2.1.1. Khái niệm
Văn học dân gian hay văn học truyền miệng là những sáng tác do nhân dân tạo nên và lưu truyền. Văn học dân gian cũng là những sáng tác nghệ thuật ngôn từ như văn học viết, nhưng lại có những đặc điểm riêng về lịch sử ra đời và phát triển, về người sáng tác, về cách thức sáng tác và lưu truyền, về nội dung tư tưởng và thể loại nghệ thuật.
2.1.2. Các đặc trưng cơ bản của văn học dân gian
2.1.2.1. Tính truyền miệng
Truyền miệng là sự ghi nhớ theo kiểu nhập tâm và phổ biến bằng lời nói hoặc trích dẫn cho người khác nghe. Văn học dân gian khi phổ biến lại, đã thông qua lăng kính chủ quan của người truyền tụng nên thường có sáng tạo thêm.
Có hai phương cách truyền miệng: Truyền miệng theo không gian là sự di chuyển tác phẩm từ nơi này đến nơi knác và truyền miệng theo thời gian là sự bảo lưu tác phẩm từ đời này qua đời khác, từ thời đại này qua thời đại khác.
Quá trình truyền miệng được thực hiện thông qua diễn xướng dân gian. Tham gia diễn xướng ít là một hai người, nhiều là cả một tập thể trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các hình thức diễn xướng là nói, kể, hát, diễn tác phẩm văn học dân gian.
2.1.2.2. Tính tập thể
Tập thể có thể là một nhóm người mà cũng có thể là một cộng đồng dân cư. Nếu chỉ một nhóm người, một tập thể nhỏ thì người ta có thể chỉ rõ ra được tên từng thành viên, kể cả nơi cư trú cũng như hoàn cảnh riêng của họ. Nhưng không phải tất cả các cá nhân cùng một lúc tham gia sáng tác mà mỗi cá nhân lại tham gia ở những thời điểm khác nhau. Do truyền miệng nên lâu ngày, không ai nhớ được và cũng chẳng nhớ ai là tác giả. Vì vậy, tác phẩm văn học dân gian trở thành tài sản chung, bất kì ai cũng có thế tự ý bổ sung sửa chữa. Nhờ đó mà tác phẩm hay hơn được bổ sung đầy đủ phong phú hơn.
Tập thể là tất cả mọi người, bất kì ai cũng có thể tham gia sáng tác. Trong các thời đại trước đây vì người lao động không có “phương tiện sản xuất tinh thần” nên họ sáng tác văn học dân gian và xem đó là cách thức duy nhất để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật của riêng mình. Vì vậy, nhân dân lao động là lực lượng chính tạo ra văn học dân gian của mỗi dân tộc.
2.1.2.3. Tính thực hành
Phần lớn các tác phẩm văn học dân gian đều được ra đời trong những sinh hoạt như lao động tập thể, vui chơi ca hát tập thể, hội hè....
Những sinh hoạt cộng đồng có vai trò chi phối cả nội dung và hình thức của tác phẩm văn học dân gian.
Các tác phẩm văn học dân gian có vai trò phối hợp hoạt động, tạo nhịp điệu cho sinh hoạt cộng đồng (những bài hò: hò chèo thuyền, hò đánh cá...).
2.1.3. Hệ thống thể loại của văn học dân gian
2.1.3.1. Thể loại thần thoại
a. Khái niệm
Thần thoại (tiếng Hy Lạp: mifalogia) là những truyện kể dân gian về các vị thần, những nhân vật anh hùng, các nhân vật sáng tạo văn hóa, phản ánh quan niệm của người thời cổ về nguồn gốc của thế giới và của đời sống con người.
Thần thoại là một thể loại văn học dân gian xuất hiện trong giai đoạn thấp của sự phát triển xã hội và phát triển nghệ thuật. Thần thoại là phương tiện nhận
thức quan trọng của người nguyên thủy, là một trong những nguồn gốc hình thành những giá trị tinh thần truyền thống đầu tiên của dân tộc.
Đối với người đời sau, thần thoại không chỉ là nguồn tư liệu quý cho khoa học, dân tộc học, sử học, tôn giáo…mà còn có giá trị thẩm mỹ to lớn.
b. Quá trình hình thành và diễn biến của thần thoại
Thần thoại Việt hình thành trước hết do nhu cầu nhận thức và lý giải các hiện tượng tự nhiên (Thần Trụ Trời, Thần Sét, Thần Biển...). Nó cũng hình thành do nhu cầu nhận thức và lý giải xã hội (Họ Hồng Bàng, Sơn Tinh Thủy Tinh).
Thần thoại Việt xuất hiện khá sớm cùng với nghề nông (Nữ Thần Lúa) thời đại đồ đá giữa (văn hóa Hòa Bình), đầu thời đại đồ đá mới (văn hóa Bắc Sơn).
