Cưới xin (Pithi Apea Piea)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng dân gian của người khmer ở trà cú và sự biến đổi của nó trong cuộc sống đương đại (Trang 49 - 54)

Cưới xin là một vấn đề quan trọng đối với một cộng đồng dân tộc. Bởi lẽđây không chỉ là lợi ích của cá nhân mà còn có ý nghĩa quan trọng của cộng đồng. Chính vì vậy khi dựng vợ gả chồng cho con, người Khmer đặc biệt quan tâm đến dòng họ, đạo đức và ngày tháng năm sinh của đôi trẻ.

Ngày xưa, đám cưới của người Khmer thường tổ chức vào mùa khô, khi đã thu hoạch mùa màng xong. Đặc biệt là không được tổ chức lễ cưới vào mùa nhập hạ (3 tháng mùa mưa). Họ qui định những lễ nghi chính thức thì được tổ chức bên nhà gái, công việc săp xếp, tổ chức, lo liệu về vật chất thì do bên nhà trai. Đám cưới của người Khmer xưa kia phải trải qua các bước sau.

Dạm hỏi (si – sla đoc)

Khi cha mẹ nhà trai vừa ý người con gái làm dâu nhà mình, họ tìm một người có tuổi, đủ vợ chồng, sống hạnh phúc, vui vẻđểđứng ra làm mai mối cho đôi trai gái. Lễ dạm hỏi, người mai mối chỉ mang theo một ít trầu cau, thuốc hút. Khi đến nhà gái, người mai mối bày trầu cau và thuốc hút lên khay trầu đã được nhà gái chuẩn bị. Sau khi thăm hỏi sức khỏe, chuyện gia đình, người mai mối đặt vấn đề chuyện hôn nhân cho đôi trai gái để xem ý kiến của nhà gái thế nào. Nếu được chấp nhận người sẽ trở về báo lại với nhà trai để chuẩn bị bước thứ tiếp theo.

Lễăn hỏi (si – sla canh – seng)

Có thể xem đây là lễ thức đầu tiên của cuộc hôn nhân. Trong lễ này nhà trai mang theo nhiều lễ vật hơn như: trầu, cau, thuốc hút, đèn cầy, rượu, bánh trái, mỗi thứ phải là một đôi hoặc hai đôi không được là số lẻ. Trong khi đó nhà gái phải mời họ hàng đến dự thật đông đủ. Người mai mối đưa trầu cau mời mọi người cùng dùng với ý nghĩa: bằng lòng hợp tác cho đôi trẻ nên duyên vợ chồng.

Lễ xin cưới (pithi banh – chet pet)

Khi thực hiện xong lễăn hỏi, nhà trai sẽ trở vềđể chuẩn bị lễ xin cưới. Trong lễ này nhà trai cũng mang theo trầu, cau, thịt, rượu, bành trái, họ còn phải mang theo quần áo mới, nhẫn hoặc cả đôi bông tai tặng riêng cho cô dâu. Chú rễ cũng đi theo để ra mắt gia đình nhà gái. Cô dâu cũng được mời ra chào hỏi họ nhà trai. Nhà gái chuẩn bị cơm cúng tổ tiên và tiếp khách. Trong lễ này nhà trai còn mang theo tiền chuônh chum – nuônh. Tiền nhiều hay ít tùy thuộc vào khả năng, nhưng phải trao tận tay mẹ cô dâu, gọi là tiền đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục. Nếu người mẹđã mất thì giao cho người cha. Trong lễ này, Acha môha (người hiểu biết tục lệ cưới) xin nhà gái cho biết việc xây cất nhà cửa để ra riêng cho đôi tân hôn khi họ lấy nhau. Từ lúc này, chú rễ tương lai phải ở lại phục vụ bên nhà gái, làm mọi công việc đến khi tổ chức đám cưới. Đây xem như là thử thách của nhà gái đối với chú rễ, nếu không đáp ứng được thì đám cưới sẽ không thành. Nếu chú rễ vượt qua thử thách lễ cưới sẽđược tổ chức và diễn ra trong ba ngày.

