Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển BHYT toàn dân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế phát triển bảo hiểm y tế toàn dân tại bảo hiểm xã hội thành phố sông công, tỉnh thái nguyên (Trang 27 - 31)

5. Kết cấu của luận văn

1.1.4 Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển BHYT toàn dân

1.1.4.1 Các nhân tố khách quan

a) Hệ thống pháp luật và chính sách về bảo hiểm y tế toàn dân

Đây là một trong những nhân tố rất quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến nguồn thu Quỹ BHYT. Nguyên nhân do BHYT là một chính sách xã hội do Nhà nước thống nhất ban hành. Chính sách này luôn được bổ sung, hoàn

thiện cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu trong chính sách, pháp luật BHYT quy định toàn dân tham gia BHYT thì đối tượng tham gia đóng góp vào quỹ sẽ rất lớn. Hoặc quy định rõ đối tượng nào phải tham gia bắt buộc, đối tượng nào phải tham gia tự nguyện, sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu của những đối tượng này khi tham gia, từ đó tác động không nhỏ đến sự phát triển của nguồn thu. Tương tự, nếu trong chính sách, pháp luật quy định mức đóng của từng loại đối tượng cụ thể ra sao, sẽ ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến nguồn thu, sự phát triển của nguồn thu quỹ BHYT.

b) Điều kiện kinh tế - xã hội

Môi trường kinh tế - xã hội là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến nguồn thu của Quỹ BHYT. Nếu nền kinh tế phát triển thì sự đóng góp của doanh nghiệp, người lao động, doanh nghiệp không quá khó khăn. Ngược lại, gặp suy thoái kinh tế, doanh nghiệp phá sản, người lao động không có việc làm, sẽ gây tác động tiêu cực đến nguồn thu Quỹ BHYT. Mặt khác, còn làm mất ổn định chính trị - xã hội. Vì vậy, tác động của môi trường kinh tế - xã hội là rất lớn và có tính khách quan đến nguồn thu Quỹ BHYT. Ở Việt Nam và thế giới, tác động của suy thoái kinh tế làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường văn hóa - xã hội; tuy nhiên, Nhà nước sẽ tác động trực tiếp, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các công cụ kinh tế vĩ mô, nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện các nghĩa vụ với người lao động, trong đó có đóng BHYT.

c) Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHYT

Công tác tuyên truyền giúp chuyển biến và nâng cao nhận thức của người dân để tham gia BHYT, giúp đối tượng, các cơ quan quản lý BHYT... xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia BHYT để bảo vệ quyền lợi về chăm sóc sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, góp phần bảo đảm An sinh xã hội quốc gia và phát triển kinh tế đất nước. Nếu tuyên truyền không tốt sẽ có tác động tiêu cực, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của người dân, khiến số

người tham gia BHYT ở mức thấp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu quỹ BHYT. Do vậy, với công tác này cần được chú trọng hơn nữa, đầu tư đúng mức để chính sách, pháp luật BHYT đến gần hơn với người dân; giúp gia tăng đối tượng tham gia BHYT.

d) Công tác quản lý thu BHYT

Mục tiêu của công tác này là đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời gian, chống thất thu, lạm dụng, không nợ đọng BHYT. Từ mục tiêu cần xác định về quy trình quản lý đối tượng tham gia BHYT, xác định số phải thu để giao chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm cho địa phương. Nên xác định đối tượng tham gia BHYT là bắt buộc rất cần có chỉ tiêu pháp lệnh, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu cho UBND các địa phương, coi đây là một chỉ tiêu ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Xác định số đơn vị, số người trốn đóng BHYT ở từng đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật. Xác định số đơn vị, số người, số tiền nợ đọng để phân loại đơn vị nợ không đòi được do giải thể, phá sản xử lý, đưa ra khỏi danh sách và giải quyết chốt sổ BHXH theo quy định; đơn vị nợ còn khả năng đòi được cần áp dụng các biện pháp hành chính để xử lý nợ đọng.

đ) Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT

Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT có tác động rất lớn đến việc mở rộng đối tượng tham gia và từ đó, tác động đến nguồn thu Quỹ BHYT. Chất lượng khám, chữa bệnh liên quan đến giá thuốc, kỹ thuật điều trị, cách cư xử, giao tiếp của đội ngũ y, bác sỹ, thủ tục hành chính, quy trình khám, chữa bệnh... khi người dân đến khám, chữa bệnh BHYT. Chất lượng khám, chữa bệnh tốt, người tham gia BHYT hài lòng, ủng hộ tích cực và ngược lại. Cho dù không tác động trực tiếp, song chất lượng khám, chữa bệnh lại có tác động gián tiếp rất lớn đến đối tượng tham gia và sự phát triển của nguồn thu Quỹ BHYT.