Thần thoại Việt phát triển rực rỡ vào thời kỳ chuyển sang thời đại đồ đồng (từ xã hội thị tộc mẫu hệ, bộ tộc riêng lẻ tiến tới thành lập quốc gia Văn Lang).
Thần thoại Việt bị truyền thuyết hóa: Một bộ phận thần thoại Việt có sự xâm nhập của các yếu tố lịch sử trở thành truyền thuyết. Nổi bật trong số này là chuỗi truyền thuyết về thời các vua Hùng (vốn là những thần thoại).
Thần thoại còn xuất hiện dưới dạng Phật thoại, Tiên thoại, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười. Nhóm thần thoại này rất khó nhận. Chúng là những truyện thuộc các thể loại trên nhưng chứa đựng các mô típ thần thoại (Cóc Kiện Trời, Chử Ðồng Tử ...) hoặc mang dấu ấn của xã hội nguyên thủy (Ðá Vọng Phu, Sao Hôm Sao Mai…).
c. Các nhóm chính của thần thoại Việt
Thần thoại về nguồn gốc vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên: Thần trụ trời, Ông Trời, Nữ thần Mặt trăng, Mặt trời, Thần Mưa...
Thần thoại về nguồn gốc các loài, bao gồm cả động vật và thực vật: Cuộc tu bổ các giống vật, Thần Lúa…
Thần thoại về nguồn gốc con người và nguồn gốc các dân tộc ở Việt Nam: Ông Trời, Mười hai bà mụ, Nữ Oa- Tứ Tượng, Lạc Long Quân- Âu Cơ…
Thần thoại về các anh hùng thời khuyết sử, các anh hùng văn hóa, tổ sư các nghề: Sơn Tinh-Thuỷ Tinh, Nữ thần nghề mộc…
d. Đặc trưng thi pháp thần thoại
Cốt truyện thần thoại đơn giản, ngắn gọn, tập trung xây dựng nhân vật chính và lý giải các hiện tượng thiên nhiên qua việc chú trọng miêu tả hành động của thần.
Nhân vật thần thoại là thần có dáng dấp, tính cách lấy từ khuôn mẫu con người nhưng có hình dạng và hành động phi thường. Nhân vật được xây dựng bằng biện pháp chủ yếu là thần thánh hóa và nhân cách hóa các hiện tượng tự nhiên.
Không gian thần thoại là không gian vũ trụ, khó xác định cụ thể. Trong thần thoại có 3 không gian chủ yếu: trên trời, mặt đất, dưới nước, chia thành ba cõi: cõi trời, cõi đất, cõi nước. Ba cõi không gian đó không cố định, ngăn cách thành ba thế giới riêng biệt mà nó luôn biến chuyển, hòa nhập với nhau. Cõi đất là nơi trung tâm của vũ trụ, chốn giao lưu đi về của các thần.
Thời gian thần thoại không xác định, là thời gian vĩnh hằng. Các truyện không chỉ ra vào thời gian nào, chỉ biết thuở mới khai thiên lập địa không biết vào khi nào, kết thúc ra sao. Thần không có tuổi, không biết thần sinh ra khi nào, thần không bao giờ chết.
2.1.3.2. Thể loại truyền thuyết
a. Khái niệm truyền thuyết
Truyền thuyết là một thể tài truyện kể bằng miệng, nằm trong loại hình tự sự dân gian; nội dung cốt truyện của nó là kể lại truyện tích các nhân vật lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc các các phong vật địa phương theo quan điểm của nhân dân.
b. Phân loại truyền thuyết
Dựa theo nội dung, truyền thuyết người Việt chia theo các thời kì sau:
Họ Hồng Bàng và thời kỳ Văn Lang: mang tính chất sử thi, phản ánh không khí anh hùng ca thời Hùng Vương dựng nước và trình độ khá văn minh của người Văn Lang. Các truyền thuyết tiêu biểu thời kỳ này là Lạc Long Quân-Âu Cơ, Sơn Tinh-Thủy Tinh, Thánh Gióng, Hùng Vương thứ sáu, Hùng Vương thứ mười tám..
Thời kỳ Âu Lạc và Bắc thuộc: Nước Âu Lạc tồn tại khoảng 50 năm (257-208 Trước Công nguyên). Thời kỳ Bắc thuộc hơn 10 thế kỷ (207 Trước Công nguyên - 938) là thời kỳ bị xâm lược và chiến đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết tiêu biểu của thời Âu Lạc là truyện An Dương Vương, kết cấu gồm hai phần: phần đầu là lịch sử chiến thắng, phần sau là lịch sử chiến bại. Các truyền thuyết phản ánh các cuộc khởi nghĩa chống xâm lược thời kỳ Bắc thuộc là Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí...
