2.2.3.1. Điêu khắc dân gian
a. Khái niệm
Nghệ thuật điêu khắc là loại hình nghệ thuật xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử phát triển của loài người. Nghệ thuật điêu khắc là sự sáng tạo ra những tác phẩm có hình khối ba chiều hoặc hai chiều bằng cách gọt, đục, đẽo, chạm… mang giá trị về tư tưởng, thẩm mĩ. Thông qua các tác phẩm thẩm mĩ đó tạo ra sự rung động, cảm xúc và tư tưởng cho người thưởng thức.
Điêu khắc là một loại hình nghệ thuật thị giác, sản phẩm của hoạt động sáng tạo và là phương tiện biểu đạt của con người. Đặc điểm của điêu khắc là nghệ thuật xử lý các hình khối và chất liệu trong không gian ba chiều từ các chất liệu rắn như gỗ, đá, kim loại… thông qua các quá trình đẽo, gọt, chạm khắc, đục, đúc, tạc… Về mặt hình thức thể hiện thì điêu khắc được chia thành hai loại: các tác phẩm không gian ba chiều (tượng tròn) và các tác phẩm trong không gian hai chiều, hai chiều rưỡi (phù điêu).
b. Lịch sử phát triển nghệ thuật điêu khắc dân gian
Theo các nhà nghiên cứu, lịch sử nghệ thuật điêu khắc dân gian của người Việt đã trải qua các giai đoạn sau:
Điêu khắc thời Tiền sử: Thời kỳ này mọi hoạt động văn hoá – nghệ thuật chưa được phân chia rõ ràng, không có một nền điêu khắc tiền sử, mà chỉ có những biểu hiện có tính điêu khắc. Có thể kể đến những hình khắc trên hang Đồng Nội Hoà Bình) cách đây 10.000 năm, khắc ba mặt người và một mặt thú một cách sơ lược, trên đầu có cắm sừng hay lông chim. Tượng gốm và đá nhỏ vài cm xuất hiện trong các di chỉ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun gắn với các trang sức và công cụ lao động. Đến nền văn hoá Đông Sơn nổi tiếng về các trống đồng, điêu khắc nhỏ
gắn với đồ tế khí, gia dụng. Đó là các tượng người biến hình thành cán dao găm, các tượng voi, cóc, hươu, rùa trên trống, thạp, ấm bằng đồng. Đặc biệt là bốn cặp tượng nam nữ giao phối trên nắp thạp đồng Đào Thịnh với một nhãn quan phồn thực. Thờ thần mặt trời, tế lễ cầu mùa hay tang ma là âm hưởng chủ đạo qua các hình khắc trống đồng Đông Sơn, còn điêu khắc đóng vai trò nhấn mạnh tính hình khối rõ ràng của nhạc khí, tế khí và đồ dùng.
Điêu khắc thời Lý (1010 - 1225): Thời Lý, Phật giáo trở thành quốc đạo. Các trung tâm Phật giáo ở Quảng Ninh, Hà Nam Ninh, Bắc Ninh được xây dựng đồ sộ theo kiểu kiến trúc Đông Nam Á, kéo theo một nền điêu khắc Phật giáo. Các chùa thời Lý thường có 4 cấp, ăn sâu và cao dần theo triền núi, hoặc có mặt bằng hình vuông, hình tròn, trung tâm là tháp cao có tượng Phật đặt trong. Điêu khắc thời Lý nổi tiếng với các tác phẩm: Tượng A Di Đà chùa Phật Tích (1057); Các tượng Kim Cương chùa Long Đọi, tượng đầu người mình chim, chạm khắc chùa Bà Tấm, chùa Chương Sơn, Cột biểu chùa Dạm (1086). Tinh thần thiền đã chi phối tính ôn hoà và mạnh mẽ bên trong của các tác phẩm điêu khắc thời Lý.
Điêu khắc thời Trần (1225 - 1400): Thời kỳ này, đạo Phật vẫn thịnh hành. Điêu khắc Phật giáo hiện còn lại rất nhiều bệ tượng đá hoa sen hình hộp trên đặt tượng Tam Thế ở các chùa Thầy, chùa Bối Khê, chùa Dương Liễu. Chạm khắc gỗ trang trí kiến trúc thấy ở chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Thái Lạc (Hưng Yên) với các đề tài "Rồng chầu lá đề", "Tiên nữ dâng hoa", "Tiên nữ tấu nhạc", "Tiên nữ dâng hương". Trong các lăng mộ đời Trần, điêu khắc đá chủ yếu là tượng người, tượng thú chầu.
