Các lý thuyết về bạo lực học đường

Một phần của tài liệu TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN BỊ BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG (Trang 26 - 29)

1.2.8.1. Lý thuyết sinh thái

Lý thuyết này gắn liền với tên tuổi của Urie Bronfenbrenner (1979), lý

thuyết này là một trong những giải thích được chấp nhận nhiều nhất về ảnh hưởng của môi trường xã hội đối với sự phát triển của con người.

Theo lý thuyết này, cá nhân phát triển trong môi trường sinh thái cấu trúc. Trong đó, môi trường mà cá nhân đó sống và nhận thức thuộc về môi trường rộng lớn như: môi trường xã hội, cộng đồng, gia đình… Giữa các môi trường có sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, môi tường lớn ảnh hưởng đến môi tường nhỏ… Khi nghiên cứu về hành vi BLHĐ theo lý thuyết sinh thái, các tác giả đi vào nghiên cứu sự tương tác giữa các yếu tố bên ngoài học sinh như: Hoàn cảnh gia đình, môi trường học đường xung quanh với các yếu tố bên trong thuộc cá nhân con người như: gen, hệ thần kinh, giới tính, các quá trình tâm lý cá nhân, các sự kiện diễn ra trong cuộc sống giới trẻ… [21]

Lý thuyết sinh thái của Urie Bronfenbrenner chỉ ra rằng, cá nhân phát triển trong môi trường sinh thái, do đó nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân đều chịu ảnh hưởng từ các yếu tố trong môi trường cá nhân đó đang sinh sống. Sự ảnh hưởng của môi trường xã hội và mối quan hệ xã hội đa dạng của mỗi một cá nhân tạo nên sự thay đổi và phát triển của cá nhân đó. Các yếu tố trong môi trường xã hội có ảnh hưởng đến cá nhân con người thực hiện hành vi [21]. Do đó, nhiều nghiên cứu về nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực và bị bạo lực đều tiếp cận dưới lý thuyết sinh thái của Urie Bronfenbrenner. Các nghiên cứu xem xét sự tương tác giữa các yếu tố trong môi trường xã hội như hoàn cảnh gia đình, môi trường học đường, môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh trường học có ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện hành vi bạo lực của HS cũng như học sinh bị bạo lực.

Yếu tố môi trường xã hội có một vai trò rất lớn trong sự xuất hiện của các hành vi BLHĐ và là nguyên nhân dẫn tới HS bị bạo lực trong trường học,

cụ thể như: yếu tố gia đình, nhà trường (mối quan hệ bạn bè, kỉ luật trường học...) và yếu tố xã hội.

Trong gia đình, khi tính kỉ luật quá khắc nghiệt hay quá dễ dàng của cha mẹ trong ứng xử với con, sự thiếu quan tâm, thiếu tình cảm của cha mẹ và người chăm sóc với con cái; hoạt động giao tiếp của các thành viên trong gia đình hạn chế cũng có ảnh hưởng tới hành vi bạo lực của trẻ hoặc dẫn tới học

sinh bị BLHĐ. Gia đình có cha mẹ phạm tội, trình độ nhận thức hạn chế, điều kiện kinh tế, thu nhập bấp bênh, không có người giám sát, bỏ rơi trẻ thường có nguy cơ dẫn đến hành vi BLHĐ hoặc là nạn nhân của bạo lực [40]. Học sinh là nạn nhân của BLHĐ thường có những đặc điểm về gia đình như: gia đình có hoàn cảnh đặc biệt hoặc không đầy đủ cha mẹ (không có bố theo nghĩa được công nhận về mặt luật pháp, “con rơi”...); cha mẹ ít giao tiếp hay gắn kết con cái; con cái không tin tưởng cha mẹ trong hỗ trợ, giải quyết, bảo vệ khi bị bắt nạt ở trường học [23].

