Vai trò của dinh dưỡng đối với bò cái sinh sản

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiện trạng chăn nuôi bò sinh sản và ảnh hưởng của bổ sung thức ăn tinh cho bò mẹ sau khi đẻ đến một số chỉ tiêu sinh sản của bò (Trang 31 - 35)

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất sinh sản của bò. Sự khác nhau trong dinh dưỡng đã gây biến động lớn đến năng suất sinh sản trong cùng một đàn cũng như giữa các cá thể bò trong một đàn (Mukasa- Mugerwa E,1989) [29].

Ảnh hưởng của việc thiếu dinh dưỡng (thiếu ăn) đối với sự thành thục sinh dục, giảm trọng lượng sau đẻ cũng như cho sữa ở bò là rất lớn. Nuôi dưỡng kém khi nhu cầu dinh dưỡng trong giai đoạn cho sữa cao sẽ kéo dài thời gian động dục sau đẻ. Nuôi dưỡng dưới mức còn làm giảm sản lượng sữa và giảm sự phát triển của bê, ảnh hưởng nhiều đến khối lượng bê cai sữa, tuổi thành thục đến chậm và còn làm giảm khả năng sống và sản xuất của bê cái.

Ảnh hưởng của dinh dưỡng nghèo rất khác nhau nó phụ thuộc vào sự thiếu hụt chủ yếu về năng lượng, protein, vitamin các loại khoáng đa và vi lượng. Với cách quản lý truyền thống, sự thiếu hụt là khó tránh khỏi. Sự ảnh hưởng của dinh dưỡng đến sinh sản của bò bao hàm rất rộng, vì hầu hết bò ở các nước nhiệt đới đều nghèo dinh dưỡng và khi tăng cường dinh dưỡng cho chúng có thể tăng khả năng sinh sản nhanh chóng (Cunha và cộng sự, 1967) [23]. Tình trạng dinh dưỡng của gia súc là rất khó tính toán và mối quan hệ qua lại giữa dinh dưỡng và sinh sản rất phức tạp. Tình trạng dinh dưỡng của gia súc thường xuyên được đánh giá qua sự thay đổi về khối lượng sống và tình trạng cơ thể. Tuy nhiên sự thay đổi thường diễn ra trong giai đoạn dài, có rất nhiều nhân tố thuộc về sinh sản như sự rụng trứng, thụ tinh và hình thành nhau thai lại chỉ xảy ra trong thời gian ngắn.

1.4.3.1. Ảnh hưởng của dinh dưỡng đối với sự phát triển tính dục của bò cái tơ

Dinh dưỡng nghèo kìm hãm tuổi phát dục, giảm tỷ lệ thụ thai và làm tăng sự chết thai ở bò cái tơ. Wilbank và cộng sự (1996) (trích Mukasa-Mugerwa, 1989) cho rằng khối lượng có tính chất quyết định, nó phải đạt được trước tuổi thành thục về tính. Sự hạn hán gây thiếu thức ăn làm chậm động dục ở bò tơ của 10 nhóm giống ở Úc và ngừng hoạt động của buồng trứng trong một số bò sắp đến tuổi thành thục về tính. Barth (1971) (trích Mukasa-Mugerwa, 1989) thấy rằng, nuôi dưỡng bằng thức ăn hỗn hợp ở bò Azoouak Zebu đã thúc đẩy sớm sự thành thục tính dục từ 4 đến 18 tháng. Penzhome (1975) nhận thấy tuổi thành thục tính dục sẽ bị chậm 7 tháng ở bò tơ Africander khi nuôi với khẩu phần hạn chế.

rằng cho ăn quá mức có thể làm giảm khả năng sinh sản. Bò tơ được nuôi với mức dinh dưỡng quá cao đã có những vấn đề về phối giống hơn là nuôi ở mức trung bình.

Các thí nghiệm bổ sung thức ăn cho bò ở Ethiopia thấy rằng, bổ sung cho bò Boran tơ với 1,5kg thức ăn tinh (1/3 hạt khô dầu, 2/3 cám mỳ) trong 90 ngày trong suốt mùa khô trước tuổi thành thục, những bò cái tơ được bổ sung thức ăn đạt tuổi thành thục sớm hơn (596,4 so với 633,5 ngày) khối lượng đạt cao hơn (230,7 so với 202,4 kg), đồng thời có buồng trứng phát triển hơn những bò cái tơ không được bổ sung. Khuynh hướng tương tự được quan sát ở bò cái lai (Boran x Holstein Friesian).