Ngày nhập gia (thnay chôl rôn)

Sáng sớm, nhà gái chuẩn bị hai mâm cơm và một đĩa bai prô – lưng (cơm gọi hồn vía) cúng tổ tiên xin phép cho con gái đi lấy chồng. Đĩa này gồm một nắm cơm được gói trong lá chuối có dán giấy đỏ, trên đỉnh cắm một bông vạn thọ; ba trái chuối chín và một sợi chỉđỏ. Khi cúng tổ tiên xong người ta lấy chỉ đỏ cột vào tay người con gái với quan niệm gọi hồn vía về để người con gái có đầy đủ trí khôn. Nhà trai cũng cử người sang nhà gái cất rạp (son – rôn), dựng bàn thờ Phật, trang trí nơi tổ chức lễ cưới. Thức ăn để nấu đãi khách cũng được nhà trai mang đến trong ngày này.

Ngày cưới (si com – not)

Sáng sớm nhà trai cũng làm hai mâm cơm và Prô – lưng như bên nhà gái ngày nhập gia. Xong bạn bè và người thân trong gia đình đưa chú rễ sang nhà gái gọi là he phlê – chhơ. Dưới sự hướng dẫn của ông Acha pêlea (người hướng dẫn buổi lễ, ông này phải rành nghi lễđám cưới, phải biết múa) hai ông Môha cùng một

số thanh niên nam nữđội mâm đựng các lễ vật như: vịt luộc, đầu heo, mứt, rượu, bánh, trái, trầu cau. Buồng cau (buồng cau còn ở giai đoạn trổ bông) phải do chị hoặc người cô của chú rễ bưng vì đây là lễ vật quí nhất trong các lễ vật. Để tăng thêm danh dự cho chàng rễ, họ che dù cho chú rễ và người bưng buồng cau, có thêm dàn nhạc đi theo phục vụ. Hôm ấy, bên nhà gái rào kín cổng. Khi đến gặp cổng rào, ông Acha pêlea cho dừng đoàn lại, một mình ông vào nhà gái xin phép mở rào. Nhà gái yêu cầu phải có 2 mâm cơm, con gà luộc, 2 chai rượu và múa mở rào. Sau khi múa đủ 3 lần, ông Pêlea mới mở cổng và đưa đoàn nhà trai vào. Mẹ cô dâu ra đón. Đến cửa, em gái hoặc em trai cô dâu bưng nước trà mời anh rễ uống lấy thảo rồi mới đưa vào nhà. Lúc ấy, ông Môha xin được đặt các lễ vật cưới nơi tổ chức lễ.

Đầu tiên là lễ cúng ông bà tổ tiên và ăn trầu đính ước (si – sla com – not). Buổi chiều làm lễ cắt tóc sửa sang cho cô dâu và chú rễ. Sau đó làm lễ nhuộm răng cho cô dâu. Tục này gắn với truyền thuyết Pras Thôn Neang Nec. “Theo truyền thuyết này khi Pras Thôn cưới Neang Nec – công chúa Long cung, rồi đưa nàng về sống ởđất liền, trong triều đình Kos Kôt Thlôt, thì dân ởđây đau ốm, bệnh chết rất nhiều. Pras Thôn hoảng sợ nên cho tổ chức đám cưới lại và lần này, ông cho Acha đọc kinh khử độc ở răng Neang Nec. Ông cho rằng răng của Nec (rồng) có nhiều nọc độc, đã truyền cho dân chúng bệnh hoạn, chết chóc nên công chúa Nec (Neang Nec) phải nhuộm răng để khử độc” [7, 35]. Do đó, trong lễ cưới, các cô dâu đều phải nhuộm răng. Ngày nay, khi tổ chức lễ cưới thì người dân Trà Cú lấy nước dừa tươi thay thế thuốc nhuộm cho cô dâu súc miệng. Lúc này, ông Acha Pêlea mới dạy dỗ cô dâu cách sống ởđời thế nào cho phải đạo. Sau đó họ đưa chú rễđến trình diện thần làng (Neak Ta) để thần làng công nhận thành viên mới của cộng đồng. Tối hôm đó, họ mời sư sãi đến tụng kinh cầu phúc cho đôi trai gái. Sau khi tụng kinh họ mời khách ăn uống. Khoảng 10 giờ đêm họ chọn 4 đôi trai gái còn trong trắng, hướng dẫn họ gói lại các lễ vật tặng để cô dâu chú tặng cho cha mẹ bên nhà gái nhằm đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Lúc này cô dâu chú rễ được gọi ra nhưng chưa được phép ngồi cạnh nhau để ông bà, họ hàng hai bên cột

