Nghiên cứu học tập dựa vào trải nghiệ mở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn tự nhiên và xã hội lớp ba tại các trường tiểu học quận bình thạnh, thành phố hồ chí minh​ (Trang 25 - 28)

Ở Việt Nam, việc nghiên cứu hay ứng dụng về học tập dựa vào trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm trong giáo dục bắt đầu trễ hơn so với thế giới. Có thể kể đến một số công trình sau:

Năm 2003, Vũ Thị Ngọc Uyên với bài báo “Vận dụng mô hình giáo dục trải nghiệm của David A. Kolb vào dạy học môn TN & XH ở tiểu học” đã chỉ ra được những lí do khiến môn TN & XH ở tiểu học phù hợp để giáo dục trải nghiệm. Bên cạnh đó, dựa vào mô hình giáo dục trải nghiệm của Kolb, tác giả đưa ra cách thức vận dụng mô hình này trong tổ chức dạy học môn TN & XH (Vũ Thị Ngọc Uyên, 2003).

Năm 2006, tài liệu Học mà chơi - Chơi mà học: Hướng dẫn các hoạt

động Giáo dục môi trường trải nghiệm do Dự án giáo dục môi trường Hà Nội

và Trung tâm Con người và Thiên nhiên biên soạn đã đề cập đến học tập dựa vào trải nghiệm. Tài liệu này giới thiệu tóm tắt khái niệm học tập dựa vào trải nghiệm và giới thiệu một số hoạt động trò chơi thực hành nhằm giáo dục môi trường cho HS tiểu học và trung học cơ sở. Dự án này đã triển khai thực hiện tại Hà Nội trên 12 trường tiểu học và 11 trường trung học cơ sở (Dự án giáo dục môi trường Hà Nội và Trung tâm Con người và Thiên nhiên, 2006).

Năm 2014, Bài báo Vận dụng mô hình giáo dục trải nghiệm David Kolb

trong dạy học ở tiểu học của Võ Trung Minh đã tiến hành phân tích và áp dụng

mô hình giáo dục trải nghiệm của Kolb vào dạy học ở tiểu học. Tác giả đã nhấn mạnh vai trò của trải nghiệm cá nhân trong học tập: thông qua trải nghiệm các tình huống thực tế từ cuộc sống, HS học được kĩ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện. Bên cạnh đó, tác giả cũng giới thiệu 6 bước cơ bản để vận dụng mô hình này trong dạy học bao gồm: giới thiệu hoạt động trải nghiệm, thực hành trải nghiệm thực tiễn, chia sẻ “những gì đã xảy ra” về kinh nghiệm có được, phân tích và xử lí những kinh nghiệm thu được, khái quát hóa kinh nghiệm thu được từ thế giới thực, ứng dụng và kiểm nghiệm (Võ Trung Minh, 2014).

Năm 2015, trong bài báo Hình thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm

sáng tạo trong nhà trường phổ thông, tác giả Bùi Ngọc Diệp đã trình bày về

quan niệm hiện nay của nhà trường phổ thông về hoạt động trải nghiệm sáng tạo và một số hình thức tổ chức các hoạt động này trong nhà trường phổ thông. Tác giả cũng đưa ra nhận định: tính chất cơ bản của hoạt động trải nghiệm sáng tạo là các hoạt động tập thể mà ở đó, cá nhân chủ động thực hiện các nhiệm vụ với sự nỗ lực, sáng tạo và đặc điểm riêng của mình (Bùi Ngọc Diệp, 2015).