Thời kỳ phong kiến tự chủ: Từ thế kỉ 10 đến thế kỉ 15, giai cấp phong kiến Việt Nam xây dựng một quốc gia thống nhất, củng cố nền độc lập dân tộc. Từ thế kỉ
16 đến thế kỉ 19 là sự suy sụp của các triều đại phong kiến. Các truyền thuyết của thời kỳ này gồm các nhóm sau đây: Anh hùng chống ngoại xâm (Yết Kiêu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi...); Danh nhân văn hóa (Chu Văn An, Trạng Trình...); Lịch sử địa danh (Sự tích Hồ Gươm, Sự tích núi Ngũ Hành...); Anh hùng nông dân (Chàng Lía, Quận He, Ba Vành...);Anh hùng nông dân không có yếu tố thần kỳ (Hầu Tạo, Lê Văn Khôi...).
Giai đoạn Nam tiến (từ thế kỉ XIV) trở đi: truyền thuyết mang chủ đề giành đất của người Việt trên một vùng đất mới thể hiện sự xung đột giữa người Việt và người Chăm và nói lên ý thức của người Việt trong việc xác lập chủ quyền lãnh thổ của mình trên vùng đất mới. Các truyền thuyết tiêu biểu: sự tích Thành Lồi, Sự tích tháp Dương Lệ, Sự tích Cồn Giới v.v….
c. Đặc điểm của truyền thuyết
Truyền thuyết được sáng tác và lưu truyền ở cửa miệng nhân dân, sau được các nhà nho ghi chép thành văn bản và được biên soạn thành thần tích.
Biện pháp nghệ thuật phổ biến của truyền thuyết là khoa trương, phóng đại, những yếu tố hư ảo thần kỳ.
Truyền thuyết phản ánh những vấn đề thuộc phạm vi quốc gia, dân tộc; các vấn đề tự nhiên – xã hội được phản ánh trên cơ sở sự thật lịch sử cụ thể.
Truyền thuyết luôn gắn bó với sự thật, với lịch sử, phản ánh những sự kiện trọng đại của dân tộc, nhiều nhân vật trong truyền thuyết cũng là nhân vật trong chính sử, trong sự nghiệp chung được nhiều người thừa nhận, noi theo. Mặc dù vậy, truyền thuyết vẫn là một thể tài văn học dân gian chứ không phải là một thể tài sử học. Trong truyền thuyết có những sự kiện lịch sử nhưng chúng không phải những sự kiện lịch sử đích thực mà chỉ là “những ánh hào quang, những tia khúc xạ” của lịch sử. Truyền thuyết từ lịch sử mà ra nhưng truyền thuyết lại không phải là lịch sử. Truyền thuyết cũng không đảm bảo tính chính xác tuyệt đối về mặt thời gian, không gian, diễn biến, nguyên nhân và kết quả của các sự kiện lịch sử.
Truyền thuyết thường chú ý nhiều hơn đến những nhân vật có xuất thân nông dân hoặc gần dân. Truyền thuyết dân gian thường kể về người anh hùng trong mối quan hệ với dân, trong đó nhân dân vừa là người tham gia, vừa là chỗ dựa tin cậy để người anh hùng làm nên chiến thắng.
Kết cấu truyền thuyết: lai lịch (bao gồm sinh đẻ thần kì và hình dáng dị thường) -> tài đức -> sự nghiệp -> chết thần kì -> hiển linh -> âm phù -> sắc phong. Truyền thuyết có quan hệ đến diễn xướng và tín ngưỡng phong tục dân gian.
d. Đặc trưng thi pháp của truyền thuyết
Cốt truyện truyền thuyết thường theo 3 đoạn đời nhân vật chính: Đoạn đời thứ nhất kể về hoàn cảnh và thân thế của nhân vật chính; Đoạn đời thứ hai kể lại hành động, chiến công, kì tích của nhân vật chính với nhiều tình huống thăng trầm, gian nguy, thất bại rồi thành công; Đoạn đời thứ ba là sự kết thúc của nhân vật chính.
Kết cấu truyền thuyết có hai loại: loại cốt truyện đơn và loại cốt truyện xâu chuỗi. Với kiểu kết cấu này thì nhân vật lịch sử là nhân vật trung tâm, còn các nhân vật khác là nhân vật phụ.
Nhân vật của truyền thuyết chủ yếu là người và một số nhân vật là thần và bán thần. Có hai dạng nhân vật chủ yếu: nhân vật khởi nguyên và anh hùng văn hoá; Nhân vật anh hùng lịch sử.
Biện pháp nghệ thuật trong truyền thuyết: thần thánh hóa các hiện tượng tự nhiên; thần thánh hóa các hoạt động con người; thần thánh hóa bản thân nhân vật bằng cách bao quanh nhân vật chính những yếu tố hoang đường, kỳ diệu.
