Thanh toán bù trừ trong hoạt động NHĐL là việc chỉ thanh toán phần chênh lệch giữa các giao dịch mua và các giao dịch bán có cùng cặp tiền tệ hoặc của một loại tiền tệ của nhiều cặp tiền tệ khác nhau, cùng ngày giá trị thanh toán giữa ngân hàng với NHĐL.
Tiền tệ được sử dụng trong thanh toán bù trừ là đồng tiền clearing tức là đồng tiền không được chuyển đổi ra bất kỳ đồng tiền nào khác, không được chuyển khoản sang các tài khoản khác, bên nào dư nợ sẽ phải trả bằng ngoại tệ tự do hoặc chuyển sang tài khoản vay nợ năm sau. Tùy theo sự thỏa thuận của hai bên, tiền tệ clearing có thể được lựa chọn là tiền tệ của một trong hai nước của hai bên hoặc tiền tệ của nước thứ ba. Với phương thức thanh toán này có thể qui định cả hai bên phải mở tài khoản hoặc chỉ cần một bên mở tài khoản
b) Tín dụng quốc tế
- Cho vay các NHTM
Quan hệ đại lý giúp các ngân hàng phá vỡ khoảng cách địa lý. Trong trường hợp một ngân hàng thiếu hụt ngoại tệ trên tài khoản Nostro tại NHĐL nước ngoài, NHĐL này có thể xem xét và cho ngân hàng đối tác vay toàn bộ hoặc vay hỗ trợ một phần lượng ngoại tệ cần thiết thanh toán.
- Cho vay hợp vốn
Cho vay hợp vốn (hay còn gọi là đồng tài trợ) là hình thức cho vay do một nhóm các tổ chức tài chính cùng liên kết lại để tập hợp vốn cho một khách hàng vay và trong đó có một tổ chức tín dụng làm đầu mối, phối hợp các bên tài trợ khác để thực hiện, nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và của các tổ chức tín dụng.
Các tổ chức tham gia thường là các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, ngân hàng đầu tư và các tổ chức tài chính khác.
Trong quan hệ đại lý giữa các ngân hàng, nghiệp vụ cho vay hợp vốn được tiến hành trong các trường hợp sau:
• Nhu cầu vốn vay hoặc bảo lãnh của chủ đầu tư vượt quá giới hạn tối đa cho phép cho vay của một tổ chức tín dụng.
• Các ngân hàng muốn phân tán rủi ro trong kinh doanh.
• Khả năng nguồn vốn của một tổ chức tín dụng không đáp ứng được nhu cầu vốn của dự án.
Cho vay hợp vốn phần lớn được sử dụng trong những tổ chức cho vay rất lớn, việc liên kết với nhau cho phép một tổ chức có thể cung cấp một khoản vay lớn mà vẫn đảm bảo và kiểm soát được nguồn tín dụng cho vay và chia sẻ rủi ro giữa các ngân hàng, bởi vì số tiền đó là của nhiều ngân hàng gộp lại.
c) Tài trợ ngoại thương
Tín dụng ngân hàng quốc tế thường do các ngân hàng thương mại cung cấp nhằm tài trợ cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu và hoạt động đầu tư nước ngoài. Loại hình này được thực hiện dưới các hình thức phổ biến sau:
- Tài trợ xuất khẩu
Bao gồm các dịch vụ cơ bản:
+ Bao thanh toán quốc tế: Là nghiệp vụ bao thanh toán dựa trên hợp đồng xuất khẩu hàng hóa mà khách hàng và con nợ là những doanh nghiệp ở các nước khác nhau mà ngân hàng của hai bên có quan hệ đại lý. Vai trò của đơn vị bao thanh toán là thu tiền nợ nước ngoài bằng việc tiếp cận với nhà xuất khẩu tại đất nước của mình và truy đòi lại nhà nhập khẩu hoặc ngân hàng của nhà nhập khẩu.
+ Chiết khấu bộ chứng từ theo phương thức tín dụng chứng từ: Để đáp ứng nhu cầu vốn, nhà xuất phẩu sau khi giao hàng có thể thương lượng với ngân hàng để ngân hàng thực hiện chiết khấu bộ chứng từ hoặc ứng trước tiền trước khi bộ chứng từ được thanh toán. Sau đó, ngân hàng sẽ chủ động theo dõi và nhận lại tiền từ ngân hàng xuất trình - lúc này đóng vai trò là NHĐL của ngân hàng đó tại nước nhà nhập khẩu.
+ Cho vay trên cơ sở chứng từ thanh toán theo phương thức nhờ thu: Khi ngân hàng xử lý bộ chứng từ và gửi đi nhờ thu, ngân hàng sẽ cung cấp một khoản ứng trước theo tỷ lệ phần trăm thỏa thuận dựa trên các khoản nhờ thu tồn đọng chưa nhận được tiền cho nhà xuất khẩu. Phương thức này tương tự hình thức chiết khấu bộ chứng từ theo phương thức tín dụng chứng từ. Đối với loại hình này, vì rủi ro rất cao nên lãi suất nợ cũng cao hơn so với các hình thức tài trợ khác, đôi khi ngân hàng yêu cầu nhà
xuất khẩu phải có tài sản đảm bảo là chứng từ gửi hàng mang lại quyền kiểm soát hàng hóa cùng tờ hối phiếu đang trong quá trình nhờ thu.
- Tài trợ nhập khẩu
Bao gồm các dịch vụ ngân hàng thương mại cho bên nhập khẩu vay bằng việc ngân hàng chấp nhận trả tiền cho người xuất khẩu, hoặc bảo lãnh vay vốn nước ngoài, ký quỹ mở L/C...
Ngoài ra, NHĐL còn thực hiện nghiệp vụ tài trợ L/C theo nguồn vốn vay của NHĐL. Điều này có nghĩa ngân hàng có quan hệ đại lý với ngân hàng của người nhập khẩu và cấp cho ngân hàng của người nhập khẩu hạn mức tín dụng với mục đích tài trợ các L/C nhập khẩu. Bao gồm hai loại:
Loại 1: Ngân hàng của người nhập khẩu chỉ định NHĐL là ngân hàng thanh toán (“pay through” bank) khi phát hành L/C. Khi đến hạn thanh toán, NHĐL sẽ thanh toán theo chỉ dẫn của ngân hàng của người nhập khẩu. Thời điểm ngân hàng của người nhập khẩu nhận nợ NHĐL chính là ngày thanh toán và trùng với thời điểm khách hàng nhận nợ ngân hàng của người nhập khẩu.
Loại 2: Khi phát hành L/C không có chỉ định NHĐL là ngân hàng thanh toán (“pay through” bank). Khi đến hạn thanh toán, NHĐL sẽ thanh toán trực tiếp cho người thụ hưởng theo ủy thác của ngân hàng của người nhập khẩu. Thời điểm ngân hàng của người nhập khẩu nhận nợ NHĐL chính là ngày thanh toán và trùng với thời điểm khách hàng nhận nợ ngân hàng của người nhập khẩu.