2.5.2.1. Tính đa dạng và phong phú
Trò chơi dân gian luôn đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của mọi đối tượng, mọi thành phần trong xã hội, do vậy trò chơi dân gian phải có nhiều hình thức đa dạng và thể loại phong phú. Đây là đặc điểm dễ nhận thấy, trò chơi dân gian mang trong mình nhiều sắc thái, nhiều hình thức, cung bậc đa dạng, sôi nổi, trầm tĩnh, điềm đạm, vui vẻ.
Những trò chơi náo nhiệt, sôi nổi thì phù hợp với những người có tính cách năng động, cá tính, thích khẳng định mình, muốn bay nhảy thả mình sau những giờ lao động, làm việc vất vả, như trò Bịt mắt bắt dê, Cá sấu lên bờ, Cướp cờ hay Chơi u. Với những người có tính cách trầm tính, điềm đạm thì vẫn được trò chơi dân gian thu hút, lôi cuốn vào sinh hoạt, hoạt động tập thể, nó thể hiện qua trò Cặp kè, Chặt cây dừa chừa cây đậu, Chọi cỏ gà hay Chơi thuyền, chơi Ô ăn quan…Ngoài ra những người có thể trạng yếu vẫn có thể được vui chơi giải trí mà không tốn quá nhiều sức lực nhờ những trò chơi mang tính chất điềm đạm như thế này. Với những trò chơi mang tính chất điềm đạm, người chơi không cần phải chạy nhảy nhiều, hầu như là giữ nguyên vị trí chơi không cần dịch chuyển nhưng vẫn tạo cho người tham gia chơi những phút vui chơi rất vui vẻ, thoải mái không kém gì những trò chơi mang tính chất sôi động.
Trò chơi dân gian còn đa dạng bởi có những trò mang tính chất thể thao, đề cao thể lực như trò Đẩy lưng, Gồng tay, Trồng cây chuối hay Đua thuyền, từ đó trở thành những cuộc thi đấu đầy tinh thần thượng võ dân tộc. Bên cạnh đó cũng có những trò cần đến sự khéo léo, một trí óc biết tính toán như trò Ô ăn quan, Đánh đũa, Cờ người hay Tam cúc, với những trò như thế, người tham gia trò chơi phải có sự khéo léo và một óc phán đoán tốt để đoán được “ý đồ”, “đường đi, nước bước” của đối phương, thắng đối phương chính bằng trí tuệ của mình.
Sự đa dạng, phong phú của trò chơi dân gian được thể hiện ra ngoài bằng những hình thức và đối tượng chơi khác nhau, nó đã tạo ra cho trò chơi dân gian những sắc thái và cung bậc đa dạng, là yếu tố đặc biệt để trò chơi dân gian luôn thu hút một phần rất lớn đối tượng người chơi tham gia.
2.5.2.2. Tính gần gũi, giản tiện
Ra đời từ sự sáng tạo của quần chúng nhân dân, trò chơi dân gian cũng theo đó mang đặc điểm giản tiện, gần gũi, không cầu kỳ, mà mộc mạc, thân thương như chính đời sống của người dân lao động.
Trước hết, trò chơi dân gian luôn có sự giản tiện ở cách thức tổ chức vui chơi, giải trí, điều này gắn liền với nguồn gốc ra đời của trò chơi dân gian, đó là từ cuộc sống nông nghiệp, đậm chất đời thực, không phải là một cái gì đó cao xa. Những trò như Đua thuyền, Bẫy chim, Bắt cá chạch, Bắt vịt, Ném cổ đầu vịt, Đua bò, Thổi cơm, mới nghe qua đã thấy đơn giản, luật chơi cũng không mấy khó hiểu. Đơn giản nhưng không có nghĩa là đơn điệu, cách thức chơi bình dị nhưng không có nghĩa là mất hết hào hứng, sự giản tiện cũng làm nên cái hay và giá trị của các trò chơi dân gian. Không gian diễn ra các trò chơi cũng mang đặc điểm đó. Đó có thể là một thửa ruộng sau mùa gặt, là con sông, bờ đê, là cổng làng, sân đình, là con đường làng hay mé sân đất trước cửa nhà, v.v…, mọi thứ đều rất gần gũi với nhân dân.
