Đẩy mạnh hoạt động nhằm khôi phục lại phong trào Duy Tân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư sản việt nam trong phong trào dân tộc dân chủ 30 năm đầu thế kỷ XX (Trang 45 - 49)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.1. Đẩy mạnh hoạt động nhằm khôi phục lại phong trào Duy Tân

Sau khi phong Duy Tân tan rã (1908), các hoạt động kêu gọi duy tân trên diễn đàn báo chí và trong thực tiễn tạm thời lắng xuống, nhưng những tư

40

tưởng của phong trào Duy Tân tiếp tục lan tỏa trong xã hội Việt Nam, góp phần thúc đẩy tinh thần đoàn kết trong sản xuất kinh doanh, cạnh tranh với thương nhân Hoa kiều, Ấn kiều và người Pháp. Khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) nổ ra, hàng hóa Pháp xuất cảng sang Đông Dương giảm sút, chính sách độc quyền của Pháp ở thị trường Việt Nam được nới lỏng. Vì vậy, tư sản Việt Nam tranh thủ cơ hội đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường, số lượng ngày càng đông lên. Sự trỗi dậy của tư sản Việt Nam vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của các thế lực thương nhân Hoa kiều, nhất là trên lĩnh vực thương mại, chế biến nông sản.

Trong bối cảnh đó, tư sản Việt Nam cùng một số nhân sĩ của phong trào Duy Tân trước đây muốn khởi động lại cuộc vận động Duy Tân.Cuộc vận động khôi phục lại phong trào Duy Tân diễn ra trước hết là trên diễn đàn báo chí. Trên nhiều tờ báo như Đông Dương Tạp chí, Việt Nam phong tục, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn..., cho đăng nhiều bài chính luận vận động hùn vốn lập tiệm buôn, lập trường học, mở trường nghề, nhà in, xây dựng nhà máy xay lúa, mở tiệm cà phê, mở lò bánh, lò đường, lò ươm tơ dệt lụa, lò nấu xà bông..., để cạnh tranh buôn bán với các thương nhân “khách trú4”. Đặc biệt là phong trào kêu gọi người Việt Nam dùng hàng hóa của người Việt.

Trên báo Đông Dương tạp chí đăng bài viết “Chỉnh đốn lại cách cai trị dân xã” phê phán người Việt Nam chỉ biết chăm chú học hành mong thi đỗ làm quan, nhằm rạng danh dòng họ, quê hương, ít quan tâm đến công thương nghiệp. “Công nghệ buôn bán thường đợi “khách” đến tận làng mà mua những đồ chế hóa. Người buộc phải đi xa cầu thực, kiếm được đồng tiền dư, trước hết phải lo nghĩ tới việc dựng cái nhà thờ, tậu vài ba mẫu ruộng ở quê quán mình” [95].

Trên báo Việt Nam phong tục đăng bài “Tham gia các hội nghề nghiệp chỉ cốt hư danh” phê phán việc lập và tham gia hội nghề nghiệp chỉ vì hư danh, rằng:

41

Phong tục nước ta là nghề nào lập hội ấy, một là để giữ gìn công việc cho nhau, hai là liên lạc tình nghĩa với nhau, ba là để bênh vực nhau, cứu giúp nhau, vậy là có chủ ý tốt, mà lại có thể sinh lợi để làm được công ích nữa. Song dân trí ta hẹp hòi, chỉ biết có tiền là lo ngay mảnh danh giá cúng về dân, để lấy cái tên ghi ở trong các đồ sự thần, cho ai trông thấy đồ thờ thì lại nhớ đến tên mình, thế cho là vinh hạnh [10].

Từ đó, bài báo kêu gọi mọi người hiểu đúng vai trò và sự cần thiết phải có hội nghề nghiệp, phải hùn vốn để mở một nghề, cạnh tranh với tư sản ngoại quốc. “Giả sử hội nào cũng gây lấy một cái vốn to rồi cùng nhau mà mở một nghề buôn bán hoặc công xưởng gì cho có lợi ích thì chẳng hay lắm sao” [10]. Ở một bài viết khác có nhan đề “Tài hèn trí đoản, bán quẩn buôn quanh” lại phê phán “tính nhút nhát”, nhằm cổ động giới kinh doanh mạnh dạn mở rộng hoạt động buôn bán, phát triển thế lực ra cả nước:

Dân ta tính nhát không dám đi xa. Nhiều người cậy có vốn, chỉ ngồi một chỗ, cái gì cũng chờ người ta mang đến tận nơi, mua tranh, bán cướp với nhau, không dám đi đâu, mà quanh năm chỉ bán buôn quanh quẩn... Có phải làm việc gì dễ dàng mà có kết quả ngay được đâu. Ta buôn bán đông hơi thấy lỗ vốn một chút hoặc hơi vấp váp điều gì đã ngã lòng ngay. Hoặc đóng cửa, hoặc xin thôi, làm cho việc có cơ tấn tới cũng phải tan không thành nữa[11].

