Thanh toán trực tuyến được coi là một mắt xích quan trọng để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Mặc dù trong các giao dịch mua - bán hàng, dù là trực tiếp hay trực tuyến, thói quen chi trả bằng tiền mặt vẫn chi phối nhưng không thể phủ nhận sự phát triển của thương mại điện tử trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội của Việt Nam hiện nay. Bởi thanh toán trực tuyến đã đem lại cho người sử dụng những tiện ích lớn. Đầu tiên kể đến đó là tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch. Các giao dịch qua kênh điện tử có chi phí vận hành thấp, chi phí chủ yếu là đầu tư ban đầu. Thứ hai, việc thanh toán trực tuyến nhanh hơn so với việc giao dịch trực tiếp truyền thống. Nếu sử dụng hình thức tiền mặt trao tay giữa các ngân hàng trên thế giới thì thời gian sẽ phải tính theo ngày, thế nhưng với giao dịch trực tuyến thì đường đi sẽ rút ngắn hơn rất nhiều, không còn bị giới hạn nhiều bởi không gian địa lý. Do đó, là một ngân hàng hiện đại, Techcombank cần nắm bắt được cơ hội này. Việc tham gia các mạng lưới thanh toán quốc tế còn mở rộng thị trường, thúc đẩy cơ hội được làm việc với nhiều ngân hàng uy tín trên thế giới, từ đó xây dựng được mối quan hệ giữa các bên và dần tiến tới việc thiết lập quan hệ đại lý một các dễ dàng hơn.
Thế nhưng, sự ra đời và phát triển của các mạng lưới thanh toán quốc tế luôn đi cùng với những cải tiến về kỹ thuật. Điều đó giải thích vì sao các thành viên tham gia vào các mạng lưới này đều quy chuẩn về mặt công nghệ và chuyên nghiệp về nghiệp vụ. Chính vì vậy, tham gia vào các mạng lưới quốc tế mang lại cho Techcombank cơ hội tiếp cận với phong cách làm việc hiện đại và từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh của mình. Trong khi đó, từ trước tới nay, Techcombank luôn được đánh giá là một ngân hàng đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào các hoạt động của mình. Luôn cập nhật những ứng dụng hiện đại và xử lý linh hoạt được các nghiệp vụ, nên đây chính là cơ hội để Techcombank phát huy được lợi thế vốn có của mình về công nghệ trong việc đáp ứng tiêu chuẩn tham gia các hệ thống này.
Hiện tại, số lượng các ngân hàng Việt Nam tham gia vào liên minh của một số tổ chức thẻ ở các nước chưa nhiều. Trong tương lai, Techcombank cần đẩy mạnh hơn nữa việc tìm hiểu và sớm xác định cho mình những chiến lược phù hợp để phát triển trong các mạng lưới thanh toán quốc tế, tổ chức thanh toán quốc tế lớn như Eurogiro, Moneygram (Mỹ), American Express, tổ chức thẻ Visa, Mastercard...
Để làm được như vậy, Techcombank cần:
- Tìm hiểu hệ thống các mạng lưới thanh toán quốc tế, nghiên cứu ưu, khuyết điểm, cơ hội tham gia, tiềm năng phát triển của các mạng lưới thanh toán và bản thân các ngân hàng về mặt tài chính, công nghệ, danh tiếng và uy tín trên cơ sở tìm hiểu, thăm dò ý kiến thị trường, các khách hàng hiện tại của Techcombank nói riêng và người sử dụng các dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam nói chung để từ đó đánh giá mức độ ưu tiên nhằm xác định nhóm các tổ chức thanh toán, các mạng lưới thanh toán cần hợp tác.
- Thường xuyên cập nhật thông tin về hoạt động của các tổ chức thanh toán, các mạng lưới thanh toán quốc tế để chọn lựa thời điểm và cơ hội hợp tác. Việc tham gia các mạng lưới thanh toán quốc tế sẽ mở ra những cơ hội lớn, thế nhưng nó cũng đòi hỏi từ phía các thành viên những điều kiện nhất định như phí, uy tín, tài chính. Chỉ khi nào ngân hàng đảm bảo được việc sẽ hoạt động hiệu quả khi tham gia thì mới nên đăng kí bởi nếu không khi vận hành sẽ xảy ra những sai sót, những bất cập xét về mặt hệ thống gây ra những rủi ro, tổn thất. Đặc biệt là khi quyết định tham gia nhưng về phía nhu cầu khách hàng lại không có nhiều, khiến cho phí thành viên duy trì mất nhưng không đem lại lợi ích về mặt tài chính cho ngân hàng.
- Không ngừng cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, điều này sẽ được làm rõ trong những giải pháp tiếp theo.