Kết cấu hạ tầng vùng Tứ giác Long Xuyên trước năm 1988

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình khai thác vùng đất tứ giác long xuyên từ năm 1988 đến năm 2018 (Trang 37)

7. Cấu trúc luận văn

1.7. Kết cấu hạ tầng vùng Tứ giác Long Xuyên trước năm 1988

TGLX vốn là vùng đất hoang vu, phèn mặn, khó khăn trong sản xuất, trước thế kỷ XVII cư dân đến đây lập nghiệp là những người Khmer và một số người Hoa. Từ thế kỷ XVII, mới xuất hiện thành phần cư dân mới đến sinh sống, đó là người Việt. Họ đến đây khai phá đất hoang, kiếm kế sinh nhai bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Ba dân tộc anh em là người Kinh, người Hoa và người Khmer cùng đoàn kết, nương tựa, hỗ trợ nhau làm ăn, sinh sống trên vùng đất mới. Có thể nói, TGLX là một trong những vùng đất cuối cùng mà triều đình nhà Nguyễn rất quan tâm và chủ trương khai phá trong công cuộc mở đất về phương Nam.

Do là vùng đất thường xuyên bị lũ lụt tàn phá nặng nề vào khoảng tháng 9, 10, 11 dương lịch hàng năm và là nơi rừng thiêng nước độc, cây dại, thú dữ… khi đến đây, người Việt và người Khmer chọn những gò đất cao, làm nhà sàn sinh sống, khai phá đến đâu, họ trồng trọt, chăn nuôi đến đó.

Năm 1802, sau khi đánh bại quân Tây Sơn, Nguyễn Anh mở ra một vương triều mới. Một trong những việc đầu tiên, vua Nguyễn Ánh quan tâm ngay đến việc phòng chống thiên tai, xây dựng các công trình đê điều ở phía Bác cũng như ở phía Nam, Ông lắng nghe các địa phương bàn kế trị thủy ở sông Hồng, đồng thời quay về phương Nam đào kênh trên phần đất Nam bộ để tiếp tục đẩy mạnh việc khai thác vùng đất phương Nam. Một trong những vùng, miền mà Nguyễn Ánh chú ý nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tiểu vùng Đồng Tháp Mười và TGLX. [64]

30

Năm 1816, khi quan sát thực địa thành Châu Đốc, vua Gia Long sai trấn thủ Vĩnh Thanh (trấn Vĩnh Thanh lúc này, bao gồm cả Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang…), đo vẽ bản đồ cả vùng Châu Đốc – Hà Tiên. [78, tr.85]

Bấy giờ, từ Châu Đốc đến Hà Tiên, dù chỉ khoảng 100km, nhưng khó khăn trong việc đi lại, sản xuất, trồng trọt. Do vậy mà trong giao thông đi lại phải đi bằng đường biển Tây sang biển Đông rồi trở về cửa sông Hậu mới lên Châu Đốc được, đường xa gấp 5 đến 7 lần so với kênh Vĩnh Tế. Khi quyết

định đào kinh Vĩnh Tế, vua Gia Long, nói: “đất này, nay mở đường sông đổ

thông với Hà Tiên, làm ruộng, đi buôn đều lợi cả. Sau này, dân cư đông đúc, đất mở rộng ra có thể thành một trấn to vậy” [103, tr.305]. Quyết định của vua Gia Long trong việc đào kênh Vĩnh Tế, không chỉ với mục đích dẫn nước ngọt từ sông Hậu, qua Châu Đốc, Giang Thành đến Hà Tiên, phục vụ sản xuất, sinh hoạt và đời sống cho cư dân vùng TGLX mà còn có ý nghĩa quan trọng về vùng đất có vị trí chiến lược đặc biệt về Quốc phòng, an ninh.

Năm 1819, triều đình nhà Nguyễn sai Nguyễn Văn Thoại, lúc đó đang trấn thủ Vĩnh Thanh cùng Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu huy động khoảng 80.000 nhân lực của các tỉnh An Giang, Hà Tiên, Châu Đốc…tiến hành đào kênh Vĩnh Tế song song với đường biên giới Việt Nam – Campuchia, bắt nguồn từ sông Hậu (Châu Đốc, tỉnh An Giang ngày nay) qua Giang Thành, đến Hà Tiên (Kiên Giang) và đổ ra cửa biển Tây. Đây có thể nói là công trình thủy lợi quy mô lớn đầu tiên trên vùng TGLX. Ngoài việc tháo chua, rửa phèn, phục vụ cho sản xuất và đời sống, kênh Vĩnh Tế còn góp phần quan trọng trong chiến lược phòng thủ của quốc gia.

