Thực trạng quá trình đô thị hóa TP.Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tác động của quá trình đô thị hóa đến việc quản lý và sử dụng đất tại quận 9, thành phố hồ chí minh (Trang 37 - 40)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

1.2.3. Thực trạng quá trình đô thị hóa TP.Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hoá lớn của nước ta với diện tích khoảng 2.080 km2, dân số khoảng 7 triệu người, trong đó có khoảng 1,8 triệu người nhập cư; tọa lạc trên một vị trí địa lý thuận lợi, nằm giữa một chùm đô thị sầm uất của miền Đông Nam Bộ với đường giao thông thuỷ, bộ, hàng không thuận lợi từ Tây sang Đông, từ Nam đến Bắc; nơi tụ hội và giao lưu văn hoá của nhiều dân tộc và quốc tế, được đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển cao nhất nước, GDP liên tục tăng trong 20 năm lại đây, GDP bình quân 10,02% có đóng góp lớn cho Nhà nước trên cả các mặt. Ở TP. Hồ Chí Minh, 85% số dân sinh sống trong phạm vi 25% diện tích thuộc khu vực đô thị và 75% diện tích còn lại với 15% dân số sinh sống thuộc về nông thôn [9],

Lịch sử hình thành đô thị: TP. Hồ Chí Minh có bề dày hơn 300 năm bắt đầu từ sự phát triển của Sài Gòn xưa. Sài Gòn là một trong những đô thị hiếm hoi ở nước ta xuất hiện một cách tự nhiên, tự phát do nguyên nhân kinh tế chứ không phải từ một trung tâm hành chính – chính trị như hầu hết các đô thị cổ ở Việt Nam. Sài Gòn ngay từ khi mới hình thành đã tỏ ra là một đô thị tràn đầy sức sống, thể hiện vai trò trong cả nội thương lẫn ngoại thương, một đô thị cảng với những hoạt động xuất, nhập khẩu nhộn nhịp của cả miền Nam, đồng thời vươn hoạt động các thương thuyền ra khắp vùng Đông Nam Á. Với thực tiễn giao lưu kinh tế, hoạt động thương nghiệp khá phát triển đương thời, lối sống đô thị ở Sài Gòn đã sớm hình thành. Sài Gòn thời Pháp thuộc trên cơ sở những chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế công – thương – nghiệp ở xứ thuộc địa với sự xâm nhập của tư bản tài chính Pháp đã được phát triển, mở rộng thêm

một bước về quy mô và chất lượng đô thị. Qua nhiều lần mở rộng, đến năm 1872, thành phố Sài Gòn có diện tích 447 ha. Năm 1894, vùng Đakao – Tân Định gồm các làng Hòa Mỹ, Phú Hòa, Nam Chơn, Tân Định, Xuân Hòa với diện tích khoảng 344 ha nhập vào thành phố, làm cho diện tích tăng lên 791 ha. Năm 1895, các làng Khánh Hội và Tam Hội (quận 4) rộng 182 ha gia nhập thêm vào, đưa diện tích Sài Gòn tăng lên 973 ha. Năm 1906, Sài Gòn thu nhập thêm hai làng Tân Hòa, Phú Thạnh (vùng Chợ Quán) rộng 344 ha làm cho diện tích Sài Gòn tăng lên 1.317 ha và địa giới sát với thành phố Chợ Lớn. Năm 1907, hai làng Vĩnh Hội, Chánh Hưng rộng 477 ha nhập vào Sài Gòn làm cho diện tích tăng lên thành 1.764 ha [7], [9].

Ngày 27/4/1931, hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn được hợp nhất gọi là vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, rộng 5.100 ha. Toàn vùng được chia ra làm 5 quận (3 quận thuộc Sài Gòn và 2 thuộc Chợ Lớn). Dân cư tiếp tục tập trung đông hơn. Năm 1923, số dân Sài Gòn đã lên đến 95 ngàn người; trong những năm 1930, dân số Sài Gòn vào khoảng 100 ngàn người, và nếu tính cả Chợ Lớn thì dân số lên tới 200 ngàn người. Dưới chế độ cũ, Sài Gòn tiếp tục được mở rộng theo hai trục: Trục thứ nhất theo hướng Tây Ninh toàn nhà dân, trục thứ hai theo hướng Biên Hòa với những xí nghiệp tương đối hiện đại và các cơ sở quân sự Mỹ. Năm 1976, thành phố Sài Gòn được đổi tên là TP. Hồ Chí Minh, sáp nhập toàn bộ tỉnh Gia Định, một phần tỉnh Hậu Nghĩa (quận Củ Chi), một phần tỉnh Bình Dương (quận Phú Hòa), diện tích đạt 2.029 km2. Năm 1978, nhập thêm xã Hiệp Phước (Cần Giuộc – Long An) và huyện Duyên Hải (tỉnh Đồng Nai), tăng diện tích thành phố lên 2.095 km2. Hệ thống hành chính bao gồm 12 quận: 1,3,4,5,6,8,10,11, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh và 6 huyện: Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Thủ Đức, Củ Chi. Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 03/CP về việc thành lập thêm 5 quận mới là quận 2,7,9,12 và Thủ Đức, nâng tổng số quận nội thành lên 17 quận. Giai đoạn này, diện tích thành phố không gia tăng vì sự thay đổi trên mà chủ yếu là sắp xếp cho cân đối hơn về quy mô không gian, dân số giữa các quận huyện nhằm quản lý tốt hơn. Năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định 130/2003/NĐ-CP thành lập thêm hai quận mới là Bình Tân, Tân Phú trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính, dân số của huyện Bình Chánh và quận Tân Bình, nâng tổng số đơn vị hành chính lên 24 quận, huyện, diện tích thành phố không đổi [6], [7].

