5. Bố cục của luận văn
1.1.4. Bản chất của Bảo hiểm xã hội
- BHXH được coi là một chính sách xã hội quan trọng của bất kỳ nhà nước nào, nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất, cho đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người trong xã hội. Với tư cách là công cụ quan trọng để kiểm soát xã hội, Nhà nước phải can thiệp và tổ chức bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, đặc biệt là để giải quyết mối quan hệ thuê mướn lao động giữa chủ và thợ. Yêu cầu giới chủ phải thực hiện những cam kết đảm bảo điều kiện làm việc và nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần cho giới thợ, trong đó có nhu cầu về tiền lương, về chăm sóc y tế, về chăm sóc khi bị ốm đau, tai nạn, trả lương khi người lao động đến tuổi hưu, đồng thời bản thân người lao động cũng phải có trách nhiệm giành một khoản thu nhập để chi trả cho bản thân mình khi có những rủi ro xảy ra. Mặt khác, nhà nước được coi là một người chủ sử dụng lao động của mọi người lao động, vì vậy trong trường hợp sự đóng góp của NSDLĐ và NLĐ không đủ để trang trải cho những khoản chi cho người lao động khi họ gặp phải rủi ro thì nhà nước phải có trách nhiệm dùng ngân sách của nhà nước để bảo đảm đời sống cơ bản cho người lao động. - Như vậy BHXH ra đời, tồn tại và phát triển là một nhu cầu khách quan. Nền kinh tế hàng hoá càng phát triển thì càng đòi hỏi sự phát triển và đa dạng của BHXH. Nền kinh tế hàng hoá phát triển là nền tảng, cơ sở của BHXH. BHXH được hình thành trên cơ sở quan hệ lao động, giữa các bên cùng tham gia và được hưởng BHXH. Nhà nước ban hành các chế độ chính sách BHXH, tổ chức ra cơ quan chuyên trách, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát hoạt động sự nghiệp BHXH. Chủ sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm đóng góp để hình thành quỹ BHXH. Người lao động và gia đình của họ được cung cấp tài chính từ quỹ BHXH khi họ có đủ điều kiện theo chế độ BHXH quy định. - Phân phối trong BHXH là phân phối không đều, nghĩa là không phải ai
tham gia BHXH cũng được phân phối với số tiền giống nhau. Phân phối trong BHXH vừa mang tính chất bồi hoàn vừa không mang tính bồi hoàn. những biến cố xảy ra mang tính tất nhiên đối với con người là thai sản, tuổi già và chết, trong trường hợp này BHXH phân phối mang tính bồi hoàn vì người lao động đóng BHXH chắc chắn được hưởng khoản trợ cấp đó. Còn trợ cấp do những biến cố làm giảm hoặc mất khả năng lao động, mất việc làm những rủi ro xảy ra trái ngược với ý muốn của con người như ốm đau, TNLĐ-BNN, là sự phân phối mang tính không bồi hoàn, có nghĩa là chỉ khi nào người lao động gặp phải tổn thất do ốm đau, TNLĐ-BNN … thì mới được hưởng khoản trợ cấp đó. - BHXH hoạt động theo nguyên tắc cộng đồng lấy số đông bù cho số ít, tức là dùng số tiền đóng góp nhỏ của số đông người tham gia BHXH để bù đắp chia sẻ cho một số ít người với số tiền lớn hơn so với số đóng góp từng người, khi họ gặp phải những biến cố rủi ro tổn thất.
- Hoạt động BHXH là loại hoạt động dịch vụ công, mang tính xã hội cao, lấy hiệu quả xã hội làm mục tiêu hoạt động. Hoạt động BHXH là quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các chế độ, chính sách BHXH của tổ chức kiểm soát sự nghiệp BHXH đối với người lao động tham gia và hưởng các chế độ BHXH. Là quá trình tổ chức thực hiện các nghiệp vụ thu BHXH đối với người sử dụng lao động và người lao động; giải quyết các chế độ, chính sách và chi BHXH cho người được hưởng, kiểm soát quỹ BHXH và thực hiện đầu tư bảo tồn và tăng trưởng quỹ BHXH.
- Ngoài ra, BHXH còn là phạm trù kinh tế xã hội tổng hợp, là một trong những chính sách kinh tế xã hội cơ bản nhất của mỗi quốc gia. Nó thể hiện trình độ văn minh, tiềm lực và sức mạnh kinh tế, khả năng tổ chức và kiểm soát của mỗi quốc gia.
- BHXH là hình thức bảo hiểm thu nhập cho người lao động, là sản phẩm tất yếu khách quan của xã hội phát triển. Khi kinh tế càng phát triển thì BHXH càng đa dạng và hoàn thiện. Vì thế có thể khẳng định sự phát triển kinh tế là
nền tảng của BHXH.
- BHXH là hình thức dịch vụ công để kiểm soát và đáp ứng nhu cầu chia sẻ rủi ro trong cộng đồng. Những rủi ro làm giảm hoặc mất khả năng lao động, mất việc làm trong BHXH diễn ra cả trong và ngoài quá trình lao động, có thể là những rủi ro ngẫu nhiên trái với ý muốn chủ quan của con người như: ốm đau, TNLĐ và BNN... hoặc cũng có thể là những trường hợp xảy ra không hoàn toàn ngẫu nhiên như: tuổi già, thai sản...
- BHXH vừa thực hiện các mục đích xã hội, vừa thực hiện các mục đích kinh tế. Cả hai mục đích này luôn được thực hiện đồng thời, đan xen lẫn nhau và là hai mặt không thể tách rời nhau. Khi đề cập đến các lợi ích kinh tế của BHXH đối với người lao động và đối với xã hội là đã bao hàm cả mục đích xã hội của nó. Ngược lại, các mục đích xã hội của BHXH cũng chỉ đạt được khi nó đồng thời mang lại các lợi ích kinh tế thiết thực cho người tham gia.
- BHXH là quyền cơ bản của người lao động. Bởi vì, mục tiêu của BHXH là nhằm thoả mãn những nhu cầu thiết yếu của người lao động trong trường hợp bị giảm hoặc mất thu nhập, mất việc làm. Mục tiêu này đã được Tổ chức Lao động quốc tế cụ thể hoá, đó là: đền bù cho người lao động những khoản thu nhập bị mất để đảm bảo nhu cầu sinh sống thiết yếu của họ; chăm sóc sức khoẻ và chống bệnh tật; xây dựng điều kiện sống đáp ứng các nhu cầu của dân cư và các nhu cầu đặc biệt của người già, người tàn tật và trẻ em. Với những mục tiêu đó, BHXH đã trở thành một trong những quyền con người và được Đại hội đồng Liên hợp quốc thừa nhận và ghi vào Tuyên ngôn Nhân quyền ngày 10 tháng 12 năm 1948: "Tất cả mọi người với tư cách là thành viên của xã hội có quyền hưởng BHXH, quyền đó được đặt cơ sở trên sự thoả mãn các quyền về kinh tế, xã hội và văn hoá cần thiết cho nhu cầu về nhân cách và sự tự do phát triển con người" (Tuyên ngôn Quốc tếNhân quyền,1948, Bách khoa toàn thư mở, http://vi.wikipedia.org).