Kênh Vĩnh Tế thi công bằng sức người với thời gian 5 năm, khởi công từ tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819) đến tháng Năm năm Giáp Thân (1824) là

31

hoàn thành với chiều dài toàn tuyến kênh là 97,7 cây số. Sau khi hoàn thành con kênh này, vua Minh Mạng cho lấy tên vợ chánh của Nguyễn Văn Thoại là bà Châu Thị Vĩnh Tế để đặt tên con kênh này: “Kênh Vĩnh Tế”.

Theo Baotanglichsu.vn: Sách Đại Nam nhất thống chí, có ghi: “Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoại biên, cho tới nhân dân mua bán đều được tiện lợi vô cùng”.

Kênh Rạch Giá – Long Xuyên, còn có tên là Thoại Hà. Đây là một con rạch nhỏ và dài, năm 1818 được đào sâu, mở rộng, phục vụ việc đi lại thông thương từ Long Xuyên đi Rạch Giá và lấy nước sông Hậu đầu nguồn đưa về vùng đất Kiên Giang và thoát ra biển Tây tại kinh Nhánh, thành phố Rạch Giá ngày nay.[2, tr.57-58]

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp bắt đầu cuộc khai thác thuộc địa (Sử gọi đây là khai thác thuộc địa lần thứ hai), nhằm vơ vét tài nguyên và bóc lột sức lao động của công nhân và nông dân vơ vét về chính quốc. Ở Nam bộ, Pháp tiếp tục cải tạo những vùng đất hoang hóa để phục vụ cho giao thông và sản xuất nông nghiệp. Nhiều con kênh thủy lợi ở đồng bằng sông Cửu Long được thi công cơ giới hoặc đào để phục vụ cho mục đích khai thác thuộc địa.

Năm 1920, ở TGLX thuộc đồng bằng sông Cửu Long, chính quyền thực dân Pháp đào kênh Cái Sắn, cặp bờ kênh là Quốc lộ 80, chạy dài từ sông Hậu (Long Xuyên) đến cửa biển Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Kênh Cái Sắn khởi công năm 1920 và hoàn thành vào năm 1926 với tổng chiều dài 54km, trong đó 28km thuộc phần đất huyện Tân Hiệp và thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và 26km thuộc huyện Vĩnh Thạnh và Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. [2, tr.57-58]

32

Ngay sau khi hoàn thành việc đào kênh Cái Sắn, cũng trong năm 1926, người Pháp cho đào kênh Rạch Giá – Hà Tiên. Hiện nay, kênh này nằm song song với Quốc lộ 80 (đoạn Rạch Giá đi Hòn Đất, Kiên Lương đến Hà Tiên). Ở thời điểm này, công trình đào kênh Rạch Giá – Hà Tiên thuộc loại quy mô nhất, người Pháp dùng cả tàu cuốc cho việc thi công suốt từ cuối năm 1926, 1927 đến năm 1928 thì hoàn thành với khối lượng đào đắp trên 7,2 triệu mét khối [86]. Đây là tuyến đường thủy huyết mạnh từ Rạch Giá đi Hà Tiên. Kênh Rạch Giá – Hà Tiên, dài 81km, độ sâu từ 3,5 mét đến 3,8 mét, chiều ngang con sông 28km.

Công trình này, qua gần 100 năm thi công và khai thác đã góp phần đáng kể trong việc sử dụng vào giao thông đường thủy, tháo chua, rửa phèn cho đồng lúa vùng tứ giác Long Xuyên. Ngoài ra nó còn đáp ứng được nhu cầu thoát lũ hàng năm ở vùng TGLX. Tuy nhiên, khi đào kênh này, người Pháp chỉ tính đến giải quyết bài toán trước mắt là giao thông và lấy nước tưới tiêu chứ không nghĩ đến việc thoát lũ nên việc thoát lũ không mang lại hiệu quả.

Qua gần 1 thế kỷ khai thác cho nhiều mục đích, trong đó có phục vụ cho thủy lợi, hiện nay con kênh này đã sạt lở gấp nhiều lần so với lúc mới đào cả chiều rộng và độ sâu. Con kênh này, hiện nay còn góp phần thực hiện tốt chức năng ngăn mặn, xả lũ cho toàn vùng TGLX.