Trong trò chơi dân gian, có những trò không cần đến dụng cụ và có những trò cần đến dụng cụ chơi. Dụng cụ để tiến hành chơi trong các trò chơi dân gian rất dễ tìm, dễ làm từ những thứ có sẵn trong tự nhiên. Đó là những hòn sỏi, viên gạch, những cành cây nhỏ, hay bất kỳ thứ gì có thể thay thế được tại những nơi trò chơi diễn ra. Trước khi tiến hành trò chơi, việc đầu tiên người tham gia trò chơi cần phải làm là đi tìm dụng cụ chơi, công việc này thường không mất thời gian bởi dụng cụ chơi hầu hết đều giản tiện, không cầu kỳ nên rất dễ tìm thấy. Chỉ cần vài hòn sỏi nhặt ngoài hè cho trò chơi Ô ăn quan, Lò cò ô, Lia gạch hay Rải ranh, Thảy gạch…Với trò Đánh đũa hay còn gọi là Chơi chuyền thì chỉ cần tìm những cành cây nhỏ, một quả cà sau vườn hay một quả banh được tết từ là dừa, hay chỉ cần một nắm cỏ gà thì có thể chơi được trò chơi Chọi cỏ gà. Cũng bởi điểm giản tiện, không cầu kỳ đó mà trong giai đoạn Pháp thuộc, quần chúng nhân dân ta đã tận dụng rất nhiều những thứ của Pháp để làm dụng cụ chơi trong trò chơi dân gian, tạo ra sự vui chơi, giải trí cho mình. Những cánh diều trong trò chơi Thả diều được làm từ loại vải dù mà Pháp hay đánh rơi, thứ vải đó nhẹ và chắc, có thể giữ cho diều bay cao khi gặp gió. Trò Kéo xèng lại có dụng cụ từ nắp ken của chai beer và sau đó được đập bằng phẳng, đục hai lỗ nhỏ song song với nhau, sau đó lại lồng qua hai lỗ đó thứ dây lấy từ bao xi măng của người Pháp, ta đã có một dụng cụ cho trò Kéo xèng, nó còn là dụng cụ cho trò Tán nắp ken. Không chỉ có nắp ken, bao thuốc lá vẫn được tận dụng, hai mặt hình vuông của bao thuốc lá được cắt ra và đó là dụng cụ của trò Tán dép, hay có nơi gọi là Bắn bịt thuốc lá, vào những thập niên sau đó, những món đồ như thế càng nhiều ở nước ta.
Có thể nói, dụng cụ của trò chơi dân gian được gón gọn trong cụm từ “tìm” và “nhặt” từ tự nhiên, từ cuộc sống sinh hoạt. Bằng sự khéo léo, sáng tạo, những thứ không cần thiết, những thứ bỏ đi như thế dần dần được quần chúng nhân dân thổi hồn vào, tạo ra rất nhiều cách thức vui chơi giải trí cho trò chơi dân gian. Sự giản tiện làm nên vô số những niềm hào hứng.
2.5.2.3. Tính thường xuyên, liên tục
Bên cạnh sự đa dạng và giản tiện, trò chơi dân gian còn có thêm một điểm đặc biệt nữa, đó là trò chơi dân gian có thể chơi quanh năm, suốt tháng, suốt ngày, có thể diễn ra mọi thời điểm, mọi không gian khác nhau.
Trong lúc nghỉ trưa bên đồng ruộng, mọi người có thể rủ nhau chơi thả diều, thi bơi, có thể bứt ngọn cỏ ngay dưới chân mình để chơi Đá cỏ gà hay tìm nơi mé sông những viên sỏi để thi lia gạch xuống sông tạo những đường uốn lượn đẹp mắt (trò Thẩy gạch). Trẻ con có thể chơi trò chơi dân gian suốt dọc đường đi học từ nhà đến trường, từ trường về nhà, lúc nào lũ trẻ cũng vui chơi được. Lúc đi chăn trâu, cắt cỏ giúp ba mẹ, bọn trẻ có thể chơi được rất nhiều trò chơi dân gian trên khoảng không gian là đồng ruộng, đó là khoảng trời mà đứa trẻ nào cũng thích nấn ná vui chơi tới tối mịt mới chịu về nhà. Hào hứng nhất là trò Đua trâu, trò Oẳn tù tì ngay trên lưng bò của những đứa trẻ mục đồng. Hoặc vẽ những ô trên đất để chơi trò chơi Ô ăn quan, trò Lò cò ô, hay hái những trái mù u để chơi Bắn bi, chơi chán lại tụm năm tụm bảy Chơi u, chơi Trốn tìm.
Với trò chơi dân gian, mọi người vẫn có thể vừa làm vừa chơi, đó là những cuộc thi cấy lúa, thi gặt lúa, thi tát nước hay thậm chí là thi bắt cá. Những trò chơi như vậy sẽ giúp cho mọi người hào hứng hơn, hăng say hơn trong công việc và có khi lại tăng ca hiệu quả lao động. Với trẻ con, trò chơi dân gian luôn được diễn ra và đó là những năm tháng trò chơi dân gian gắn bó nhiều nhất trong cuộc đời của mỗi người dân Việt.
