a. Phân cấp thực hiện quản lý chi BHXH
3.1.1. Giới thiệu chung về huyện Tam Đường
3.1.1.1. Điều kiện tự nhiên a) Vị trí địa lý
Huyện Tam Đường nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lai Châu, được thành lập ngày 14 tháng 01 năm 2002 trên cơ sở tách thị trấn Phong Thổ và 14 xã thuộc huyện Phong Thổ. Ngày 27/12/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 156/2006/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính, theo đó huyện có 68.656,56 ha diện tích tự nhiên và 40.685 nhân khẩu, có 13 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các xã: Sùng Phài, Nùng Nàng, Bản Giang, Bản Hon, Thèn Xin, Tả Lèng, Hồ Thầu, Bình Lư, Sơn Bình, Nà Tăm, Bản Bo, Khun Há và thị trấn Tam Đường. Đến ngày 8/4/2008, Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh huyện Tam Đường, thành lập thêm xã mới Giang Ma nâng tổng số đơn vị hành chính lên 14, trong đó có thị trấn Tam Đường và 13 xã. Huyện Tam Đường có vị trí tiếp giáp như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Phong Thổ;
- Phía Tây giáp huyện Sìn Hồ và thành phố Lai Châu; - Phía Đông giáp huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai);
- Phía Nam giáp huyện Sìn Hồ và huyện Than Uyên.
b) Địa hình, địa mạo
Huyện Tam Đường có địa hình đa dạng, độ dốc lớn, bị chia cắt, có nhiều núi cao như sườn phía Tây dãy Hoàng Liên Sơn, cao trên 1.000m. Ngoài ra còn có nhiều núi cao từ 1.500-2.000m, đặc biệt ở phía Nam huyện, đỉnh cao nhất 2.296m, xen kẽ những dãy núi cao là các thung lũng và
sông suối. Trên địa bàn huyện có thị trấn Tam Đường có địa hình bằng phẳng hơn, chủ yếu là thung lũng và đồi núi thấp nên đã hình thành cánh đồng Bình Lư với diện tích lớn, đất đai mầu mỡ để chuyên canh cây lúa nước. Huyện Tam Đường được cấu tạo bởi hai dãy núi Hoàng Liên Sơn và Pu Sam Cáp. Quá trình kiến tạo địa chất đã hình thành mạng lưới hang động lớn nhỏ trong lòng các dãy núi, tạo ra nhiều danh thắng đẹp như: Động Tiên Sơn, động Bản Hon, động Hủm Xanh…cùng nhiều thác nước như Thác Cầu Mây, thác Tác Tình, Cổng Trời, điều này tạo ra những tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển du lịch, nhất là các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm.
c) Khí hậu, thủy văn
Là một huyện nằm ở vùng Tây Bắc nước ta nên khí hậu tại đây cũng mang đặc trưng của vùng Tây Bắc. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại cây ăn quả ôn đới và loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 210C - 230C chia làm hai mùa theo độ ẩm là mùa mưa và mùa khô, chia làm 4 mùa theo nhiệt độ: xuân, hạ, thu, đông. Trên địa bàn huyện không có sông lớn chảy qua, chỉ có các chi lưu của sông Nậm Na, Nậm Mu. Năm 2019, toàn huyện hiện có 182 công trình thuỷ lợi với 424,1 km cung cấp nước tưới cho 5.177 ha và 110 công trình nước sinh hoạt nông thôn tại 130 bản/14 xã, thị trấn trấn trên địa bàn huyện (UBND huyện Tam Đường, 2019).
d) Các nguồn tài nguyên - Tài nguyên đất
Tam Đường có diện tích đất tự nhiên là 68.542,38 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là hơn 55.000 ha (chiếm 80,2% diện tích toàn huyện). Trên địa bàn huyện có cánh đồng Bình Lư với diện tích lớn, đất đai mầu mỡ để chuyên canh lúa nước. Nơi đây có 3 hệ thống sông suối chính, phân bố đồng đều, nguồn nước dồi dào phù hợp cho việc phát triển nông lâm nghiệp theo hướng tập trung với đa dạng các sản phẩm chất lượng cao.
- Tài nguyên rừng
Tam Đường có diện tích đất lâm nghiệp hơn 55.000 ha (chiếm 80% diện tích toàn huyện), trong đó đất có rừng hơn 33.000 ha. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường, gắn liền với đời sống nhân dân trong huyện. Tuy nhiên, do nhu cầu dân sinh nên một bộ phận nhân dân còn vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng làm cho rừng ngày càng suy giảm về diện tích và chất lượng. Mất rừng hệ lụy là sạt lở đất, lũ quét vào mùa mưa, hạn hán, thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, làm cho đời sống người dân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, giữ cho được diện tích rừng hiện có, đẩy nhanh diễn thế, tái sinh phục hồi và tích cực trồng rừng mới đang là nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề và cấp bách đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc huyện Tam Đường.
