Doanh nghiệp vừa và nhỏ có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế mỗi nước, kể cả các nước có trình độ phát triển cao. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá như hiện nay thì Chính phủ các quốc gia đều có chủ trương, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm huy động tối đa các nguồn lực và hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Đối với Việt Nam, tầm quan trọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ lại càng được thể hiện rõ nét.
Thứ nhất, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số các
doanh nghiệp Việt Nam. Trong các loại hình sản xuất kinh doanh ở nước ta hiện nay,
doanh nghiệp vừa và nhỏ có sức lan toả trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Theo kết quả điều tra năm 2015 của Tổng cục thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ta chiếm 97.5% tổng số các doanh nghiệp thuộc các hình thức: Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Biểu đồ 2.1 Cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam từ năm 2010 - 2015
(Đơn vị tính: %)
Tính đến hết năm 2015, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của nước ta là 324, 691 DN. Theo tiêu chí lao động, số DN lớn là 7,750 DN, chiếm 2.4%, số DNNVV là 316,941 DN, chiếm 97.6% (trong đó DN vừa là 6,853 DN, chiếm 2.1%,
DN nhỏ là 93,356 DN, chiếm 28.8% và DN siêu nhỏ là 216,732 DN, chiếm tỷ lệ cao nhất với 66.8%). Theo quy mô vốn, tại thời điểm 31/12/2015 số doanh nghiệp lớn là 15,369 DN, chiếm 4.7%, số DNNVV là 309.322 DN, chiếm 95.3% (trong đó DN vừa là 39,421 DN chiếm 1.,1% trong tổng số DN; DN nhỏ là 269.901 DN, chiếm 83.1% trong tổng số DN).
Thứ hai, doanh nghiệp vừa và nhỏ là nơi tạo ra công ăn việc làm chủ yếu cho
lao động trong nước, thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cho hoạt dộng sản xuất kinh doanh và đóng góp đáng kể vào tổng thu nhập quốc dân. Lao động làm việc
trong các DNNVV đã từng đạt tới con số 8.06 triệu người. Khu vực DNNVV ngoài nhà nước là khu vực thu hút nhiều lao động nhất với 6.48 triệu người (chiếm 88.6% trong toàn bộ DNNVV), bình quân giai đoạn 2010 - 2015 mỗi năm thu hút thêm 17.4% lao động. Khu vực DNNVV đóng góp quan trọng và tăng khá nhanh vào ngân sách quốc gia trong những năm qua. Năm 2010, DNNVV đóng góp vào ngân sách nhà nước 54 nghìn tỷ đồng, năm 2015 tăng lên 123.8 nghìn tỷ đồng, trong đó các DNNVV khu vực ngoài nhà nước đóng góp 115 nghìn tỷ đồng, chiếm 64.6% trong tổng mức đóng góp của khối DNNVV.
Tóm lại, DNVVN là lực lượng đông đảo nhất của khối doanh nghiệp và có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2011 đã gây khó khăn không nhỏ đối với toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam nói chung và khu vực DNNVV nói riêng. Chính vì vậy, DNVVN rất cần sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các Bộ ngành, các địa phương cũng như sự nỗ lực không nhỏ của chính các doanh nghiệp để góp phần giảm thiểu tác động của cuộc suy thoái. Bên cạnh đó những nỗ lực, bản thân Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền các cấp và bản thân cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục để cải thiện hơn nữa môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các DNNVV phát triển.