Hoàn thành kênh Rạch Giá – Hà Tiên, từ năm 1932 đến năm 1937, người Pháp cho xây dựng đường bộ đoạn Rạch Giá – Ba Hòn (huyện Kiên Lương ngày nay). Con lộ này nằm cặp kênh Rạch Giá – Hà Tiên, nối liền với con đường bộ Ba Hòn đi Hà Tiên, dài 30km đã được thi công trước đó từ 1890 đến 1900. Trong 2 năm 1937 và năm 1938 toàn bộ tuyến đường từ Rạch Giá đi Hà Tiên được trải đá, sau đó là trải nhựa [2, tr.57]. Kênh Rạch Giá – Hà Tiên cùng với con lộ Rạch Giá đi Hà Tiên (ngày nay là Quốc lộ 80),

33

không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, tháo chua, rửa phèn vùng TGLX thuộc tỉnh Kiên Giang mà con đường và con kênh này có chức năng chiến lược về quốc phòng, an ninh trên vùng biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc.

Trong thời chống Mỹ, năm 1962, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc đó do Ngô Đình Diệm làm tổng thống, đã cho đào một con kênh (tên gọi là kênh mới) nối liền từ kênh Vĩnh Tế đến kênh Tám Ngàn. Đây là con kênh mà chính quyền Việt Nam cộng hòa, chủ yếu phục vụ cho mục đích chia cắt vùng căn cứ kháng chiến, hòng chống phá cách mạng. Nhưng xét về mặt kinh tế - xã hội, Kênh Mới cũng góp phần phục vụ thiết thực cho sản xuất và đời sống của nhân dân vùng TGLX. Từ con kênh này, bà con nhân dân trong vùng làm đường giao thông, đi lại bằng đường thủy, dẫn nước ngọt từ sông Hậu vào nội đồng, tháo chua, rữa phèn phát huy hiệu quả sản xuất và phục vụ việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vì chính quyền chế độ cũ đào kênh với mục đích để chống phá cách mạng nên xét về mặt thoát lũ thì không mang lại hiệu quả. Hiện nay, Kênh Mới cũng không có tác dụng góp phần trong việc thoát lũ, xả lũ vùng TGLX.

Trước năm 1988, trên vùng TGLX thuộc địa bàn tỉnh An Giang, chính quyền thực dân Pháp và Việt Nam cộng hòa còn đào nhiều con kênh phục vụ cho giao thông, thủy lợi và sản xuất nông nghiệp, góp phần làm chuyển biến tích cực trong việc phát triển hạ tầng vùng TGLX, như: Kênh Thần Nông, đào năm 1822, Kênh Mạc Cần Dưng, đào năm 1922, Kênh Trà Sư, đào năm 1972 và nhiều con kênh trục trên địa bàn tỉnh An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ.

Nhiều địa chủ cũng đào những con kênh nhỏ, lấy nước phục vụ cho sản xuất của đồn điền của họ ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần

34

Trước năm 1988, ngoài việc đào kênh, phục vụ cho giao thông, thủy lợi thì kết cấu hạ tầng vùng TGLX thuộc 3 tỉnh Kiên Giang, An Giang và thành phố Cần Thơ hầu như chưa có công trình gì đáng kể, trong khi đó các công trình như: chợ để trao đổi hàng hóa, trường học để nâng cao dân trí hay bệnh viện để chăm sóc sức khỏe nhân dân còn rất hạn chế, chưa đáp ứng cho yêu cầu phát triển. Ngoài ra, công cụ lao động hay máy móc nông, ngư cơ…cũng chưa phát triển để phục vụ sản xuất, vì vậy ở giai đoạn này chủ yếu sản xuất nông nghiệp bằng thủ công, dựa vào sức người và gia súc, làm sức kéo trong sản xuất nông nghiệp. Đó cũng là nguyên nhân, làm chậm quá trình phát triển vùng TGLX.

Như vậy, mãi đến năm 1975, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vùng TGLX vẫn chưa có một hệ thống thủy lợi cơ bản, diện tích đất hoang hóa còn hàng trăm ngàn ha. Do phèn mặn nặng, nhân dân rất khó đưa vào sản xuất. Hàng năm, lũ lụt tàn phá nặng nề, mùa màng thất bát, trong khi đó mãi đến trước năm 1988, TGLX vẫn được xem là vùng đất hoang hóa, “đất rộng, người thưa”, chung quanh toàn là tràm, cỏ bàng, cây dại um tùm...

Từ năm 1988, Đảng và Nhà nước mới có chính sách khai thác vùng TGLX nên vùng này được quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh. Vì ở vùng TGLX nếu không hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi thì không thể đưa diện tích đất vào sản xuất được.

Tiểu kết chương 1

Trong quá trình mở đất phương Nam của các chúa Nguyễn và vương triểu Nguyễn, vùng TGLX là vùng đất được khai thác, phát triển muộn nhất. Đây là vùng đất có tiềm năng kinh tế - xã hội đa dạng, phong phú, là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh.

