Tạo hóa đã ban tặng cho Việt Nam một vùng đất có thế núi hình sông hùng vĩ đủ các vùng miền núi, trung du, đồng bằng, ven biển với núi cao, sông sâu, biển rộng. Ngay từ thuở hồng hoang của lịch sử con người đã tiến từ vùng núi chiếm lĩnh đồng bằng rồi vươn ra biển. Quá trình khai phá, cải tạo thiên nhiên phục vụ cuộc sống con người luôn mơ ước khát khao cầu cho mưa thuận gió hòa để họ săn bắn được nhiều
muông thú, trồng trọt được nhiều lương thực, đánh bắt được nhiều cá tôm để ổn định cuộc sống. Những ước mơ, khát vọng cháy bỏng về sức mạnh siêu phàm dời núi, đào sông, lấp biển xuất hiện trong những truyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích của người Việt. Những địa danh, nhân vật huyền thoại ấy vẫn được truyền tụng trong dân gian suốt thế hệ này qua thế hệ khác. Nó tạo thành niềm tin, ý chí mãnh liệt giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ổn định cuộc sống.
Quá trình lao động sản xuất con người đã từng bước biết hợp tác tương trợ, giúp đỡ nhau. Phải chống chọi, vật lộn với thiên nhiên ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nắng lắm mưa nhiều nên cái cách “trông trời, trông đất, trông mây” để cày bừa, gieo trồng, chăn nuôi, đánh bắt... đã được con người tích lũy, đúc kết thành kinh nghiệm. Những câu tục ngữ, thành ngữ, phương ngôn, ca dao... được phổ biến lưu truyền.
Những truyền thuyết, cổ tích, những bài ca dao về tình yêu càng vun đắp tình yêu của nam nữ với quê hương xứ sở. Chính điều đó tạo nên sức mạnh tiềm tàng để họ tranh đấu vượt qua những định kiến về thân phận, địa vị để chung tay gìn giữ, xây dựng hạnh phúc gia đình. Ở từng truyền thuyết, cổ tích, ca dao, dân ca,... người lương thiện có thể bị thiệt thòi, thua thiệt, kẻ ác đôi lúc thắng thế nhưng khát vọng đấu tranh vì công bằng, lẽ phải hướng tới chân, thiện, mỹ của người dân không bao giờ bị dập tắt.
Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cùng với các trò chơi, trò diễn cũng xuất hiện từ khá sớm. Đi khắp mọi vùng miền đất nước, chúng ta thấy nhiều lễ hội, trò diễn được tổ chức nhất là dịp xuân thu nhị kỳ. Đó là các trò hát múa Xuân Phả (Thọ Xuân), ngũ trò Bôn, Viên Khê, tổ khúc hát múa Đông Anh (Đông Sơn), trò Chiềng, trò Chụt (Yên Định), múa đèn, bơi chải, chạy chữ (Thiệu Hóa, TP.Thanh Hóa), Sanh Ngô (Hoằng Hóa). Những sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên đã làm con người xích lại gần gũi, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Tình cảm thân thiết đó lại càng trở nên bền chặt trong những lúc mọi người cùng chung lưng đấu cật vượt qua những trận bão gió, lụt lội, hỏa hoạn hoặc đau ốm, bệnh tật. Tình cảm keo sơn thắm thiết đó xuất hiện trong nhiều bài ca dao, dân ca được truyền tụng qua nhiều thế hệ.
Việt Nam đã trải qua nhiều triều đại phong kiến khác nhau, có những triều đại huy hoàng nhưng cũng có những triều đại tồn tại với thời gian rất ngắn, nhưng chung quy lại mỗi triều đại đều mang đến cho đất nước Việt Nam những thành tựu rực rỡ về văn hóa, những chiến công lẫy lừng của các thế hệ cha ông. Bởi được tạo
hóa ban tặng cho vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng nổi tiếng như Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Phụng Hiểu, Lê Lợi, Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng... khí tinh hoa tụ họp lại nảy ra nhiều bậc văn nho tài danh như Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Lê Quát, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ... Những chiến công, kỳ tích lẫy lừng của họ trong chiến trận, những trang sử, thơ văn chân thật, hào hùng tài hoa cùng những huyền thoại, giai thoại ly kỳ hấp dẫn về cuộc đời, sự nghiệp của họ được dân gian lưu truyền.
Từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc con người sinh sống ở Việt Nam đã thể hiện sự chăm chỉ cần cù nhưng cũng rất khéo léo, tài hoa trong chế tạo công cụ lao động phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Nghề đúc đồng có ở Phước Kiều, nung gốm ở Bát Tràng, Bình Dương, Vĩnh Long. Nghề chạm khắc đá ở Ninh Vân, Ngũ Hành Sơn; nghề mộc ở Đạt Tài (Hoằng Hóa), đan lát ở Quảng Xương, Hoằng Hóa; dệt nhiễu ở Hồng Đô (Thiệu Hóa), chiếu cói ở Nga Sơn, Quảng Xương, nghề rèn ở Hậu Lộc.
Những năm tháng đánh Pháp, đánh Mỹ, cứu nước, những bài ca dao, hò, vè từ nhiều vùng quê đã cùng các đoàn dân công tiếp vận, đội thanh niên xung phong, đơn vị bộ đội lan tỏa ở khắp các trận địa, chiến trường. Sự lạc quan tin tưởng và khí thế sục sôi hào hùng đã nâng bước những đoàn quân xung trận lập nên những kỳ tích lẫy lừng để đất nước liền một dải, Nam Bắc trọn niềm vui sum họp.
Như vậy, việc nghiên cứu và tìm hiểu các kiến thức về VHDG giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam xưa và nay, từ đó hình thành trong chúng ta lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết và tình yêu đồng bào, yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Không những thế, VHDG còn giúp hình thành giá trị nhân cách của mỗi con người, giúp chúng ta luôn luôn lạc quan, có dũng khí vượt qua bao gian nan, thử thách, biết tự hoàn thiện bản thân và giúp đỡ những người xung quanh, cùng nhau tiến bước về tương lai phía trước.