Thời kỳ từ 1945 đến nay

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bài giảng văn hóa dân GIAN NGƯỜI VIỆT (Trang 25 - 30)

a. Bối cảnh lịch sử

- Lịch sử 30 năm chống xâm lược:

Cách mạng tháng 8 là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử Việt Nam. Từ đây, toàn dân Việt Nam bước sang một cuộc đời mới, lịch sử Việt Nam bước sang một trang mới. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập ở quảng trường ba Đình lịch sử, chấm dứt chế độ thực dân nửa phong kiến ở nước ta.

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh trong vai trò lực lượng đồng minh sang giải giáp phát xít Nhật ở Đông Dương, gây hấn ở Nam Bộ. Ngày 19-12-1946, nghe theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc bước vào cuộc trường chinh kháng chiến để bảo vệ quyền độc lập mới giành lại được. Ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơnevơ được kí kết, nước ta tạm thời chia làm hai miền với hai thể chế chính trị khác nhau. Miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân chủ nhân dân.

Ở miền Nam, cuộc chiến tranh ngày càng mở rộng về quy mô và khốc liệt về tính chất. Việt Nam trở thành nơi đấu đầu của hai trào lưu tư tưởng trên thế giới. Với chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, công cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta toàn thắng, giành lại toàn vẹn non sông.

- Sự thay đổi toàn diện của xã hội Việt Nam:

Tác động lớn nhất của cuộc cách mạng tháng tám đối với văn hoá là tạo ra một xã hội của những người chủ mà nguồn gốc xuất thân của họ là nông dân, công

nhân. Từ thân phận bị áp bức, nô lệ, họ vụt đứng lên làm chủ cuộc đời mình và xây dựng một xã hội của mình. Sự vận động xã hội thực sự có những thay đổi về chất trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội và cá nhân, kinh tế, chính trị đến văn hoá.

Ở nông thôn, việc tổ chức đời sống sản xuất vào thời chiến tranh được làm theo mô hình hợp tác xã, nông trường quốc doanh đã khiến cho diện mạo làng xã ở nông thôn Bắc Bộ có một thời hơi khác so với xã hội nông thôn Việt Nam cổ truyền. Từ sau năm 1985, chủ trương khoán hộ được thực hiện đại trà. Công cuộc đổi mới do Đảng đề xướng, lãnh đạo đã đem đến cho nông thôn Việt Nam một sinh khí mới.

Từ năm 1945 đến nay, nền công nghiệp của Việt Nam có nhiều bước tiến nổi bật. Các khu công nghiệp xuất hiện làm cho bộ mặt xã hội Việt Nam thay đổi hẳn. Từ sau năm 1975 đến năm 1985, nền công nghiệp có phát triển, đạt được nhiều thành tựu. Công cuộc đổi mới sau năm 1986 khiến cho nhịp độ phát triển công nghiệp nói riêng, kinh tế nói chung nhanh hơn rất nhiều.

Về giáo dục, lần đầu tiên, nước Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám đã từng bước xây dựng được một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu nâng cao dân trí của nhân dân, nhất là của thế hệ trẻ, phục vụ đắc lực các cuộc kháng chiến cứu nước, giành và bảo vệ độc lập dân tộc, hoà bình, thống nhất đất nước cũng như xây dựng và phát triển đất nước với một xã hội công bằng, văn minh, đem lại hạnh phúc cho toàn thể dân tộc, cho từng người và từng gia đình.

b. Thành tựu văn hoá

- Sự phát triển của văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp:

Ngay sau khi hòa bình lập lại, lực lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp được tổ chức lại. Các đoàn kịch nói như Hà Nội, Quân đội, Nam bộ, đoàn ca múa nhạc Trung ương, Đoàn văn công Tổng cục chính trị, Đoàn dân ca khu V, Đoàn ca kịch Trị Thiên…; các thể loại như nhạc, kịch, thơ múa, kịch múa; các thể loại nhạc thính phòng tiếp thu từ tinh hoa văn hóa bác học thế giới là những thể loại đòi hỏi phải có kiến thức phong phú, trình độ kĩ thuật nghiệp vụ cao đã phát triển.

Cùng với điện ảnh là nghệ thuật sân khấu, tạo hình, văn học, tất cả đều rất phát triển. Trong lịch sử văn học dân tộc, chưa bao giờ đội ngũ sáng tác văn học lại đông đảo như hiện tại và có nhiều tác phẩm như thời gian từ 1945 đến nay.

