Chức năng của trò chơi dân gian

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bài giảng văn hóa dân GIAN NGƯỜI VIỆT (Trang 112 - 116)

2.5.4.1. Chức năng giải trí

Trò chơi dân gian gắn bó với trẻ ngay từ ở độ tuổi rất nhỏ, trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi vẫn có trò chơi dân gian cho nó. Ở giai đoạn này trẻ em có sự phát triển cứng cáp về cơ, xương và chuẩn bị cho giai đoạn tập đi. Để trẻ tự phát triển là chưa đủ, cha mẹ, người lớn cần có những cách thức hướng cho trẻ phát triển, ta nên chơi những trò chơi dân gian mang những hình thức vận động nhẹ nhàng phù hợp với độ tuổi của trẻ. Với trò Cất rớ, người lớn nằm trên phản, co hai đầu gối lên và đặt trẻ nhỏ trên hai chân của mình, bắt đầu dùng chân đưa trẻ nhỏ lên cao rồi xuống thấp theo nhịp hát: “Cất rớ/ Ù mớ cá cơm/ Đem vô kho ăn/ Đem ra cất nữa”. Sự đưa trẻ di chuyển lên và xuống giống như sự tập thể dục nhẹ nhàng cho trẻ vậy, trẻ nhờ đó mà linh hoạt, cứng cáp hơn.

Lớn hơn một tí, từ 9 tháng cho đến 1-2 tuổi, trò chơi dân gian giúp trẻ mau biết đi, cứng cáp, đi linh hoạt hơn nhờ những trò chơi như Cặp kè, Dung dăng dung dẻ…Những trò chơi này đều có sự dẫn dắt của người lớn cả, người lớn nắm tay trẻ em, xen kẽ một trẻ em là một người, vừa đi lại vừa hát: “Dung dăng dung dẻ/ Dắt trẻ đi chơi/ Đến cửa nhà trời/ Lạy cậu lạy mợ/ Cho cháu về quê/ Cho dê đi học/ Cho cóc ở nhà/ Cho gà bới bếp/ Ù à ù ập/ Ngồi sập xuống đây”. Đến câu hát cuối cùng, tất cả đều phải ngồi sập xuống đất rồi lại đứng lên chơi tiếp. Sự vận động rất nhẹ nhàng nhưng lại tạo hứng thú, niềm vui cho trẻ chứ không phải là sự ép trẻ tập đi thông thường.

Cùng với trẻ chơi trò chơi dân gian sẽ giúp trẻ sớm linh hoạt, nhận biết sớm thế giới xung quanh, trẻ sẽ bớt sự e dè, nhút nhát, hứng thú trước thế giới tự nhiên mà chúng sắp bước vào. Bên cạnh đó, nó còn giúp trẻ có một tầm nhận thức đầu tiên về thế giới xung quanh mình, với gà, dê, cóc, hay dạy cho chúng biết cái này dùng để làm gì, cái kia dùng như thế nào, chẳng hạn như trong trò chơi Vuốt hột nổ: “Đồng tiền thì có lỗ/ Cái kéo thì dùng để may/ Cái cày dùng cày ruộng/ Cái thuổng để đắp bờ/ Cái lờ dùng để thả cá/ Cái ná để bắn chim”. Trẻ con sẽ từng bước nhận thức mọi thứ xung quanh mình qua những trò chơi như vậy, đây là trường học nhận thức đầu tiên của trẻ nhỏ mà qua đó trẻ con sẽ sớm lanh lợi và thông minh hơn.

Khi trẻ bắt đầu bập bẹ biết nói, bắt đầu học cách nói, trò chơi dân gian lại rèn luyện giọng nói cho trẻ, trẻ sẽ biết cách phát âm chuẩn, sửa tật nói lắp, nói ngọng nhờ ca hát theo đúng nhịp của từng trò chơi dân gian: “Nu na nu nống/ Cái cống nằm trong/ Cái nong nằm ngoài/ Củ khoai chấm mật…”.