Tại trường học, môi trường học tập an toàn, thân thiện, công bằng và bình đẳng sẽ là yếu tố hạn chế bạo lực trong trường học, cụ thể như: HS nhận được sự quan tâm của người lớn xung quanh đúng mức khi có hiện tượng bạo lực, cũng có tương quan với mức độ bạo lực, điều đó có nghĩa là khi HS nhận được sự tôn trọng từ người lớn và bạn bè trong trường học, họ sẽ ứng xử tôn trong lại và việc cảm thấy được tôn trọng sẽ làm giảm cảm xúc tiêu cực và giảm hành vi gây hấn, vì vậy HS sẽ giảm hành vi gây bạo lực hoặc bị bạo lực [21]. Như vậy, khi HS có nhận thức về quy tắc của nhà trường và tin tưởng vào các quy tắc đó tốt thì có xu hướng diễn ra BLHĐ ít hơn, bởi khi đó HS sẽ có mối quan hệ tích cực với GV, cảm thấy thân thiện với ngôi trường của họ, cảm thấy môi trường tích cực và trật tự.

1.2.8.2. Lý thuyết học tập xã hội

Lý thuyết này gắn liền với tên tuổi của Albert Bandura (1977). Mô hình học tập thông qua quan sát gồm 4 quá trình liên quan đến nhau: quá trình chú ý, quá trình ghi nhớ; quá trình tái tạo và quá trình kích lệ, thúc đẩy. Theo lý thuyết này, hành vi của con người, trong đó có cả những hành vi của con người khi đối mặt với bạo lực được học bằng cách quan sát, tập nhiễm từ sự quan sát hành vi của người khác.

Lý giải hành vi đó trong và ngoài trường học của học sinh theo lý thuyết học tập xã hội, các nhà nghiên cứu tập trung phân tích việc trẻ vị thành niên chứng kiến và trải nghiệm qua các tình huống bạo lực trong gia đình và cộng đồng, từ đó xây dựng cho mình cách thức ứng phó mỗi khi đối mặt với bạo lực học đường. Albert Bandura cho rằng, chúng ta sẽ không có hành vi tập nhiễm quan sát nếu như không có mẫu hành vi thu hút sự chú ý của chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ không bắt chước nếu như không có sự khích lệ và thúc đẩy.

Trong lý thuyết này, Albert Bandura cũng nhấn mạnh, chúng ta có xu hướng xử sự theo người cùng giới hơn là người khác giới, và bị ảnh hưởng bởi những kiểu mẫu cùng tuổi với chúng ta.

1.2.8.3. Lý thuyết chu kì bạo lực

Vào năm 1979, Lenore E. Walker - nhà tâm lý học người Mỹ, đã nghiên cứu và sáng lập ra lý thuyết xã hội về chu kỳ bạo lực. Bà cho rằng, bạo lực là một mô hình có thể đoán trước được, các trường hợp bạo lực xảy ra theo một chu kỳ lặp đi lặp lại.

Chu kỳ này bắt đầu từ việc nảy sinh các vấn đề trong các mối quan hệ. Thông thường, ở giai đoạn này, nạn nhân sẽ cố gắng cải thiện tình hình bằng cách nhượng bộ hoặc tuân theo mong muốn của đối phương.

Nếu nỗ lực không thành công, chu kỳ sẽ chuyển sang giai đoạn thứ hai, đó là bạo lực. Trong giai đoạn này, người gây bạo lực sẽ tra tấn hoặc áp bức

nạn nhân như một hình phạt hoặc một lối thoát tinh thần. Nạn nhân có thể vô thức nghĩ rằng họ cần chấp nhận hình phạt này vì họ đã không giải quyết được vấn đề.

Sau khi thỏa mãn thực hiện hành vi bạo lực, người gây bạo lực có thể cảm thấy có lỗi và xin lỗi nạn nhân bằng cách tặng quà, dùng những lời lẽ chân thành hoặc hứa với nạn nhân sẽ không tái phạm. Trong một số trường hợp,

người gây bạo lực sẽ giả vờ như không biết, như thể chưa từng xảy ra bạo lực. Giai đoạn này được gọi là tuần trăng mật.

Sau đó, bước vào giai đoạn thứ tư, đó là sự tĩnh lặng. Thông thường nạn nhân và người gây bạo lực sẽ trải qua những ngày với mối quan hệ bình thường. Họ có

thể vấn trò chuyện và trao đổi các thông tin cần thiết. Tuy nhiên, khi có vấn đề phát sinh, họ sẽ lại bước vào chu kỳ bạo lực như những lần trước. Một khi nó tiếp tục, chu kỳ này sẽ quay mà không dừng lại.

Hình 1.1: Vòng tròn bạo lực

1.3. Một số vấn đề lý luận về trầm cảm ở trẻ vị thành niên

Một phần của tài liệu TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN BỊ BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG (Trang 26 - 29)