35

Dù mãi đến năm 1988, Chính phủ Việt Nam mới có chủ trương đẩy mạnh khai thác và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng giai đoạn mở đất và phát triển trước đó là vô cùng quan trọng, khẳng định tầm nhìn xa, trông rộng của các bậc công thần chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, đặc biệt là những

công trình thủy lợi đầu tiên được thực hiện ở thế kỷ XIX. Đến năm 2018,

vùng TGLX đã trở thành vùng sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng trong việc bố trí dân cư, phát triển kinh tế, vừa là khu vực phòng thủ vững chắc phía Tây Nam của Việt Nam.

Việc đào kênh, chiêu mộ dân chúng khẩn hoang, lập ấp từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình khẩn hoang, phát triển vùng đất mới. Đó cũng là tiền đề vững chắc cho hậu thế, tiếp tục sự nghiệp mở đất về phương Nam của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn đối với vùng TGLX.

36

CHƯƠNG 2

QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH VÀ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG VÙNG TỨ GIÁC LONG XUYÊN

TỪ NĂM 1988 ĐẾN NĂM 2000 2.1. Chủ trương, chính sách của Trung ương

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986 xác định Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa, ưu tiên xây dựng giao thông, thủy lợi, phục vụ cho toàn vùng, trong đó đẩy mạnh các chương trình lớn là khai thác vùng Đồng Tháp Mười và TGLX. Nhiều chính sách trước năm 1988 được Trung ương chỉ đạo, tiếp tục thực hiện vào việc khai thác vùng TGLX, như: Các chính sách khai hoang phục hóa, chính sách thu hút dân về vùng kinh tế mới lập nghiệp trong cả nước, trong đó có vùng TGLX.

Trong Quyết định số 254-CP của Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 16/6/1981 về các chính sách khai hoang, phục hóa, đã được bổ sung, sửa đổi từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI nhằm khuyến khích các địa phương và các cơ sở sản xuất còn bỏ đất hoang nhận thêm lao động và dân cư đến khai khẩn, đồng thời khuyến khích tập thể và cá nhân lao động ở những nơi thiếu đất canh tác và số nhân khẩu phi nông nghiệp, thiếu việc làm tự bỏ vốn đầu tư là chính để chuyển gia đình đến nơi mới lập nghiệp. Nhà nước có chính sách miễ thuế nông nghiệp, trong đó người dân đồng bằng sông Cửu Long được miễn thuế nông nghiệp thời hạn 5 năm đối với đất mới khai hoang và miễn thuế 3 năm đối với đất mới phục hóa.

Chính sách đối với người đi khai hoang được Nhà nước khuyến khích, tùy theo tình hình đất đai ở mỗi địa phương, người khai hoang được giao đất nông nghiệp tính theo nhân khẩu, bình quân mỗi nhân khẩu được nhận đất từ

37

2.000 đến 3.000 mét vuông để trồng cây lương thực, các loại cây ngắn ngày và làm đất thổ cư.

Ngày 28/06/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Chỉ thị số 202-CT về việc cho vay vốn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp đến hộ sản xuất. Chỉ thị nêu rõ:

Vốn cho vay trực tiếp đến hộ sản xuất chủ yếu là cho vay ngắn hạn, đáp ứng nhu cầu chi phí sản xuất theo thời vụ và khi có điều kiện sẽ từng bước mở rộng cho vay trung hạn và dài hạn để phát triển cây dài ngày, mua sắm máy móc cần thiết, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề ở nông thôn. Thông qua việc vay vốn, ngân hàng giúp đỡ các hộ sản xuất khai thác tiềm năng về đất đai và lao động phát triển sản xuất hàng hóa, cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm về lương thực, thực phẩm và nguyên liệu công nghiệp, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh thâm canh cây trồng, vật nuôi, mở rộng kinh doanh ngành nghề, tận dụng diện tích mặt nước, bãi triều, đồi trọc để sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. [109]

Đây là chỉ thị chung, người dân cả nước được hưởng lợi, nhưng chính sách này cũng đã góp phần giúp đồng bào các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ về khai hoang, phục hóa và lập nghiệp tại vùng TGLX có điều kiện tiếp cận nguồn vốn của Nhà nước để khai thác diện tích đất hoang hóa. Cụ thể là làm thủy lợi nội đồng, xây dựng bờ bao chống lũ, tăng cường giống cây trồng, vật nuôi và thực hiện nhiều dự án khác trong quá trình biến đổi kết cấu hạ tầng trên vùng đất TGLX.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình khai thác vùng đất tứ giác long xuyên từ năm 1988 đến năm 2018 (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)