Techcombank luôn đi đầu trong lĩnh vực đào tạo nhân viên cũng như là một thương hiệu được biết đến với đội ngũ nhân viên có chuyên môn tốt với số lượng nhân viên lên tới 7290 người và khoảng 95% có trình độ Đại học trở lên. Tuy nhiên, nhân
lực dành riêng cho mảng thiết lập và phát triển quan hệ đại lý là chưa nhiều và chưa thực sự tương xứng với tầm cỡ quy mô hoạt động. Như đã nêu, chỉ có duy nhất hai nhân viên chính lo về mảng nghiệp vụ này tại Trung tâm Thanh toán của Techcombank. Thực sự đây là một con số quá ít ỏi với tầm quan trọng của mảng nghiệp vụ này. Chính vì vậy, Techcombank cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách huấn luyện cho nhân viên hoặc tổ chức đồng thời thực hiên các chương trình giao lưu, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ NHĐL với các chuyên gia trong nước và nước ngoài để nâng cao trình độ.
Cụ thể, hiện nay Techcombank chỉ có hai chuyên viên chính phụ trách mảng NHĐL thì cần có sự bổ sung nhân lực ít nhất là bốn nhân viên. Công việc này cần thực hiện triển khai sớm, bởi nó không quá khó để thực hiện trong khi lợi ích mang lại không chỉ giảm bớt được áp lực cho từng nhân viên mà còn là điều kiện cơ bản cho việc đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo kiến thức nghiệp vụ cho nhân viên các phòng ban liên quan cũng như các Chi nhánh, phòng giao dịch của Techcombank trên phạm vi cả nước vì khi nhân lực đã chủ động hơn, Techcombank hoàn toàn có thể sắp xếp khung thời gian hợp lý để chuyên viên mảng NHĐL có thời gian để đến các khu vực, địa bàn tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, giải đáp các thắc mắc liên quan cho các chi nhánh, đơn vị của Techcombank.
Tiếp theo, cần thường xuyên tổ chức các “kỳ thi tuân thủ” về mảng chuyên môn, cụ thể là “Quan hệ đại lý” để khuyến khích nhân viên cố gắng làm việc, vừa thể hiện định hướng phát triển không ngừng của ngân hàng. Nguồn nhân lực hiệu quả phải là những con người đáp ứng yêu cầu kỹ thuật công nghệ hiện đại theo hướng năng động, nhạy bén trong việc tìm thị trường, phát triển sản phẩm dịch vụ tương thích, biết đưa ra những sản phẩm mới từ trong những dịch vụ truyền thống, biết hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ truyền thống trên nền tảng công nghệ hiện đại. Thêm vào đó, kết quả của các đợt thi sẽ là cơ sở để Techcombank đánh giá việc trình độ, năng lực nhân viên của mình đang ở đâu, họ thiếu kiến thức gì, cần bổ sung thêm điều gì để kịp thời đưa ra những biện pháp đào tạo phù hợp nhất.
Bên cạnh kỹ năng nghiệp vụ thì tinh thần phấn đấu, cạnh tranh lành mạnh cũng là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc. Đội ngũ nhân viên vững nghiệp vụ và chuyên môn, có tinh thần cầu tiến và ham học hỏi chính là tài sản quý giá giúp các ngân hàng
nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của mình, bởi chỉ khi có động lực thì nhân viên mới phát huy hết khả năng và trách nhiệm của mình. Trong mối quan hệ hợp tác với các ngân hàng hay tổ chức nước ngoài, nhân lực giỏi sẽ làm cầu nối để hai bên xích lại gần nhau và thiết lập sự hợp tác song phương.
Cụ thể, giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực NHĐL:
- Chuẩn hóa những tiêu chuẩn của nhân viên Trung tâm Thanh toán, cụ thể phòng Kiều hối và dịch vụ khách hàng về trình độ nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, tin học,...
- Tiếp tục khuyến khích sử dụng và kết hợp nhiều phương thức truyền tin trong hoạt động ngân hàng quốc tế như Telex, thư tín và điện SWIFT một cách linh hoạt.
- Tổ chức định kỳ các buổi huấn luyện và bồi dưỡng kỹ năng xử lý nghiệp vụ cho nhân viên, đồng thời thảo luận về những sai sót trong nghiệp vụ (nếu có). Triển khai công việc đào tạo đến tận các khu vực, chi nhánh, phòng giao dịch của Techcombank để cả hệ thống sẽ cập nhật thông tin và phương hướng phát triển hoạt động đại lý trong tương lai một cách thống nhất, chính xác.
- Tổ chức giao lưu với chuyên gia đến từ các NHĐL thành viên để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm giữa hai bên, có kế hoạch đề cử nhân viên theo tu nghiệp nước ngoài trong các lĩnh vực liên quan để tiếp cận với những thành tựu của thế giới, rút ra được bài học để áp dụng vào thực tế của Việt Nam.