Những vấn đề ĐTH của TP. Hồ Chí Minh: Theo Vương Cường (2007), thành phố đang trên đà phát triển, chỉ mới sau 10 năm tiến hành ĐTH nhưng đã gặt hái được những thành tựu rất lớn. Thành phố đã có bộ mặt mới, khang trang hơn và bề thế hơn, những vùng đầm lầy nước đọng nay được cải tạo thành các khu dân cư (khu vực Quận 7, Nhà Bè,...). Vùng vành đai được phủ kín với 13 khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất và 4.000 nhà máy. Các đơn vị hành chính tăng từ 17 quận, huyện lên đến 24 quận, huyện. Đời sống kinh tế của người dân được cải thiện một cách rõ rệt [6].

Tuy nhiên, sau hơn 15 năm tiến hành công nghiệp hóa và ĐTH, thành phố cũng gặp phải nhiều vấn đề nan giải như ở các quốc gia tiến hành ĐTH trước đó: quá tải dân số, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, nhà ổ chuột, và cũng đang rơi vào tình trạng phân hóa cư dân đô thị rất gay gắt.

Vấn đề di dân nông thôn – thành thị và gia tăng dân số cơ học cùng là một vấn đề nan giải của thành phố. Gia tăng dân số trong quá trình ĐTH ven đô TP. Hồ Chí Minh đã đặt ra những vấn đề nan giải về giải quyết công ăn việc làm, thất nghiệp tại chỗ, nhà ở và tệ nạn xã hội làm cho trật tự xã hội ven đô ngày càng thêm phức tạp. Tại các quận, huyện vùng ven, việc chiếm dụng đất công, san lấp mặt bằng, kênh rạch, lấn chiếm lòng đề đường để làm nhà và xây dựng trái phép đang diễn ra hàng ngày, làm cản trở đến việc tiêu, thoát đô thị, gây ngập úng nhà dân sau mỗi cơn mưa, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân và môi trường đô thị.

Ô nhiễm môi trường còn do lượng người nhập cư quá đông, trình độ học vấn có hạn, quen với lối sống tiểu nông, tuỳ tiện vứt xác động vật, vứt rác ra đường, ra các mảnh đất trống nằm xen lẫn trong khu dân cư. Rác thải trong mỗi gia đình, khu phố ngày càng nhiều nếu không được xử lý tốt, vi trùng sẽ sinh sôi nảy nở, bệnh tật sẽ dễ dàng lây lan…

Hơn nữa, hầu hết ở các đô thị hiện nay đều xảy ra tình trạng thiếu nhà ở. Đặc biệt là dân nghèo đô thị và những người mới nhập cư vào thành phố. Cho nên một số người đã bất chấp những quy định về quản lý đô thị tự ý san lấp, lấn chiếm, sang nhượng đất để xây nhà một cách tạm bợ, tuỳ tiện. Việc xây cất không theo quy hoạch làm xuất hiện “Nhà không số, phố không tên” chen lấn hỗn độn, ảnh hưởng đến mỹ quan của thành phố.

ĐTH là nguyên nhân gây ra sự phân hóa cư dân đô thị một cách sâu sắc, một vấn đề đặc trưng cho các quốc gia phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa, còn ở nước ta là định hướng xã hội chủ nghĩa nên hiện tượng này ngày càng trở nên gay gắt là điều không thể chấp nhận được. Theo thủ tướng Võ Văn Kiệt:Nông dân còn chịu thiệt một cách trực tiếp trong quá trình công nghiệp hóa. Mỗi khi có những nhà máy, những khu công nghiệp, đô thị mọc lên, những phúc lợi xã hội mà sự phát triển mang lại cho nông dân chỉ chiếm một giá trị rất nhỏ so với lợi nhuận mà đất đai của họ đem lại cho những tầng lớp khác. Công nghiệp hóa theo kiểu tiếp nhận những đầu tư, chủ yếu khai thác lao động giá rẻ, tuy có giải quyết được công ăn việc làm có tính nhất thời cho một số lao động thiếu việc làm, song về lâu dài không thể nào thay đổi địa vị nghèo khó của nông dân. Trong khi đó, sự trả giá về mặt tinh thần là rất lớn vì đa số những nông dân này đang phải ly hương, ly gia để có việc làm. Công nghiệp hóa, ĐTH của chế độ ta mà không nhất quán quan điểm, không xuất phát từ người nghèo (số đông người nghèo) thì chúng ta không tránh khỏi càng làm sâu sắc thêm khoảng cách giữa hai tầng lớp giàu – nghèo [9], [12]

Do vậy, TP. Hồ Chí Minh cần phải tập trung xử lý có hệ thống về những hậu quả tất yếu mà vấn đề ĐTH có thể nảy sinh. Trong đó có vấn đề về quản lý và sử dụng đất đai ở các khu vực vùng ven, ngoại thành của thành phố.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tác động của quá trình đô thị hóa đến việc quản lý và sử dụng đất tại quận 9, thành phố hồ chí minh (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)