1.4.3.2. Ảnh hưởng của dinh dưỡng đối với bò sau đẻ

Đặc tính sinh sản của bò sau khi đẻ liên quan đến tình trạng dinh dưỡng. Những bò cái được nuôi với khẩu phần năng lượng cao sự thụ thai sau khi sinh bê sẽ sớm hơn những bò mức năng lượng thấp. Protein nói chung đối với sinh sản được xem là quan trọng hơn so với năng lượng. Mức protein ăn vào thấp cũng có thể là nguyên nhân gây vô sinh. Tuy nhiên điều này rất khó để phân biệt ảnh hưởng của protein ăn vào thấp xảy ra đồng thời với chỉ số hình thái năng lượng thấp, bởi vì sự thiếu hụt protein thường dẫn đến giảm tính thèm ăn của con vật.

Ở các nước nhiệt đới việc nuôi dưỡng bò thường phụ thuộc vào các đồng cỏ tự nhiên hoặc các sản phẩm phụ sau thu hoạch. Hàm lượng protein thô trong thức ăn thường thấp (7,5%) điều này làm giảm hiệu suất của dạ cỏ và làm giảm khả năng tiêu hoá thật của thức ăn. Kết quả là những bò đang cho sữa không có khả năng nhận đủ nhu cầu về dinh dưỡng dẫn đến khối lượng và sức khoẻ sẽ bị giảm trong thời kỳ cho sữa. Do đó sẽ kéo dài thời kỳ không động dục trong giai đoạn cho sữa và các bò sữa có khuynh hướng cách năm mới sinh 1 bê.

Các mức nuôi dưỡng cao trước khi khi sinh bê sẽ rút ngắn thời gian chậm động dục sau đẻ ở bò Taurine [29], hơn nữa nhiều bò xuất hiện động dục trước mùa phối giống và tỷ lệ thụ thai tăng. King (1968) (trích Mukasa-Mugerwa, 1989)[29] xác định khi thay đổi 1% mức ăn theo khối lượng cơ thể đưa đến thay đổi 1% về tỷ lệ thụ thai khi phối giống lần đầu. Kết quả này nhận thấy tương tự ở bò Zebu.

Một nghiên cứu cho rằng nuôi dưỡng ở mức độ cao về dinh dưỡng sau 45 ngày ở 4 giống (mỗi giống 5 bò không động dục), kết quả 65% chu kỳ được hồi phục và 55% có trứng rụng, trong khi 20 bò đối chứng nuôi dưỡng với mức khẩu phần thấp không có chu kỳ và cũng không có trứng rụng [29]. Ở Zambia khi nuôi bò Zebu với mức thấp hơn khẩu phần duy trì, 55% số bò có chu kỳ động dục bị ngừng trệ trong năm, trong khi cũng giống ấy với khẩu phần duy trì chu kỳ động dục vẫn tiếp tục bình thường [29]. Những bò nuôi với mức thấp hơn khẩu phần duy trì mắc tỷ lệ động dục thầm lặng cao hơn bò nuôi khẩu phần duy trì. 2/3 chu kỳ động dục có thể thầm lặng khi gia súc nuôi

dưỡng dưới mức duy trì [29]. Tỷ lệ trên thay đổi theo khối lượng cơ thể hai tuần đầu sau khi sinh bê và có quan hệ trái ngược với số ngày rụng trứng đầu tiên.

