Trò chơi dân gian xuất hiện từ rất lâu đời, qua nhiều thế hệ, nhiều giai đoạn lịch sử. Cho đến nay, trò chơi dân gian đã có một hệ thống rất đa dạng, phong phú và có nhiều cách để phân loại trò chơi dân gian.
Ở đây, căn cứ vào nội dung và hình thức biểu hiện của từng trò chơi, ta có thể phân loại trò chơi dân gian gồm nhiều loại hình khác nhau, cụ thể như:
2.5.3.1. Trò chơi luyến ái
- Đặc điểm: là nhóm trò chơi mang tính chất thiên về tình yêu đôi lứa. Trong nhóm trò chơi này, thành phần tham gia luôn luôn là có cả nam và nữ, ngoài hình thức là một trò chơi thì trò chơi luyến ái tạo điều kiện để nam nữ trong làng được tự do vui chơi, tìm hiểu nhau. Dưới chế độ phong kiến xưa, nam nữ thường bị cấm cản bởi những lễ giáo phong kiến, họ không được tự do tìm hiểu và chọn lựa người mình yêu, nhưng trò chơi luyến ái đã đáp ứng được nhu cầu này của nam thanh nữ tú, họ được thân mật nhau mà không bị lễ giáo, lệ làng bác bỏ và sau nhiều trò chơi như thế, có người đã thành vợ thành chồng. Trò chơi luyến ái còn mang một chút tín ngưỡng dân gian, gửi gắm trong đó ước nguyện của nhân dân về sự bình an, mùa màng tươi tốt. Cũng bởi tính thiêng đó mà trò chơi luyến ái thường diễn ra trong không gian lễ hội, ít khi diễn ra ở những không gian thường.
- Một số trò chơi tiêu biểu: Trò Đánh đu; Trò Ném còn; Bắt chạch, bắt lươn.
2.5.3.2. Trò chơi phong tục
- Đặc điểm: gồm các trò chơi nghiêng tính thiêng liêng, mang dáng dấp của những nghi lễ, phong tục xa xưa của người Việt. Nhóm trò chơi này chứa đựng những tư tưởng, tình cảm của dân tộc, lưu giữ đậm nét tín ngưỡng, phong tục dân tộc, từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh cho đến quan niệm về thờ cúng thần linh, trời đất. Bởi tính chất thiêng liêng nên trò chơi phong tục cũng được diễn ra nhiều trong lễ hội.
- Một số trò chơi tiêu biểu: Trò Pháo đất; Thi thả chim bồ câu.
2.5.3.3. Trò chơi trận chiến
- Đặc điểm: mang tính chất thi đua giữa cá nhân với cá nhân, giữa đội chơi này với đội chơi khác, đó là những cuộc thi đấu đầy tinh thần thượng võ dân tộc. Không gian của trò chơi rất rộng, trò chơi trận chiến luôn tạo ra sự sôi nổi, náo nhiệt và hấp dẫn. Nó thể hiện rõ sức mạnh, sự tinh nhuệ, năng động, sung sức của lớp thế
hệ trẻ, thể hiện quan niệm sống hết mình, cố gắng vượt lên những bất lợi của thiên nhiên, vượt qua khó khăn của người Việt. Trò chơi trận chiến có 2 loại thành phần tham gia, một là giữa cá nhân với nhau, hai là giữa tập thể với tập thể, cả hai thành phần tham gia này đều là những con người có khiếu, có tài, đại diện cho một thôn, làng hoặc bản. Đây là nhóm trò chơi có số người cổ vũ rất nhiều, nó đem lại niềm vui cho cả những người ngoài cuộc chơi.
- Một số trò chơi tiêu biểu: Chơi trận giả; Đánh roi múa mộc; Đua thuyền.
2.5.3.4. Trò chơi trí tuệ
- Đặc điểm: nhóm trò chơi trí tuệ chiếm một phần khá lớn trong trò chơi dân gian. Nếu trò chơi trận chiến thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai và khéo léo thì nhóm trò chơi trí tuệ lại thể hiện sự rèn luyện trí óc, khả năng quan sát và tư duy của người chơi. Nó được nhiều thành phần và đối tượng người chơi ưa thích.
- Một số trò chơi tiêu biểu: Chơi Ô ăn quan; Cờ người; Tổ tôm
2.5.3.5. Trò chơi nghề nghiệp
- Đặc điểm: là tập hợp những trò chơi mô phỏng và mang dáng dấp những nghề nghiệp, những công việc hằng ngày của nhân dân dười hình thức vừa làm vừa chơi. Mục đích của những trò chơi nghề nghiệp này là tạo cho mọi người sự phấn khởi, hào hứng trước những công việc mình đang làm. Những công việc này sẽ được thể hiện dưới hình thức một cuộc thi tài với yếu tố thắng thua được đặt lên hàng đầu.
- Một số trò chơi tiêu biểu: Thi cấy lúa; Thi bắt vịt trên cạn, dưới nước.