Trên báo Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn cũng đăng nhiều bài chính luận thể hiện “tinh thần minh tân” trên nhiều lĩnh vực, phê phán những hạn chế trong tư duy kinh tế và kêu gọi người Việt phát triển công - thương nghiệp, xây dựng, phát triển nền kinh tế nước nhà.

Trước hết, các bài viết kêu gọi mọi người chấn chỉnh nghề nông, phải biết phát huy lợi thế của nước nhà, đoàn kết và hỗ trợ nhau để phát triển nông nghiệp. Trong bài “Nông nghiệp tệ nguyện” đăng trên báo Nông cổ mín đàm viết: “trong xứ ta chỉ có một nghiệp nông là căn bổn, là huyết mạch của quốc

42

dân mà còn bị nhiều mối tệ nó ngăn trở, làm cho trì trệ đến ngày nay mà không tấn phát được; thường thì phần xứ ta ít hay ưa đoàn thể với nhau, cứ riêng nhau mạnh ai chỉ lo cho nấy” [69]. Ở một bài viết khác có tên “Bàn về nông thương kỹ nghệ nước ta”, Nguyễn Chánh Sắt lại viết: “trong Nam Kỳ dân ít mà đất đã tốt lại nhiều..., chỉ chuyên lấy một nghề nông thì cũng đủ mà kinh dinh sự nghiệp. Xưa này người Nam Kỳ không lo thương mãi và công nghệ là bởi cớ đó”[72].

Đối với công - thương nghiệp, các báo đăng nhiều bài viết vận động người Việt đoàn kết, hùn vốn mở cơ sở sản xuất kinh doanh, từ một nghề lan tỏa thành nhiều nghề. Đặc biệt, trong bài “Nông thương thiệt luận” đăng trên Nông cổ mín đàm, cho rằng người Việt Nam “muốn cho nghề thương tấn bộ mà tranh cạnh cùng người thì quốc dân ta phải ráng lo học hành những phương thiệt nghiệp, ngõ hầu chế tạo ra những đồ vật của ta thường dùng hằng ngày đây, cho khỏi mua đồ của các nước, rồi lần lần ta lại học qua nhiều nghề khác nữa” [66]. Đồng thời, nhiều bài báo kêu gọi quốc dân phải tiếp tục chú ý tới thực nghiệp, phải đổi mới tư duy kinh tế, chuyển hướng sang trọng thương. Trong bài “Thiệt nghiệp yếu luận”, tác giả kêu gọi:

Vậy nay ta cũng nên đổi cái phương châm mà theo lối tân học đương thời, có con cháu phải cho nó học về khoa thiệt nghiệp... Nay đang buổi cạnh tranh nầy, miễn là làm sao mà lập đặng thân gia, cùng gìn giữ đặng cái quyền lợi cho quê hương, mà rửa cái nhục đã bị chúng chê cười rằng mình quê dốt vụng về tự bấy lâu nay. Đặng như vậy thì chẳng những là nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh mà thôi đâu; thiệt rõ ràng là vinh cho người cả nước đó [68].

Trong khi đó, trên báo Lục tỉnh tân văn số 531 ngày 9/5/1918 đăng bài

“Thương mãi luận”cho rằng người Việt nên đầu tư học kiến thức kinh doanh và ngoại ngữ để phục vụ cho việc kinh doanh buôn bán [83].

Cùng với sử dụng báo chí để cổ động nhằm khôi phục lại cuộc vận động Duy Tân, tư sản Việt Nam là những người đi trước nêu gương nhằm đẩy

43

mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Đi đầu nêu gương trong hoạt động sản xuất kinh doanh của tầng lớp tư sản Việt Nam thời kỳ này có những nhà tư sản tiêu biểu như Nguyễn Hữu Thu, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trương Văn Bền, Nguyễn Thanh Liêm… Đặc biệt, giai đoạn này ghi nhận sự tham gia vào ngành công nghiệp của tư sản Việt Nam và người Việt bước vào kinh doanh nhiều ngành mới như chế biến sơn, sản xuất thủy tinh, khai thác mỏ, kéo chỉ, vận tải đường sông, đường biển...

Hoạt động này đã thu hút đông đảo giới tư sản và các thành phần khác trong xã hội tham gia. Góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam thời kỳ này có sự chuyển biến rõ rệt. Kết quả là nhiều công ty, hiệu buôn, cơ sở sản xuất lần lượt ra đời, một số cơ sở sản xuất của tư sản Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, giao thông vận tải vươn lên nhanh chóng cạnh tranh sòng phẳng với tư bản ngoại quốc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư sản việt nam trong phong trào dân tộc dân chủ 30 năm đầu thế kỷ XX (Trang 45 - 49)