Năm 2015, Doãn Ngọc Anh với nghiên cứu Vận dụng mô hình giáo dục

trải nghiệm của David A. Kolb vào dạy học môn giáo dục học ở trường Đại học sư phạm cũng nhấn mạnh vai trò của việc học tập trải nghiệm đối với chất lượng

đào tạo. Tác giả cho rằng học tập dựa vào trải nghiệm sẽ khuyến khích sinh viên phát triển tư duy phê phán, tự định hướng cách thức giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định trong hoàn cảnh có liên quan đến bản thân (Doãn Ngọc Anh, 2015). Tác giả Chu Thị Hồng Nhung với nghiên cứu Vận dụng mô hình giáo dục

trải nghiệm của David A. Kolb vào việc giáo dục lòng nhân ái cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi ở trường Mầm non (2015) cũng tiến hành phân tích 4 giai đoạn trong

mô hình giáo dục trải nghiệm của Kolb và đề xuất giáo dục lòng nhân ái cho trẻ mẫu giáo bằng hoạt động trải nghiệm. Tác giả đã chỉ ra rằng hoạt động trải nghiệm có thể tác động đến cảm xúc của trẻ và giúp trẻ có hành vi tích cực đối với con người và môi trường xung quanh (Chu Thị Hồng Nhung, 2015).

Nghiên cứu năm 2016: Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy

học Vật lí ở trường phổ thông của tác giả Tưởng Duy Hải cũng nhấn mạnh: hoạt

động trải nghiệm là một trong những nội dung chính hợp thành chương trình tổng thể giáo dục phổ thông nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục sau 2015. Tác giả đã tiến hành nghiên cứu cơ sở lí luận và đề xuất tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học bộ môn Vật lí ở trường phổ thông theo mục tiêu phát triển năng lực HS. Mặt khác, tác giả cũng đề xuất bố trí lại khung thời gian học tập và xây dựng các kiến thức theo chủ đề học tập để khi học tập, HS có môi trường thực hiện các hoạt động trải nghiệm trong thực tế cuộc sống (Tưởng Duy Hải, 2016).

Năm 2016, Đỗ Thị Phương Thảo và Nguyễn Hữu Tuyến với nghiên cứu

Tổ chức cho HS trung học cơ sở hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học Toán đã tiến hành đánh giá, đưa ra các bước tổ chức và minh hoạt cụ thể về hoạt

động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học Toán ở trường trung học cơ sở. Từ đó, tác giả khẳng định hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học Toán là một cách tiếp cận dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học (Đỗ Thị Phương Thảo và Nguyễn Hữu Tuyến, 2016).

Công trình “Xây dựng một số hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho HS tiểu

học” năm 2016 của nhóm tác giả Đinh Thị Thiện Tâm, Trần Thị Như, Nguyễn

Xa Hoài, Trần Thị Kim Cúc đã xác định hoạt động trải nghiệm là một nội dung giáo dục quan trọng, là một trong những điểm đổi mới của chương trình phổ thông tổng thể sau 2015. Các tác giả đã tiến hành nghiên cứu về hoạt động trải nghiệm ở góc nhìn hoạt động giáo dục (ngoài môn học) với các nội dung: cơ sở lí luận của hoạt động trải nghiệm, thực trạng tổ chức và hiệu quả của các hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm hiện nay, khả năng tổ chức và thực hiện hoạt động trải nghiệm của GV và HS. Bên cạnh đó, các tác giả cũng cho rằng tổ chức hoạt động trải nghiệm cho HS tiểu học là việc làm cần thiết, hướng tới mục tiêu giáo dục hiệu quả, toàn diện cho HS (Đinh Thị Thiện Tâm et al., 2016).

Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, có khá ít những công trình nghiên cứu về hoạt động trải nghiệm trong môn học ở tiểu học và hầu như chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu về dạy học môn TN & XH bằng hoạt động trải nghiệm cho đối tượng cụ thể là HS lớp Ba, cũng như chưa có tài liệu tham khảo nào về hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba. Do đó, ở đề tài này, tác giả luận văn sẽ đi sâu nghiên cứu cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn của vấn đề dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm. Từ đó, thiết kế những hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn tự nhiên và xã hội lớp ba tại các trường tiểu học quận bình thạnh, thành phố hồ chí minh​ (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(187 trang)