6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.2.7. Thực trạng quản lý và hiệu quả sử dụng lao động tại ngân hàng
2.2.7.1. Năng lực quản lý
Năng lực quản lý là một nhân tố quan trọng nhất trong quá trình tổ chức hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Năng lực quản lý của ngân hàng trước hết được thể hiện qua điều hành của ban lãnh đạo cùng với việc phân bổ cơ cấu tổ chức của ngân hàng có hợp lý không. Thông qua mô hình cơ cấu tổ chức của Vietcombank Long An cho ta thấy ban lãnh đạo của ngân hàng đã xây dựng được mô hình quản lý chặt chẽ, hợp lý và có tác dụng thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ngân hàng thêm thuận lợi. Điều đó được thể hiện cụ thể thông qua chức năng và nhiệm vụ của từng phòng ban. Việc phân chia này đã làm cho công việc của từng phòng ban tập trung vào một mảng và không bị trùng lặp. Ngoài ra, trong mỗi phòng lại chia thành nhiều bộ phận đảm nhiệm những công việc khác nhau, từ đó đảm bảo công việc của từng nhân viên không bị đan xen, chồng chéo lên nhau, đồng thời nâng cao năng suất lao động của từng nhân viên. Hơn nữa, vị trí các phòng ban được bố trí gần nhau và gần với văn phòng giám đốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển hồ sơ cũng như việc giám sát một cách chặt chẽ của ban giám đốc xuống các phòng ban. Thực tế cho thấy ban lãnh đạo của chi nhánh là người có kinh nghiệm bề dày trong quá trình quản trị điều hành, có kỹ
năng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu rộng, luôn nắm bắt đúng thời cơ và đề ra chiến lược phù hợp.
Mặc dù cơ cấu bộ máy tổ chức được phân tách và bố trí đầy đủ, khoa học theo mô hình chung của toàn hệ thống Vietcombank trên cả nước nhưng tại chi nhánh Long An vẫn tồn tại một số bất cập cần khắc phục như một số phòng ban chưa có Trưởng phòng giao dịch Cần Đước, Phòng Khách hàng Doanh nghiệp chỉ có một Trưởng phòng và 1 phó phòng, điều này cũng làm ảnh hưởng phần nào đến chất lượng quản lý và giám sát với công tác phát triển tín dụng.
Tỷ lệ cán bộ nhân viên có trình độ Đại học (nhân viên có trình độ sau Đại học chỉ 25 người) là 95%, tỷ lệ có trình độ từ Trung cấp đến Cao đẳng là 2% và tỷ lệ dưới Trung cấp là 3% (tạp vụ và lái xe). Với tỷ lệ cơ cấu trình độ lao động như vậy cho thấy chất lượng lao động trong khâu quản lý còn phần nào hạn chế hơn so với một số đối thủ cạnh tranh trên địa bàn và có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh.
Việc ổn định nhân sự cũng là một trong những yếu tố thể hiện năng lực quản lý của ban lãnh đạo, bởi lẽ ban lãnh đạo có năng lực thì mới có thể giữ chân nhân viên giỏi làm việc và phục vụ tận tâm cho mình. Hiện tại ngân hàng đang sở hữu một đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, nhiệt tình và đầy tâm huyết trong công việc.
Tuy nhiên, do biến động phức tạp của thị trường tài chính trong những năm vừa qua cùng với khủng hoảng kinh tế dẫn đến sự biến động không nhỏ của đội ngũ lao động ngành ngân hàng, trong đó có Vietcombank Long An. Sự biến động này do yếu tố khách quan và chủ quan, khách quan là do chính sách thu hút nhân tài của các đối thủ cạnh tranh trên địa bàn và một số ít lao động có xu hướng thay đổi nghề nghiệp, chủ quan là do chính sách đãi ngộ và động viên người lao động, chính sách giữ người còn phần nào chưa được chú trọng. Việc thiếu ổn định về lao động có ảnh hưởng trực tiếp không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Vì vậy, giữ chân các nhân viên có trình độ chuyên môn giỏi và tâm huyết không chỉ giúp cho hoạt động của ngân hàng ngày càng hiệu quả mà còn giữ được lợi thế so với các ngân hàng khác. Và đây cũng là chính sách tốt mà ngân hàng cần chú trọng.
2.2.7.2. Hiệu quả sử dụng lao động
Bảng 2.8. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng lao động của Vietcombank Long An giai đoạn 2017 - 2019
ĐVT: Tỷ đồng/ người
Chỉ tiêu Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018
Tổng số nhân viên (người) 103 111 115
Vốn huy động/nhân viên 35,90 37,25 44,25
Dư nợ cho vay/nhân viên 35,91 37,75 40,90
Lợi nhuận/ nhân viên 0,72 1,63 2,36
Nguồn: Vietcombank Long An
Do thu nhập của chi nhánh không ngừng tăng qua các năm từ năm 2017 - 2019, tốc độ tăng của thu nhập lớn hơn tốc độ tăng của lao động nên chỉ số này có xu hướng tăng dần qua các năm. Do thu nhập của chi nhánh tăng qua các năm nên tiền lương bình của người lao động cũng tăng qua các năm. Điều này chứng tỏ đời sống của nhân viên cũng từng bước được cải thiện hơn trước.
Kết quả phân tích cho thấy, tỷ lệ vốn huy động bình quân trên một nhân viên năm 2019 trên 44,25 tỷ đồng. Tỷ lệ dư nợ cho vay bình quân trên một nhân viên năm 2019 trên 40,9 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân một nhân viên đem lại cho ngân hàng năm 2019 là trên 2,36 tỷ đồng. Các chỉ tiêu trên chỉ phản ánh chất lượng hiệu quả sử dụng lao động của chi nhánh. Tuy nhiên thông qua các chỉ tiêu trên ban lãnh đạo có thể đưa ra những giải pháp, những vấn đề cần tháo gỡ để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của chi nhánh mà cụ thể thông qua bảng trên ta thấy chi nhánh cần tìm ra các giải pháp làm thế nào để nâng cao chỉ tiêu lợi nhuận bình quân của chi nhánh trong những năm tới.
Vì vậy, Vietcombank Long An cần có những giải pháp cụ thể hơn nữa để phát huy tiềm năng nhân viên, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của chi nhánh và chính sách ổn định nhân sự cần được coi trọng hơn nữa.