6. Kết cấu của luận văn
3.3.2. Các yếu tố ảnh hưởng
Qua phân tích tình hình số lượng, chất lượng công chức cấp xã của tỉnh Bắc Giang; tổng hợp ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo, ý kiến đánh giá của người
dân và công chức quản lý cấp huyện, phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ và thách thức trong giai đoạn hiện nay, tác giả thấy đội ngũ công chức cấp xã đã trưởng thành về mọi mặt và cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, còn có công chức chưa học xong THPT, tỷ lệ công chức chưa đạt chuẩn về chuyên môn, lý luận chính trị theo quy định còn cao, trình độ tin học, ngoại ngữ còn yếu; phương pháp làm việc chưa khoa học, kỹ năng thuyết trình, lập và tổ chức thực hiện kế hoạch, giải quyết tình huống còn kém; việc tiếp xúc, ứng xử với người dân còn hạn chế, một bộ phận công chức đạo đức, lối sống suy thóai, có tình trạng cửa quyền, sách nhiễu nhân dân... làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền ở cở sở. Những hạn chế, yếu kém trên do nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu do các yếu tố sau đây:
a) Bản thân công chức
Số công chức cấp xã của tỉnh Bắc Giang tuổi cao (trên 50 tuổi) chiếm tỷ lệ lớn, còn 03 công chức chưa tốt nghiệp THPT.
Một mặt, do tuổi cao nhận thức hạn chế, ngại đi học, mặt khác do một số công chức khác có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhất là đối với công chức nữ, do vậy đã ảnh hưởng đến việc học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ.
Bản thân một số công chức cấp xã của tỉnh Bắc Giang chưa có ý chí phấn đấu vươn lên, chưa tích cực đị học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ hoàn thiện bản thân mình, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
b) Tổ chức quản lý
Công tác tuyển dụng:
Do tồn tại cũ để lại, hầu hết công chức cấp xã ở tỉnh Bắc Giang được tuyển dụng trước năm 2004, trước khi Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2003/NĐ- CP ngày 10/10/2003 về công chức xã, phường, thị trấn và trước khi Bộ Nội vụ ban hành Quyết định 04/2004/QĐ-BNV quy định tiêu chuẩn đối với công chức cấp xã.
Trước đây, vấn đề quản lý đội ngũ công chức cấp xã được điều chỉnh bởi Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ. Theo Nghị định này, tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức cấp xã chưa được quy định cụ thể, việc tuyển dụng công chức cấp xã chưa có quy chế tuyển dụng, thẩm quyền bố trí,
tuyển dụng công chức cấp xã là do UBND cấp xã. Trong khi đó ở các xã thuộc miền núi, vùng cao và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn việc tuyển dụng công chức cấp xã hầu như chưa thực hiện được việc thi tuyển, lựa chọn về chuyên môn, nghiệp vụ, do thiếu nguồn lực có trình độ về xã công tác. Bên cạnh đó, ở một số địa phương yếu tố gia đình, dòng họ cũng có ảnh hưởng tới việc tuyển chọn công chức cấp xã. Chính vì điều đó đã dẫn đến tình trạng trước đây có một số công chức cấp xã khi được tuyển dụng mới chỉ học xong Trung học phổ thông mà chưa được đào tạo qua bất cứ một chuyên môn, nghiệp vụ nào. Do vậy, đội ngũ công chức cấp xã được hình thành chủ yếu là những người trưởng thành từ phong trào thực tế ở địa phương và bộ đội xuất ngũ được bố trí vào làm các chức danh công chức cấp xã.
Trong tuyển dụng công chức, hiện nay tỉnh Bắc Giang đã tuyển thẳng, đặc cách đối với những người có trình độ Tiến sỹ, Thạc sỹ. Tuy nhiên chưa thực sự thu hút hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi, xuất sắc về làm việc tại các xã, phường, thị trấn để tạo nguồn công chức cũng như nâng cao trình độ công chức cấp xã, do vậy mà trình độ công chức cấp xã tỉnh Bắc Giang còn hạn chế.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức:
Hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh chưa toàn diện, còn nhiều hạn chế, vấn đề đào tạo bồi dưỡng công chức cấp xã của tỉnh Bắc Giang vẫn thụ động, cứng nhắc, giảng viên còn hạn chế về kiến thức thực tiễn, nặng về hàn lâm, học lại, nghe lại những nội dung có trong giáo trình đại học, cao đẳng... trong khi đó, nội dung chương trình nhìn chung vẫn nặng về lý luận chính trị và trùng lặp, chưa đi sâu vào khoa học hành chính, kỹ năng nghiệp vụ quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế; công tác khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nội dung gì, chuyên môn nào, để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho sát thực tiễn, nhất là những lớp đại học chuyên ngành, những mặt còn yếu đối với công chức cấp xã dẫn đến trình độ công chức cấp xã còn hạn chế. Trong một vài năm trở lại đây, trình độ học vấn của đội ngũ công chức cấp xã tuy đã được nâng lên, nhưng những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực Nhà nước và quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế thì rất yếu và thiếu. Hơn thế nữa, đội ngũ công chức lại bị ảnh hưởng thường biến động do các cuộc bầu cử từ công chức được bầu cử làm cán bộ. Do đó số công chức thiếu hụt lại phải tuyển dụng bổ sung mới. Điều này có hạn chế lớn đến chất lượng công tác của đội ngũ công chức.