tay. Người ta dùng chỉ hồng cột tay hai người, chú rễ cột trước rồi đến cô dâu. Họ nhà trai thường buộc tay phải của cô dâu chú rễ, họ nhà gái buộc tay trái. Mỗi lần buộc chỉ, cô dâu chú rễđược cho tiền và mỗi khi được cột tay xong, cô dâu chú rễ đều phải bái ba cái để tạơn. Sau đó, họ làm lễ cắt buồng cau (cat phca sla). Trong lễ này, Acha pêlea lấy buồng cau còn hoa chưa thành quả cắt thành ba phần, tượng trưng cho công cha, nghĩa mẹ, ơn anh.

Lễ lạy ông bà (pithi som –pas)

Trời vừa hửng sáng, Acha pêlea đưa chú rễ đến lạy bàn thờ (Rean Têvôđa) để giữa sân, có bày lễ vật cúng Têvôđa (ông trời) và đặc biệt là phải có đầu heo. Trong lễ này, chú rễ quì lạy trước bàn thờ, mặt quay về hướng đông đón chờ giờ tốt. Khi mặt trời vừa ló dạng, họ cho đó là giờ tốt, vì ánh mặt trời hồng, báo hiệu một tương lai tươi đẹp đang chờđôi tân hôn. Lúc đó, Acha pêlea đánh một tiếng cồng, chú rễ được đưa vào nhà lớn, ngồi xếp bằng. Acha pêlea vừa múa vừa hát mời cô dâu còn ở sau bức màn ra ngồi chung một bên với chú rễ. Acha pêlea thắp đèn Pôpil (tean pôpil). Đèn này được làm bằng một miếng giấy bạc cứng cắt thành hình lá đa, gắn chặt vào một cây đèn to (tượng trưng cho âm dương tạo ra con người). Sau khi đèn pôpil được thắp sáng, các Acha vừa truyền tay nhau vừa đọc kinh chúc tụng cho đôi tân hôn được hạnh phúc con cái đùm đề. Tiếp theo Acha môha làm lễ múa rắc hoa cau lên người đôi trai gái rồi rắc từ chổ ngồi đến buồng tân hôn. Ông còn múa mở nắp mâm trầu (rom bơt bai sây), tượng trưng việc cho phép hai người thành vợ chồng. Kếđó là buộc chỉ cổ tay (bai khanh chon đay) để cho cuộc sống lứa đôi bền vững lâu dài.

Sau lễ buộc chỉ cổ tay, theo sự hướng dẫn của Acha môha, cô dâu chú rễ vào phòng tân hôn. Theo qui định của thể thức, cô dâu đi trước, chú rễ theo sau, tay nắm vạt áo cô dâu. Ông Môha múa quét chiếu (bôs canh – têl) vừa múa vừa lấy chân cuốn chiếu mà người ta đã trải cho cô dâu chú rễ ngồi với ý nghĩa trừ khử hết mọi tai nạn rủi ro. Làm xong các lễ tiết trên cô dâu chú rễ mới được phép ra ngoài tiếp khách.