Ngoài những nhân tố định tính nêu trên, còn có một số nhân tố khác cũng tác động lớn đến sự phát triển của nguồn thu Quỹ BHYT như phương

thức đóng phí BHYT, gói dịch vụ BHYT..., từ đó ảnh hưởng đến việc phát triển BHYT toàn dân.

1.1.4.2 Các nhân tố chủ quan

a) Đối tượng tham gia, cơ cấu đối tượng tham gia BHYT

Có thể nói, đây là nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến nguồn thu và sự phát triển nguồn thu Quỹ BHYT. Số lượng người tham gia đông không chỉ làm tăng nguồn thu mà còn bảo đảm được nguyên tắc “số đông bù số ít”. Ngoài ra, cơ cấu đối tượng tham gia cũng có tác động rất lớn, bởi nếu những nhóm đối tượng có mức phí cao tham gia ngày càng đông thì chắc chắn nguồn thu sẽ tăng nhanh và ngược lại. Từ thực tiễn hoạt động, hiện nay pháp luật BHXH ở nước ta đã ngày càng hoàn thiện, quy định BHYT bắt buộc toàn dân là một chủ trương rất đúng đắn, huy động sức mạnh của cả cộng đồng cùng chung tay, góp sức với Nhà nước, xây dựng Quỹ BHYT đủ mạnh, bền vững đủ sức chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong bối cảnh chi phí y tế gia tăng và xóa bỏ hoàn toàn bao cấp trong thời gian tới.

b) Mức đóng góp và phương thức đóng góp BHYT

Mức đóng góp BHYT thường được quy định tại các văn bản pháp quy. Mức đóng góp cao hay thấp còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Có nghĩa là, nếu điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, mức sống và thu nhập của người dân ngày càng tăng thì mức đóng góp BHYT cũng sẽ được quy định tăng lên ngay trong các văn bản pháp luật. Ngoài ra, giá cả các loại dịch vụ y tế tăng, Nhà nước có thể phải quy định mức đóng góp tăng để bảo đảm cân đối Quỹ BHYT. Phương thức đóng góp cũng có tác động đáng kể đến nguồn thu Quỹ BHYT, đóng 01 năm/lần sẽ khác với đóng 03 tháng/lần hay 06 tháng/lần. Đóng 01/lần sẽ giúp Quỹ BHYT tăng lớn hơn do lãi đầu tư quỹ nhàn rỗi đem lại. Thời gian đóng BHYT được xác định theo năm tài chính. Thẻ BHYT khi phát hành có giá trị sử dụng một năm (đủ 12 tháng); nửa năm (đủ 06 tháng); một quý (đủ 03 tháng).

c) Nhận thức của người dân về BHYT

Yếu tố này xuất phát từ trình độ học vấn của người dân. Với những người có trình độ cao, có kiến thức hiểu biết về việc chăm sóc sức khỏe bản thân, của gia đình và có ý thức chia sẻ rủi ro với cộng đồng sẽ ra quyết định chắc chắn về việc tham gia BHYT và ngược lại, với những người trình độ học vấn còn hạn chế sẽ là 1 rào cản trong việc họ tiếp nhận thông tin quan trọng về tính ưu việt của chính sách BHYT cũng như việc cần thiết phải tham gia BHYT.

Ngoài ra, yếu tố này còn chịu sự chi phối từ hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT thông qua các hình thức trực tiếp hay gián tiếp từ các cơ quan ban ngành địa phương, cơ quan BHXH tại nơi cư trú. Điều này đòi hỏi công tác tuyên truyền cần phải được thực hiện sát sao hơn nữa, phong phú về hình thức, đổi mới về nội dung, đa dạng về phương thức tiếp cận, từ đó sẽ góp phần nâng cao nhận thức người tham gia BHYT. Đồng thời, đặt ra bài toán cho cơ quan BHXH cần đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong quá trình hoàn thiện thủ tục tham gia, trong công tác khám chữa bệnh, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân với hệ thống BHYT.

Yếu tố nhận thức của người dân về BHYT giữ vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh tính hiệu quả khi khai thác đối tượng mới và phát triển bền vững những đối tượng đã và đang tham gia BHYT.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế phát triển bảo hiểm y tế toàn dân tại bảo hiểm xã hội thành phố sông công, tỉnh thái nguyên (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)