Văn hóa dân gia n cội nguồn của văn hóa dân tộc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bài giảng văn hóa dân GIAN NGƯỜI VIỆT (Trang 143 - 144)

Người ta thường nói văn hóa dân gian là “cội nguồn của văn hóa dân tộc” là "văn hóa gốc", "văn hóa mẹ". Điều đó hàm nghĩa văn hóa dân gian gắn với lịch sử lâu đời của dân tộc, là nguồn sản sinh và tiếp tục nuôi dưỡng văn hóa dân tộc; văn hóa dân gian nảy sinh, tồn tại dưới dạng nguyên hợp, các bộ phận còn gắn bó chặt chẽ với nhau. Theo Hoài Thanh thì "Từ thưở sơ sinh, nhạc, thơ, múa và kịch đều chung một mâm. Đến khi lớn lên thì các loại hình tách bạch ra, nhưng vẫn phải nương tựa vào nhau. Thơ dân gian tồn tại, phát triển và lưu truyền bằng hát đối đáp. Nếu bỏ nhạc thì múa khó thành. Mất sự tích văn học, mất làn điệu, mất múa thì chèo cũng mất. Tranh Đông Hồ cũng phải đi liền với hội tết" [10].

Có con người là có văn hóa, có dân tộc là có văn hóa dân tộc. Văn hóa đó trước nhất là văn hóa dân gian, văn hóa của quần chúng nhân dân. Qua văn hóa dân gian, nhân dân lao động tự biểu hiện mình, tự phản ánh cuộc sống của mình. Các nền văn hóa khảo cổ thuộc xã hội nguyên thủy như Hòa Bình, Đông Sơn tuy không phải là văn hóa dân gian, nhưng lại là nguồn cội để hình thành văn hóa dân gian.

Đến thời kỳ Hùng Vương, thời kỳ hình thành nền văn hóa dân tộc, thì trước hết đó là văn hóa dân gian, văn hóa của nhân dân lao động. Họ "tự biểu hiện mình, tự phản ánh cuộc sống của mình" ở thời kỳ khởi nguồn của đất nước.

Thời kỳ Đại Việt (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX), cùng với sự phát triển xã hội, văn hóa dân tộc không còn thuần nhất mà bên cạnh văn hóa dân gian đã xuất hiện văn hóa chuyên nghiệp, bác học, cung đình. Tuy nhiên, giữa chúng vẫn có mối quan hệ tác động qua lại: Văn hóa dân gian vẫn là cội nguồn nuôi dưỡng văn hóa bác học, chuyên nghiệp, cung đình; văn hóa bác học, chuyên nghiệp, văn hóa cung đình tác động trở lại, góp phần nâng cao và định hình văn hóa dân gian. Hiện tượng Truyện Kiều của Nguyễn Du, sách Nam dược thần diệu của Tuệ Tĩnh thể hiện sự tác động qua lại đó.

Từ quan điểm cho rằng văn hóa dân gian là cội nguồn của văn hóa dân tộc thì trong hoạt động thực tiễn nhằm bảo tồn và chấn hưng văn hóa dân tộc chúng ta phải bắt đầu từ văn hóa dân gian.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bài giảng văn hóa dân GIAN NGƯỜI VIỆT (Trang 143 - 144)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)