Mỗi ngày, mỗi giờ, trò chơi dân gian lại xuất hiện trong các thôn bản, dưới ruộng đồng, từ đầu sông đến cuối xóm. Cuộc sống lao động và nhu cầu vui chơi giải trí của quần chúng nhân dân đã luôn mang trò chơi dân gian đi cùng với cuộc sống mọi người, tạo cho trò chơi dân gian tính thường xuyên, liên tục, diễn ra quanh năm suốt tháng, bất kể lúc nào cũng có thể chơi.
2.5.2.4. Tính đặc trưng vùng miền
Trò chơi dân gian do quần chúng nhân dân tạo ra, bởi vậy trong cả nước nó tương đối giống nhau về nội dung, hình thức nhưng lại có những nét riêng biệt, ở mỗi vùng, mỗi địa phương, trò chơi dân gian có thể đơn giản hay phức tạp, có thể thêm hay bớt một vài chi tiết hoặc có thể ở vùng này có trò chơi này nhưng những vùng khác lại không. Chẳng hạn, trò Ném còn chỉ đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh phía Bắc, những vùng miền thuộc Trung và Nam bộ đều không có.
Cách thức chơi trò chơi dân gian ở mỗi vùng miền đôi khi lại khác nhau, chẳng hạn với trò Năm mười, một số nơi còn gọi là trò Ú tìm, thông thường thì người “bị” sau trò Tay trắng tay đen phải ra đứng úp vào cây cột đọc từ 5, 10, 15, 20 đến 100 để những người chơi khác đi trốn, khi đếm xong, người “bị” phải đi tìm người trốn, tìm được rồi thì gọi tên người đó và chạy nhanh đến phía cây cột hô “mạng”, nhưng nhiều nơi, với sự nghịch ngợm, thông minh, trẻ con đã bày ra một “mưu kế” để đánh lừa người “bị”, không để người “bị” gọi đúng tên mình, đó là tóc dài thì bới lên thành tóc ngắn, đứa này mặc quần áo của đứa kia, đứa kia mặc quần áo của đứa khác, người “bị” lúc này có tìm ra nơi trốn của người nấp cũng không thể nào gọi đúng tên người đó, đây là biến thể ở một địa phương vùng Thừa Thiên Huế. Hoặc với trò Nhảy Gù, một số nơi gọi là Nhảy Ngựa, thì một số nơi trò này được chia làm hai đội chơi, vạch một mức lằn ở giữa sân, hai đội cho một người lên đứng khum người làm ngựa, đứng song song với mức lằn để những người còn lại của đội mình nhảy qua lưng, người nhảy qua được thì lại tiếp tục lại đứng khum người làm ngựa cách người làm ngựa phía trước 1m, đội nào có số người nhảy không được ít hơn thì thắng, một số nơi lại có cách thức chơi khác, vẫn chia làm hai đội nhưng đội nào “bị” trong trò Tay trắng tay đen phải khum người xuống cùng một chỗ làm ngựa, đội thứ hai được nhảy lên lưng ngựa và bám trụ vào lưng ngựa chứ không nhảy xuống nữa, tất cả đội hai đều lần lượt nhảy lên lưng ngựa đội một, nếu đội một chịu không nổi phải ngã quỵ xuống thì đội một thua, nhưng nếu đội hai bị rớt xuống ngựa nhiều hơn số người ngã quỵ của đội một thì đội một lại là đội thắng.
Sự không giống nhau giữa trò chơi vùng miền đã tạo nên sự phong phú, muôn màu muôn vẻ cho trò chơi dân gian.
2.5.2.5. Trò chơi dân gian tồn tại trong các lễ hội
Lễ hội cũng là một hình thức vui chơi giải trí, ra đời cùng xu hướng với trò chơi dân gian trong việc đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân. Trò chơi
dân gian có mối quan hệ với lễ hội, hay nói cách khác, trong lễ hội mà không có trò chơi dân gian thì lễ hội đó không trọn vẹn ý nghĩa là lễ hội. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội. Hội trong lễ hội là phần quần chúng nhân dân được vui chơi, ca hát và nó chủ yếu được cấu thành từ trò chơi dân gian.