Điêu khắc thời Lê Sơ (1428 - 1527): Trong trăm năm của triều đại Lê Sơ, Phật giáo đã bị đẩy lùi về các làng xã, Nho giáo lên ngôi. Ngoài ba pho tượng đá chùa Ngọc Khám (Bắc Ninh) đến nay hình ảnh điêu khắc Phật giáo thời Lê Sơ rất mờ nhạt. Thay vào đó là nền điêu khắc lăng mộ của các vua Lê ở Lam Sơn (Thanh Hoá) với mặt bằng hình vuông, chính giữa là đường thần đạo dẫn đến mộ phần ở đáy lăng, hai bên có hai dãy tượng chầu gồm quan hầu, lân, tê giác, ngựa, hổ. Bên ngoài lăng là nhà bia. Tính thô mộc, giản dị, sự cần kiệm của một chính thể mới lên đã dẫn đến một nền điêu khắc đơn điệu, nghèo nàn, dù con mắt kiến trúc tổng thể khá đặc sắc.
Điêu khắc thời Lê - Trịnh - Tây Sơn: Thế kỷ 17 - 18 là giai đoạn phát đạt nhất của văn hoá nghệ thuật. Điêu khắc đạt số lượng và loại hình đáng kể chi phối toàn bộ tinh thần thẩm mỹ người Việt. Có các bộ phận sau: điêu khắc Phật giáo trong các chùa làng, điêu khắc lăng mộ của vua quan Lê - Trịnh, điêu khắc trong các đền thờ với tín ngưỡng bản địa. Nổi bật có điêu khắc Tượng Phật là Quan Âm "nghìn mắt nghìn tay" chùa Hạ (Vĩnh Yên) là tác phẩm đồ sộ của thế kỷ 16. Tượng Phật Bà Quan Âm "nghìn mắt nghìn tay" chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) tiêu biểu cho nghệ thuật thế kỷ 17. Kết thúc thế kỷ 18 là nhóm điêu khắc các vị tổ chùa Tây Phương được làm năm 1794 thời Tây Sơn. Điêu khắc đình làng như các đình Phù Lão, Chu Quyến, Thổ Tang, Liên Hiệp, Hương Lộc... mang đến một nguồn sinh khí mới với nét chạm tự do, cấu trúc đồ sộ.
Điêu khắc thời Nguyễn (1802 - 1945): Nhà Nguyễn rời đô vào Huế, xây dựng kinh thành Huế và quần thể lăng mộ cho các bậc đế vương ở phía tây kinh thành, điêu khắc lăng mộ phong kiến Huế nghèo nàn về ngôn ngữ và cứng nhắc về quy phạm. Các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định tuy khác nhau về kiến trúc nhưng tương đối thống nhất về điêu khắc. Tượng quan hầu, lính hầu, voi và ngựa nghiêm trang hai bên thần đạo, kích thước gần nguyên mẫu nhưng rất thiếu sinh khí. Ở Bắc Bộ, điêu khắc Phật giáo tiếp tục phát triển với một tinh thần chung của xã hội phong kiến cuối mùa. Tượng thì to ra, nhưng vẻ sinh động giảm thiểu. Tác phẩm Quan Âm 112 tay chùa Tây Phương, tượng Phật chùa Bà Đá, chùa Hồng Phúc là những ánh sáng loé lên cuối cùng khi một thời đại mới bắt đầu. Năm 1925, trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời. Mỹ thuật Việt Nam có bước ngoặt mới, hội hoạ với các nghệ sỹ có tên tuổi bắt đầu thay thế địa vị độc tôn của nghệ thuật điêu khắc cổ.
c. Các loại hình điêu khắc dân gian của người Việt
- Điêu khắc gỗ:
Điêu khắc gỗ là một trong những ngành mũi nhọn của ngành gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới. Các tác phẩm điêu khắc gỗ của Việt Nam không những đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế mà còn giúp đưa những nét đẹp văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế.
Điêu khắc gỗ đã được hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau hình thành nên những tác phẩm gỗ đậm nét đặc trưng văn hóa dân tộc. Nghề chạm
khắc gỗ là nghề vừa mang tính thực tế vừa mang đầy chất nghệ thuật. Những sản phẩm gỗ tạo ra đều mang tính hữu dụng trong cuộc sống như bàn ghế, tủ kệ, sập, giường, cửa gỗ hay những sản phẩm có giá trị mỹ thuật như tranh gỗ, phù điêu, tượng Phật, hay những sản phẩm thuần chất nghệ thuật được kết hợp từ nhiều phong cách khác nhau. Ngoài những sản phẩm chạm khắc gỗ thuần tuý bằng đục, chạm nhiều loại sản phẩm mộc chạm khắc được kết hợp với khảm, xà cừ hay công nghệ trang sức bằng sơn mài rất đặc sắc.
Dấu tích còn lại của các đình làng và các cung điện vua chúa xưa được xem là minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc gỗ trong lịch sử Việt Nam. Điều đặc biệt là các tác phẩm hoàn toàn được làm thủ công bằng bàn tay tài hoa của chính các nghệ nhân mà không hề thông qua một máy móc hỗ trợ nào.
Nghệ thuật điêu khắc gỗ của người Việt chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Trung Quốc về các kiểu dáng mẫu mã cũng như cách dùng và trưng bày các vật phẩm gỗ. Nhưng cùng thời gian phát triển lâu dài qua nhiều thời đại và thị hiếu tiêu dùng của người Việt, các sản phẩm điêu khắc gỗ đã tạo nên được một phong thái riêng, ẩn chứa trong đó là những phong tục văn hóa mang đậm hồn Việt hơn.
Với sự phát triển không ngừng của khoa học kĩ thuật hiện nay, điêu khắc gỗ nghệ thuật, điêu khắc tranh gỗ, điêu khắc tượng gỗ không còn dừng lại ở việc điêu khắc bằng tay nữa mà có sự hỗ trợ của máy móc. Với sự hỗ trợ của những máy móc kĩ thuật cao, các mẫu điêu khắc gỗ ngày càng tinh xảo và đẹp mắt mang lại giá trị nghệ thuật cao.
Các tác phẩm của nghệ thuật điêu khắc gỗ Việt Nam: phù điêu, tượng gỗ. Nghề điêu khắc gỗ phát triển rộng khắp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, nghề điêu khắc gỗ phát triển mạnh mẽ trên toàn quốc, đặc biệt là tại các làng nghề gỗ truyền thống nổi tiếng ở Miền Bắc như: làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh), La Xuyên (Nam Định), Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội), Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), Vạn Điểm (Hà Tây) … Nhiều sản phẩm gỗ nước ta đã xuất khẩu qua hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với 70% vào các thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản.
- Nghệ thuật chạm khắc đá:
Năm 1010, Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội). Các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư nữa nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm nhiều công trình kiến trúc như đền,
lăng, đình, chùa, …Ở những công trình này đã hội tụ đầy đủ những giá trị lịch sử, những nét văn hoá, dấu ấn của từng triều đại. Tiêu biểu trong số đó là tinh hoa của nghệ thuật chạm khắc đá.
Các tác phẩm chạm khắc đá Việt Nam lưu dấu ở những nơi như: đền Trần (Thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, Huyện Hoa Lư); Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên) với hai ngôi đền cổ kính, trang nghiêm là đền Vua Đinh Tiên Hoàng và đền Vua Lê Đại Hành; chùa Nhất Trụ (cách đền vua Đinh 100m); chùa Dầu (xã Khánh Hòa, Yên Khánh, Ninh Bình)…Tất cả các tác phẩm đều được đôi bàn tay của nghệ nhân điêu khắc trên chất liệu đá xanh nguyên khối. Đó là những tác phẩm gửi tâm tư tình cảm và phản ánh hiện thực xã hội, khát vọng của con người, thể hiện nghệ thuật chạm khắc đá tài hoa, tinh xảo, điêu luyện của các nghệ nhân, mang đậm dấu ấn và phong cách nghệ thuật của các triều đại phong kiến Việt Nam.
2.2.3.2. Hội họa dân gian
a. Khái niệm
Hội họa dân gian là thuật ngữ mô tả một loại hình mỹ thuật đã hiện diện từ lâu đời và thường được sáng tác bởi các họa sĩ khuyết danh.
b. Lịch sử hình thành và phát triển
Qua sách sử khảo cứu như cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, và cuốn “Tranh tượng dân gian”, tranh dân gian của người Việt có lịch sử rất lâu đời, có thời gian phát triển rất mạnh mẽ, ngày nay nó có phần giảm sút nhưng vẫn còn được giữ gìn bảo tồn trong một số làng nghề và một số gia đình làm tranh. Về cơ bản có hai loại tranh chính là tranh Tết và tranh thờ, chúng xuất hiện gần như cùng lúc với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt và việc thần thánh hóa các hiện tượng tự nhiên.
Vào thời nhà Lý (thế kỷ 12) đã bắt đầu xuất hiện những gia đình hay thậm chí là cả một làng chuyên làm khắc ván, làm tranh. Đến cuối đời nhà Trần nhiều nơi đã in được tiền giấy và sang đời nhà Hồ tiền giấy đã được phát triển mạnh.
Tời thời kỳ Lê sơ, việc in khắc tranh đã được tiếp thu thêm kỹ thuật khắc ván in của Trung Quốc và sau khi vào Việt Nam đã được cải tiến thêm cho phù hợp. Cùng với đó là sự phân hoá của tranh dân gian xuất hiện ngày càng rõ nét.
Đến đời nhà Mạc (thế kỷ 16), tranh dân gian không còn là sản phẩm riêng của những người nông dân nghèo khó nữa, mà đã được cả tầng lớp quý tộc ở kinh thành Thăng Long ưa thích, thường sử dụng vào dịp Tết Nguyên Đán.
Đến thế kỷ 18 – 19, tranh dân gian Việt Nam bước vào giai đoạn ổn định và phát triển, lan truyền rộng rãi khắp cả nước với sự phân hóa thành những dòng tranh được gọi tên theo địa danh nơi sản xuất với phong cách riêng của mình.
c. Đặc điểm
- Cách vẽ, in ấn:
Nhìn chung cách in tranh chủ yếu là sử dụng ván khắc. Các bản ván khắc chủ yếu làm từ gỗ. Đầu tiên nghệ nhân sẽ khắc lên bản gỗ đường nổi thể hiện những đường nét chính của tranh, sau này khi in tranh ra giấy, người làm tranh lại tiếp tục tô vẽ để hoàn thiện bức tranh đó, còn đối với một số tranh đơn giản thì người thợ không cần tô vẽ thêm nữa mà tranh được đưa ra khi in xong. Nghệ thuật in tranh qua các bản gỗ khắc nổi xuất hiện từ xa xưa, được lưu truyền từ đời nay qua đời khác.
Về kỹ thuật in, tranh Hàng Trống và tranh Kim Hoàng đều sử dụng lối in ngửa, tức là đặt tấm tranh lên phía trên của ván in, rồi dùng xơ mướp xoa nhẹ ấn xuống để nét tranh in lên giấy, sau đó dùng bút tô màu. Tuy nhiên, ở tranh Kim Hoàng, sau khi tô màu xong, tranh còn được in lại lần thứ hai, gọi là “in đồ”. Ở tranh Đông Hồ, tất cả các công đoạn sản xuất tranh được tiến hành bằng cách in sấp ván khắc (nhấc ván in lên ép xuống mặt tranh), đầu tiên in nét đen, sau đó in các màu lên, mỗi màu một tấm ván in, không có bước tô màu bằng bút. Chính vì kỹ thuật in khác nhau mà ván in của tranh Đông Hồ thường nhỏ, nhẹ, có tay cầm phía sau để tiện cầm nắm, đường nét các bức tranh cũng đơn giản và đậm nét để khắc ván dễ dàng hơn, còn ván in của tranh Hàng Trống và Kim Hoàng to lớn, rộng bản, đường nét tinh tế thanh mảnh hơn nhiều.
Ngoài các dòng tranh sử dụng phương pháp khắc thì còn có những bức tranh vẽ tay của các nghệ nhân. Phương pháp vẽ tranh trực tiếp này chủ yếu được dùng ở vùng các dân tộc thiểu số ở vùng núi miền Bắc như người: Tày, Nùng, Dao...
- Nguyên liệu:
Tranh dân gian Việt Nam là tranh khắc gỗ, chính vì vậy, giấy và ván khắc là yếu tố không thể thiếu. Các dòng tranh có những đặc điểm khác nhau trong công đoạn chuẩn bị giấy, ván và kỹ thuật in, liên quan mật thiết với những khác biệt về kích cỡ tranh cũng như đường nét trên tranh.
Về giấy, tranh dân gian Việt Nam chủ yếu sử dụng giấy dó, nhưng trong mỗi dòng tranh khác nhau lại có những chất giấy của riêng mình: tranh Đông Hồ dùng
giấy điệp, tranh Kim Hoàng dùng giấy đỏ (giấy hồng điều hay giấy vàng tàu), tranh Hàng Trống sau khi in xong còn qua công đoạn bồi thêm lớp giấy cho cứng, dễ treo.
- Cách tạo màu cho tranh:
Tranh dân gian Việt Nam thường sử dụng những màu khá cơ bản, nhưng đều vô cùng rực rỡ và tươi tắn, phù hợp với không khí ngày Tết cổ truyền. Màu đen thường được làm từ tro than lá tre, tro rơm rạ, có khi bằng mực tàu; màu vàng từ hoa hòe hoặc hạt dành dành; màu đỏ từ sỏi son, nước gỗ vang; màu xanh từ lá chàm, gỉ đồng… Từ những màu này, người nghệ nhân dân gian có thể pha lẫn chúng với nhau để tạo thành các màu khác như màu hồng cánh sen, màu hoa hiên, màu cánh kiến… Đôi lúc, kim nhũ và ngân nhũ cũng được sử dụng để tăng thêm sự rực rỡ cho bức tranh, đặc biệt là trong tranh thờ. Các màu sắc thường được kết hợp để tạo độ tương phản rất cao, như màu đen – trắng – đỏ trong bức tranh lợn của tranh Kim Hoàng, hay màu lam – hồng thường xuyên xuất hiện trong tranh Hàng Trống…
Mỗi dòng tranh thường có cách tạo màu, pha chế màu sắc riêng, nhưng nhìn