Đặc điểm tâm sinh lí, nhận thức của HS lớp Ba

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn tự nhiên và xã hội lớp ba tại các trường tiểu học quận bình thạnh, thành phố hồ chí minh​ (Trang 32 - 35)

* Đặc điểm về thể chất

Ở giai đoạn lớp Ba, hệ cơ và hệ xương của HS đã phát triển hơn so với lớp Một, Hai và tương đối hoàn thiện. Các em có thể thực hiện những vận động cơ bản như đi, đứng, chạy nhảy, bò, giữ thăng bằng, dùng kéo, dùng bút để viết, vẽ... một cách khá linh hoạt. Do đó, các em rất thích tham gia vào những hoạt động đòi hỏi sự thử thách và khéo léo.

Hệ tuần hoàn của HS lớp Ba chưa hoàn thiện như người lớn. Do đó, nhịp tim của các em nhanh và dễ có những xúc động trước sự vật, hiện tượng. Còn đối với hệ thần kinh, chúng bước vào giai đoạn phát triển mạnh, thể hiện ở sự hoàn thiện của não bộ từ khối lượng, trọng lượng đến cấu trúc. Trong giai đoạn

này, những phản xạ có điều kiện hình thành ngày càng nhiều và nhanh chóng. Thế nhưng, với HS lớp Ba, quá trình hưng phấn diễn ra mạnh hơn quá trình ức chế. Vì thế, khả năng tự chủ, kiên trì, kiềm chế bản thân trước những kích thích còn hạn chế.

Tất cả các đặc điểm trên tạo điều kiện cho HS lớp Ba bước đầu chuyển từ tư duy trực quan hình ảnh sang tư duy trừu tượng. Do vậy, tổ chức hoạt động trải nghiệm để dạy học các môn học nói chung và dạy học môn TN & XH lớp Ba nói riêng là việc làm cần thiết. Bởi lẽ, nó vừa tạo hứng thú cho HS vừa thúc đẩy sự phát triển về tư duy sáng tạo và cảm xúc của các em trong quá trình học tập.

* Đặc điểm tâm lí, nhận thức

Tri giác

Về tri giác, HS lớp Ba có tính tỉ mỉ, chủ định cao hơn so với HS lớp Một, Hai. Tri giác của các em có mục đích, định hướng rõ ràng và dần mang tính xúc cảm. Các em thích quan sát những gì có màu sắc rực rỡ, chuyển động, mới lạ, trực tiếp gây xúc cảm cho các em. Đồng thời, tri giác của các em thường gắn với hành động, tức là các em phải làm một hoạt động gì đó với sự vật, hiện tượng như nhìn ngắm, sờ mó, cầm nắm, ngửi, nếm,... Do đó, việc dạy học kết hợp đa giác quan là biện pháp hiệu quả để giúp các em có được biểu tượng chính xác về sự vật, hiện tượng và thúc đẩy sự hoàn thiện của các giác quan ở trẻ. Nói một cách khác, để tri giác của HS lớp Ba chính xác và đầy đủ hơn, phân hóa rõ ràng và có chọn lọc về những dấu hiệu đặc trưng của sự vật, hiện tượng thì việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho HS lớp Ba, để các em trực tiếp tiếp xúc với các dụng cụ học tập, các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống xung quanh là một hình thức phù hợp.

Chú ý

Về chú ý, chú ý của HS lớp Ba bắt đầu ổn định hơn so với trước đó. Chú ý có chủ định dần phát triển và chiếm ưu thế. Đồng thời, các em bắt đầu có sự điều

chỉnh chú ý của mình, nỗ lực thực hiện các hoạt động học tập. Tuy nhiên, hiệu quả của việc chú ý còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mức độ hấp dẫn của các hoạt động học tập, tình cảm, hứng thú của các em, sự rực rỡ, mới mẻ, bất ngờ,... Các em hầu như chỉ tập trung và duy trì chú ý đối với những hoạt động mà các em trực tiếp tham gia, làm ra sản phẩm của riêng mình. Do vậy, GV cần biết tạo hứng thú, động cơ cho HS trong quá trình học tập bằng việc tổ chức các hoạt động hấp dẫn nhằm duy trì sự tập trung và chú ý của HS. Đặc biệt, ở giai đoạn lớp Ba, HS bắt đầu có ý thức về giới hạn thời gian trong việc nỗ lực hoàn thành một nhiệm vụ học tập.

Trí nhớ

Về trí nhớ, HS lớp Ba chủ yếu vẫn là trí nhớ trực quan – hình tượng. Các em ghi nhớ, nhớ lại kiến thức thông qua trực quan tốt hơn bằng lời và ghi nhớ, nhớ lại những gì đã trực tiếp làm tốt hơn những gì được nghe giảng. Như vậy, nếu HS lớp Ba được học tập trải nghiệm thì trẻ sẽ dễ dàng nhớ và nhớ lâu hơn về khái niệm, đặc điểm, tính chất, mối liên hệ của các sự vật, hiện tượng mà trẻ đã tiếp xúc.

Tưởng tượng

Về tưởng tượng, HS lớp Ba thường gắn liền với những hình tượng tri giác trước đó và có thể tạo ra những hình tượng khác mang màu sắc cá nhân thông qua các hoạt động vẽ, cắt dán, làm mô hình,... Vốn kinh nghiệm sống càng phong phú thì tưởng tượng của các em càng đa dạng. Bên cạnh đó, tưởng tượng của các em cũng bị yếu tố cảm xúc chi phối. Vì vậy, hoạt động trải nghiệm chính là môi trường để các em phát huy khả năng tưởng tượng, sáng tạo của bản thân.

Tư duy

Về tư duy của HS lớp Ba, các em bước đầu biết phân tích tổng hợp dù các em vẫn chưa chú trọng nhiều đến những thuộc tính bên trong của sự vật, hiện tượng. Tuy nhiên ở giai đoạn này, HS bắt đầu chuyển dần từ tư duy trực quan cụ thể sang tư duy trừu tượng, nghĩa là bắt đầu nhận thức những đặc điểm về

thuộc tính và tính chất của sự vật, hiện tượng. Khi suy luận và tiếp thu các khái niệm, HS thường dựa vào quan sát hoặc lấy các đối tượng cụ thể thay cho định nghĩa. Bên cạnh đó, kĩ năng phân biệt các dấu hiệu và chỉ ra các thuộc tính, tính chất của đối tượng không dễ dàng thực hiện. Điều này dẫn đến những sai lầm khi các em lĩnh hội các khái niệm, thuộc tính. Như vậy, học tập dựa vào trải nghiệm giúp các em phát triển tư duy, các em sẽ suy luận được sự vật, hiện tượng một cách chính xác hơn, cụ thể hơn; hình thành được khái niệm về sự vật, hiện tượng đầy đủ, sâu sắc hơn. Do đó, GV cần lưu tâm đến việc dẫn dắt HS tìm hiểu, khám phá tri thức thông qua những hoạt động có cảm xúc, hoạt động tập thể, phát huy tính sáng tạo cá nhân.

Qua những phân tích trên, việc tổ chức cho HS lớp Ba trực tiếp tham gia vào các hoạt động trải nghiệm trong học tập môn TN & XH là việc làm cần thiết và phù hợp đặc điểm tâm sinh lí, nhận thức của các em. Điều này giúp cho hoạt động nhận thức của HS về sự vật, hiện tượng diễn ra dễ dàng, đúng đắn và đầy đủ hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn tự nhiên và xã hội lớp ba tại các trường tiểu học quận bình thạnh, thành phố hồ chí minh​ (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(187 trang)