Từ quan điểm về văn hóa, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta rất chú trọng khai thác các giá trị văn hóa truyền thống. Cho nên, công tác kế thừa, phát triển văn hóa truyền thống đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Chẳng hạn với nghệ thuật truyền thống chèo, tuồng, mĩ thuật dân gian, việc kế thừa được thực thi ở cả hai phương diện khôi phục, bảo tồn và chỉnh lí, cải biên.

Công tác sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian đạt được những thành tựu vượt bậc. Trước Cách mạng tháng Tám, nước ta chưa có ngành nghiên cứu văn học dân gian và khoa nghiên cứu văn hóa dân gian thì hiện nay khoa nghiên cứu văn hóa dân gian đã phát triển, trở thành một ngành khoa học quan trọng trong các ngành nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam.

Các lĩnh vực của văn hóa dân gian được khai thác, lĩnh vực nào cũng có những công trình đáng kể như văn học dân gian với Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan; Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi…; như mĩ thuật dân gian với các công trình Mĩ thuật thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Mĩ thuật Huế của Viện mĩ thuật (nay thuộc trường Đại học Mĩ thuật Hà Nội)…

Với văn hóa bác học, công việc nghiên cứu đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhiều tác giả của văn học cổ được nghiên cứu, đánh giá, khẳng định như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu… Hầu hết tác giả, tác phẩm của văn học dân tộc đã được giới thiệu, nghiên cứu.

Sau nghị quyết V của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương khóa VI, đặc biệt là sau nghị quyết hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII về văn hóa văn nghệ, việc khai thác di sản văn hóa dân tộc ngày càng được chú trọng. Vấn đề gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc được Đảng, Nhà nước ta đặt ở tầm vĩ mô để giải quyết các công việc nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Vì thế, việc kế thừa phát huy các giá trị văn hóa mới và kết quả của công việc không chỉ là bảo lưu, gìn giữ văn hóa dân gian truyền thống mà còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển của văn hóa chuyên nghiệp, đồng thời chứng tỏ sự thống nhất của văn hóa các dân tộc ở Việt Nam.

- Giao lưu văn hóa ngày càng mở rộng:

Điểm xuất phát của vấn đề là quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa. Tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài để xây dựng nền văn hóa mới là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta đối với công tác văn hóa.

Việc trao đổi văn hóa với nước ngoài được chú ý ngay từ sau khi hòa bình lập lại ở tất cả các bộ môn văn hóa: sân khấu, âm nhạc, ca múa, giao hưởng, điện ảnh, thư viện, bảo tàng, văn hóa quần chúng, ba lê… Nhiều hiệp định văn hóa được kí giữa nước ta và các nước bạn. Sự trao đổi văn hóa giữa nước ta với các nước bạn cũng đã diễn ra.

Từ sau năm 1975, hai miền thống nhất, việc giao lưu văn hóa giữa nước ta và thế giới càng diễn ra mạnh mẽ hơn. Và cuối cùng, không thể không công nhận sự tiến bộ về khoa học kĩ thuật, nhất là khoa học thông tin hiện đại đã khiến cho việc giao lưu văn hóa ở thời hiện đại diễn ra mạnh mẽ hơn nhiều so với trước đây.

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 1

1. Trình bày khái niệm văn hóa dân gian?

2. Nêu những thành tố của văn hóa dân gian?

3. Trình bày các tính chất của văn hóa dân gian?

CHƯƠNG 2. NHỮNG THÀNH TỐ CỦA VĂN HÓA DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT Mục tiêu chương: Sau khi học xong chương 2, người học có thể:

- Biết được hệ thống thể loại của văn học dân gian và đặc điểm của từng thể loại. - Biết được những kiến thức khái quát về nghệ thuật tạo hình dân gian. Trên cơ sở đó, người học phân tích được mối quan hệ và việc ứng dụng các đặc điểm của nghệ thuật tạo hình dân gian vào hoạt động du lịch.

- Biết được những kiến thức khái quát về nghệ thuật biểu diễn dân gian. Trên cơ sở đó, người học phân tích được mối quan hệ và việc ứng dụng các đặc điểm của nghệ thuật biểu diễn dân gian vào hoạt động du lịch.

- Biết được những kiến thức khái quát về tri thức dân gian. Trên cơ sở đó, người học có thể ứng dụng những kiến thức của tri thức dân gian vào trong học tập, công việc và cuộc sống.

- Biết được những kiến thức khái quát về trò chơi dân gian. Trên cơ sở đó, người học thấy được tầm quan trọng của trò chơi dân gian và tìm ra những giải pháp bảo tồn và ứng dụng các trò chơi dân gian vào hoạt động du lịch.

- Biết được những cách thức ứng xử của người Việt đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bài giảng văn hóa dân GIAN NGƯỜI VIỆT (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)