- Tài nguyên khoáng sản
Huyện Tam Đường được đánh giá là một trong những địa phương có trữ lượng tài nguyên khoáng sản tương đối lớn, chủ yếu là khoáng sản khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường như cát, đá, sỏi, đất sét…Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng có một số mỏ khoáng sản có giá trị kinh tế cao như: mỏ đất hiếm Đông Pao (xã Bản Hon); mỏ vàng, vàng đa kim ở các xã: Khun Há, Tả Lèng, Thèn Sin; mỏ sắt, chì, kẽm, nước khoáng… Với nguồn khoáng sản có trữ lượng lớn và phong phú, các hoạt động khai thác khoáng sản tạo điều kiện để huyện Tam Đường phát triển các ngành công nghiệp.
- Tài nguyên du lịch
Tam Đường được coi là cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan tuyệt đẹp được công nhận là danh lam thắng cảnh với thác Cầu Mây, thác Tác Tình, động Tiên Sơn, cọn nước Nà Khương và địa điểm mới khai trương là “cầu kính rồng mây”, đây là nơi du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh nên thơ của thành phố Lai Châu. Cùng nằm
trong dãy Hoàng Liên Sơn, Putaleng được mệnh danh là “nóc nhà thứ hai của Đông Dương” với độ cao 3.049m, chỉ sau đỉnh Fansipan cao 3.143m. Những năm gần đây, du lịch thám hiểm đỉnh Putaleng tại xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường trở thành sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm mới hấp dẫn dành cho du khách yêu thích khám phá mạo hiểm. Thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Tam Đường giai đoạn 2015-2020, đến nay, huyện đã xây dựng được 10 điểm du lịch, trong đó có nhiều điểm du lịch cộng đồng, sinh thái thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm như: Bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu); bản Lai Chải 1 (xã Khun Há); điểm du lịch cọn nước Nà Khương - Phiêng Tiên (xã Bản Bo); đồi thông Thèn Pả (xã Tả Lèng); Bản Thẳm (xã bản Hon)… Bên cạnh tiềm năng, lợi thế cho phát triển du lịch, Tam Đường là địa phương tiếp giáp với khu du lịch Sa Pa, nằm trên hành trình của những tour du lịch thu hút nhiều du khách như: Sa Pa - Lai Châu - Điện Biên; Kim Bình - Lai Châu - Sa Pa. Năm 2018, toàn huyện thu hút được gần 80.000 lượt khách, doanh thu đạt trên 24,2 tỷ đồng. Năm 2019, tổng lượt khách du lịch đến với huyện Tam Đường đạt hơn 100.000 lượt, doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt trên 30 tỷ đồng (UBND huyện Tam Đường, 2019).
3.1.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội a) Tình hình phát triển kinh tế
- Lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản
Trong năm 2019, trên địa bàn huyện tình hình khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, hạn hán, sạt lở đất làm hư hại một số công trình thủy lợi, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, các chỉ tiêu trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn đạt được các chỉ tiêu đề ra. Năm 2019, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực là 9.714ha, đạt 100,1% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực là 43.200 tấn, đạt 100% kế hoạch. Bình quân lương thực đầu người ước đạt 750 kg/người/năm, đạt 100% kế hoạch.
Giá trị hàng nông sản xuất khẩu đạt 43 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch (UBND huyện Tam Đường, 2019).
- Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Huyện đã tăng cường công tác quản lý các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2019 đạt 213.576 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 53.363 triệu đồng so với năm 2018. Trong đó: công nghiệp khai thác mỏ đạt 23.920 triệu đồng; công nghiệp chế biến đạt 155.384 triệu đồng; công nghiệp sản xuất và phân phối điện nước đạt 34.272 triệu đồng (UBND huyện Tam Đường, 2019).
- Lĩnh vực thương mại, dịch vụ
Huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường tổ chức kiểm tra việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đặc biệt là công tác phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Các dịch vụ bưu chính, viễn thông, công tác phát hành báo chí, thông tin liên lạc luôn đảm bảo thông suốt, kịp thời. Tổng giá trị sản xuất thương mại năm 2019 đạt 257.500 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch. Trong đó: cơ sở kinh doanh thương mại (dịch vụ bán lẻ hàng hóa) doanh thu đạt 221.600 triệu đồng; dịch vụ lưu trú, ăn uống doanh thu đạt 35.900 triệu đồng (UBND huyện Tam Đường, 2019).
- Công tác đầu tư xây dựng cơ bản
Tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng công trình thi công; đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn theo kế hoạch. Tổng kế hoạch vốn được giao năm 2019 là 125.529 triệu đồng; trong đó: vốn xây dựng cơ bản là 87.322 triệu đồng; nguồn vốn sự nghiệp mang tính chất đầu tư là 38.207 triệu đồng. Trong năm, giải ngân được 122.640 triệu đồng, đạt 99% kế hoạch (UBND huyện Tam Đường, 2019).
Tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt việc huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư trên địa bàn để thực hiện chương trình nông thôn mới. Tính đến 31/12/2019, huyện Tam Đường có thêm xã Hồ thầu đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn huyện lên 6 xã, bình quân các tiêu chí trên xã đạt 15,08 tiêu chí/xã (01 xã đạt 15-18 tiêu chí; 6 xã đạt 10-14 tiêu chí) (UBND huyện Tam Đường, 2019).
b) Dân số, lao động - Dân số, dân tộc
Huyện Tam Đường có 14 đơn vị hành chính gồm thị trấn Tam Đường và 13 xã gồm: Lản Nhì Thàng, Thèn Sin, Sùng Phài, Nùng Nàng, Tả Lèng, Bản Hon, Bản Giang, Hồ Thầu, Bình Lư, Bản Bo, Khum Há, Nà Tăm, Giang Ma. Hiện nay, dân số huyện Tam Đường là hơn 56.000 người với 12 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 86%. Với nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, những năm qua Huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác dân tộc. Tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Tam Đường lần thứ III, năm 2019; Xây dựng Đề án thành phần bảo vệ và phát triển dân tộc Lự theo hướng bình đẳng, đồng đều giữa các dân tộc giai đoạn 2020-2030. Tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện như: chương trình 135; chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định 12/2018/QĐ-TTg; chính sách cấp báo, tạp chí theo Quyết định 45/QĐ-TTg.
- Lao động, việc làm
Dân số trong độ tuổi lao động năm 2019 là hơn 33.700 người, chiếm 60,2% tổng dân số trên địa bàn huyện. Với lực lượng lao động đông nên huyện rất chú trọng công tác đào tạo nghề và tạo việc làm mới cho lao động.
Năm 2019, huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho 965 lao động nông thôn theo Đề án 1956, đạt 119,1% kế hoạch, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 48,94%, đạt 100,6% kế hoạch (tăng 1,54% so với năm 2018). Thực hiện tốt giới thiệu việc làm, phối hợp tổ chức tuyên truyền tư vấn lao động trong nước và nước ngoài cho 1.030 lao động. Trong đó, thông qua vốn vay tự tạo việc làm trên địa bàn 566 người; làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, công ty trong tỉnh 115 lao động và ngoài tỉnh là 338 lao động; làm việc nước ngoài theo hợp đồng 08 lao động; thông qua dự án phát triển nông, lâm nghiệp 03 lao động (UBND huyện Tam Đường, 2019).
c) Văn hóa, xã hội - Giáo dục đào tạo
Tiếp tục chỉ đạo đổi mới quản lý giáo dục, phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy và học. Năm học 2019-2020, toàn huyện có 44 trường và 01 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên với 700 lớp, 17.466 học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu việc dạy học với tổng số phòng học, phòng học bộ môn lên 798 phòng. Duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm, năm 2019 huyện có 22/44 trường chuẩn quốc gia, đạt 50% tổng số trường, trong đó: trường chuẩn quốc gia ở bậc Mầm non đạt 43,0%; trường chuẩn quốc gia ở bậc Tiểu học đạt 78,6%; trường chuẩn quốc gia ở bậc Trung học cơ sở đạt 28,6%; trường chuẩn quốc gia ở bậc Trung học phổ thông đạt 50% (UBND huyện Tam Đường, 2019).
- Y tế
Hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác y tế dự phòng được quan tâm thực hiện, tình hình dịch bệnh cơ bản ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Năm 2019 đã tổ chức khám chữa bệnh cho 145.100 lượt người; điều trị nội trú cho 6.900 bệnh nhân; điều trị ngoại trú cho 69.000 bệnh nhân. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu
quốc gia về y tế; quan tâm tạo điều kiện cho đội ngũ y, bác sỹ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; tỷ lệ bác sỹ/vạn dân đạt 5,0 bác sỹ. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai rộng rãi, không xảy ra ca, vụ ngộ độc thực phẩm nào trên địa bàn (UBND huyện Tam Đường, 2019).
- Thông tin tuyên truyền, văn hóa, thể thao
Công tác tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện kinh tế, văn hóa, chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh, của huyện được tập trung chỉ đạo. Chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được nâng lên. Việc thành lập và duy trì hoạt động các đội văn nghệ quần chúng tại địa phương đã phát huy hiệu quả; duy trì hoạt động đưa thông tin tuyên truyền về cơ sở. Tổ chức thành công Tuần Văn hóa - Du lịch huyện Tam Đường năm 2019; Lễ hội Văn hóa Động Tiên Sơn, các hoạt động Chợ phiên Tam Đường. Tổ chức thành công các giải thể thao cấp huyện theo kế hoạch, tổ chức các đoàn tham gia các hội diễn, giải thi đấu thể dục, thể thao của tỉnh đạt nhiều thành tích cao. Đẩy mạnh công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư vào du lịch: tổ chức thành công “Hội thảo giới thiệu tiềm năng, định hướng phát triển du lịch huyện Tam Đường năm 2019” (UBND huyện Tam Đường, 2019).
- Chương trình đảm bảo an sinh xã hội
Tổ chức tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, các chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời theo quy định; quan tâm chỉ đạo tổ chức các hoạt động công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em; chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019; tăng cường triển khai, thực hiện chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020.