CHƯƠNG 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.3. Đánh giá kết quả đạt được mặt hạn chế trong công tác quản lý ngân sách
3.3.2. Những hạn chế
- Công tác lập dự toán:Có một số đơn vị dự toán thuộc huyện lập và nộp dự toán đến cơ quan tổng hợp còn chậm, dẫn đến tổng hợp dự toán ngân sách huyện thiếu chính xác vì theo quy định dự toán ngân sách huyện phải được xây dựng từ dự toán của các đơn vị trực thuộc gửi lên (quy trình lập dự toán là từ dưới lên). Điều này làm cho dự toán ngân sách được giao chưa sát với đặc điểm tình hình KT-XH của từng địa phương.
Hiện nay, tiêu chí phân bổ ngân sách chưa khoa học, thiếu tính tự chủ và linh hoạt. Việc phân bổ dự toán cho các đơn vị mang tính định mức theo quy định nên chưa phát huy tính tự giác, năng động, sáng tạo trong mỗi cán bộ, công chức và từng tập thể đơn vị vì họ mang tính ỷ lại, thụ động “làm nhiều cũng như không làm”, định mức như nhau. Công tác lập dự toán và điều hành ngân sách trong năm chưa hướng mạnh vào việc tác động chuyển dịch cơ cấu
kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng để xây dựng nguồn thu ngân sách huyện đảm bảo cân đối chi.
- Về chấp hành dự toán:Việc sử dụng chứng từ thu chưa đúng quy định, còn sử dụng chứng từ thu là phiếu thu, ký tên người nộp tiền trên danh sách,.... Công tác quản lý thu thuế vẫn còn một số hộ kinh doanh trốn thuế, nợ đọng thuế. Cán bộ quản lý thuế vẫn chưa thực hiện tốt chức năng quản lý giám sát đối tượng nộp thuế. Tình trạng sót hộ vẫn còn phổ biến đối với hộ kinh doanh cá thể, số lượng hộ kinh doanh Chi cục thuế quản lý thu thường thấp hơn báo cáo của cơ quan đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể mà nguyên nhân một phần là do các hộ kinh doanh thường xuyên thay đổi địa điểm kinh doanh… Các đơn vị sử dụng NSNN thực hiện các chế độ chính sách, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu chưa nghiêm túc như công tác phí, chi hội nghị, chi viết bài, báo và các nội dung chi phục vụ các ngày lễ lớn còn lãng phí, nhiều cuộc hội thảo, hội nghị còn phô trương hình thức, đặc biệt chi hành chính nhiều nội dung không thiết thực.
Có một số nội dung chi của các ngành như: văn hóa thông tin, thể dục thể thao, sự nghiệp giáo dục – đào tạo chưa có định mức chi tiêu, định mức kinh tế kỹ thuật hoặc sử dụng định mức của ngành khác có loại hình tương tự nên công việc lập dự toán cấp phát kinh phí, kiểm soát chi tiêu thiếu căn cứ pháp lý.
Đối với các đơn vị giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và kinh phí chi hành chính theo Nghị định số 130/NĐ-CP; tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp theo Nghị định số 43/NĐ-CP:
Chưa có cơ sở tính toán việc phân bổ kinh phí một cách khoa học, mà chỉ căn cứ trên tình hình thực tế chi của các năm trước để làm căn cứ giao dự toán năm đầu của thời kỳ giao quyền tự chủ, chưa có công cụ, thước đo kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị, chưa phân định rạch ròi các chứng từ chi,
nội dung chi của nguồn kinh phí không tự chủ, dẫn đến hiệu quả sử dụng kinh phí NSNN chưa cao.
Nhiều khoản chi mang tính chất đầu tư XDCB như chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp giao thông để bảo dưỡng các tuyến đường, sửa chữa lớn các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, vẫn chưa được quản lý theo văn bản quản lý đầu tư và XDCB của Nhà nước, gây lãng phí và thất thoát.
-Quyết toán ngân sách huyện: Quyết toán thu: hàng năm đều vượt chỉ tiêu được giao là tín hiệu đáng mừng. Nhưng trong công tác lập dự toán thu NSNN, Chi cục thuế và các đơn vị chức năng chưa tính toán đầy đủ các nguồn thu, vẫn để tình trạng bỏ sót nguồn thu, gây thất thoát cho NSNN. Bên cạnh đó số thu ngân sách trong cân đối trên địa bàn chiếm tỷ trọng vẫn còn nhỏ.
Quyết toán chi NSNN của một số cơ quan, đơn vị còn nhiều nội dung thực hiện không đúng quy định của Nhà nước vẫn được chấp nhận quyết toán. Các biên bản thẩm tra quyết toán của cơ quan tài chính thường chỉ nêu vấn đề thực hiện quản lý NSNN không đúng quy định, chưa cương quyết loại bỏ, không chấp nhận quyết toán các nội dung chi sai quy định.
Việc quyết toán vốn đầu tư các công trình XDCB từ chi NSNN còn chậm so với quy định, vẫn còn tình trạng công trình sai về định mức, đơn giá hay thiếu khối lượng, sai chủ loại vật liệu,.. vẫn được quyết toán với NSNN.
Các cơ quan, đơn vị thường không lập và không gửi báo cáo quyết toán quý theo quy định và sau tháng 3 mới gửi báo cáo quyết toán năm, điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ lập báo cáo ngân sách của huyện và việc phân tích, đánh giá công tác chấp hành dự toán ngân sách trong năm.
-Công tác thanh tra, kiểm tra: Công tác thanh tra còn gặp nhiều khó khăn, do lực lượng đoàn thanh tra còn mỏng, cán bộ các phòng ban liên quan được cử đi còn bị chi phối bởi công việc chuyên môn nên thời gian tham gia đoàn không đầy đủ, bên cạnh có thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận sau thanh tra thiếu đồng bộ, chưa
thường xuyên, dẫn đến kết quả thu hồi chậm, đạt chưa cao.
Công tác thanh tra, kiểm tra chưa có sự phối hợp chặt chẽ, xử lý sai phạm chưa triệt để, có những sai phạm trong khâu quyết toán hoặc thanh tra ngân sách phát hiện nhưng vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện qua nhiều năm nhưng huyện cũng chưa có biện pháp xử lý nghiêm.