9. Kết cấu luận văn
1.3.3. Các sản phẩm dịch vụ phi tín dụng ngân hàng
1.3.3.1 Dịch vụ phi tín dụng truyền thống:
- Dịch vụ thanh toán:
Có thể nói đây là dịch vụ then chốt của ngân hàng, thể hiện được vai trò trung gian thanh toán thông qua hệ thống kỹ thuật hạ tầng và công nghệ xử lý hiện đại, với sự tiến bộ ngày nay dịch vụ này giúp khách hàng có thể an tâm về độ an toàn, chính xác, tiện ích và nhanh chóng.
Không dừng lại ở việc thanh toán trong nước, dịch vụ thanh toán nước ngoài cũng đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội, tác giả có thể sơ lược như sau:
- Dịch vụ thanh toán trong nước: + Phát hành và thanh toán séc:
Séc hay còn gọi là chi phiếu là một văn kiện mệnh lệnh vô điều kiện của chủ tài khoản (được lập trên mẫu in sẵn theo thể thức luật định), ra lệnh cho ngân hàng/tổ chức quản lý tài khoản - trích từ tài khoản tiền gửi của mình để trả cho người có tên trong séc, hoặc trả theo lệnh của người ấy hoặc trả cho người cầm séc.
Các bên tham gia trong giao dịch séc bao gồm:
- Bên ký séc phát (bên phát hành): người ký tờ séc để ra lệnh cho ngân hàng. - Bên ngân hàng: ngân hàng có nghĩa vụ trả tiền theo lệnh của bên ký phát. - Bên thụ hưởng: bên nhận tiền từ ngân hàng.
Séc được xem là phương tiện thanh toán ra đời sớm nhất, tuy vậy, trong nền kinh tế hiện đại, séc vẫn là công cụ thanh toán phổ biến nhất, mặc dù đã có những phương tiện thanh toán khác.
Ủy nhiệm chi (hoặc lệnh chi) là phương tiện thanh toán mà người trả tiền lập lệnh thanh toán theo mẫu quy định, gửi cho ngân hàng nơi mình mở tài khoản yêu cầu trích một số tiền nhất định trên tài khoản của mình để trả cho người thụ hưởng.
Các bên tham gia thanh toán bằng ủy nhiệm chi gồm có: (i) người trả tiền; (ii) ngân hàng phục vụ người trả tiền; (iii) người thụ hưởng; (iv) ngân hàng phục vụ người thụ hưởng.
+ Thanh toán bằng ủy nhiệm thu:
Ủy nhiệm thu hay nhờ thu là giấy tờ thanh toán do người bán lập để uỷ thác cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thu hộ một số tiền ở người mua tương ứng với giá trị hàng hoá, dịch vụ đã cung ứng.
- Dịch vụ thanh toán quốc tế: + Chuyển tiền đi nước ngoài:
Khi đã chứng minh được các mục đích phù hợp với quy định quản lý ngoại hối (thanh toán tiền mua hàng, chữa bệnh, du học…), các cá nhân và tổ chức trong nước có thể dễ dàng nộp tiền mặt/trích tiền từ tài khoản ngoại tệ hoặc đề nghị ngân hàng bán ngoại tệ để chuyển đi nước ngoài với nhiều loại ngoại tệ khác nhau.
+ Chuyển tiền đến từ nước ngoài:
Dịch vụ chuyển tiền kiều hối, dịch vụ nhận séc nhờ thu do ngân hàng nước ngoài phát hành, khách hàng có hay không có tài khoản đều có thể nhận tiền chuyển, ngày nay với mạng lưới ngân hàng đại lý và công ty kiều hối rộng khắp thế giới ngân hàng sẽ chuyển tiền về Việt Nam một cách nhanh chóng và an toàn thậm chí chuyển tiền đến tận nơi theo nhu cầu.
- Dịch vụ ngân quỹ:
Thu, chi tại quầy: ngân hàng nhận tiền mặt từ khách hàng có nhu cầu nộp tiền vào ngân hàng để gửi tiết kiệm, gửi vào tài khoản thanh toán, thanh tóan tiền hàng, trả nợ vay…Ngoài ra, ngân hàng còn chi tiền mặt khi khách hàng có nhu cầu rút tiền từ tài khoản thanh toán, tài khoản tiền vay… tại quầy giao dịch của ngân hàng.
Thu, chi hộ: ngân hàng sẽ thay khách hàng của mình để thực hiện việc thu chi hộ từ người mua hàng/dịch vụ, chi trả hộ lương, chi trả tiền cho đối tác… dịch vụ này có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.
- Dịch vụ quản lý tài sản:
Ngày nay mỗi ngân hàng đều có kho được xây dựng theo tiêu chuẩn bảo đảm an toàn, tùy quy mô của từng trụ sở, chi nhánh, phòng giao dịch mà nơi đó được giao thêm các nghiệp vụ như dịch vụ bảo quản, khi đó ngân hàng sẽ có trách nhiệm giữ các tài sản, giấy tờ, vàng bạc, đồ quý giá, chúc thư… cho khách hàng và thu phí. Việc bảo quản và nhận ký gửi có thể qua đêm hay trong thời gian thỏa thuận theo yêu cầu của khách hàng. Trong quá trình bảo quản và ký gửi này, có thể khách hàng và ngân hàng cùng kê khai giao nhận vật cần bảo quản lưu giữ.