Tỉnh chưa hỗ trợ kinh phí thỏa đáng cho công chức đi học tập, bồi dưỡng; kinh phí học tập, bồi dưỡng của công chức vẫn do các cơ quan, đơn vị tự chi trong kinh phí khoán chi thường xuyên hoặc cá nhân tự lo, do vậy chưa có sức hấp dẫn và tạo điều kiện cho công chức đi học tập, nâng cao trình độ.
Số lượng công chức cấp xã chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn được tuyển dụng trước đây để lại khá lớn, việc đào tạo, bồi dưỡng mấy năm trở lại đây chưa thể khắc phục hết được, vẫn còn công chức còn chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, dẫn đến chất lượng thấp; trong khi đó chế độ, chính sách và vị thế thấp của công chức cấp xã làm cho đội ngũ này không an tâm trong công tác, không có lòng nhiệt tình đối với công việc mà mình được giao, không có chí tiến thủ. Đồng thời, địa bàn cấp xã không có sức hút đối với những người có năng lực, trình độ học vấn và nhất là đối với sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác tại cấp xã.
Công tác đánh giá, bố trí, sử dụng công chức:
Công tác đánh giá công chức của tỉnh Bắc Giang nhiều khi còn hình thức, chung chung, chưa tạo được sự dân chủ, khách quan trong đánh giá công chức, đánh giá đôi khi còn theo ý chủ quan cá nhân lãnh đạo, còn tình trạng né tránh, ngại va chạm, thiếu sát thực, chưa có tiêu chí theo điểm số rõ ràng, dẫn đến bố trí, sử dụng công chức chưa đúng, chưa phát huy được năng lực sở trường, chưa tạo được động lực học tập, rèn luyện và làm việc, nâng cao trình độ của công chức.
Công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật công chức:
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật công chức còn nhiều hạn chế, chưa chủ động phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm khuyết điểm, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao, tính giáo dục, tính chiến đấu chưa cao, do vậy, chưa gắn trách nhiệm của công chức, nhất là người đứng đầu trong thực thi công vụ cũng như việc học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ của công chức. Mặt khác do tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, nhất là một thời gian dài thiếu quan tâm đến cơ sở, buông lỏng công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đội ngũ công chức cấp xã dẫn đến tình trạng một bộ phận không nhỏ xa sút về phẩm chất đạo đức và tinh thần, trách nhiệm, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực phát sinh làm giảm sút chất lượng đội ngũ công chức.
Công tác thi đua, khen thưởng còn nặng về hình thức, chưa sát thực tế, nội dung chưa phong phú; việc khen thưởng, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến chưa kịp thời, chưa tạo được động lực khuyến khích, động viên, thúc đẩy phong trào thi đua, học tập của công chức để nâng cao chất lượng, hiệu quả.
c) Xã hội
Đại đa số công chức cấp xã của tỉnh Bắc Giang trưởng thành từ thực tế phong trào của địa phương, chưa được đào tạo bài bản qua các trường công lập, chủ yếu học các lớp trung cấp tại chức đào tạo tại trường Chính trị tỉnh hoặc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện; tác phong, lề lối làm việc theo kiểu "nông dân", tâm lý làng xã, an bài, dĩ hoà, vi quý, không có chí tiến thủ, không khoa học... đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của công chức cấp xã.
Tỉnh Bắc Giang là một tỉnh điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhất là ở huyện miền núi, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, thì việc xây dựng trụ sở, bố trí phòng làm việc, mua sắm trang, thiết bị, máy vi tính đối với các xã, thị trấn còn hạn chế, nhiều công chức cùng làm việc một phòng, dùng chung máy vi tính, thiếu thốn trang, thiết bị làm việc... cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng của công chức cấp xã.
Trên đây là những yếu tố làm ảnh hưởng đến chất lượng của đội ngũ công chức cấp xã của tỉnh Bắc Giang. Đứng trước đòi hỏi của sự phát triển của đất nước cũng như vấn đề xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước thì yêu cầu bức thiết đặt ra là phải nâng cao chất lượng, hiệu quả của các ngành, các cấp, trong đó chính quyền ở sở mà đội ngũ công chức cấp xã là nòng cốt. Muốn đạt được điều này không những cần có sự quan tâm của Nhà nước mà chính bản thân đội ngũ công chức cấp xã cũng phải nỗ lực rất nhiều để nâng cao trình độ, đáp ứng tiêu chuẩn do Nhà nước quy định và hoàn thành tốt công việc được Đảng và Nhà nước giao phó.