Những vần “ong”, “oai” được lặp lại nhiều lần, trẻ sẽ vừa vui chơi, vừa hát theo, những câu chữ lặp lại như vậy sẽ uốn nắn giọng nói cho trẻ, trẻ con tập hát, bập bẹ nói một cách hào hứng, vui vẻ chứ không hề thuộc những câu hát trên một cách thụ động. Như trong trò Đếm sao, trẻ con sẽ ngồi với nhau thành một vòng tròn, một đứa trong đó sẽ đi ở ngoài vòng tròn, người đó đập vào vai đứa nào thì đứa đó phải hát thật nhanh, liền một mạch không được nghỉ: “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng, bốn ông sáng sao…” cho đến mười ông sáng sao, cái khó của trò chơi này là phải luân phiên chuyển đổi giữa “sáng sao” và “sao sáng”, số lẻ là “sao sáng”, số chẵn là “sáng sao”, người đọc nhầm sẽ bị phạt. Qua nhiều lần chơi như vậy thì chắc chắn rằng trẻ sẽ nói lưu loát hơn.

Sự linh động, hoạt bát của trẻ con còn được trò chơi dân gian đem lại khi ở độ tuổi nhi đồng. Trẻ sẽ được làm quen với nhiều trò chơi vận động hơn như Bịt mắt bắt dê, Cá sấu lên bờ, Mèo bắt chuột, Nhảy bao bố…, những trò chơi vận động sẽ giúp trẻ hoạt bát, lanh lợi, tăng cường sức khỏe, thể trạng, rèn luyện sự dẻo dai, khéo léo.

2.5.4.2. Chức năng sáng tạo

Trong trò chơi dân gian có một số trò chơi mang tính mô phỏng, nghĩa là mô phỏng lại những vật có thật mà trẻ nhìn thấy trong cuộc sống, ví dụ như trò chơi Nặn hình đất sét, Xếp hình bằng lá…Sự mô phỏng này đòi hỏi trẻ phải mường tượng lại trong đầu sự vật ấy và tạo ra sự vật nhờ đôi bàn tay của mình.

Cầm trên tay một nắm đất sét trẻ bắt đầu suy nghĩ xem mình nên nặn cái gì. Trẻ tập nén khối đất theo những hình hài mà chúng tưởng tượng, do đó trò chơi mô phỏng còn thể hiện những suy nghĩ và ước mơ của trẻ. Trẻ còn tưởng tượng, nhận dạng được những vật tương đồng khi nặn hình đất sét, biết chọn những hạt hình tròn để làm mắt cho những con vật, biết dùng cành cây nhỏ làm chân cho hình nặn con vịt, con gà. Nhiều khi trẻ còn nặn ra những hình thù mà chúng chưa thấy bao giờ rồi lại bắt đầu tưởng tượng, đặt tên cho nó.

Trẻ thỏa sức sáng tạo, tưởng tượng nhưng bên cạnh đó những trò chơi như Thi vẽ trên đất, Tết châu chấu, Đồng hồ lá dừa, Vòng đeo tay, đeo cổ lá sắn, Làm chong chóng, Tết quả bóng…cũng dần tạo cho trẻ một óc thẩm mỹ, rèn luyện, phát huy những năng khiếu tiềm ẩn trong trẻ. Nhóm trò chơi sáng tạo tạo điều kiện cho trẻ phát huy sức sáng tạo, tư duy trừu tượng và óc thẩm mỹ, nó được hình thành trong một quá trình tiếp xúc lâu dài với những trò chơi đó.

Đi ra từ trí tuệ của ông cha, trò chơi dân gian không đơn thuần chỉ là một hình thức vui chơi giải trí mà còn mang tính trí tuệ, tư duy logic, luôn đặt trẻ trong trạng thái tập trung cao độ, đòi hỏi trẻ phải suy nghĩ tìm ra hướng đi đúng.

Trong trò chơi Ô ăn quan, muốn chiến thắng trẻ phải biết tính toán trong việc di chuyển quân, khi rải quân phải tính nhẩm xem đi theo chiều nào thì có lợi nhất, làm sao để ăn được nhiều quân nhất. Trong trò Tập tầm vông, trẻ lại được rèn luyện khả năng quan sát, phán đoán xem bạn mình giấu đồ vật ở tay nào, phải hay trái, hay trò Oẳn tù tì, để thắng bạn mình thì trẻ phải suy luận, phán đoán xem bạn mình ra cái kéo, cái bao hay cái búa. Số lượng những trò chơi dân gian có thể rèn luyện

cho trẻ khả năng tính toán, tư duy, khả năng phán đoán là rất nhiều như Tam cúc, Cờ chân chó, Đánh đáo...

