Hoạt động trải nghiệm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn tự nhiên và xã hội lớp ba tại các trường tiểu học quận bình thạnh, thành phố hồ chí minh​ (Trang 29 - 30)

Về trải nghiệm, theo Từ điển Tiếng Việt, “Trải có nghĩa là đã từng qua, từng biết, từng chịu đựng; còn nghiệm có nghĩa là kinh qua thực tế nhận thấy điều nào đó là đúng” (Hoàng Phê, 1992).

Hay theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, theo nghĩa chung nhất, trải nghiệm là bất kì một trạng thái nào trong đời sống tâm lí chứa đựng xúc cảm của chủ thể thông qua việc cảm nhận, trải qua, đọng lại cùng với tri thức, ý thức,... Ở khía cạnh tâm lí học, nó là những tín hiệu nội tại của chủ thể. Thông qua đó, chủ thể tiếp nhận các sự việc, sự kiện và đưa ra phản hồi mang màu sắc cá nhân từ ý tưởng đến hành vi (Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, 2005).

Một cách hiểu khác theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, trải nghiệm “là tri thức hay sự thông thạo về một sự kiện hay một chủ đề có được thông qua tham gia sự can dự hay tiếp xúc trực tiếp”. Hay trải nghiệm được xem là quá trình hoạt động tích cực của cá nhân để thu thập kinh nghiệm. Đó có thể là kinh nghiệm, nhận định tốt hoặc xấu, tích cực hay tiêu cực,... phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như môi trường sống và đặc điểm cá nhân mỗi người. (Wikipedia, 2018).

Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục [...] tạo cơ hội cho HS: huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học và lĩnh vực giáo dục khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống gia đình, nhà trường và xã hội; tham gia vào tất cả các khâu của quá trình hoạt động, từ thiết kế hoạt động đến chuẩn bị, thực hiện và đánh giá kết quả hoạt động; trải nghiệm, bày tỏ quan điểm, ý tưởng sáng tạo, lựa chọn ý tưởng hoạt động; thể hiện và tự khẳng định bản thân, đánh giá và tự đánh giá kết quả hoạt động của bản thân, của nhóm và của các bạn... dưới sự hướng dẫn, tổ chức của nhà giáo dục, qua đó hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi được tuyên bố trong chương trình tổng thể và các năng lực đặc thù của Hoạt động trải nghiệm (Đinh Thị Kim Thoa, 2017).

Từ những định nghĩa trên, trong phạm vi đề tài này, tác giả luận văn tiếp cận về Hoạt động trải nghiệm như sau: Hoạt động trải nghiệm là một hoạt động giáo dục có mục đích, được tiến hành dưới sự hướng dẫn, tổ chức của nhà giáo dục. Qua đó, HS được trực tiếp tham gia một sự kiện hay tương tác với các đối tượng một cách tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo. Nói cách khác, HS được trải nghiệm, bày tỏ và lựa chọn ý tưởng, thực hiện và đánh giá ý tưởng, được tự đánh giá và đánh giá kết quả hoạt động của nhóm, cá nhân khác. Từ đó, HS được hình thành và phát triển những phẩm chất và các năng lực cần thiết.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn tự nhiên và xã hội lớp ba tại các trường tiểu học quận bình thạnh, thành phố hồ chí minh​ (Trang 29 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(187 trang)