Những thành quả của hoạt động giao đất, giao rừng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả công tác giao đất lâm nghiệp ở vùng đệm vườn quốc gia phong nha – kẻ bàng, tỉnh quảng bình (Trang 30 - 32)

2. Mục đích của đề tài

1.3.2. Những thành quả của hoạt động giao đất, giao rừng

Hoạt động GĐGR là một công cụ hữu ích trong quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp, tuy nhiên theo từng giai đoạn lịch sử của xã hội và chính sách hỗ trợ mà hiệu quả mang lại trong hoạt động GĐGR có sự khác nhau.

* Giai đoạn 1968 - 1992

Những chính sách xây dựng nhằm hoàn thiện quan hệ sản xuất ở miền núi có nhiều mặt không phù hợp, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, lâm nghiệp làm rập khuôn như đồng bằng là không phù hợp với tính chất và lực lượng sản xuất ở miền núi.

Khoán 10 đối với đồng bào miền núi được hiểu như là sự giải thể hợp tác xã nông nghiệp các HGĐ nhận lại ruộng đất, rừng của mình trước khi vào hợp tác xã, tình trạng này dẫn đến tranh chấp đất đai giữa các cộng đồng dân cư trong thôn bản và dân miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới. Tuy nhiên hiệu quả chính sách GĐGR trong thời kỳ này chưa cao, nhưng chính sách GĐGR đã khuyến khích tạo động lực phát triển nông lâm nghiệp ở miền núi. Bước đầu hình thành nên thị trường trung du và miền núi, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Qua thực tiễn cho thấy ở nhiều nơi sau khi tập thể, HGĐ, cá nhân nhận rừng để tổ chức kinh doanh đã có thu nhập từ rừng đáng kể, do xác định được cơ cấu cây trồng thích hợp với điều kiện khí hậu đất đai ở nhiều địa phương như: Huế, Quảng Nam, Quảng Ninh…[19].

Qua 24 năm thực hiện công tác GĐGR (1968 – 1992) đã giao được tổng số trên 11 triệu ha, trong đó 5,8 triệu ha giao cho các đơn vị quốc doanh; 1,3 triệu ha giao cho HGĐ; 3,7 triệu ha giao cho hợp tác xã nông nghiệp. Nhưng thực tế mới chỉ sử dụng 30% diện tích giao, số còn lại vẫn không được sử dụng, bảo vệ, hoang hóa; thực tế này chứng tỏ chủ trương GĐGR trong giai đoạn này chưa tạo điều kiện tích cực trong việc QLBVR và phát triển tài nguyên rừng [19].

* Giai đoạn 1993 – 2003

Đây là giai đoạn có những thay đổi cơ bản trong quản lý, sử dụng rừng và đất rừng ở Việt Nam, là sự ra đời của Luật Đất đai, Nghị định 02/CP, Nghị định 163/CP về công tác giao đất lâm nghiệp đã được thực hiện theo những nguyên tắc và quy định mới. Theo số liệu thống kê của Cục Kiểm lâm, đến cuối năm 1999 cả nước giao được 8.786.572 ha đất lâm nghiệp cho các tổ chức, HGĐ, cá nhân, đạt 59% tổng diện tích quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp. Trong quy hoạch đất lâm nghiệp 3 loại rừng theo mục đích sử dụng: Rừng đặc dụng 2.119.547 ha đã được giao 972.375 ha, chiếm 46%; rừng phòng hộ 6,8 triệu ha đã giao được 3.196.343 ha, chiếm 47%; rừng sản xuất 9,6 triệu ha đã được giao 4.617.872 ha, chiếm 48%. Trong đó giao cho 27.312 tổ chức với diện tích là 1.173 ha chiếm 13% tổng diện tích đã giao [19].

Nói chung kết quả giao đất lâm nghiệp trên đã cho rừng có chủ thực sự, tạo ra nhiều loại hình sở hữu rừng (rừng nhà nước, rừng tập thể, rừng cộng đồng và rừng HGĐ) tạo điều kiện khai thác tiềm năng đất đai, lao động, nguồn vốn tại chổ. Cùng với chính sách tích cực của Nhà nước trong thời gian qua làm cho rừng có độ che phủ tăng lên nhanh chóng từ năm 1992 đến năm 1999 độ che phủ của rừng tăng lên từ 28% lên 31% [19].

Đã hình thành hàng ngàn trang trại nông lâm nghiệp mô hình kinh tế HGĐ có hiệu quả kinh tế cao, đã hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, rừng được bảo vệ tốt hơn vì đã có người làm chủ thực sự. Trồng rừng được đảm bảo với tỷ lệ thành rừng cao, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân, một bộ phận dân cư đã giàu lên từ nghề rừng, mở ra hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ ở nhiều nơi, góp phần xói đói, giảm nghèo, từng bước góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện giao đất lâm nghiệp, bên cạnh những kết quả đạt được còn hạn chế một số mặt sau:

Ở một số địa phương giao đất khi chưa có quy hoạch sử dụng đất, thực sự không đúng với quy trình giao đất lâm nghiệp, không giao đúng đối tượng.

Ở một số nơi trong quá trình thực hiện giao đất còn nhầm lẫn giữa giao đất theo Nghị định 02/CP và khoán đất lâm nghiệp theo Nghị định 01/CP.

Giao sai thẩm quyền, một số lâm trường đứng ra giao đất lâm ngiệp cho HGĐ, giao cả vào rừng đặc dụng, rừng phòng hộ xung yếu và rất xung yếu.

Trong quá trình giao đất thiếu sự tham gia của người dân, không coi trọng việc bàn giao ranh giới ngoài thực địa, dẫn đến tình trạng sau khi giao nhiều HGĐ, cá nhân không xác định được ranh giới của mình ở ngoài thực địa.

Việc xác định giúp các HGĐ hướng sử dụng đất sau khi được giao còn hạn chế, chung chung, thiếu cụ thể, dẫn đến tình trạng sau khi giao đất cho HGĐ không xác định mục tiêu sản xuất cũng như xác định được cây trồng sao cho phù hợp với điều kiện lập địa ở địa phương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả công tác giao đất lâm nghiệp ở vùng đệm vườn quốc gia phong nha – kẻ bàng, tỉnh quảng bình (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)