Sự sinh trưởng và phát triển của bào thai, sự đẻ và sản xuất sữa, sự co lại của tử cung đều cần năng lượng. Năng lượng được sử dụng trong quá trình này phải được cung cấp cho bò nếu nó được phối giống sớm sau khi đẻ con. Do vậy khi bò nuôi dưỡng ở trong điều kiện tốt, có thể đáp ứng đủ yêu cầu năng lượng khi đẻ con, tiết sữa, sự co lại của tử cung và sẽ được phối giống sớm hơn những bò điều kiện nuôi dưỡng kém. Theo Olivares và cộng sự, 1981 [29]bò nên được nuôi dưỡng tốt từ 22-25 ngày trước khi đẻ và nếu có thể được thì nên kéo dài đến 90 ngày sau khi sinh con. Trong một nghiên cứu của Kleinhesterkamp và cộng sự (1981) [26] ở Colombia, bò được nuôi trên bãi cỏ được cải tạo có bổ sung cỏ họ đậu đã nâng tỷ lệ thụ thai đạt 64,4%, trong khi nuôi ở bãi chăn chưa cải tạo tỷ lệ này là 6,3%. Hale (1995) (trích Mukasa- Mugerwa, 1989)[29] nhận thấy ở bò Zebu cạn sữa nuôi dưỡng dưới mức đã làm ngừng chu kỳ sinh dục khi khối lượng cơ thể giảm từ 390kg xuống 320kg. Tuy nhiên khi bò tăng trọng trở lại, nó chưa thể bắt đầu khôi phục lại chu kỳ cho đến khi khối lượng của chúng có dấu hiệu nặng hơn thời điểm làm ngừng động dục. Mukasa-Mugerwa (1989)[29] đánh giá rằng bò Zebu nuôi dưỡng theo phương pháp truyền thống ở các cao nguyên Ethiopian cần 8 tháng sau khi dừng cho sữa để đạt được khối lượng và các điều kiện cho phép chúng thụ thai tốt nhất. Khoảng cách hai lứa đẻ trung bình là 26 tháng mặc dù chu kỳ cho sữa chỉ có 8 tháng. Khả năng sinh sản của những bò khi chăn thả có quan hệ mật thiết với sự thay đổi khối lượng sống trong thời gian có bê đến khoảng cách phối giống. bò có khả năng bắt đầu hoạt động sinh dục chỉ sau khi nó hồi phục lại phần lớn khối lượng của nó như trước khi đẻ. Patul và Deshpande (1981) [29] nhận thấy bò Gir khi khối lượng trong ba tháng đầu sau đẻ tăng động dục sẽ xuất hiện trong thời kỳ này, khi đó ở bò có khối lượng giảm không thấy xuất hiện động dục. Những bò khối lượng cơ thể giảm nhận thấy hàm lượng glucose trong máu và protein trong huyết thanh thấp hơn so với bò có khối lượng cơ thể tăng. Các tác giả gợi ý rằng định lượng glucose trong máu và protein huyết thanh có thể được dùng như một chỉ tiêu đánh giá sự động dục trở lại sớm sau đẻ ở bò. Mechure (1968) [29] nhận thấy ở bò cái với nồng độ glucose khoảng 30mg/100ml máu có khuynh hướng sớm trở lại phối giống. Vì vậy bò phải được nuôi đủ hoặc với mức dinh dưỡng cao, sẽ giúp chúng tăng khối lượng cơ thể trong mùa phối giống và cho tỷ lệ thụ thai tốt hơn.

Trong một nghiên cứu Ở Zimbabwe, Rochardson và cộng sự (1975) (trích Mukasa-Mugerwa, 1989)[29] nhận thấy bò có khả năng thụ thai trở lại sau đẻ khi các bộ phận sinh dục thay đổi tương ứng với khối lượng cơ thể tại thời điểm phối giống, nhưng không có sự liên quan giữa tỷ lệ thụ thai với sự thay đổi khối lượng từ khi đẻ đến giữa mùa phối giống. Ward (1968)[42] gợi ý rằng mọi bò đều có khối lượng cơ thể

có khối lượng nhỏ hơn giới hạn thì khó có khả năng sinh sản. Wiltbank và cộng sự (1964) [42] bổ sung thêm rằng những bò cái khi phối giống phải được nâng cao thêm những "điều kiện" về cơ thể trong thời kỳ phối giống.

Thang điểm về "tình trạng cơ thể" được bắt đầu ở Australia để đánh giá độ béo của cừu, nó được đưa vào vương quốc Anh với mục đích tương tự và bắt đầu ứng dụng ở bò. Số điểm về tình trạng cơ thể là sự đánh giá chủ quan bằng mắt trên gia súc với mức độ lặp lại cao cả về sự đo lường lẫn điểm số nên có thể chấp nhận được. Thang điểm về sức khoẻ được dựa trên cơ sở về số lượng mỡ và mô cơ bao bọc xương và còn là chỉ số về tính trạng dinh dưỡng của gia súc.

