Quan điểm xây dựng đội ngũ công chức cấp xã tỉnh Bắc Giang

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế nâng cao chất lượng công chức cấp xã ở tỉnh bắc giang (Trang 99 - 102)

6. Kết cấu của luận văn

4.1.1. Quan điểm xây dựng đội ngũ công chức cấp xã tỉnh Bắc Giang

Công chức là nhân tố con người, là nhân tố quan trọng nhất trong hệ thống chính trị nói chung và bộ máy Nhà nước nói riêng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Công chức là cái gốc của công việc” và “công chức quyết định hết thẩy”, “Công việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”. Do đó, để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước của dân, do dân và vì dân; một xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì vấn đề đầu tiên là xây dựng đội ngũ công chức, trong đó có đội ngũ công chức cấp cơ sở đủ đức, đủ tài để thực hiện mục tiêu trên.

Trong Văn kiện hội nghị lần thứ ba, Ban chấp hành Trung ương khóa VIII đã xác định quan điểm xây dựng đội ngũ công chức trong thời kỳ đổi mới như sau:

Phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên CNXH. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức giai đoạn 2011- 2020 là "Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân”.

Công tác cán bộ được đổi mới có vai trò quyết định thực hiện thắng lợi mục tiêu đó. Mặt khác, quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là môi trường thực tiễn để rèn luyện, tuyển chọn đào tạo công chức, nâng cao phẩm chất, kiến thức, năng lực của đội ngũ công chức.

Quán triệt quan điểm giai cấp công nhân của Đảng, phát huy truyền thống yêu nước và đoàn kết dân tộc. Thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng lập trường, quan điểm, ý thức tổ chức của giai cấp công nhân cho đội ngũ công chức. Đồng thời tăng cường số công chức xuất thân từ công nhân, trước hết là công chức chủ chốt trong hệ thống chính trị các cấp.

Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tập hợp rộng rãi các loại công chức, trọng dụng nhân tài, không phân biệt đảng viên hay người ngoài đảng, dân tộc, tôn giáo, người ở trong hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài; không định kiến với những người có sai lầm trong quá khứ nay đã hồi cải và sửa chữa.

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của đội ngũ công chức cách mạng để xây dựng các thế hệ công chức hiện tại và tương lai.

Gắn việc xây dựng đội ngũ công chức với xây dựng tổ chức và đổi mới cơ chế, chính sách.

Xây dựng đội ngũ công chức và xây dựng tổ chức, đổi mới cơ chế, chính sách, phương thức, lề lối làm việc có quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau. Có nhiệm vụ chính trị mới lập tổ chức; có tổ chức mới bố trí công chức, không vì công chức mà lập tổ chức. Mỗi công chức trong tổ chức phải có nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng.

Quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng công chức phải gắn với yêu cầu và nội dung xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; kiện toàn hệ thống chính trị, đổi mới cơ chế chính sách.

Thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạnh của nhân dân, nâng cao trình độ dân trí, tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng công chức.

Trên cơ sở phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí để xây dựng đội ngũ công chức một cách cơ bản, chính quy, có hệ thống; đồng thời thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân để giáo dục, rèn luyện, đào tạo, đánh giá, sàng lọc, tuyển chọn công chức.

Không đánh giá, sử dụng công chức một cách cảm tính, chủ quan. Mọi phẩm giá và bằng cấp, danh hiệu và chức vụ, tài năng và cống hiến đều phải được kiểm nghiệm qua hoạt động thực tiễn. Phong trào cách mạng của quần chúng là trường học lớn của công chức. Phải dựa vào dân để phát hiện, kiểm tra và giám sát công chức.

Đảng thống nhất lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ và quản lý đội ngũ công chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời phát huy trách nhiệm của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị.

Đảng trực tiếp chăm lo xây dựng đội ngũ công chức cho cả hệ thống chính trị trên mọi lĩnh vực. Đảng thực hiện đường lối, chính sách công chức thông qua các tổ chức Đảng (Ban cán sự, Đảng, Đoàn, Đảng ủy…) và đảng viên trong các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, thực hiện đúng quy trình, thủ tục, pháp luật của Nhà nước và điều lệ của các đoàn thể và tổ chức xã hội.

Phân công, phân cấp quản lý công chức cho các cấp ủy và các tổ chức Đảng; đồng thời thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác công chức của các ngành, các cấp coi đây là một trong những công việc quan trọng bậc nhất của lãnh đạo.

Những vấn đề về chủ trương, chính sách, đánh giá, bố trí, sử dụng, điều động, đề bạt, khen thưởng, xử lý kỷ luật công chức nhất thiết phải do cấp ủy có thẩm quyền quyết định theo đa số.

Quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ công chức nói chung để thực hiện thắng lợi những mục tiêu kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh, tỉnh Bắc Giang cần đặc biệt quan tâm, xây dựng công chức cấp xã, trong đó:

Cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cần có những chủ trương, nghị quyết, chương trình, kế hoạch chuyên đề về công chức nói chung và công chức xã ói riêng.

Cần có sự quản lý, điều hành chặt chẽ của các cấp chính quyền, sự vào cuộc mạnh mẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến xã về công tác cán bộ, công chức; thực hiện tốt việc phân cấp quản lý công chức, gắn trách nhiệm người đứng đầu quản lý và xây dựng đội ngũ công chức.

Đổi mới mạnh mẽ các khâu quản lý công chức, phát huy dân chủ trong quản lý công chức, chú trọng tuyển dụng công chức có trình độ, năng lực thực tiễn, coi trọng người có đức, có tài; đánh giá sát thực đối với công chức, lấy kết quả làm việc làm cơ sở để đánh giá công chức; bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng công chức; thường xuyên kiểm tra trong thi hành công vụ đối với công chức; phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm khuyết điểm của công chức, có cơ chế thu hút nhân tài... nhằm xây dựng được đội ngũ công chức nói chung và công chức cấp xã nói riêng vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đổi đất nước và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế nâng cao chất lượng công chức cấp xã ở tỉnh bắc giang (Trang 99 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)