Buổi tối người ta còn tổ chức lễ chung giường cho đôi vợ chồng mới cưới. Họ mời hai người đàn bà đã làm đám cưới theo đúng phong tục, gia đình hòa thuận có con và của cải nhiều để trải chiếu mới cho đôi tân hôn. Họ dọn bánh trái, nước ngọt, trà, nhang đèn cúng tổ tiên rồi cho đôi tân hôn chia nhau ăn. Đôi tân hôn đút chuối, chia nước dừa cho nhau mong có một tình yêu đậm đà. Ăn xong, hai người vào giường, người vợ vào trước chồng vào sau. Hai bà trải chiếu dạy dỗ cho 2 vợ chồng mới biết cách ăn ở tôn trọng nhau. Đám cưới đến đây được xem như là hoàn thành.

Ngoài ra người Khmer huyện Trà Cú còn có những nghi lễ riêng cho đám cưới đàn ông, đàn bà góa (Phithi lơk sla). Theo phong tục của người Khmer đàn ông góa vợ, đàn bà góa chồng muốn xây dựng gia đình một lần nữa thì họ làm một lễ gọi là Pithi lơk sla. Đán cưới chỉ tổ chức trong khoảng thời gian là một buổi hay một ngày và không phân biệt giai đoạn nhưđám cưới lần đầu tiên. Họ chỉ muốn tổ chức lễ để thưa với linh hồn chồng hoặc vợ tha thứ tội lỗi, thông cảm cho mối duyên đứt gãy của họ. Bữa tiệc chỉ khoảng hai ba mâm cơm. Họ cũng chỉ mời bà con, hàng xóm lại cùng chia vui và cột tay chúc hai người hạnh phúc.

Nếu đối sánh với nghi thức cưới hỏi của người Kinh tại đây thì nghi thức cưới hỏi của người Khmer thể hiện niềm tin Phật giáo khá lớn. Khi tổ chức cưới hỏi, người Kinh chỉ tổ chức cho đôi trai gái lạy ông bà tổ tiên hai bên, lạy tạ công ơn sinh thành của cha mẹ, thực hiện các nghi thức chúc phúc cho đôi trai gái. Chúng tôi nhận thấy sự phân biệt rõ nét nhất trong việc cưới xin của người Khmer và người Kinh là nghi thức tụng kinh chúc phúc. Khi tổ chức cưới xin, người Khmer luôn lập bàn thờ Phật trước sân nhà để chú rễ cô dâu làm lễ. Khi hành lễ, cô dâu, chú rễ và mọi người phải ngồi – đây cũng là hình thức đảnh lễ Phật của người Khmer. Hơn nữa, tục nhuộm răng cho cô dâu bắt nguồn từ truyền thuyết Pras Thôn với Neag Nec phản ánh sựảnh hưởng của tín ngưỡng thờ rắn của người Khmer. Người Khmer tôn sùng rắn Naga là biểu tượng cho tôn giáo, tượng trưng cho sự sáng tạo, hủy diệt và tái sinh. Tục nhuộm răng cô dâu là một trong những bổ sung quan trọng cho những huyền bí của hình tượng rắn. Các ý nghĩa biểu trưng của rắn chủ yếu được hình

thành bằng tư duy huyền thoại – tư duy chủ yếu tập trung vào những vấn đề siêu hình, bí ẩn, của sự sống và cái chết. Khi tín ngưỡng thờ rắn ngày càng được con người linh thiêng hóa, rắn trở thành biểu tượng tôn giáo của Phật giáo Nam Tông, tượng trưng cho sự sáng tạo và hủy diệt thì tục nhuộm răng cho cô dâu trong ngày cưới là một hình thức tín ngưỡng mang dấu ấn Phật giáo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín ngưỡng dân gian của người khmer ở trà cú và sự biến đổi của nó trong cuộc sống đương đại (Trang 49 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)