TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH QUẢNG BÌNH

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tìm hiểu thực trạng và vai trò sinh kế của hoạt động dịch vụ du lịch hộ tại các xã vùng đệm vườn quốc gia phong nha kẻ bàng, tỉnh quảng bình (Trang 30 - 32)

Quảng Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Trong những năm qua, du lịch Quảng Bình đã đạt được những thành tựu nhất định, từng bước khẳng định vai trò quan trọngtrong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Việc khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới mở ra một cơ hội phát triển mới cho du lịch Quảng Bình trong thời gian tới.

Thời gian qua, Quảng Bình đã đầu tư một lượng lớn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khu du lịch Nhật Lệ - Quang Phú, khu du lịch Bang, bổ sung quy hoạch Phong Nha - Kẻ Bàng. Tổ chức nhiều cuộc họp giải quyết các vấn đề về phát triển du lịch, triển khai các dự án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, các dự án khả thi ở từng khu vực trọng điểm ưu tiên đầu tư của Tỉnh... Bên cạnh đó, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, các dự án liên doanh, liên kết với nước ngoài... Một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cũng mạnh dạn vay vốn ưu đãi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, đầu tư từng hạng mục cơ bản tại các khu du lịch nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Nhưng nhìn chung nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch còn hạn hẹp và chưa đồng bộ.

Một trong những lợi thế hàng đầu để phát triển của du lịch Quảng Bình là tài nguyên du lịch hang động, rừng và biển. Sau gần hai năm xảy ra sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, hoạt động du lịch biển nói riêng và ngành du lịch của tỉnh đã thực sự hồi sinh một cách mạnh mẽ, với những tín hiệu vui.

Theo Sở Du lịch Quảng Bình, năm 2017 tổng số lượt khách đến đạt 3,3 triệu lượt, tăng 70,9% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 130 nghìn lượt, tăng 156%; tổng thu đạt trên 3.700 tỷ đồng. Riêng quý I/2018, Quảng Bình đã đón trên 727 ngàn lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ; tổng thu ước đạt 820 tỷ đồng. Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội, gắn với việc xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng dân cư. Bước vào mùa du lịch mới, một tín hiệu khởi sắc của du lịch Quảng Bình là trong bốn ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 lượng khách du lịch đến tăng cao so với những năm trước, với khoảng 184.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017; riêng khách quốc tế đạt khoảng 9.000 lượt; công suất sử dụng buồng khách sạn bình quân khoảng 80-85%, có ngày đạt gần 100%.

Những điểm đến chủ yếu khách du lịch lựa chọn tham quan, khám phá, nghỉ dưỡng, có thể kể đến Động Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường; suối Nước Moọc, sông Chày – hang Tối; làng bích họa Cảnh Dương; các bãi biển Đá Nhảy, Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú và các điểm du lịch văn hóa tâm linh như: Khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chùa Hoằng Phúc, núi Thần Đinh, Đền tưởng niệm các anh

hùng liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng, hang Tám Thanh niên xung phong, đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh…

Đặc biệt, trong thời gian nghỉ lễ, có những khu, điểm đến đạt số lượng khách tăng kỷ lục như: Khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đón khoảng 52.000 lượt khách đến viếng, tăng hơn 73% so với cùng kỳ năm 2017; động Phong Nha đón 17.000 lượt khách; động Thiên Đường đón 12.000 lượt; suối nước Moọc đón khoảng 13.000 lượt khách.

Khách du lịch đến Quảng Bình trong dịp lễ được các doanh nghiệp đánh giá là có chất lượng tốt hơn các năm trước. Các điểm đến du lịch của Quảng Bình trong dịp lễ cũng nhiều hơn, chất lượng hơn các năm trước; nhiều điểm đến được đầu tư để mở rộng quy mô dịch vụ. Khác với hai năm trước, sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, gần đây các bãi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã thu hút được lượng lớn du khách đến tắm biển, nghỉ dưỡng và thưởng thức hải sản. Du khách có thêm nhiều sự lựa chọn khi đến đây, từ đó giảm áp lực lên các điểm du lịch tập trung quá đông khách.

Khởi động mùa du lịch Quảng Bình năm 2018, chuỗi các hoạt động phục vụ khách du lịch trong dịp lễ được tổ chức hấp dẫn, đa dạng, như các chương trình Gala Dinner tại Sunspa Resort với sự tham gia của nhiều ca sỹ nổi tiếng trong nước; lễ hội đua bơi thuyền truyền thống trên sông Son và Nhật Lệ; Tuần Văn hóa-Du lịch thành phố Đồng Hới; Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch và hội Rằm tháng Ba Minh Hóa... đã thu hút đông đảo khách du lịch tham gia. Các hoạt động vui chơi, giải trí tại các bãi biển như thuyền buồm, mô tô nước, dù lượn, bóng chuyền... mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

Cùng đó, công tác quản lý nhà nước được tỉnh Quảng Bình, Sở Du lịch và các cơ quan chức năng quan tâm, triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, an toàn giao thông, an ninh trật tự tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các khu, điểm du lịch được đảm bảo tốt. Chất lượng phục vụ được chú trọng, tạo ấn tượng tốt đối với du khách, giá bán đúng với niêm yết được các cơ sở thực hiện nghiêm túc.

Ngành du lịch Quảng Bình đã chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp kịp thời nhằm giảm áp lực, quá tải lượng du khách tại một số điểm, khu du lịch như động Thiên Đường, Phong Nha, suối nước Moọc…; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh một số điểm phục vụ du khách; phối hợp với các ngành chức năng xử lý, khắc phục triệt để hiện tượng chèo kéo, nhằm xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Bình ngày một tốt hơn.

Năm 2018, du lịch Quảng Bình phấn đấu đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó có 120 nghìn lượt khách quốc tế. Tỉnh chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử; khai thác có hiệu quả, bền vững nguồn tài

nguyên, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân.

Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới tỉnh Quảng Bình và ngành du lịch địa phương tiếp tục triển khai sâu rộng các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng dân cư về phát triển du lịch; tăng cường công tác quy hoạch, hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch như các trung tâm du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng, Vũng Chùa – Đảo Yến, Nhật Lệ – Bảo Ninh... và du lịch văn hóa, tâm linh phía Nam của tỉnh.

Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng để các nhà đầu tư sớm hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án, nhất là các dự án trọng điểm tạo sự phát triển bứt phá như: Quần thể Resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình, Trung tâm thương mại Vincom, sân golf Bảo Ninh – Hải Ninh, khu du lịch và nhà ở sinh thái Sunspa-Đảo Yến…; chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch, đánh thức các tiềm năng sẵn có của địa phương; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch, hỗ trợ du khách; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước.

Xây dựng văn hóa du lịch là một yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch đang được tỉnh quan tâm thực hiện, trong đó ban hành, áp dụng có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch đối với các khu, tuyến, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, tỉnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách; giáo dục nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư về giữ gìn và bảo vệ môi trường… nhằm từng bước khẳng định du lịch Quảng Bình là điểm đến an toàn, chất lượng và mến khách.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tìm hiểu thực trạng và vai trò sinh kế của hoạt động dịch vụ du lịch hộ tại các xã vùng đệm vườn quốc gia phong nha kẻ bàng, tỉnh quảng bình (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)