Mối quan hệ giữa thang điểm và độ béo của cơ thể đã và đang được thiết lập từ số liệu của bò được giết mổ ở các mức điểm cơ thể khác nhau. Cho nên các mức thang điểm đã cho các chỉ số về độ béo, về nơi dự trữ mỡ ở các giống khác nhau. Điều này đặc biệt đúng ở bò với hơn 15% mỡ cơ thể. Bò sữa nói chung dự trữ mỡ nội tại lớn hơn so với bò thịt. Thang điểm về tình trạng sức khoẻ có xu hướng đánh giá lượng mỡ dự trữ dưới da, vì vậy giá trị thang điểm đối với bò sữa theo hướng có mỡ dự trữ nhiều hơn bò thịt.

Sự thay đổi khối lượng cơ thể hoặc điểm số về sức khoẻ của bò chỉ ra mức độ khả năng sinh sản sau này. Khả năng sinh sản của bò thấp trong điều kiện dinh dưỡng nghèo. Những bò ở dưới điểm giới hạn về sức khoẻ có khả năng sinh sản kém nhất. Steenkamp và cộng sự (1975) [29] so sánh rằng tỷ lệ thụ thai ở bò có khối lượng tương đương là khác nhau trong điểm số về tình trạng sức khoẻ và nhận thấy rằng tình trạng lúc phối giống là quan trọng hơn so với khối lượng. Điều này hoàn toàn đúng với phát hiện của Van Niekerk (1982) [29], người đã quan sát tỷ lệ đẻ đạt 78% đối với bò phối trong điểm số sức khoẻ tốt nhất còn với bò trong điểm số sức khoẻ kém nhất tỷ lệ này là 8%.

Chi phí nuôi dưỡng để duy trì chúng trong điều kiện tốt được bù lại bằng sự tăng khả năng sinh sản nhiều hơn. Những bò nếu được nuôi dưỡng tốt sẽ nâng khả năng sinh sản tốt hơn. Nó càng có hiệu quả khi nuôi dưỡng để chúng duy trì tốt sức khoẻ so với để chúng giảm khối lượng với hy vọng có thể hồi phục trước mùa phối giống. Wirght (1985) [29] đánh giá rằng khi mất một điểm về sức khoẻ phải bổ sung 3200 MJ năng lượng trao đổi và để hồi phục lại phải mất 65000 MJ năng lượng trao đổi trong khẩu phần. Điều này hoàn toàn đúng với nhận định của Van Niekerk (1982) [29] người đã kết luận rằng chi phí nuôi dưỡng để duy trì bò tại thang điểm 3 về sức khoẻ chỉ cần một nửa yêu cầu để nuôi chúng từ thang điểm 1,5 đến thang điểm 3,0.

Hiệu quả của việc nuôi dưỡng tốt gia súc trong thời kỳ thực hiện chức năng sinh sản được đánh giá một cách thường xuyên và dễ dàng qua các trang trại. Tuy nhiên các trang trại nhỏ thường chỉ cung cấp ít thức ăn bổ sung, nên cần phải tư vấn cho họ cách nuôi gia súc, cho ăn bao nhiêu và khi nào là tốt nhất.

Như vậy, dinh dưỡng thiếu sẽ kìm hãm tuổi dậy thì và thành thục về tính của bê tơ, kìm hãm sự hoạt động của buồng trứng và động dục lại sau khi đẻ ở bò. Nếu bò cái bị nuôi dưỡng dưới mức khi có thai sẽ khó khăn khi sinh con, dẫn đến chậm khôi phục lại chu kỳ động dục và có thai sau đẻ. Lý tưởng nhất là tình trạng cơ thể của bò phải được tăng cường từ từ trong giai đoạn có chửa, nhưng không được quá béo. Bò cái hẳn là sẽ giảm khối lượng sau khi đẻ con, song khối lượng bị giảm phải ở mức tối thiểu thông qua việc nuôi dưỡng để cho phép chúng bắt đầu chu kỳ động dục lại càng sớm càng tốt. Các nghiên cứu trên rất cần thiết để xác định cơ sở sinh lý học về mối ảnh hưởng qua lại giữa dinh dưỡng và sinh sản ở bò Zebu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiện trạng chăn nuôi bò sinh sản và ảnh hưởng của bổ sung thức ăn tinh cho bò mẹ sau khi đẻ đến một số chỉ tiêu sinh sản của bò (Trang 31 - 35)