Có thể hiểu bản sắc văn hóa như là yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc, và tới lượt nó, bản sắc dân tộc góp phần tạo nên bản lĩnh dân tộc, tức là sức sống và sự từng trải của dân tộc. Nhờ đó mà dân tộc có thể vững vàng và trường tồn trước thử thách khắc nghiệt của lịch sử.
Vậy, bản sắc văn hóa là gì? Đó là tổng thể các giá trị đặc trưng của văn hóa dân tộc, được hình thành, tồn tại và phát triển suốt quá trình lịch sử lâu dài của đất nước, với các giá trị đặc trưng mang tính bền vững, trường tồn. Do vậy, muốn nhận biết nó phải thông qua vô vàn các sắc thái văn hóa, với tư cách là sự biểu hiện của bản sắc văn hóa ấy. Nếu bản sắc văn hóa là cái gì trừu tượng, tiềm ẩn, bền vững thì các sắc thái biểu hiện của nó thường tương đối cụ thể, bộc lộ và khả biến hơn [9].
Từ quan niệm chung như vậy, chúng ta có thể thấy các sắc thái văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam, như chủ nghĩa yêu nước, tính cộng đồng, tinh thần cởi mở, dễ hòa hợp, thích ứng trong giao lưu văn hóa..., tính duy tình trong các cư xử xã hội, tính thích ứng và hài hòa trong ứng xử với môi trường tự nhiên...
Một thí dụ về một nét bản sắc của văn hóa và của con người Việt Nam, đó là tính cởi mở, năng tiếp nhận và dễ hòa nhập để từ đó bản địa hóa các nhân tố ngoại lai. Cốt cách này của văn hóa và con người Việt Nam được tạo nên có lẽ là do "số phận" lịch sử của dân tộc và đất nước Việt Nam nằm ở ngã tư con đường giao lưu và hội nhập chủng tộc và văn hóa. Trong các giai đoạn phát triển kế tiếp của ba nền văn hóa: Đông Sơn - Đại Việt và Việt Nam, thì có hai giai đoạn chuyển tiếp văn hóa mang tính bản lề: giai đoạn Bắc thuộc (từ thế kỷ I đến thế kỷ X), giao tiếp giữa văn hóa Đông Sơn với văn hóa Hán để sau đó ra đời văn hóa Đại Việt và giai đoạn Pháp thuộc (cuối thế kỷ XIX đến năm 1945), giao tiếp giữa văn minh Đại Việt với văn hóa phương Tây mà đại diện là văn hóa Pháp, từ đó tạo nên sự phong phú của nền văn hóa Việt Nam hiện đại.
Từ năm 1945 đến nay, văn hóa Việt Nam còn mở rộng giao lưu với văn hóa Nga, Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới. Trong điều kiện giao lưu văn hóa sống động như vậy, đã tạo nên ở con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam một thái độ ứng xử không đóng kín, chối từ, mà cởi mở, tiếp nhận, hòa nhập. Thái độ hiếu học của con người Việt Nam là để tự cường vươn lên, để đổi đời, để sánh
vai với bạn bè năm châu. Khả năng tiếp nhận cái của người khác, biến đổi nó thành cái của mình, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình, là bản sắc và sức mạnh của con người Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Điều này tạo ra tính mềm dẻo, năng động, dễ thích nghi của văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó cũng có mặt trái của nó thể hiện ở sự nhiễu loạn, tính tùy tiện, nửa vời trong ứng xử và tiếp thu văn hóa của con người Việt Nam.
Khi nói đến bản sắc văn hóa dân tộc, một mặt, chúng ta không thể quy tất cả về văn hóa dân gian, tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vai trò hết sức to lớn của văn hóa dân gian đối với việc hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Trước hết, sự ra đời và định hình của văn hóa dân gian gắn với những giai đoạn sớm nhất của lịch sử dân tộc. Đó là thời kỳ văn hóa Đông Sơn - Hùng Vương dựng nước, thời kỳ mở đầu của lịch sử dân tộc, lịch sử quốc gia và lịch sử văn hóa Việt Nam. Văn hóa dân gian là "văn hóa gốc", "văn hóa mẹ", tức văn hóa khởi nguồn, sản sinh và nuôi dưỡng các hình thức phát triển cao sau này, như văn hóa chuyên nghiệp, bác học, cung đình. Văn hóa dân gian còn là văn hóa của quần chúng lao động, mang tính bản địa, tính nội sinh cao.
Tất cả các nhân tố kể trên khiến cho văn hóa dân gian hàm chứa và thể hiện tính bản sắc cao của văn hóa dân tộc.Nếu cho rằng văn hóa dân gian chứa đựng và thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, thì trong thực tiễn việc bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trước nhất phải từ việc bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa dân gian.