2.5.4.3. Chức năng giáo dục

Gắn bó với cuộc sống con người từ giai đoạn là một đứa trẻ bắt đầu nhận thức cho đến khi trưởng thành, bên cạnh các điệu hò ru con, trò chơi dân gian cũng là cái đầu tiên mà trẻ con tiếp nhận. Ngoài vai trò là một hình thức vui chơi giải trí lành mạnh, trò chơi dân gian còn mang chức năng giáo dục nhân cách con người một cách hiệu quả.

Chức năng giáo dục của trò chơi dân gian thể hiện ở nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau. Những trò chơi mang chức năng giáo dục có 4 nhóm, gồm Nhóm trò chơi vận động giúp trẻ lanh lợi, hoạt bát, tăng cường sức khỏe; Nhóm trò chơi học tập tăng cường trí thông minh, óc phán đoán cho trẻ; Nhóm trò chơi sáng tạo giúp tạo óc thẩm mỹ, trí tưởng tượng và Nhóm trò chơi mô phỏng tạo cho trẻ khả năng tập tành, thích ứng, cư xử ở nhiều vai trò khác nhau.

Nhân cách của mỗi người là những tính cách, cách ứng xử, cách sống mang tính tích cực của mỗi con người trong xã hội. Để hình thành nên nhân cách phải cần đến một quá trình, quá trình này chịu ảnh hưởng nhiều bởi môi trường sống và điều kiện giáo dục, nhất là ở giai đoạn là một đứa trẻ. Bản thân trò chơi dân gian cũng là một phương thức giáo dục nên sự tiếp xúc với trò chơi dân gian ngay từ khi còn nhỏ cũng là điều kiện đơn giản nhất để hình thành cho trẻ một nhân cách tốt.

Hầu hết các trò chơi dân gian đều mang tính tập thể cao, vui chơi cùng nhiều bạn bè trẻ sẽ hòa đồng, biết suy nghĩ và biết cố gắng vì tập thể, từ đó đẩy lùi sự ích kỷ, chỉ vì bản thân ra xa chúng. Để “thầy thuốc” không bắt được “khúc đuôi” thì “khúc đầu” và “khúc giữa” phải che chở cho “khúc đuôi”, giấu “khúc đuôi” vào “khúc giữa” (trò Rồng rắn lên mây) và trong trò Kéo co, người trong cùng một đội phải hiệp sức với nhau cùng kéo về một hướng. Trò chơi dân gian không chấp nhận một cá nhân chỉ biết vì mình. Vui chơi trong trò chơi dân gian làm nảy sinh sự yêu thương, quý mến lẫn nhau, hay nói cách khác là tạo cho trẻ tình người, lòng yêu thương giữa người với người.

Trò chơi dân gian còn tạo cho trẻ suy nghĩ về sự bình đẳng, ai cũng được vui chơi, được vui vẻ. Trò chơi dân gian xóa tan đi mọi khoảng cách khiến cho trẻ không hề biết phân biệt đối xử giữa bạn này với bạn khác, chúng chơi thân thiết, vui vẻ với nhau cho dù trong đó có những đứa bị dị tật hay bất hạnh.

Gắn bó nhiều với trò chơi dân gian, trẻ không những biết yêu thương con người, yêu thương đồng loại của mình mà còn nảy sinh tình yêu đối với quê hương đất nước. Nhiều người khi đã trưởng thành, sống xa quê nhưng lúc nào cũng nhớ về quê cũ, ngoài lí do ở đó có gia đình mình thì còn vì nơi đó chứa đựng những tháng ngày tươi đẹp, tuổi thơ bay bổng của mình cùng bạn bè vui chơi trong trò chơi dân gian.

Con người sinh ra tính vốn thiện nhưng nếu gặp điều kiện sống, điều kiện giáo dục không tốt thì khó mà có được một nhân cách đúng. Trò chơi dân gian giúp tạo lập một nhân cách tốt cho trẻ một cách không ép buộc cũng không thụ động. Những gì mà trò chơi dân gian mang lại cho trẻ rất nhẹ nhàng, nhiều khi chính chúng cũng không nhận ra giá trị giáo dục trong đó, những giá trị đó cũng đi vào trong tâm thức của trẻ một cách rất tự nhiên mà trẻ không hề hay biết. Vui chơi trong trò chơi dân gian, tuổi thơ và tâm hồn trẻ sẽ tự nhiên mà tươi đẹp, trong sáng với nhiều điều đáng để chúng nhớ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bài giảng văn hóa dân GIAN NGƯỜI VIỆT (Trang 112 - 116)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)