tháng tuổi trong nông hộ ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định
Căn cứ vào số lượng đàn bò cái đã đẻ trên địa bàn xã được cung cấp bởi cán bộ địa phương, tiến hành chọn 10% tổng số bò cái đẻ để khảo sát, việc lựa chọn bò mẹ cũng được chia đều cho các thôn trong xã. Tổng cộng có 255 con bò cái đã đẻ nuôi trong các nông hộ ở xã Tây Giang được tiến hành thu thập các số liệu về các chỉ tiêu sinh sản như tuổi đẻ lứa đầu, thời gian mang thai, thời gian đẻ của lứa đẻ gần nhất, thời gian từ khi đẻ đến động dục lại, thời gian từ khi đẻ đến phối giống thành công. Các chỉ tiêu này được khảo sát thông qua phỏng vấn hộ. Các chỉ tiêu sinh sản được thu thập ở lứa đẻ gần nhất. Khoảng cách lứa đẻ của bò được xác định bởi thời gian của hai lứa đẻ gần nhất, những bò không xác định được thời gian hai lứa đẻ gần nhất thì được xác định thông qua công thức (1).
Khoảng cách lứa đẻ (ngày) = Thời gian mang thai (ngày) + Thời gian từ khi đẻ đến phối giống thành công (ngày) (1).
Bên cạnh các chỉ tiêu về sinh sản, điểm thể trạng của bò cũng được đánh giá thông qua chấm điểm bằng mắt thường. Thang cho điểm đối với điểm thể trạng bò từ 1 đến 5, trong đó 1 là rất gầy và 5 là rất béo, điểm thể trạng cho điểm lẻ đến 0,25 [24]. Việc đánh giá điểm thể trạng của bò được đánh giá tại hai thời điểm trong năm là thời điểm cuối mùa thiếu thức ăn vào tháng 3 và thời điểm cuối mùa nhiều (đủ) thức ăn là tháng 8.
Về đánh giá khả năng sinh trưởng của bê từ 0-6 tháng tuổi. Tổng cộng 163 con bê được cân xác định khối lượng. Khối lượng bê được xác định thông qua cân ở các độ tuổi khác nhau, bê được cân bằng cân đồng hồ 100 kg, những bê có khối lượng lớn hơn được cân bằng cân điện tử chuyên dùng cho đại gia súc của hãng RudWeight (Newzealand) có độ chính xác đến 0,5kg. Song song với xác định khối lượng, vòng ngực của bê cũng được xác định bằng thước dây. Trên cơ sở khối lượng và ngày tuổi của bê, tiến hàng đánh giá mối quan hệ tuyến tính giữa ngày tuổi và khối lượng bê. Từ phương trình tuyến tính giữa ngày tuổi và khối lượng bê dưới dạng Y= aX + b (trong đó a là hệ số hồi quy, b là hằng số, X ngày tuổi và Y là khối lượng bê tại ngày thứ X), tiến hành ước tính khối lượng của bê lúc sơ sinh (X=0), 30 (X=30), 60 (X=60), 90 (X=90), 120 (X=120), 150 (X=150) và 180 (X=180) ngày tuổi. Đồng thời chúng tôi cũng tiến hành đánh giá khoảng tin cậy tại các thời điểm sơ sinh, 30, 60, 90, 120, 150 và 180 ngày tuổi nhằm xác định độ lệch chuẩn của khối lượng tại các thời điểm tương ứng.
Số lượng và tuổi bán bê được khảo sát thông qua phỏng vấn hộ trong một năm tính từ thời điểm phỏng vấn trở về trước.