Đặc trưng ngôn ngữ truyền thuyết: lời kể truyền thuyết là ngôn ngữ cô động, ít miêu tả, chủ yếu chỉ thuật lại hành động của nhân vật, chú ý kể những chi tiết về hoàn cảnh xuất thân của nhân vật, bối cảnh của câu chuyện, những lời thoại nhân vật một cách cô động. Những lời thoại nhân vật được chú ý kể là lời thể hiện khí khái, lòng nhiệt huyết của nhân vật đối với đất nước trong hoàn cảnh lâm nguy.
Không gian truyền thuyết là không gian đời thường, không gian chiến trường và không gian xã hội, đất nước. Không gian truyền thuyết gắn liền với các địa danh, di tích cụ thể. Những địa danh di tích ấy đều gắn liền với sự nghiệp của nhân vật truyền thuyết.
Thời gian truyền thuyết là thời gian lịch sử, thời gian thời đại được xác định cụ thể. Tuy nhiên thời gian của truyền thuyết không ghi rõ thời điểm, ngày tháng, câu chuyện xảy ra bao lâu.
2.1.3.3. Thể loại truyện cổ tích
a. Khái niệm
Truyện cổ tích là một loại loại hình tự sự dân gian phản ánh cuộc sống hằng ngày của nhân dân ta. Trong truyện có một số kiểu nhân vật chính: nhân vật bất
hạnh, nhân vật có tài năng kì lạ, nhân vật thông minh, nhân vật ngốc nghếch, nhân vật là động vật. Trong truyện cổ tích thường có những yếu tố hoang đường, kì ảo, đóng vai trò cán cân công lí, thể hiện khát vọng công bằng, mơ ước và niềm tin của nhân dân về sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt với cái xấu.
b. Các dạng truyện cổ tích
Truyện cổ tích thần kỳ kể lại những sự kiện xảy ra trong đời sống gia đình và xã hội. Truyện cổ tích thần kì không chỉ có thế giới trần tục của con người mà còn có cả những thế giới có tính chất siêu nhiên. Trong truyện cổ tích thần kì, thế giới trần tục và thế giới siêu nhiên, nhân vật trần tục và nhân vật siêu nhiên quan hệ qua lại với nhau, tạo thành một thế giới cổ tích huyền bí, thơ mộng.
Truyện cổ tích phiêu lưu trình bày các cuộc phiêu lưu kỳ lạ của nhân vật chính, và việc giải thích các cuộc phiêu lưu này thường mang tính giả tưởng.
Truyện cổ tích loài vật giải thích nguồn gốc những đặc điểm riêng của từng con vật. Ngoài ra, một nhóm truyện khác tập trung kể về một con thú khôn ranh.
Truyện cổ tích thế tục kể về những con người và sự việc xảy ra trong thế giới trần tục với 2 nhân vật chính là nhân vật thông minh và nhân vật ngốc nghếch.
c. Đặc điểm truyện cổ tích
Bên cạnh yếu tố hư cấu, tưởng tượng, truyện cổ tích vẫn bộc lộ sự liên hệ với đời sống hiện thực, thông qua những đặc điểm về nội dung, ngôn ngữ, tính chất của cốt truyện, motip, hình tượng nghệ thuật v.v. Nhiều truyện cổ tích xuất xứ từ xa xưa phản ánh các quan hệ xã hội nguyên thủy và các biểu tượng, tín ngưỡng vật tổ, tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Trong khi đó, các truyện cổ tích hình thành giai đoạn muộn hơn, như thời phong kiến, thường có những hình tượng vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa. Sang thời tư bản chủ nghĩa, truyện cổ tích chú ý hơn đến thương nhân, tiền bạc và các quan hệ xã hội liên quan đến mua bán, đổi chác, sự tương phản giàu nghèo v.v.
Về nội dung tư tưởng, truyện cổ tích thường mang tinh thần lạc quan, có hậu, trong đó kết thúc truyện bao giờ cái thiện cũng chiến thắng hoặc được tôn vinh, cái ác bị tiểu trừ hoặc bị chế giễu. Truyện cổ tích nêu cao khát vọng tự do, hạnh phúc và công bằng xã hội. Truyện cổ tích còn là tiếng nói ca ngợi tình yêu tha thiết và thuỷ chung của con người. Hòn Vọng Phu, Tháp Bà Rầu là những đài kỉ niệm tinh
thần về những người phụ nữ sắt son, trung hậu. Cuộc hôn nhân Tiên Dung, Chữ Đồng Tử phản ánh truyền thống nhân đạo và khổt vọng dân chủ của nhân dân ta.
Là một thể loại truyền miệng, truyện cổ tích thường có nhiều dị bản. Sự dị bản hóa tác phẩm có thể được nhìn nhận do các dân tộc trên thế giới có những điểm chung về văn hóa, lịch sử, sinh hoạt, lối sống; đồng thời cũng có những đặc điểm