1.3.3.2 Dịch vụ phi tín dụng hiện đại:
- Dịch vụ thẻ:
Thẻ ngân hàng là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, ra đời từ phương thức mua bán hàng hóa bán lẻ và phát triển gắn liền với việc ứng dụng công nghệ tin học trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Thẻ ngân hàng là công cụ thanh toán do ngân hàng phát hành cấp cho khách hàng sử dụng để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ hoặc rút tiền mặt trong phạm vi số dư tiền của mình hoặc hạn mức tín dụng được cấp.
Có 2 loại thẻ ngân hàng: Thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng với tính năng sử dụng và đặc điểm hoàn toàn khác nhau.
+ Thẻ ghi nợ (Debit Card):
Thẻ ghi nợ do ngân hàng cung cấp kèm theo khi mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, cho phép chủ thẻ sử dụng số tiền họ có sẵn trong tài khoản. Sau mỗi lần sử dụng do chi trả tài khoản đó sẽ bị ghi nợ số tiền tương ứng và tài khoản của người thụ hưởng sẽ được ghi có. Thẻ này bao gồm cả thẻ ghi nợ nội địa và thẻ ghi nợ quốc tế có phạm vi toàn cầu.
+ Thẻ tín dụng (Credit Card):
Thẻ tín dụng là một công cụ thanh toán không dùng tiền mặt, cho phép chủ thẻ này "chi tiêu trước, trả tiền sau". ngân hàng sẽ cung cấp cho khách hàng một hạn mức chi tiêu mà không phải nạp tiền vào tài khoản trước, họ sẽ sử dụng hạn mức đó để thanh toán các hóa đơn hàng hóa tại các điểm máy POS hoặc mua hàng online, thậm chí rút tiền mặt.
Ngoài ra, các ngân hàng ngày nay còn cung cấp các sản phẩm thẻ đáp ứng tối đa nhu cầu cho khách hàng như thẻ trả trước, thẻ đồng thương hiệu…
-Kinh doanh ngoại tệ, vàng bạc đá quý:
Sự phát triển của ngoại thương và thanh toán quốc tế đã thúc đẩy sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp và cá nhân vào thị trường ngoại hối. Bên cạnh đó, dịch vụ này còn giúp cho ngân hàng điều hòa cung cầu ngoại tệ trên thị trường, ổn định tỷ giá, thực hiện chính sách quản lý ngoại hối của NHNN, từ đó tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu. Với một thị trường liên tục và mang tính quốc tế như thị trường ngoại hối, để đảm bảo sự thống nhất và nhanh chóng trong các giao dịch, ngân hàng cũng như bất cứ cá nhân, tổ chức tham gia vào thị trường này đều cần hiểu một số quy ước của thị trường theo thông lệ quốc tế.
-Dịch vụ ủy thác và đại lý:
Đây là hình thức khách hàng giao vốn cho ngân hàng đem đi đầu tư kinh doanh, để được hưởng lợi tức theo các bài toán kinh doanh mà ngân hàng đặt ra. Đổi lại, khách hàng phải chấp nhận chia sẻ rủi ro với ngân hàng. Thông thường, lợi tức cao đi kèm với rủi ro cao. Cùng với tỷ lệ rủi ro mà mình lựa chọn, khách hàng phải trả phí khi ủy thác vốn cho ngân hàng đầu tư.
Dịch vụ ủy thác đối với cá nhân như thanh lý tài sản, điều hành vật ủy thác… Ủy thác đối với doanh nghiệp như thông qua quản lý đầu tư các khoản phúc lợi, quỹ hưu trí, phân chia lợi nhuận và chia tiền thưởng cổ phần... Ủy thác các tổ chức từ thiện hoặc tổ chức khác thông qua việc quản lý đầu tư các quỹ xã hội, quản lý các quỹ nghiên cứu khoa học, các trường học, tổ chức từ thiện, nhân đạo, chăm lo cho người bệnh…
-Dịch vụ cung cấp thông tin và tư vấn:
Nghiệp vụ này đòi hỏi ngân hàng phải có đội ngũ cán bộ có trình độ tổng hợp và chuyên sâu ở mức độ cao. Với vị trí trung gian thu hút tiền gửi và cấp tín dụng cho khách hàng, là người quản lý và thanh toán, các ngân hàng có thể tham gia tư vấn cho khách hàng của mình trên hai khía cạnh tư vấn đầu tư, tư vấn thông tin.
Cũng giống như nhiều trung tâm tư vấn khác, tư vấn của ngân hàng là một lĩnh vực nhằm phân tích dự báo các thông tin về tình hình kinh tế xã hội, pháp luật, thị trường giá cả… Thông qua việc: xây dựng phương án kinh doanh, tính toán chi phí, định giá, chiến lược kinh doanh,… để giúp cho khách hàng đưa ra quyết định đúng đắn, an toàn và hiệu quả.
-Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chứng khoán:
Ngày nay ngân hàng có thể tổ chức những bộ phận kinh doanh riêng hoặc có thể thành lập các công ty chứng khoán phụ thuộc nhằm cung cấp các dịch vụ như: môi giới chứng khoán, lưu ký chứng khoán, dịch vụ tư vấn niêm yết chứng khoán, tư vấn phát hành chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, đại lý phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán.
-Dịch vụ ngân hàng điện tử:
ngân hàng điện tử là một dịch vụ cho phép người dùng kiểm tra thông tin hoặc thực hiện các giao dịch với tài khoản ngân hàng mà không cần tới quầy giao dịch cũng như máy rút tiền tự động (ATM), có thể thông qua Internet hoặc kết nối mạng viễn thông, cụ thể như Internet banking, E-Mobile banking, SMS banking…