Trò chơi dân gian trong lễ hội, trong ngày Tết không có gì xa lạ, quen thuộc với quần chúng nhân dân, chỉ là nó khẳng định thêm tính thường xuyên, liên tục, quanh năm suốt tháng của trò chơi dân gian và thêm vào trò chơi dân gian một không gian vui chơi nữa là đình làng, là dưới sự chứng kiến của các vị thần linh trong vùng và sôi nổi, hào hứng hơn trong sự theo dõi, cổ động của tất cả bà con từ đầu thôn đến cuối xóm.
2.5.2.6. Trò chơi dân gian trẻ con có mối quan hệ mật thiết với đồng dao
Hầu hết tất cả trò chơi dân gian của trẻ con đều kèm theo thể loại dân gian này, nhiều khi nếu cắt bỏ thể loại này đi thì trò chơi dân gian trẻ con dường như cũng mất đi sự hào hứng và cả ý nghĩa.
Đồng dao là một thể loại văn học dân gian do quần chúng nhân dân sáng tạo ra, có nhịp điệu đơn giản và gieo vần thoải mái. Đồng dao trong trò chơi dân gian trẻ em là do người lớn nhiều thế hệ sáng tạo ra, trong đó có cả tình thương yêu, sự bày vẽ, chỉ dạy, giúp trẻ con nhận biết thế giới tự nhiên trong giai đoạn chập chững nhận thức. Do vậy, đồng dao trong trò chơi dân gian là những bài hát dân gian có nội dung và hình thức đơn giản, chủ yếu nêu lên những sự vật, hiện tượng xung quanh đời sống phù hợp với độ tuổi và tư duy của trẻ.
Mỗi trò chơi dân gian trẻ em đều có kèm theo một bài đồng dao nhất định, mỗi câu hát ứng với mỗi chi tiết trong trò chơi, nó tạo âm điệu vui tươi và cầm nhịp cho trò chơi, trẻ con trong quá trình chơi sẽ cùng nhau đọc những bài đồng dao đã được quy ước sẵn phù hợp với trò chơi đó. Chẳng hạn, trong trò chơi Vuốt hột nổ, cách thức chơi là hai người ngồi đối diện nhau, đầu tiên tự vỗ hai tay của mình vào nhau rồi vỗ tay bên này của mình vào tay bên kia của bạn, và vỗ ngược lại ở động tác tiếp theo, tất cả đều diễn ra hứng thú theo nhịp của bài đồng dao: “Trời mưa lâm thâm/ Cây trâm có trái/ Con gái có duyên/ Đồng tiền có lỗ/ Bánh tổ thời ngon/ Bánh dầy thời béo/ Cái kéo thợ may/ Cái cày cày ruộng/ Cái thuổng đắp bờ/ Cái lờ thả cá/ Cái ná bắn chim/ Cái kim may áo/ Cái gáo đi săn/ Cái khăn bịt trốc/ Cái nốc đi buôn/ Cái khuôn đúc bánh/ Cái chén múc chè/ Cái ve rót rượu/ Rước kiệu thật vui”.
Tương tự, đồng dao sẽ tạo ra các nhịp điệu hào hứng khác nhau cho các trò như Rồng rắn lên mây, Nu na nu nống, Thả đĩa ba ba…, đồng dao với trò chơi trẻ con là mối quan hệ không thể tách rời.
Những bài đồng dao trong trò chơi dân gian do quần chúng nhân dân tạo nên, thường không được viết ra và truyền lại trên giấy mực mà chủ yếu theo hình thức truyền miệng, người này truyền cho người khác, thế hệ này truyền cho thế hệ khác, cứ như thế qua nhiều thế hệ ông cha, trò chơi dân gian trẻ con luôn có đồng dao theo kèm và do đó mà nó cũng có nhiều dị bản khiến nội dung của những bài đồng dao trong trò chơi mỗi vùng cũng khác nhau.
2.5.2.7. Trò chơi dân gian người lớn liên quan đến tín ngưỡng phồn thực
Duy trì, phát triển sự sống là vấn đề muôn thưở của con người, nhất là những con người sống trong nền văn hóa nông nghiệp, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt bởi bão lũ, thiên tai và dịch bệnh như nước ta và các nước phương Đông.
Với trí tuệ bình dân và lối tư duy tổng hợp, biện chứng, phụ thuộc vào thế giới tự nhiên, quần chúng nhân dân nhìn thấy trong cuộc sống quanh mình một sức mạnh siêu nhiên và bắt đầu nảy sinh tâm thức sùng bái tự nhiên như là thần thánh để cầu mong sự yên ấm, mùa vụ bội thu, con đàn cháu đống, tín ngưỡng phồn thực được ra đời từ lý do như vậy. Tín ngưỡng này đã tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử