2.4.1. Khái niệm
Trong những năm gần đây ở Việt Nam, thuật ngữ “tri thức dân gian” được sử dụng trong một số công trình nghiên cứu với nhiều tên gọi khác nhau: “tri thức địa phương”, “kiến thức bản địa”, “kiến thức địa phương”, “văn hóa truyền thống”, “tri thức dân gian”, “bản sắc văn hóa tộc người”, “tri thức tộc người”, “phong tục tập quán”,...
Trên thế giới, thuật ngữ “Tri thức dân gian” được dùng lần đầu tiên trong ấn phẩm của Robert Chambers xuất bản năm 1979. Sau đó, Brokensha và D.M.Warren sử dụng vào năm 1980 và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay. Một số công trình nghiên cứu khác của các học giả nước ngoài đã đề cập đến tri thức dân gian và vai trò của nó đối với sự phát triển trong xã hội đương đại. D.M.Warren định nghĩa: “Tri thức dân gian là những hệ thống tri thức và thực nghiệm được phát triển qua nhiều thế hệ trong một lĩnh vực cụ thể tới một nền văn hóa chuyên biệt. Charles F. Keyes cho rằng, hệ thống tri thức truyền thống được coi là các tư tưởng thực nghiệm, cách con người phát triển các ý tưởng, khái niệm và thái độ để thực hiện các hoạt động hàng ngày”.
Về mặt lịch sử, phải nhấn mạnh rằng, khái niệm tri thức dân gian được nhắc tới nhiều do sự ảnh hưởng của khoa học tự nhiên và các chương trình phát triển kinh tế xã hội. Xuất phát từ kinh nghiệm trong việc trồng trọt và chăn nuôi ở những vùng có điều kiện thổ nhưỡng khác nhau, và khác xuất xứ của các cây trồng vật nuôi này, các nhà khoa học đã để ý đến kinh nghiệm của người dân bản địa trong việc xử lý những vấn đề khó khăn trong quá trình thích nghi. Vốn trải qua một quá
trình thích nghi từ rất lâu đời, người dân ở từng địa phương đã tích lũy được những kinh nghiệm nhất định đối với cuộc sống diễn ra xung quanh họ. Người dân hiểu rất rõ mối quan hệ giữa vật nuôi, cây trồng của họ với các điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của động, thực vật. Khi các nhà khoa học biết cách phối hợp những tri thức bản địa này với những tri thức và phương pháp khoa học hiện đại, họ có thể giúp cây trồng và vật nuôi thích nghi tốt hơn với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.
Như vậy, tri thức dân gian là tri thức được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, qua kinh nghiệm ứng xử của con người với môi trường và xã hội; được lưu truyền từ đời này qua đời khác qua trí nhớ, qua thực tiễn sản xuất và thực hành xã hội. Tri thức dân gian chứa đựng trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống xã hội như sản xuất lương thực, thực phẩm, chăn nuôi; cất trữ và chế biến thức ăn; thu hái, sử dụng cây thuốc và cách chữa bệnh; truyền thụ kiến thức qua các thế hệ trong giáo dục; bảo vệ, quản lý và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tổ chức quản lý cộng đồng, giá trị xã hội, các luật lệ truyền thống trong làng bản…