu cũ, dựa trên lập trường tư sản và do giai cấp tư sản lãnh đạo.

Từ khi ra đời cho đến khi bị đàn áp (1927 - 1930), Việt Nam Quốc dân đảng có một số hoạt động trong phong trào dân tộc dân chủ. Ngoài việc xây dựng cơ sở đảng và cố gắng thực hiện chủ trương thống nhất các đảng phái cách mạng khác, tổ chức này còn tiến hành một số hoạt động khác như tuyên truyền huấn luyện và các hoạt động ám sát, khủng bố cá nhân, một số vụ tống tiền các nhà giàu ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, tiêu biểu là sự kiện ám sát trùm mộ phu Ba-danh (Bazin) (9/2/1929) tại Hà Nội và hoạt động điển hình nhất là tổ chức cuộc khởi nghĩa Yên Bái vào tháng 2/1930 .

Vào đầu tháng 2/1929, chủ sở mộ phu Ba-danh tiến hành đợt mộ phu mới ở Bắc Kỳ làm cho đông đảo quần chúng nhân dân bất bình. Trước tình hình đó, để khích lệ tinh thần đấu tranh chống chính sách mộ phu của Pháp, Thành bộ Việt Nam Quốc dân đảng Hà Nội cử Nguyễn Văn Viên thực hiện kế hoạch ám sát Ba-danh. Vụ ám sát trùm mộ phu Ba-danh đã làm nức lòng các tầng lớp nhân dân, nhưng sau đó đã bị thực dân Pháp đàn áp dữ dội, thẳng tay bắt bớ, khủng bố những người yêu nước và phá vỡ các tổ chức cách mạng.

69

Sau 5 tháng săn lùng liên tục, đến tháng 7/1929, Pháp đã bắt 225 đảng viên đưa ra xét xử và giam cầm trong các nhà tù. Hầu hết các cơ sở của đảng ở Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh bị mật thám Pháp phá vỡ.

Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo Tổng bộ Việt Nam Quốc dân đảng đi đến quyết định phát động khởi nghĩa tại nhiều địa phương với tinh thần

“không thành công cũng thành nhân”. Tuy nhiên, do thiếu chặt chẽ trong tổ chức, thiếu thống nhất trong lãnh đạo, kế hoạch khởi nghĩa hoãn đi hoãn lại nhiều lần, lại bị thực dân Pháp điên cuồng khủng bố nên khởi nghĩa nổ ra không thành công; chỉ có cuộc khởi nghĩa diễn ra tại Yên Bái (9/2/1930), nơi khởi sự cho phong trào đã chiếm được trại lính cơ số 5 và trại lính cơ số 6, nhưng không làm chủ được tình hình, không lôi kéo được toàn bộ lính khố xanh, nên sáng hôm sau, thực dân Pháp tập trung lực lượng phản công và cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị dập tắt.

Cuộc khởi nghĩa vũ trang quy mô lớn do Việt Nam Quốc dân đảng phát động đã bùng nổ nhiều nơi và mau chóng thất bại. Song, với những hành động quả cảm của nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa đã thể hiện rõ tinh thần yêu nước, chí khí quật cường của dân tộc, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong các tầng lớp nhân dân. Với thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Việt Nam Quốc dân đảng bị tan rã, khuynh hướng cách mạng dân tộc hoàn toàn bị thất bại, hệ tư tưởng tư sản cũng bất lực trước các nhiệm vụ lịch sử của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Tiểu kết chương 2

Từ đầu thế kỷ XX đến trước Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), trong bối cảnh lịch sử khu vực có nhiều biến động, cùng với tình hình trong nước có nhiều chuyển biến quan trọng, dẫn đến sự ra đời của tư sản Việt Nam. Trong thời kỳ này, phong trào yêu nước ở Việt Nam diễn ra sôi nổi dưới sự lãnh đạo của giới sĩ phu cấp tiến vận động theo ngọn cờ dân chủ tư sản. Chính điều này đã lôi cuốn tư sản Việt Nam tham gia tích cực vào những hoạt động kinh tế, văn hóa có tính chất hỗ trợ cho hoạt động yêu nước. Mặc

70

dù những hoạt động ủng hộ các phong trào yêu nước của tư sản Việt Nam được tiến hành dưới sự lãnh đạo của giới sĩ phu cấp tiến, chưa thực sự xuất phát từ ý thức của họ, nhưng hoạt động của tư sản Việt Nam cũng xuất phát từ tinh thần dân tộc, góp phần quan trọng vào kết quả chung của phong trào dân tộc ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Trong thời gian nổ ra Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), khi mà phong trào Duy Tân do giới sĩ phu cấp tiến khởi xướng thất bại, xuất hiện những tác động “thuận chiều”, tạo điều kiện thuận lợi cho tư sản Việt Nam đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, địa vị kinh tế của tư sản Việt Nam được nâng lên cùng với sự trưởng thành hơn về ý thức giai cấp của mình. Tư sản Việt Nam đẩy mạnh hoạt động nhằm khôi phục lại phong trào Duy Tân và bước đầu lên tiếng đòi quyền lợi về kinh tế và chính trị. Những hoạt động đó góp phần xây dựng nền kinh tế dân tộc và cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước, chống lại tư sản nước ngoài của nhân dân Việt Nam.

Giai đoạn 1919 - 1930, tư sản Việt Nam nhanh chóng tăng về số lượng, có địa vị đáng kể trong nền kinh tế và trưởng thành vượt bậc về ý thức giai cấp, trở thành một giai cấp trong cơ cấu xã hội Việt Nam. Hoạt động của giai cấp tư sản Việt Nam trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa có nhiều khởi sắc hơn trước. Tư sản Việt Nam lên tiếng mạnh mẽ và có những hành động đấu tranh để bảo vệ quyền lợi giai cấp về kinh tế, đòi địa vị chính trị, xây dựng nền văn hóa mới và truyền bá hệ tư tưởng của giai cấp mình. Cùng với các giai tầng khác trong xã hội, những hoạt động của tư sản Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) thực sự góp phần to lớn vào sự chuyển biến to lớn của phong trào dân tộc dân chủ trong những năm 1919 - 1930.

71

Chương 3. VAI TRÒ CỦA TƯ SẢN VIỆT NAM TRONG PHONG TRÀO DÂN TỘC DÂN CHỦ 30 NĂM ĐẦU THẾ KỶ XX

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư sản việt nam trong phong trào dân tộc dân chủ 30 năm đầu thế kỷ XX (Trang 71 - 77)