Vai trò của chăn nuôi bò sinh sản trong hệ thống chăn nuôi của nông hộ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiện trạng chăn nuôi bò sinh sản và ảnh hưởng của bổ sung thức ăn tinh cho bò mẹ sau khi đẻ đến một số chỉ tiêu sinh sản của bò (Trang 26 - 27)

Chăn nuôi bò sinh sản chính là khâu đầu trong hệ thống chăn nuôi bò. Phát triển chăn nuôi bò bao gồm sự gia tăng về số lượng, năng suất và chất lượng đàn bò, đồng thời là sự biến đổi cơ cấu đàn bò, cơ cấu giá trị sản phẩm theo hướng hiệu quả và phát triển bền vững. Vì vậy, phát triển chăn nuôi bò phải thực hiện đồng thời nhiều nội dung khác nhau, nhưng trong đó chủ thể chủ yếu là chăn nuôi bò cái và bê.

Tăng quy mô tổng đàn bò trong vùng (thể hiện tốc độ tăng trưởng trong chăn nuôi bò) bằng cách nhân giống, mua thêm con giống và mở rộng diện tích chăn thả, áp dụng các hình thức tổ chức chăn nuôi phù hợp với điều kiện của hộ, của vùng. Trong những biện pháp đó chăn nuôi bò sinh sản là giải pháp bền vững nhất.

Tăng năng suất, chất lượng bò bằng cách cải tạo đàn bò vàng trên cơ sở áp dụng giống mới có tầm vóc to, trọng lượng lớn và tỷ lệ thịt xẻ cao, khả năng chống chịu bệnh tật tốt, thích nghi với điều kiện chăn thả từng vùng hay khu vực. Chăn nuôi bò cái nền và bê có chất lượng, đảm bảo cơ cấu đàn bò phù hợp với tái sản xuất đàn.

Trong chăn nuôi bò thịt, sự phát triển về số lượng và chất lượng có quan hệ hữu cơ với nhau, sự phát triển về chất lượng là nhân tố làm tăng nhanh sự phát triển về số lượng và ngược lại. Với những giống bò thịt có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng được các điều kiện chăn thả, cùng việc tổ chức chăn nuôi phù hợp là cơ sở cho phát triển nhanh quy mô đàn bò thịt, tăng lượng sản phẩm thu được. Việc phát triển nhanh quy mô đàn bò thịt, tăng lượng sản phẩm thu được là điều kiện hiệu quả cao trong chăn nuôi.

Năm 2001 tổng đàn bò đạt 3,9 triệu con, đến năm 2014 tăng 5,23 triệu con, đạt tốc độ tăng bình quân 2,36%/năm; sự tăng đàn này trong đó đóng góp không nhỏ của đàn cái nền.

Tổng sản lượng thịt bò hơi từ 97,7 ngàn tấn năm 2001; tăng lên 292,9 ngàn tấn năm 2014, tăng trưởng bình quân 9,34%/năm. Đây là kết quả quá trình thực hiện các chương trình dự án cải tạo đàn bò theo hướng Zebu trong những năm qua trên nền bò cái vàng, góp phần tăng năng suất, chất lượng bò thịt bằng cách áp dụng giống mới có tầm vóc to, trọng lượng lớn và tỷ lệ thịt xẻ cao, khả năng chống chịu bệnh tật tốt, thích nghi với điều kiện chăn thả từng vùng hay khu vực.

Một điều dễ dàng nhận thấy rằng, trong cơ cấu đàn bò nuôi ở các nông hộ, tỷ lệ bò cái sinh sản luôn chiếm tỷ lệ khá cao, dao động từ 20-50% trong tổng đàn bò (Parsons và cộng sự, 2013; Lê Đức Ngoan và cộng sự, 2015) [32;12]. Điều đó nói lên rằng, nuôi bò sinh sản luôn có một vai trò quan trọng trong hệ thống chăn nuôi của các nông hộ. Có hộ còn cho rằng nuôi bò sinh sản là “1 vốn bốn lời”. Chăn nuôi bò sinh sản đã giúp cho các hộ thoát nghèo nhanh chóng. Ví dụ ở xã Phổ Hòa, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò sinh sản. Ông Võ Thanh – Chủ tịch hội nông dân xã Phổ Hòa cho biết: Toàn xã hiện có tổng đàn bò 1.900 con, trong đó bò lai sinh sản chiếm khoảng 70% tổng đàn, với hơn 75% hộ dân trong xã có chăn nuôi bò, trong đó có rất nhiều hộ nuôi bò cái sinh sản. Nhờ giá bán bò luôn ổn định ở mức cao nên hầu hết người chăn nuôi bò đều có lãi, bình quân thu nhập 30-40 triệu đồng/hộ/năm, có hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/năm và đã có nhiều hộ thoát nghèo cũng nhờ nuôi bò cái sinh sản. Ông Thanh cho biết thêm: Chăn nuôi bò sinh sản là một hướng đi đúng và có thật sự hiệu quả. Năm 2014 xã Phổ Hòa đã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi bò với 30 nông dân nuôi bò tham gia, đây là mô hình liên kết nhằm giúp nông dân nuôi bò trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi và mua bán bò hiệu quả hơn. Trong thời gian tới, xã Phổ Hòa sẽ tiếp tục vận động nhân dân mở rộng quy mô chăn nuôi, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật để người dân áp dụng vào chăn nuôi có hiệu quả (Phạm Lệ Quyên, 2015) [16].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiện trạng chăn nuôi bò sinh sản và ảnh hưởng của bổ sung thức ăn tinh cho bò mẹ sau khi đẻ đến một số chỉ tiêu sinh sản của bò (Trang 26 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)