6. Kết cấu của luận văn
3.1.2. Điều kiện kinh tế xã hội
Bắc Giang là một tỉnh có xuất phát điểm về kinh tế thấp, là tỉnh thuần nông, dân số đông, số hộ nghèo và cận nghèo lớn, thu ngân sách còn hạn hẹp nên dù đã có nhiều cố gắng, song đến nay Bắc Giang vẫn còn là tỉnh đang phát triển, GDP bình quân/người mới đạt trên một nửa mức trung bình của cả nước, lao động trình độ thấp, giá nhân công rẻ, nhiều tiềm năng là lợi thế so sánh của tỉnh chưa được phát huy, khai thác và sử dụng hiệu quả.
Tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân trong 3 năm từ 2017 đến 2019 đạt: 15,19% năm. Cơ cấu nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng (từ 51,41% năm 2018 lên 57,6% năm 2019), giảm các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (từ 18,88% năm 2018 xuống còn 15,8% năm 2019). Thu nhập bình quân đầu người tăng lên qua các năm (2017: 1850 USD; 2018: 2371 USD; 2019: 2620 USD).
Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phát triển, trong đó, các khu vực, các ngành, các địa phương đều có mức tăng khá; Tỉnh Bắc Giang có 06 Khu công nghiệp (có 04 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút rất đông các doanh nghiệp đầu tư gồm: Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung, Song Khê - Nội Hoàng; 02 khu công nghiệp đang được xây dựng và bước đầu đi vào hoạt động, gồm: Hòa Phú và Việt Hàn); có 38 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.208 ha. Tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn tiếp tục phát triển; toàn tỉnh có gần 15 nghìn hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 435 làng có nghề; trong đó có 33 làng đạt tiêu chí làng nghề theo quy định.
Thu ngân sách vượt kế hoạch; chi ngân sách đáp ứng cơ bản các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Số thu trên địa bàn tăng nhanh qua các năm, năm 2017
đạt 69.060 tỷ đồng; năm 2018 đạt 88.259,1 tỷ đồng; năm 2019 đạt: 108.915 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn qua các năm 2017 đạt: 34.100 tỷ đồng; 2018 đạt: 43.395 tỷ đồng; 2019 đạt: 53.795 tỷ đồng. Thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI đạt kết quả tốt; vốn đầu tư tăng mạnh, chất lượng dần được cải thiện. Tính đến 31/12/2019, toàn tỉnh đã cấp mới 194 dự án và điều chỉnh tăng vốn đối với 58 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung quy đổi đạt 1.264,7 triệu USD, tăng 94%; trong đó cấp mới 115 dự án, điều chỉnh 23 dự án đầu tư trong nước vốn đăng ký đạt 4.020,6 tỷ đồng; cấp mới 79 dự án, điều chỉnh 35 dự án FDI với tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 1.092,2 triệu USD, gấp 2,1 lần. Nhìn chung, các dự án đầu tư được cấp mới trên địa bàn có quy mô lớn hơn, vốn đầu tư trung bình của các dự án đầu tư trong nước đạt 22,8 tỷ đồng/dự án, tăng 26,5%, các dự án FDI đạt 11,3 triệu USD/dự án, gấp 4,1 lần so với năm 2018. Tổng vốn thực hiện các dự án FDI đạt 675 triệu USD, tăng 33%.
Tính riêng về đầu tư FDI, tỉnh Bắc Giang đứng thứ 6 toàn quốc về tổng vốn đầu tư thu hút (sau TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Tây Ninh).
Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được tăng cường, đã nâng cấp các tuyến quốc lộ 31, 37, 279 và tỉnh lộ 398, 242; xây mới cầu Bắc Giang, cầu Đông Xuyên, cầu Bến Đám, cầu Bến Tuần, cầu Đồng Sơn, đường nối tỉnh lộ 398 với quốc lộ 18, mở rộng đường Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, đường vành đai 4 nối Bắc Giang với Hà Nội. Giao thông đến trung tâm các huyện thuận tiện; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm. Tỷ lệ kiên cố hóa nông thôn đạt 48%, tăng 16% so với năm 2017.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục tiến bộ, đời sống nhân dân ổn định và từng bước được nâng lên; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được được đảm bảo Các chính sách về an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp người có công, bảo trợ xã hội và hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm khi nhà nước thu hồi từ 50% diện tích đất nông nghiệp trở lên. Nhờ các chính sách hỗ trợ tích cực về sản xuất và đời sống của Đảng và Nhà nước, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được cải thiện, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm, đời sống vật chất được nâng lên rõ rệt.